Kiến thức y học

Bệnh tim mạch những điều bạn cần biết

Cập nhật lúc: 3:56:21 CH - 08/01/2024

Bệnh tim mạch (CVD) là tình trạng sức khỏe xuất hiện do các rối loạn của tim hoặc mạch máu gồm tĩnh mạch và động mạch. Bệnh có thể có sự kết hợp của các yếu tố nguy cơ gồm thói quen lối sống, chế độ ăn uống không lành mạnh, mắc bệnh mạn tính như tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu

 



 

Bệnh tim mạch (CVD) là tình trạng sức khỏe xuất hiện do các rối loạn của tim hoặc mạch máu gồm tĩnh mạch và động mạch. Bệnh có thể có sự kết hợp của các yếu tố nguy cơ gồm thói quen lối sống, chế độ ăn uống không lành mạnh, mắc bệnh mạn tính như tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu, ảnh hưởng bởi không khí ô nhiễm, thể trạng béo phì, không vận động thể chất, nghiện thuốc lá hoặc bia rượu, căng thẳng thường xuyên. Một vài yếu tố làm tăng nguy cơ tim mạch của một người gồm bệnh sử gia đình, chủng tộc, giới tính, tuổi tác.

 

Tim là một phần quan trọng của hệ thống tim mạch đối với sự sống. Tim có kích cỡ bằng nắm tay, nằm ở giữa phổi, hơi lệch về phía trái nhưng lại là cơ quan làm việc chăm chỉ nhất. Mỗi ngày, tim bơm khoảng 7.200 lít máu, tim đập khoảng 100.000 lần mỗi ngày. Với mỗi nhịp đập, tim bơm máu đi khắp cơ thể thông qua hệ thống tuần hoàn được tạo từ tim, máu và mạch máu. Máu mang oxy và chất dinh dưỡng tới các mô và các cơ quan thông qua các mạch máu đi khắp cơ thể và thải các độc tố ra khỏi cơ thể.

 

Bệnh tim

Bệnh mạch vành, đôi khi còn được gọi là bệnh động mạch vành hoặc bệnh tim thiếu máu cục bộ, là bệnh tim phổ biến nhất. Nguyên nhân là do các động mạch vành cung cấp máu cho cơ tim bị thu hẹp. Ở một số người, dấu hiệu đầu tiên của bệnh mạch vành là cơn đau tim.

 

Đau tim, nhồi máu cơ tim

Một cơn đau tim hay nhồi máu cơ tim, xảy ra khi dòng máu dẫn đến tim bị cản trở bởi các cục máu đông. Cơ tim suy yếu dần khi không nhận đủ lượng oxy và chất dinh dưỡng. Cơn đau tim, nhồi máu cơ tim có thể không gây tử vong nếu được phát hiện sớm và chăm sóc y tế kịp thời. Tuy nhiên, tình trạng này có thể gây tổn thương lâu dài cho sức khỏe tim mạch.

 

Đột quỵ

Đột quỵ xảy ra khi nguồn cung cấp máu lên não bị gián đoạn, khiến não mất đi nguồn cung cấp oxy và dưỡng chất nuôi các tế bào não. Đột quỵ có thể do cục máu đông trong động mạch não gây ra hoặc khi mạch máu trong não bị vỡ và chảy máu, làm tổn thương mô não nghiêm trọng.

 

Một số vấn đề tim mạch thường gặp khác gồm:

Rối loạn nhịp tim xảy ra khi nhịp tim không đều hoặc bất thường

Bệnh động mạch chủ là động mạch chính lớn nhất của cơ thể, bị phình to hoặc vỡ

Bệnh cơ tim là các vấn đề liên quan đến cơ tim, gây rối loạn hoạt động của cơ tim

Bệnh tim bẩm sinh hoặc khuyết tật tim bẩm sinh

Huyết khối tĩnh mạch sâu, nguyên nhân chính gây thuyên tắc mạch phổi do cục máu đông ở tĩnh mạch chân, có thể vỡ ra và di chuyển đến tim và phổi.

Suy tim xảy ra khi cơ tim không đủ khả năng bơm máu cung cấp oxy và dinh dưỡng cho cơ thể như bình thường.

Bệnh van tim, một chức năng quan trọng của hệ tim mạch, có vai trò đóng mở để đảm bảo lưu lượng máu đi qua tim.

Bệnh màng ngoài tim do nhiễm trùng làm viêm túi mô mỏng bao quanh tim.

Bệnh thấp tim là tình trạng xảy ra khi nhiễm liên cầu khuẩn, gây tổn thương tim, khớp và mạch máu.

Bệnh mạch máu là tình trạng liên quan tới các mạch máu bị tổn thương, ảnh hưởng đến hệ tuần hoàn trong cơ thể.

Bệnh mạch máu ngoại biên để chỉ các bệnh của hệ động mạch là tình trạng xơ vữa động mạch liên quan tới mạch máu ở cánh tay và chân.

Bệnh mạch máu não xảy ra khi mạch máu cung cấp máu cho não bị tổn thương nghiêm trọng.

 

Điều cần làm để giảm nguy cơ tim mạch

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, có tới 80% cơn đau tim, nhồi máu cơ tim có thể phòng ngừa hiệu quả. Phần lớn các biến cố tim mạch do các vấn đề sức khỏe sức khỏe tiến triển như tăng huyết áp, tăng cholesterol, thừa cân béo phì, đái tháo đường (tiểu đường), rối loạn chuyển hóa. Duy trì lối sống lành mạnh, dinh dưỡng hợp lý, tập thể dục thường xuyên, hạn chế rượu bia thuốc lá, theo dõi huyết áp, nồng độ cholesterol và lượng đường trong máu rất quan trọng đối với sức khỏe tim mạch.

 

Chế độ dinh dưỡng lành mạnh và cân bằng

Một chế độ ăn uống đầy đủ và cân bằng các nhóm chất thiết yếu rất quan trọng để duy trì một trái tim và hệ tuần hoàn khỏe mạnh. Dinh dưỡng lành mạnh cần phong phú và đa dạng các loại thực phẩm tươi sống chưa qua chế biến, tăng lượng rau xanh, trái cây và củ quả ít nhất năm phần mỗi ngày, bổ sung ngũ cốc và các loại hạt, hạn chế chất béo bão hòa, gia vị đường và muối. Hãy cảnh giác với thực phẩm chế biến sẵn, thức ăn nhanh vì chúng thường chứa lượng dầu mỡ và muối cao, uống đủ nước theo nhu cầu của cơ thể.

 

Luyện tập thể dục đều đặn

Chỉ cần 30 phút hoạt động thể chất với mức độ vừa phải, 5 ngày một tuần cũng góp phần quan trọng trong việc cải thiện và duy trì sức khỏe tổng thể của bạn. Người trưởng thành (18 tuổi tới 65 tuổi) và người cao tuổi (trên 65 tuổi) nên đặt mục tiêu ít nhất 150 phút vận động vừa sức hoặc 75 phút vận động mạnh mỗi tuần. Trẻ em và thanh thiếu niên nên vận động thể chất vừa sức ít nhất 60 phút mỗi ngày.

Hãy cố gắp tập thể dục thường xuyên như một phần không thể thiếu trong cuộc sống của bạn, chẳng hạn như sử dụng thang bộ thay cho thang máy, tận dụng các khoảng thời gian nghỉ ngơi hoặc rảnh rỗi cho việc đi bộ. Hoạt động thể chất là một cách tuyệt vời để giảm căng thẳng và kiểm soát cân nặng, cả hai yếu tố này đều làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch.

 

Giữ cân nặng hợp lý

Giảm nguy cơ thừa cân và béo phì thường liên quan đến việc giảm số lượng calo tiêu thụ từ chất béo và đường, tăng khẩu phần ăn trái cây, rau, ngũ cốc nguyên hạt và các loại hạt hàng ngày và tập thể dục thường xuyên. Ít nhất 60 phút tập thể dục hầu hết các ngày trong tuần sẽ giúp bạn duy trì trọng lượng cơ thể khỏe mạnh. 

 

Không hoặc bỏ hút thuốc lá

Nếu bạn ngừng hút thuốc, nguy cơ mắc bệnh mạch vành sẽ giảm đi một nửa trong khoảng một năm và dần trở lại bình thường theo thời gian. Tránh tiếp xúc với khói thuốc lá, hút thuốc lá thụ động, làm giảm đáng kể nguy cơ đau tim, nhồi máu cơ tim. Tất cả các dạng thuốc lá, thuốc lá điếu, thuốc lào, thuốc lá điện tử… đều gây nguy hại cho sức khỏe. Nếu bạn gặp khó khăn trong việc bỏ thuốc lá, hãy nói chuyện với bác sĩ để có giải pháp phù hợp.

 

Hạn chế bia rượu

Cũng như hút thuốc lá, tiêu thụ nhiều bia rượu không an toàn và nguy cơ sức khỏe vượt xa so với lợi ích mà rượu bia mang lại. Hạn chế rượu bia, bạn có thể giảm nguy cơ tim mạch. Tuy nhiên, ngừng uống bia rượu tốt hơn cho sức khỏe, ngay cả những người uống rượu ở mức độ vừa phải cũng nhận thấy lợi ích sức khỏe khi họ ngừng uống rượu.

 

Quản lý căng thẳng

Căng thẳng có thể khiến động mạch bị thắt chặt, từ đó làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, đặc biệt là ở phụ nữ. Tập thể dục, hít thở sâu, thư giãn cơ bắp và dành thời gian cho những việc bạn yêu thích là những hoạt động rất có lợi cho sức khỏe tinh thần và kiểm soát mức độ căng thẳng tốt hơn. Nếu mọi thứ bắt đầu vượt quá tầm kiểm soát, đừng ngại nói chuyện với ai đó hoặc tìm kiếm sự trợ giúp từ bác sĩ hoặc chuyên gia tâm lý.

Biết các chỉ số sức khỏe của bạn

Biết các chỉ số kiểm tra sức khỏe là một phần quan trọng trong việc giữ gìn và bảo vệ trái tim luôn khỏe mạnh và đều nhịp. Theo dõi và ghi lại các chỉ số huyết áp, nồng độ cholesterol và đường huyết một cách thường xuyên, điều này sẽ giúp bác sĩ và bạn xác định và kiểm soát nguy cơ phát triển bệnh tim mạch.

 

Biết chỉ số huyết áp

Tăng huyết áp là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra cơn đau tim, nhồi máu cơ tim. Bệnh thường không có triệu chứng rõ ràng, vì vậy điều quan trọng là phải kiểm tra huyết áp thường xuyên và nếu cần, thực hiện các biện pháp cần thiết để ngăn ngừa biến chứng, bao gồm thay đổi chế độ ăn uống, tăng cường hoạt động thể chất và tuân thủ điều trị của bác sĩ.

 

Biết chỉ số cholesterol

Nồng độ cholesterol trong máu tăng cao sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, gồm đau tim, nhồi máu cơ tim. Mức cholesterol thường có thể được kiểm soát thông qua chế độ ăn uống và rèn luyện thể chất mỗi ngày.

 

Biết chỉ số đường huyết

Người mắc bệnh đái tháo đường (tiểu đường) hoặc lượng đường trong máu tăng cao sẽ làm tăng nguy cơ đau tim và nhồi máu cơ tim. Vì vậy, điều quan trọng là phải biết chỉ số đường huyết, thực hiện các biện pháp phòng ngừa để kiểm soát lượng đường trong máu và tuân thủ điều trị của bác sĩ.

 

Lắng nghe cơ thể nhận biết sớm các dấu hiệu cảnh báo

Bạn nên đến bệnh viện thăm khám và tìm kiếm sự hỗ trợ của bác sĩ càng sớm càng tốt. Điều trị các vấn đề tim mạch khác nhau tùy theo tình trạng và mức độ bệnh lý. Bác sĩ có thể đề nghị bạn tự theo dõi sức khỏe tại nhà trong một khoảng thời gian kết hợp thay đổi lối sống lành mạnh, chế độ dinh dưỡng hợp lý, tập thể dục thường xuyên để đánh giá lại tình trạng và mức độ bệnh lý. Đối với người được chẩn đoán tăng huyết áp hoặc đang điều trị thuốc giảm huyết áp cần tuân thủ điều trị và hướng dẫn của bác sĩ nhằm ngăn ngừa nguy cơ biến chứng, ảnh hưởng tới sức khỏe tim mạch.

 

 

Bệnh viện An Sinh

Thông tin tham khảo không thay thế việc thăm khám và tư vấn bác sĩ

 

 

Bệnh viện An Sinh đã triển khai Bệnh án điện tử ngoại trú (EMR) một trong những nỗ lực nâng tầm chất lượng dịch vụ và phục vụ, mang đến trải nghiệm tiện ích công nghệ khi đi khám bệnh với ưu điểm tiết kiệm thời gian và chi phí khám chữa bệnh. Tất cả dữ liệu kết quả khám sức khỏe, các xét nghiệm và hình ảnh chẩn đoán lưu trữ lâu dài trên hệ thống PACS được kết nối với bệnh án điện tử. Bạn chủ động quản lý thông tin sức khỏe, thuận tiện cho việc theo dõi, so sánh kết quả với lần thăm khám tiếp theo để có hướng cải thiện và nâng cao sức khỏe tổng thể tốt hơn.