Kiến thức y học

Phòng bệnh là gì? Làm thế nào để bạn có thể phòng ngừa bệnh tật hiệu quả?

Cập nhật lúc: 10:01:15 SA - 29/11/2023

“Sức khỏe là tài sản vô giá”. Câu nói phổ biến này có sức nặng rất lớn bởi nó chứa đựng nhiều sự thật phía sau. Cũng giống như phòng bệnh hơn chữa bệnh. Vậy thì phòng bệnh là gì? Làm thế nào bạn có thể phòng ngừa bệnh tật hiệu quả? Một câu hỏi cũng phổ biến không kém nhưng có thể không có câu trả lời phù hợp với tất cả mọi người.

 



 

“Sức khỏe là tài sản vô giá”. Câu nói phổ biến này có sức nặng rất lớn bởi nó chứa đựng nhiều sự thật phía sau. Cũng giống như phòng bệnh hơn chữa bệnh. Vậy thì phòng bệnh là gì? Làm thế nào bạn có thể phòng ngừa bệnh tật hiệu quả? Một câu hỏi cũng phổ biến không kém nhưng có thể không có câu trả lời phù hợp với tất cả mọi người.

 

Mỗi người sẽ có cơ địa khác nhau, khả năng phát triển khác nhau, môi trường và điều kiện sống khác nhau, chế độ sinh hoạt, thói quen và dinh dưỡng khác nhau... Tuy nhiên, khi bạn có sức khỏe tốt sẽ cho phép bạn học tập, làm việc và tận hưởng một cuộc sống hạnh phúc hơn.

 

Sau đây là một số gợi ý giúp bạn luôn duy trì một cơ thể khỏe mạnh cả thể chất lẫn tinh thần và quan trọng nhất vẫn phòng ngừa bệnh tật hiệu quả.

 

Chọn lựa thực phẩm lành mạnh

Thực phẩm là nguồn dinh dưỡng nuôi sống cơ thể. Để luôn có sức khỏe tốt, phòng ngừa bệnh tật, bạn nên hạn chế sử dụng các loại thực phẩm chế biến sẵn vì chúng có thể gây nguy hại cho sức khỏe. Tốt nhất, bạn nên dành thời gian tự nấu các bữa ăn tại nhà để có thể chủ động chọn lựa nguyên liệu chế biến và kiểm soát khẩu phần mỗi bữa ăn.

Theo khuyến cáo, thói quen tiêu thụ hơn 4 phần thực phẩm chế biến sẵn có liên quan đến tăng nguy cơ bệnh tật lên tới 62%. Đối với mỗi khẩu phần ăn bổ sung, tỷ lệ bệnh tật tăng do mọi nguyên nhân lên tới 18%. Thực phẩm chế biến sẵn có thể gây viêm mãn tính, thúc đẩy quá trình lão hóa sớm của cơ thể, góp phần gây ra bệnh tim mạch, tăng huyết áp, đái tháo đường (tiểu đường), rối loạn mỡ máu, thậm chí là ung thư.

Các thực phẩm siêu chế biến gồm:

  • Khoai tây chiên
  • Bánh mì trắng
  • Bánh rán
  • Bánh quy
  • Bánh granola hoặc thanh protein
  • Ngũ cốc ăn sáng
  • Bột yến mạch ăn liền
  • Kem cà phê
  • Nước ngọt
  • Sữa lắc

Nếu dùng thực phẩm đóng hộp, bạn nên đọc cận thận các thành phần trên nhãn thực phẩm. Hầu hết các loại thực phẩm đóng hộp đều có nhiều hơn năm thành phần hoặc có những thành phần bạn không thể biết. Mặc dù có các loại thực phẩm dán nhãn ăn kiêng, tốt cho sức khỏe, không đường, không béo nhưng chưa chắc đã tốt cho sức khỏe.

Chế độ ăn uống lành mạnh có điểm chung gì? Chúng thường bao gồm các loại rau xanh, trái cây, củ quả, các loại đậu, đậu lăng, ngũ cốc nguyên hạt, gạo lứt, yến mạch, các loại hạt, các loại dầu thực vật nguyên chất… mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe.

Nếu có thể bạn hãy hỏi ý kiến bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng để xây dựng một chế độ ăn uống khoa học, phù hợp với thể trạng để luôn duy trì một sức khỏe tốt.

 

Kiểm soát nồng độ cholesterol

Cholesterol là một thành phần của lipid máu. Cholesterol được phân thành 2 loại gồm là LDL-c (cholesterol xấu) và HDL-c (cholesterol tốt). Vì sao cần phải kiểm soát nồng độ cholesterol? Vì cholesterol trong máu cao trong thời gian dài sẽ dẫn đến hiện tượng lắng động ở thành động gây xơ vữa động mạch, các mảng xơ vữa tăng dần gây hẹp hoặc tắc động mạch, góp phần thúc đẩy các vấn đề tim mạch, nhồi máu cơ tim và đột quỵ. Dựa vào kết quả xét nghiệm cholesterol, bác sĩ có thể tư vấn cho bạn cách duy trì mức cholesterol khỏe mạnh.

 

Theo dõi huyết áp thường xuyên

Bạn có đang bị tăng huyết áp không? Tăng huyết áp được bác sĩ chẩn đoán sau một thời gian theo dõi và đo được nhiều lần ≥ 140/90 mmHg. Theo Hiệp hội tim mạch thế giới (AHA), chỉ số huyết áp lý tưởng ở một người trưởng thành ≤ 120/80 mmHg. Tăng huyết áp tiến triển là nguyên nhân dẫn đến các vấn đề bệnh tim mạch, nhồi máu cơ tim, đột quỵ. Bạn nên giảm cân nếu đang bị thừa cân béo phì, chỉ cần giảm từ 1 - 2 kg cân nặng cũng có thể giúp phòng ngừa và kiểm soát tốt bệnh tăng huyết áp. Hãy tìm một hoạt động bạn thích để duy trì việc tập luyện thường xuyên. Điều này giúp cải thiện và tạo ra sự khác biệt lớn về cả huyết áp và sức khỏe tổng thể của bạn.

 

Thức dậy và vận động thể chất

Một số quan niệm sai lầm phổ biến ở nhiều người là tập thể dục phải tập trong phòng tập hay tập tại các câu lạc bộ thể thao. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là tần suất (mức độ thường xuyên), cường độ (mức độ khó) và thời gian (bao lâu). Bạn có thể tập thể dục ở bất cứ đâu bạn muốn, tăng dần mức độ và có thể kết hợp các mức độ tập luyện khác nhau. Hãy đặt mục tiêu cụ thể, chẳng hạn như tháng này đi bộ 5.000 bước, tháng sau sẽ tăng số bước lên khoảng 10.000 bước. Thói quen vận động thường xuyên, có thể giúp ngăn ngừa và kiểm soát hiệu quả sự tiến triển của một số bệnh lý mãn tính như tăng huyết áp, đái tháo đường (tiểu đường), hội chứng rối loạn chuyển hóa và bệnh tim mạch.

Tập thể dục không cần và cũng không nên thực hiện liên tục trong một khoảng thời gian kéo dài nhất định. Tùy theo điều kiện sức khỏe và thời gian, bạn có thể đi bộ 30 đến 60 phút một lần mỗi ngày hoặc có thể thực hiện từ 2 - 3 hoạt động khác nhau trong một ngày với khoảng thời gian tăng dần từ 10 đến 20 phút. Thực ra, có rất nhiều lựa chọn cho việc tập thể dục, bạn có thể tham khảo trên internet hoặc tải các ứng dụng sẵn có miễn phí, thực hiện theo các hướng dẫn của các giáo viên, chuyên gia. Dành thời gian di dạo trong công viên, hòa mình vào thiên nhiên cũng mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe.

 

Theo dõi chỉ số khối lượng cơ thể (BMI)

Thừa cân béo phì là tình trạng phản ánh sự tích tụ chất béo dư thừa trong cơ thể. Kết quả của việc tiêu thụ quá nhiều chất đường hoặc chất béo, dẫn đến dư thừa năng lượng trong nhiều năm. Tình trạng này tác động tiêu cực đến sức khỏe tổng thể, nguyên nhân gây rối loạn chuyển hóa, dẫn đến các vấn đề sức khỏe mạn tính khác. Để biết cân nặng của bạn có phù hợp với chiều cao hay không, hãy tính chỉ số khối cơ thể (BMI) của bạn bằng công thức BMI = cân nặng (kg) / chiều cao² (m).

Phân loại mức độ béo - gầy dựa theo BMI:

  • Thiếu cân ≤ 18,5
  • Bình thường: 18 - 24.9
  • Thừa cân ≥ 25 - 29,9
  • Béo phì ≥ 30

Nếu bạn bị thừa cân hoặc béo phì, bạn có nguy cơ cao mắc các vấn đề sức khỏe gồm bệnh tim mạch, tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, đái tháo đường típ 2, sỏi mật, viêm thấp khớp, các vấn đề về hô hấp và một số bệnh ung thư.

 

Kiểm soát lượng đường trong máu

Cách hiệu quả để tránh tăng đường huyết là cần cắt giảm hoặc loại bỏ các loại thức uống và các loại thực phẩm có chứa nhiều đường. Tiêu thụ quá nhiều đường có thể khiến lượng đường trong máu tăng cao. Nếu mắc bệnh đái tháo đường (tiểu đường) nguy cơ tổn thương tim mạch, thận, mắt và thần kinh sẽ tiến triển theo thời gian.

Ngoài việc tìm hiểu nguyên nhân khiến lượng đường trong máu tăng cao, Hiệp hội Tim mạch thế giới (AHA) khuyến cáo một số biện pháp giúp kiểm soát lượng đường trong máu hiệu quả bằng cách thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh, kiểm soát cân nặng, hạn chế bia rượu và thuốc lá, tích cực vận động thể chất.

Khi tình trạng huyết áp, đường huyết và nồng độ cholesterol được kiểm soát tốt, trong giới hạn bình thường, sẽ giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch và ung thư.

 

Bỏ hút thuốc lá

Nếu bạn có thói quen hút thuốc lá thường xuyên, có lẽ bạn không có lựa chọn nào khác để cải thiện sức khỏe của mình tốt hơn là bỏ hút thuốc lá. Khoa học đã chứng minh người hút thuốc lá có nhiều khả năng mắc bệnh tim mạch, nhồi máu cơ tim, đột quỵ, một số bệnh ung thư và hơn thế nữa so với những người không hút thuốc lá. Hút thuốc lá còn làm tăng nguy cơ tử vong do ung thư.

Theo số liệu cảnh báo của các tổ chức sức khỏe, người nghiện hút thuốc lá có thể giảm ít nhất 10 năm tuổi thọ so với những người không bao giờ hút thuốc. Những người bỏ thuốc có thể giảm 90% nguy cơ tử vong do hút thuốc. Khói thuốc lá còn ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe của người hít phải khói thuốc lá, đặc biệt là trẻ em và phụ nữ đang mang thai.

 

Giấc ngủ ngon mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe

Có thể nhiều người chưa biết về tầm quan trọng của một giấc ngủ ngon đối với sức khỏe tổng thể. Giấc ngủ ngon có khả năng chữa lành và giúp cơ thể mau chóng hồi phục khiến cơ thể cảm thấy khỏe khoắn, tinh thần sảng khoái hơn khi thức dậy vào buổi sáng hôm sau. Điều này tác động mạnh mẽ đến sức khỏe thể chất và tinh thần. Nếu bạn khó đi vào giấc ngủ, thường xuyên gặp vấn đề về giấc ngủ, hãy cố gắng tạo thói quen ngủ tốt. Thói quen ngủ tốt bao gồm đi ngủ và thức dậy vào cùng một thời điểm mỗi ngày, tránh ăn quá no, hoạt động mạnh và sử dụng nhiều bia rượu, hạn chế sử dụng điện thoại, máy tính khoảng 2 tiếng trước khi đi ngủ.

Một số hoạt động thư giãn giúp bạn ngủ ngon hơn như:

  • Nghe nhạc êm dịu.
  • Thực hành chánh niệm hoặc thiền định.
  • Suy nghĩ về các hoạt động tích cực diễn ra trong ngày.
  • Đọc sách.
  • Uống trà thảo mộc, trà hoa cúc giúp tinh thần thoải mái
  • Tập vài động tác yoga nhẹ nhàng khoảng 10 phút.

 

Không bỏ qua các buổi khám sức khỏe định kỳ và phòng bệnh bằng vaccine

Khám sức khỏe tổng quát định kỳ hàng năm là một thói quen tốt giúp bạn luôn duy trì một duy trì một cơ thể phát triển khỏe mạnh toàn diện, thể chất và tinh thần. Các vấn đề sức khỏe được phát hiện sớm, có biện pháp phòng ngừa hiệu quả, tăng khả năng điều trị thành công. Hiện nay, một số bệnh lý đã có vắc xin phòng bệnh. Vắc xin được chứng minh là biện pháp phòng bệnh an toàn và hiệu quả.

Khám sức khỏe và sàng lọc sớm bệnh lý phổ biến được bác sĩ thăm khám chỉ định khác nhau tùy theo tình trạng sức khỏe của mỗi người gồm độ tuổi, yếu tố nguy cơ, bệnh sử bản thân và gia đình.

 

Phòng bệnh hiệu quả để đảm bảo sức khỏe cho bạn và gia đình bạn luôn trong trạng thái khỏe mạnh không thể chỉ thực hiện sau một đêm. Tuy nhiên, bạn cần chủ động thực hiện các bước thay đổi cần thiết, duy trì lối sống, thói quen và chế độ ăn uống lành mạnh. Theo thời gian, bạn sẽ nhận được những sự chuyển biến tích cực đối với sức khỏe tổng thể, trở thành người khỏe mạnh và hạnh phúc nhất có thể.

 

 

Bệnh viện An Sinh

Thông tin tham khảo không thay thế việc thăm khám và tư vấn bác sĩ

 

 

Bệnh viện An Sinh đã triển khai Bệnh án điện tử ngoại trú (EMR) một trong những nỗ lực nâng tầm chất lượng dịch vụ và phục vụ, mang đến trải nghiệm tiện ích công nghệ khi đi khám bệnh với ưu điểm tiết kiệm thời gian và chi phí khám chữa bệnh. Tất cả dữ liệu kết quả khám sức khỏe, các xét nghiệm và hình ảnh chẩn đoán lưu trữ lâu dài trên hệ thống PACS được kết nối với bệnh án điện tử. Bạn chủ động quản lý thông tin sức khỏe, thuận tiện cho việc theo dõi, so sánh kết quả với lần thăm khám tiếp theo để có hướng cải thiện và nâng cao sức khỏe tổng thể tốt hơn.