Kiến thức y học

Sinh con to những điều ba mẹ cần lưu ý

Cập nhật lúc: 2:16:54 CH - 20/10/2023

Tăng trưởng là một chỉ số quan trọng, cho bác sĩ và ba mẹ biết tình trạng sức khỏe và thể trạng của thai kỳ. Đôi khi, em bé phát triển mạnh mẽ hơn mong đợi của ba mẹ dẫn đến thai quá to. Thai quá to là dấu hiệu của một thai kỳ nguy cơ cao, có thể ảnh hưởng đến sức khỏe thai kỳ, cần thăm khám và theo dõi kỹ lưỡng.

 



 

Tăng trưởng là một chỉ số quan trọng, cho bác sĩ và ba mẹ biết tình trạng sức khỏe và thể trạng của thai kỳ. Đôi khi, em bé phát triển mạnh mẽ hơn mong đợi của ba mẹ dẫn đến thai quá to. Thai quá to là dấu hiệu của một thai kỳ nguy cơ cao, có thể ảnh hưởng đến sức khỏe thai kỳ, cần thăm khám và theo dõi kỹ lưỡng.

 

Thai quá to có thể ảnh hưởng đến quá trình chuyển dạ, khả năng hồi phục của mẹ và bé trong thời gian chu sinh. Thời điểm này đóng vai trò quan trọng nhất của con trong giai đoạn đầu đời. Ba mẹ cần lưu ý cho con bú mẹ sớm nhất có thể để con nhận được nguồn sữa non bổ dưỡng.

 

Trẻ sơ sinh thường có cân nặng trung bình khoảng 3200 gram đến 3400 gram. Thông thường, trẻ sơ sinh đủ tháng có cân nặng ngay thời điểm vừa lọt lòng mẹ khoảng từ 2600 gram đến 3800 gram. Một em bé được gọi là thai quá to khi trọng lượng lúc chào đời có cân nặng từ 4000 gam trở lên. Thực tế, trẻ sơ sinh có mức cân nặng này chiếm khoảng 15%.

 

Khi mang thai quá to khiến quá trình sinh nở trở nên khó khăn hơn cho cả mẹ và con. Trong quá trình chuyển dạ sinh con có thể dẫn đến những chấn thương cho cả mẹ và con, nguy cơ tăng theo trọng lượng của em bé. Khả năng nguy cơ biến chứng cao hơn ở em bé có cân nặng từ 4500 gam đến trên 5000 gam.

 

Khám thai theo định kỳ, quản lý tốt thai kỳ có thai quá to có thể chủ động ngăn ngừa nguy cơ biến chứng có thể xảy ra trong thời gian mang thai cho đến thời điểm nguyên nhân sinh con.

 

Nguyên nhân thai quá to

Có nhiều yếu tố có thể ảnh hưởng sự phát triển và tăng kích thước của bào thai trong lòng tử cung của người mẹ. Bác sĩ không thể biết chính xác nguyên nhân khiến thai phát triển vượt trội. Tuy nhiên, các yếu tố làm thai quá to gồm di truyền, sức khỏe và cân nặng của ba mẹ khi có thai đều có thể góp phần quan trọng đối với cân nặng của thai nhi.

Nguyên nhân thai quá to được xác định bởi các yếu tố sau đây:

  • Đường trong máu cao: Người mẹ mắc bệnh đái tháo đường (tiểu đường) trước khi mang thai hoặc mắc tiểu đường trong thai kỳ có nhiều khả năng sinh con to.
  • Từng sinh con to ở lần sinh trước: Nếu từng sinh con to ở lần mang thai trước thì sẽ có nhiều khả năng sinh con to ở lần mang thai tiếp theo.
  • Béo phì trước khi mang thai: Người mẹ có thể trạng thừa cân béo phì trước khi mang thai thì có nhiều khả năng sinh con nặng cân hơn người mẹ có cân nặng bình thường.
  • Tăng cân quá mức trong thai kỳ: Chế độ dinh dưỡng của người mẹ trong thai kỳ có ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển và trọng lượng của em bé khi sinh ra.
  • Mang thai nhiều lần: Người mẹ càng sinh nhiều con, trẻ càng có xu hướng phát triển nhiều hơn, thai to hơn.
  • Mang thai bé trai: Thông thường, mẹ mang thai bé trai có xu hướng tăng nhiều ký  hơn, bé trai cũng nặng ký so với các bé gái.
  • Chủng tộc: Yếu tố này không chỉ ảnh hưởng đến kích thước của em bé trong giai đoạn bào thai mà còn ảnh hưởng tới tầm vóc khi trẻ chào đời và lớn lên.
  • Thai quá ngày: Thai đủ tháng đủ ngày khoảng 40 tuần, thai kỳ càng kéo dài, em bé sẽ càng lớn, càng tiếp tục tăng cân và phát triển trong bụng mẹ.
  • Mang thai lớn tuổi: Ba mẹ có nhiều khả năng sinh con to nếu mang thai trên 35 tuổi.
  • Dùng carbohydrater đã qua chế biến: Thực phẩm chứa nhiều carbohydrate có thể khiến thai nhi phát triển quá mức, mẹ tăng nhiều cân và dễ mắc các bệnh lý chuyển hóa trong thời gian mang thai như tiểu đường hoặc tăng huyết áp thai kỳ.

 

Dấu hiệu chẩn đoán thai quá to

Mỗi mẹ sẽ có thai kỳ khác nhau, sự phát triển của thai nhi trong thai kỳ cũng khác nhau. Bác sĩ cũng không thể xác định chính xác kích thước và cân nặng của thai nhi trong suốt thai kỳ mà chỉ có thể ước tính kích thước của thai nhi qua những lần thăm khám bằng cách:

  • Dựa vào các yếu tố nguy cơ gồm bệnh sử gia đình, sức khỏe ba mẹ trước khi mang thai, sức khỏe của người mẹ, cân nặng và chế độ ăn uống của người mẹ trong thời gian mang thai… để dự đoán khả năng có sinh con to hay không.
  • Đo chiều cao tử cung: Nếu bụng của người mẹ liên tục phát triển to hơn tiêu chuẩn theo từng cột mốc của tuổi thai thì khả năng sinh con to khi đến cuối thai kỳ.
  • Cảm nhận vùng bụng: Bác sĩ có thể đặt tay di chuyển dọc theo bụng của của người mẹ để cảm nhận kích thước và vị trí của em bé theo kinh nghiệm của mình.
  • Theo dõi sự tăng cân trong thai kỳ: Tăng cân quá mức trong thời gian mang thai cũng có thể dẫn đến sinh con to.
  • Đánh giá trên siêu âm: Khám siêu âm có thể đo kích thước đầu của em bé, vùng bụng và chiều dài cẳng chân, bác sĩ có thể dự đoán cân nặng của em bé.
  • Tình trạng nước ối: Có nhiều nước ối, hay còn gọi là đa ối có liên quan đến khả năng sinh con to.

 

Phòng ngừa khả năng sinh con to

Mặc dù ba mẹ đã áp dụng các biện pháp phòng tránh nhưng vẫn có khả năng mang thai to trong thai kỳ. Bác sĩ sẽ theo dõi sát tình trạng thai nếu có nguy cơ mang thai to, hướng dẫn ba mẹ thời điểm thăm khám, chế độ dinh dưỡng và thay đổi một số thói quen để có một thai kỳ thuận lợi, quá trình sinh nở dễ dàng, mẹ và bé khỏe mạnh hồi phục tốt, quan trọng nhất là ngăn ngừa biến chứng có thể xảy ra khi thai quá to.

 

Bác sĩ theo dõi thai kỳ nguy cơ thai quá to bằng cách:

  • Theo dõi mức độ phát triển của tử cung, đo chiều cao tử cung ở mỗi lần khám.
  • Theo dõi sự tăng cân và phát triển của thai nhi bằng khám siêu âm.
  • Thực hiện một số xét nghiệm sàng lọc trước sinh để chắc chắn rằng mẹ và con khỏe mạnh, không có bất kỳ vấn đề sức khỏe nào.
  • Tầm soát sớm tiểu đường và tăng huyết áp thai kỳ.
  • Kiểm soát tốt đường huyết nếu mắc bệnh tiểu đường trước và trong thai kỳ.
  • Kiểm soát sự tăng cân và tình trạng béo phì trong suốt thai kỳ.

 

Ba mẹ có thể kiểm soát cân nặng của con bằng cách:

Khám sức khỏe trước khi mang thai, khám tiền sản.

Giữ cân nặng khỏe mạnh trước khi mang thai.

Khám thai đầy đủ theo định kỳ

Thực hiện các xét nghiệm sàng lọc theo chỉ định của bác sĩ

Tăng cân có kiểm soát khi mang thai.

Chế độ dinh dưỡng cân bằng hợp lý

Tập thể dục nhẹ nhàng, vừa sức

Khám tư vấn bác sĩ chuyên khoa dinh dưỡng hoặc nội tiết nếu cần thiết.

 

Các biến chứng có thể gặp khi thai quá to

Thai quá to hiếm khi gặp biến chứng nếu được kiểm soát tốt. Tuy nhiên, em bé có cân nặng hơn 4500 gam và 5000 gam sẽ làm tăng nguy cơ sinh khó, bác sĩ thường chỉ định sinh mổ hơn sinh thường.

 

Nguy cơ với em bé khi thai to:

  • Chuyển dạ khó: Em bé khó chui qua ống sinh, thậm chí là bị mắc kẹt trong ống sinh.
  • Chấn thương khi sinh: Bác sĩ có thể cần dụng cụ hỗ trợ để đưa em bé chào đời, những dụng cụ này có thể gây chấn thương cho em bé.
  • Hạ đường huyết sơ sinh: Em bé phát triển lớn hơn bình thường có nhiều khả năng bị hạ đường huyết sau sinh.
  • Suy hô hấp: Em bé tăng nguy cơ suy hô hấp do thời gian chuyển dạ kéo dài hoặc hít phải phân su.
  • Thời gian dưỡng nhi lâu hơn: Trẻ có thể cần chăm sóc hồi sức sơ sinh sau sinh.
  • Béo phì: Cân nặng của trẻ lúc chào đời sẽ ảnh hưởng đến cân nặng khi lớn lên.

 

Nguy cơ với người mẹ khi thai quá to

  • Thời gian chuyển dạ kéo dài.
  • Tổn thương đáy chậu trong khi sinh, rách hoặc cắt tầng sinh môn, đau ở xương cụt.
  • Phải mổ lấy thai
  • Băng huyết sau sinh
  • Tổn thương tiết niệu kéo dài

 

Khi gần đến ngày dự sinh, ba mẹ có thể vui mừng hoặc lo lắng về kích thước quá cỡ của em bé cũng là điều bình thường. Quá trình mang thai to và sinh con to cũng trở nên dễ dàng và thuận lợi nếu ba mẹ có sự chuẩn bị tốt, các yếu tố nguy cơ rủi ro được kiểm soát tốt trong suốt thai kỳ. Sức khỏe của hai mẹ con luôn được đảm bảo trong trạng thái tốt nhất, sẵn sàng chào đón con yêu khỏe mạnh chào đời cũng như khả năng hồi phục sức khỏe của hai mẹ on ở thời kỳ hậu sản.

 

Chúc gia đình bạn có một thai kỳ khỏe mạnh và yên vui!

 

 

Bệnh viện An Sinh

Thông tin tham khảo không thay thế việc thăm khám và tư vấn bác sĩ

 

 

Bệnh viện An Sinh đã triển khai Bệnh án điện tử ngoại trú (EMR) một trong những nỗ lực nâng tầm chất lượng dịch vụ và phục vụ, mang đến trải nghiệm tiện ích công nghệ khi đi khám bệnh với ưu điểm tiết kiệm thời gian và chi phí khám chữa bệnh. Tất cả dữ liệu kết quả khám sức khỏe, các xét nghiệm và hình ảnh chẩn đoán lưu trữ lâu dài trên hệ thống PACS được kết nối với bệnh án điện tử. Bạn chủ động quản lý thông tin sức khỏe, thuận tiện cho việc theo dõi, so sánh kết quả với lần thăm khám tiếp theo để có hướng cải thiện và nâng cao sức khỏe tổng thể tốt hơn.