Tin bệnh viện An Sinh

Bệnh viện An Sinh tổ chức Tập huấn Phản vệ năm 2022

Cập nhật lúc: 1:53:12 CH - 16/06/2022

Trong 2 ngày, 14 và 15/6/2022, Bệnh viện An Sinh tổ chức Tập huấn Phản vệ năm 2022. Mục đích là cập nhật kiến thức mới và nâng cao trình độ năng lực chuyên môn cho toàn thể cán bộ nhân viên bệnh viện và được tổ chức định kỳ hàng năm.

 



 

Trong 2 ngày, 14 và 15/6/2022, Bệnh viện An Sinh tổ chức Tập huấn Phản vệ năm 2022. Mục đích là cập nhật kiến thức mới và nâng cao trình độ năng lực chuyên môn cho toàn thể cán bộ nhân viên bệnh viện. 

 

Chương trình tập huấn vinh dự được hướng dẫn của Bác sĩ CKII Nguyễn Đức Thành – Trưởng khoa Hồi sức tích cực (ICU) Bệnh viện Quân y 175 và có sự tham dự đầy đủ Ban Giám đốc Bệnh viện An Sinh.

 

Phản vệ là một phản ứng quá mẫn tức thì toàn thân nghiêm trọng, diễn biến phong phú, phức tạp. Khởi phát nhanh trong vài phút và kéo dài đến 72 giờ. Có thể phục hồi hoàn toàn nếu được phát hiện sớm và xử trí kịp thời. Phản vệ được phân biệt theo 4 cấp độ từ nhẹ, nặng, nguy kịp đến ngừng hô hấp tuần hoàn. Đây là rủi ro không mong muốn, thường xuất hiện trong quá trình dùng thuốc điều trị như tiêm truyền, chích ngừa, uống, bôi, bị côn trùng đốt…

 

Tại buổi tập huấn, Thông tư số 51/2017/TT-BYT “Hướng dẫn phòng, chẩn đoán và xử trí phản vệ” là phần quan trọng được đưa vào giảng dạy, hướng dẫn triển khai các công việc thực hiện, theo dõi, giám sát hàng ngày. Quan trọng vì điều này giúp ngăn chặn hiệu quả tiến triển phản vệ có thể đe dọa tính mạng người bệnh khi được nhận biết sớm và xử trí kịp thời. 

 

Một số nguyên tắc dự phòng phản vệ quan trọng: 

- Chỉ dùng đường tiêm khi không thể dùng đường uống, truyền tĩnh mạch.

- Không thử phản ứng cho tất cả các loại thuốc trừ trường hợp có chỉ định của bác sĩ.

- Không kê đơn thuốc khi đã biết rõ dị nguyên nhân gây phản vệ cho người bệnh

- Báo cáo tất cả trường hợp phản vệ về Trung tâm Quốc gia về Thông tin Thuốc và Theo dõi phản ứng có hại của thuốc, giữ lại phần thuốc và dịch truyền để kiểm tra.

- Bác sĩ hoặc nhân viên y tế phải khai thác kỹ tiền sử dị ứng thuốc, dị nguyên trước khi kê đơn thuốc.

- Khi xác định rõ nguyên nhân phải cấp thẻ theo dõi dị ứng, người bệnh phải mang theo mỗi đi khám bệnh hoặc điều trị ở bất kỳ bệnh viện nào.

 

Trong xử trí phản vệ, Adrenalin là thuốc thiết yếu, quan trọng hàng đầu dùng để tiêm bắp phải luôn có sẵn để sử dụng khi phát hiện hoặc được chẩn đoán phản vệ từ độ II trở lên. Bác sĩ, y sỹ, điều dưỡng viên, hộ sinh viên, kỹ thuật viên phải nắm vững kiến thức xử trí phản vệ theo Thông tư này. Đối với người có tiền sử phản vệ thì nên mang theo Adrenalin được phép sử dụng trong trường hợp khẩn cấp để tiêm bắp khi không có nhân viên y tế.

 

Bên cạnh việc cập nhật kiến thức phản vệ năm 2022, phản vệ sau tiêm vaccine Covid-19 và một số kinh nghiệm xử trí phản vệ thành công giúp cứu sống người bệnh cũng được chia sẻ và trao đổi chuyên môn tại buổi tập huấn.  

 

 

Một số hình ảnh của buối Tập huấn Phản vệ 2022:

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Bệnh viện An Sinh