Kiến thức y học

Tìm hiểu phương pháp phẫu thuật mắt cận thị

Cập nhật lúc: 9:27:11 SA - 18/03/2019

Chúng ta quá phụ thuộc vào các thiết bị điện tử và lơ là các hoạt động ngoài trời khi còn nhỏ - đây là 2 yếu tố chính trong việc gia tăng tỷ lệ người cận thị. May mắn thay, khoa học không ngừng phát triển và nghiên cứu các phương pháp điều trị thích hợp và hiệu quả cho những người mắc phải cận thị.

 



 

Triệu chứng và dấu hiệu của cận thị 

Nếu bạn bị cận thị, bạn thường gặp vấn đề trong việc nhìn các biển báo giao thông ven đường hay nhìn các vật ở khoảng cách xa. Trong lúc học tập và làm việc, nếu bạn bị cận thị cũng gây khó nhiều khó khăn. Nó làm hạn chế năng suất học tập cũng như quá trình làm việc bị giảm sút. 

Một vài dấu hiệu khác của cận thị bao gồm mắt bị lác từng lúc, mỏi mắt và đau đầu. Cảm thấy mỏi mắt khi lái xe hay chơi thể thao cũng có thể là 1 triệu chứng của cận thị. Nếu bạn đang gặp phải các dấu hiệu hoặc triệu chứng này, hãy đi kiểm tra mắt của bạn lại để xem bạn có cần thay đổi tròng kính của bạn hay không hoặc nhận được sự tư vấn kỹ lưỡng của bác sĩ về các bệnh lý, các phương pháp mổ mắt hay không nhé.

 

 

Cách chữa cận thị 

Cận thị có thể chữa bằng cách đeo kính, kính áp tròng hoặc phẫu thuật khúc xạ. Tùy từng trường hợp, bạn có thể sẽ phải đeo kính thường xuyên suốt hoặc chỉ đeo khi bạn cần tầm nhìn cực kỳ rõ ràng - như khi lái xe, xem phim hay nhìn bảng trong lớp học. 

Còn có 1 phương pháp không cần phẫu thuật được gọi là orthokeratology. Đối với phương pháp này, bạn sẽ đeo 1 kính áp tròng cứng vào buổi tối để định hình lại giác mạc của bạn trong lúc bạn ngủ. Vào buổi sáng hôm sau, khi bạn tháo thiết bị này ra, giác mạc của bạn sẽ tạm thời duy trì ở hình dáng mới, nhờ đó bạn có thể có thị lực rõ hơn mặc dù không đeo kính hay kính áp tròng. Tuy nhiên, với phương pháp này thì bạn vẫn sẽ phụ thuộc vào kính, chỉ có khác là bạn sẽ đeo kính vào ban đêm (khi ngủ) thay vì ban ngày. 

Phẫu thuật khúc xạ mắt có thể giúp bạn giảm cận thị hay loại bỏ hoàn toàn việc phụ thuộc vào kính hay kính áp tròng. Phẫu thuật mắt phổ biến nhất là phẫu thuật với laser excimer và ngày nay vai trò của laser femtosecond ngày càng lớn hơn. Các phương pháp điều trị phẫu thuật cận thị này sẽ được trình bày kỹ hơn bên dưới. 

 


Phẫu thuật khúc xạ là gì? 

Phẫu thuật khúc xạ (hay còn gọi là mổ khúc xạ) là một trong những cách để điều trị tật khúc xạ, bao gồm cả chữa cận thị, loạn thị và viễn thị. 

So với các phương pháp mổ khác trong cơ thể thì phẫu thuật khúc xạ là một trong những can thiệp an toàn nhất, hiệu quả nhất và hầu như không chảy máu cho vùng mắt. Đây là một trong những phương pháp mổ mắt cận thị được dùng phổ biến nhất tại Việt Nam hiện nay. 

Thuật ngữ “phẫu thuật” hay “mổ” thường dùng khi có can thiệp vào cấu trúc của mô. Tuy nhiên, đối với phẫu thuật khúc xạ tại mắt, phần lớn là thao tác nhờ máy móc, tác động xâm lấn tối thiểu đến mắt, chứ không gây chảy máu nhiều như những hình ảnh phẫu thuật các bạn thường thấy trên phim ảnh cũng như truyền thông về phẫu thuật nói chung. Những dấu tích của can thiệp phẫu thuật khúc xạ cũng không thể thấy được bằng mắt thường, mà chỉ quan sát được dưới kính hiển vi với độ phóng đại gấp 10 lần hoặc hơn nữa. Phẫu thuật khúc xạ cũng sẽ không ảnh hưởng gì đến các phẫu thuật khác của mắt trong tương lai như mổ mí đôi, mổ lé, mổ thủy tinh thể, … 

 


Phẫu thuật khúc xạ (cận thị, viễn thị và loạn thị) bằng laser 

Đây là phương pháp mổ mắt rất phổ biến tại Việt Nam trong khoảng 20 năm nay. Ban đầu là laser excimer và sau này là laser femtosecond. Hiện có 4 phân nhóm nhỏ của phẫu thuật khúc xạ dùng laser là LASIK, FemtoLASIK, SMILE, laser bề mặt (PRK). Trong đó, phương pháp LASIK, FemtoLASIK, SMILE là thông dụng hơn cả. 

 

LASIK là phương pháp tạo vạt bằng dao cơ học, sau đó chiếu laser excimer để làm thay đổi công suất giác mạc (làm thay đổi độ cong và chiều dày giác mạc). Chính vì tạo vạt mà LASIK đã khắc phục được những nhược điểm của laser bề mặt, khiến phẫu thuật này trở nên dễ chịu hơn, hiệu quả hơn, an toàn hơn, biên độ mổ cận thị, viễn thị, loạn thị cũng được mở rộng.

 

FemtoLASIK ra đời khi laser femtosecond được ứng dụng để tạo vạt thay cho dao cơ học của LASIK. Với ưu điểm chính xác, tạo vạt bằng laser gần như loại bỏ được các bất lợi của tạo vạt bằng dao. Lực hút trong quá trình tạo vạt bằng laser cũng thấp hơn lực hút của dao cơ học tác động lên mắt. Điều này đặc biệt ý nghĩa ở những bạn có chiều dày giác mạc chỉ vừa đủ để điều trị, vì sai số của laser là 3µm, so với dao cơ học là 30 µm. Ngoài ra hướng tạo vạt của laser cũng giúp vạt ổn định hơn sau khi được đặt lại vị trí ban đầu.

 

SMILE là bước tiến hoàn toàn mới trong mổ cận thị khi tất cả các bước đều dùng laser femtosecond. Nhờ vậy, SMILE không tạo vạt, đường mổ nhỏ chỉ khoảng 2-3mm (so với LASIK, FemtoLASIK tạo vạt là 15mm). Không tạo vạt đồng nghĩa những vấn đề liên quan đến vạt (gót achille của phương pháp tạo vạt) được giải quyết. Đường mổ ngắn giúp thời gian hậu phẫu nhanh hơn, cảm giác khô mắt sau mổ ít hơn, nguy cơ thoái triển (tái cận) cũng thấp hơn. 

 

Laser bề mặt (điển hình là PRK) thường được chỉ định khi ba phương pháp còn lại không được lựa chọn vì có những nhược điểm cố hữu như đau nhiều, dễ bị haze (đục giác mạc) nếu điều trị độ cao, biên độ điều trị hẹp. Phương pháp No Touch (không chạm) là một phân nhóm của laser bề mặt, chuyển từ bóc biểu mô bằng cơ học thông thường sang bóc biểu mô bằng laser.

 

Sau đó, bước laser điều trị khúc xạ vẫn là laser excimer. Nhưng phương pháp No Touch vẫn điều trị khúc xạ bằng cách làm tác động lên biểu mô và nhu mô giác mạc. Những nhược điểm cố hữu của laser bề mặt vẫn chưa được khắc phục.Có thể nói, bệnh nhân phẫu thuật bằng phương pháp No Touch có những nguy cơ giống như bệnh nhân phẫu thuật PRK trước đây. 

 


Phẫu thuật khúc xạ bằng kính nội nhãn (Phakic ICL) 

Đặt kính nội nhãn là hướng đi khác của chữa cận thị, loạn thị và viễn thị. Kính nội nhãn đã ra đời từ lâu và đã có những bước tiến vượt bậc, được dùng rộng rãi trong điều trị đục thuỷ tinh thể tuổi già. 

Đối với điều trị khúc xạ, thuỷ tinh thể còn trong không cần lấy đi, mà chỉ cần đặt kính vào bên trong bán phần trước của mắt. Có ba loại kính đã được sử dụng gồm: kính đặt tiền phòng, kính kẹp mống, kính đặt hậu phòng. Sau hơn 20 năm phát triển, với các nghiên cứu, và dữ liệu thực tế điều trị trên bệnh nhân. Hiện nay, kính ICL đã và đang được sử dụng rộng rãi nhất. 

ICL là viết tắt của Implantable Collamer Lens. Loại kính này được làm bằng chất liệu có tính tương hợp sinh học cao, không gây phản ứng viêm hay thải loại khi được đặt trong mắt nên độ bền dài lâu. 

 

Kính có thể ứng dụng để chữa cận thị độ cao đến 18D, loạn 6D, viễn 10D bởi không bị hạn chế bởi chiều dày giác mạc như các phương pháp dùng laser. Đặc điểm khác của ICL là tính quy hồi, nghĩa là kính có thể được lấy ra và trả lại trạng thái ban đầu cho mắt. 

Phương pháp này không lấy đi nhu mô giác mạc nên có thể dùng cho bệnh nhân giác mạc mỏng, giác mạc chóp (đã ổn định) vốn là chống chỉ định của phương pháp laser. Cũng do không tác động lên giác mạc nên phương pháp này có nguy cơ thoái triển thấp dù điều trị độ cao, kể cả cận viễn loạn. 

Nhược điểm của ICL là bạn phải chờ đợi 2-4 tuần để đặt kính được chuyển từ Mỹ về Việt Nam. 

 


Lựa chọn phương pháp nào? 

Tuỳ thuộc vào các thông số đo đạc cụ thể của từng bệnh nhân, bác sĩ sẽ tư vấn những phương pháp nào phù hợp nhất với bạn để bạn cân nhắc lựa chọn. 

 


Những lưu ý sau phẫu thuật khúc xạ 

 

Sau phẫu thuật khúc xạ một ngày, bạn đã có thể trở lại sinh hoạt bình thường, thi lực có thể thấy rõ ngay hoặc cải thiện dần sau vài ngày.

 

Tùy phương pháp phẫu thuật mà thời gian hậu phẫu sẽ khác nhau. Ví dụ, nếu phẫu thuật bằng phương pháp SMILE, bạn chỉ cần đeo kính bảo hộ trong 3 ngày, kiêng nước vào mắt trong 1 tuần, 1 tháng đã có thể đi bơi. Bạn sẽ được hướng dẫn cụ thể khi phẫu thuật. 

 

Đối với trường hợp phẫu thuật cận thị bằng phương pháp có tạo vạt, điều quan trọng là tránh dụi tay lên mắt và tránh bụi, nước vào mắt trong thời gian hậu phẫu.

 

Bạn chỉ cần kiêng các thuốc và thực phẩm gây dị ứng cho bạn.

 

Chăm sóc mắt, nhỏ thuốc theo đúng hướng dẫn của bác sĩ

 


Khi nào thì nên phẫu thuật khúc xạ? 

Phẫu thuật khúc xạ được chỉ định cho người từ 18 tuổi trở lên, khi độ khúc xạ đã ổn định. 

Phẫu thuật khúc xạ khi bạn muốn không còn lệ thuộc vào kính gọng hoặc có những nghề nghiệp đặc thù không cho phép bạn mang kính (phi công, tiếp viên hàng không, quân đội, công an, vận động viên thể thao...) 

Độ cao hay thấp không phải là yếu tố quyết định bạn có nên phẫu thuật khúc xạ hay không.

 

 

 

Khoa Mắt Bệnh viện An Sinh

 

*** Thông tin tham khảo không thay thế việc thăm khám chuyên môn