Tin bệnh viện An Sinh

Bệnh viện An Sinh tổ chức tập huấn hồi sức sơ sinh tại phòng sanh năm 2023

Cập nhật lúc: 4:42:31 CH - 27/12/2023

Vừa qua, Bệnh viện An Sinh đã tổ chức Tập huấn hồi sức sơ sinh tại phòng sanh cho bác sĩ, điều dưỡng và nữ hộ sinh đang làm việc tại khoa phòng khám và điều trị. Thời gian tập huấn được tổ chức từ ngày 11/12 đến ngày 24/12/2023

 



 

Vừa qua, Bệnh viện An Sinh đã tổ chức Tập huấn hồi sức sơ sinh tại phòng sanh cho bác sĩ, điều dưỡng và nữ hộ sinh đang làm việc tại khoa phòng khám và điều trị. Thời gian tập huấn được tổ chức từ ngày 11/12 đến ngày 24/12/2023.

 

Hồi sức sơ sinh tại phòng sinh là thủ thuật cần thiết cho trẻ sơ sinh trong trường hợp người mẹ mắc bệnh mạn tính, tiền căn sảy thai, tiền sản giật, tai biến chuyển dạ, ngôi thai bất thường, sinh non, mang đa thai, sa dây rốn, chuyển dạ kéo dài, vỡ ối, dịch ối lẫn phân su...

 

Bác sĩ sẽ dựa vào chỉ số Apgar tổng điểm của 5 chỉ số Apgar được thực hiện ở các thời điểm 1 phút, 5 phút và 10 phút ngay sau sinh gồm nhịp tim, hô hấp, trương lực cơ, phản xạ và màu da để xem xét có nên hồi sức sơ sinh hay không.

 

Cách đánh giá chỉ số Apgar để xem xét hồi sức sơ sinh như sau:

Chỉ số Apgar 8 - 10: Là chỉ số bình thường, không cần hồi sức.

Chỉ số Apgar 4 - 7 điểm: Trẻ bị ngạt nhẹ, cần hồi sức thở.

Chỉ số Apgar 0 - 3 điểm: Trẻ bị ngạt nặng, cần hồi sức thở và hồi sức tim.

Nhân viên y tế không cần vỗ lưng trẻ mà chỉ cần xoa dọc cột sống lưng của trẻ sơ sinh khoảng 2 - 3 lần trong khi lau khô là đủ để kích thích trẻ thở.

 

Các thao tác hồi sức sơ sinh như sau:

Thông đường thở: Giữ đầu của trẻ ở tư thế trung gian để giúp đường thở thông thoáng. Chỉ hút đờm nhớt nếu dịch ối lẫn phân su, trẻ không khóc, không cử động tay chân. Hút dịch miệng, mũi và hầu họng của trẻ ở vùng nhìn thấy có dịch tiết, không nên hút sâu vào cuống họng của trẻ, thao tác này có thể gây ngưng thở, chậm nhịp tim.

 

Hỗ trợ hô hấp: Chọn cỡ mặt nạ phù hợp, ôm vừa vặn vào miệng và mũi trẻ. Bóp bóng qua mặt nạ với túi dự trữ, tần suất bóp bóng khoảng 40 - 60 lần/phút. Lưu ý khi bóp bóng đảm bảo lồng ngực của trẻ nhô lên theo mỗi nhịp bóp. Ở trẻ rất nhỏ cần chú ý không để lồng ngực di động quá nhiều để tránh nguy cơ gây tràn khí màng phổi. 

 

Đảm bảo tuần hoàn tối thiểu có hiệu quả: Thực hiện ấn tim ngoài lồng ngực nếu nhịp tim của trẻ dưới 60 lần/phút sau 30 - 60 giây hỗ trợ hô hấp mà lồng ngực có di động. Cần ấn tim 90 lần phối hợp với 30 lần thổi ngạt trong 1 phút (tỷ lệ ấn tim/thổi ngạt là 3/1 trong 2 giây). Người thực hiện hồi sức sơ sinh đặt 2 ngón tay cái trên xương ức, dưới đường nối 2 vú của trẻ 1 khoát ngón tay. Ấn sâu 1⁄3 đường kính trước sau của lồng ngực.

 

Thực hiện đúng hướng dẫn hồi sức sơ sinh sẽ giúp trẻ vượt qua giai đoạn nguy hiểm và phát triển khỏe mạnh bình thường sau này.

 

Một số hình ảnh trong các buổi Tập huấn hồi sức sơ sinh tại phòng sanh tại Bệnh viện An Sinh:

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

  

Bệnh viện An Sinh 

 

 

 

 

Các tin tức khác:
[Trở về]