Tin tức và sự kiện

Những xét nghiệm cần làm trước và trong quá trình mang thai

Cập nhật lúc: 4:51:15 CH - 10/07/2017

Khi bạn chuẩn bị mang thai, bên cạnh những chuẩn bị về tâm lý và tài chính, một điều không thể thiếu là sự chuẩn bị về sức khỏe của hai vợ chồng. Vậy bạn cần phải chuẩn bị những gì?Sau đây là một số việc cần làm theo thứ tự thời gian.


Ành minh họa

CHUẨN BỊ MANG THAI


6 tháng trước khi mang thai
 
Nếu bạn quá gầy hay quá béo thì đây là thời điểm thích hợp để bạn thay đổi chế độ ăn hằng ngày nhằm đảm bảo cân nặng của mình nằm trong giới hạn chuẩn. Chỉ số BMI - hay gọi là chỉ số khối cơ thể - được dùng để đánh giá mức độ gầy hay béo của mỗi người. Chỉ số BMI được tính như sau: BMI = Cân nặng / (chiều cao x chiều cao). Trong đó: Cân nặng tính theo đơn vị Kg, chiều cao tính theo đơn vị Mét.
 
  • Nếu chỉ số BMI < 18,5: Bạn quá gầy. Nghiên cứu cho thấy những phụ nữ có BMI < 18,5 có nguy cơ sảy thai cao hơn bình thường 17%.
  • Nếu chỉ số BMI > 23: Bạn quá béo và nếu có thai, trẻ đẻ ra có nguy cơ mắc các bệnh béo phì và bệnh tiểu đường.
 
Bạn và chồng cũng cần thống nhất về việc ngừng hoặc bỏ thuốc lá, rượu và các chất kích thích... vì các chất này ảnh hưởng đến chất lượng tinh trùng cũng như làm tăng các nguy cơ: sảy thai, thai chết lưu, đẻ non, gây dị tật cho thai nhi...

3 tháng trước khi mang thai
 
Bạn có thể đi tiêm phòng một số bệnh như: Cúm, Rubella vì nếu mắc những bệnh này trong 3 tháng đầu của thai kỳ thì thai nhi có nguy cơ bị dị tật bẩm sinh rất cao. Nếu bạn đang sử dụng thuốc tránh thai hoặc đang đặt vòng thì đây cũng là thời điểm thích hợp để dừng thuốc hoặc tháo vòng và chuyển sang sử dụng biện pháp tránh thai khác thích hợp hơn (VD: bao cao su). Ngoài ra, hãy đảm bảo bạn tiêm vaccin ít nhất trước khi mang thai 1 tháng.

2 tháng trước khi mang thai
 
Bạn và gia đình nên tẩy giun vì bạn sẽ không thể tẩy giun trong khi mang thai. Đặc biệt cần phải tẩy giun cho toàn bộ thành viên trong gia đình cùng một thời gian để đảm bảo không có sự lây chéo ngược lại.

1 tháng trước khi có thai
 
Bạn hãy bắt đầu uống bổ sung viên Sắt và Acid folic để phòng tránh dị tật ống thần kinh cho thai nhi. Việc bổ xung Acid folic quan trọng nhất là trước khi mang thai 1 tháng và sau đấy 3 tháng. Bạn nên bổ sung trước khi mang thai 3 tháng và tiếp tục uống acid folic kèm với sắt đến khi sau khi sinh một tháng (Bạn nên lựa chọn viên sắt có chứa 60mg sắt nguyên tố, và acid folic: 400mcg).

Ngoài ra hai vợ chồng bạn nên thu xếp đi kiểm tra sức khỏe toàn diện. Bác sĩ sẽ cho các bạn làm một số xét nghiệm sau:
 

- Xét nghiệm công thức máu: Xem bạn có bị mắc các bệnh về máu như: thiếu máu, bất thường tế bào máu... cũng như cho bạn biết nhóm máu của mình.

 

- Xét nghiệm hóa sinh máu: Xem bạn có bị mắc bệnh tiểu đường, đánh giá chức năng gan, thận cũng như phát hiện các bất thường khác nếu có.

 

- Xét nghiệm nước tiểu: Tìm các yếu tố bất thường trong nước tiểu như: hồng cầu, bạch cầu, protein, glucose, vi khuẩn...

 

- Siêu âm ổ bụng: Đánh giá về hình thái học và phát hiện các bất thường các tạng trong ổ bụng như: gan, lách, tụy, thận, tử cung, buồng trứng.

 

- Điện tâm đồ: Phát hiện các bệnh về tim như: rối loạn nhịp tim, nhồi máu cơ tim...

 

- Xét nghiệm một số bệnh lây truyền qua đường máu: như Viêm gan B, HIV...

 

- Khám phụ khoa: Phát hiện các yếu tố nguy cơ có thể ảnh hưởng đến việc mang thai như: Viêm nhiễm đường sinh dục, polyp cổ tử cung…

 

- Khám nha khoa: Rất nhiều bà mẹ vì không coi trọng mà bỏ qua bước khám này. Trên thực tế, phụ nữ trong quá trình mang thai và sau khi sinh rất dễ mắc các bệnh răng miệng do phải ăn số lượng nhiều, ăn nhiều bữa. Thao tác đơn giản là lấy cao răng sẽ giúp các bạn hạn chế được nguy cơ mắc các bệnh: viêm lợi, viêm quanh cuống, abces răng... vì nếu mắc các bệnh này trong thời kỳ mang thai hay thời kỳ cho con bú sẽ gây khó khăn cho việc điều trị.

 

 


TRONG QUÁ TRÌNH MANG THAI

Mang thai là một sự kiện vui mừng nhất của các cặp vợ chồng. Nhưng đằng sau sự vui mừng đó, người mẹ đừng quên đến bệnh viện làm những xét nghiệm cần thiết để đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ và thai nhi.

Những thông tin cơ bản

Buổi đầu tiên tới bệnh viện khám thai, bác sĩ sẽ hỏi một số thông tin cần thiết như thời gian kết hôn, số lần mang thai và có bị nghén không (thời gian và mức độ thế nào?). Ngoài ra, còn hỏi lần đầu tiên có kinh vào năm nào, chu kỳ kinh diễn ra bao lâu, trước đây liệu đã xảy ra những hiện tượng như: sảy thai, đẻ non, đẻ khó, chửa ngoài dạ con, xuất huyết sau khi sinh, viêm nhiễm âm đạo... hay chưa?

Để đảm bảo giữ gìn sức khỏe trong quá trình mang thai, bác sĩ còn lưu ý người mẹ có bị mắc những căn bệnh mãn tính như truyền nhiễm, tim, thận, gan, tiểu đường... không? Nếu có thì thời gian mắc bệnh khi nào, hiệu quả chữa trị và bệnh tình từ đó đến nay ra sao? Đồng thời, trong gia đình có ai mắc bệnh huyết áp cao, lao phổi, bệnh thần kinh hoặc những bệnh tật có liên quan tới di truyền khác.

Khi kiểm tra cơ thể mẹ, bác sĩ sẽ xem trọng lượng thai nhi có tương ứng với tuần thai không, hiện trạng dinh dưỡng có tốt không? Mỗi tuần kỳ cuối thai nghén, thể trọng của mẹ tăng không quá 0.5kg là ổn định. Những người vóc dáng gầy gò, thấp bé, xương chậu hẹp cần hết sức lưu ý và đi khám thật cẩn thận.

Bên cạnh đó, còn xem xét tình trạng phát triển kích cỡ của bầu vú mẹ, tình trạng huyết áp có ổn định ở mức 130/ 90mmHg không?

 
Một số xét nghiệm cần làm khi mang thai:
 
- Siêu âm để biết tình trạng thai: Người mẹ có thể siêu âm 3 lần (cách nhau 3 tháng) và 1 lần khi sắp đến ngày sinh. Lần đầu vào tuần 10 - 12 nhằm khảo sát tuổi thai, xác định thai có phát triển bình thường hay không. Lần thứ hai vào tuần 20 - 25 tuần nhằm khảo sát hình dạng của thai. Lần thứ ba vào tuần 30 - 33 nhằm đánh giá mức độ sức khỏe và phát hiện những bất thường của thai.

- Xét nghiệm máu: Bác sĩ xét nghiệm xác định nhóm máu trước đó, nếu khi sinh thai phụ bị tai biến cần truyền máu (băng huyết) sẽ xử lý nhanh. Mặt khác, khi xét nghiệm sẽ biết thai phụ có thiếu máu không, từ đó tìm cách khắc phục (ăn uống và dùng thuốc).

- Xét nghiệm huyết trắng: Người mẹ bị viêm nhiễm đường sinh dục sẽ dẫn tới sảy thai, sinh non, vỡ ối sớm... Biểu hiện đầu dễ nhận biết là huyết trắng. Xét nghiệm huyết trắng để biết rõ bị bệnh gì, chọn cách điều trị thích hợp để không lây bệnh cho trẻ sơ sinh.

- Xét nghiệm nước ối (khi cần thiết): Bác sĩ xét nghiệm nước ối để xác định nhiễm trùng bào thai, xác định thai bất thường về nhiễm sắc thể. Nhiễm trùng bào thai hay thai bất thường nhiễm sắc thể sẽ gây sảy thai, thai chết lưu, sinh non, dị tật thai.

- Xét nghiệm đường và protein trong nước tiểu: Bình thường trong nước tiểu thai phụ không có đường. Nếu có thì chỉ vì sau khi đã ăn quá nhiều đường, hay do bị bệnh tiểu đường trong thai kỳ (hoặc có bệnh tiểu đường từ trước). Do đó, người mẹ cần chữa trị thật kỹ bởi nếu lượng đường huyết trong thai kỳ của mẹ quá cao, thai có thể sẽ bị một trong những dị tật: khiếm khuyết ống thần kinh, nứt đốt sống, dị tật về tim thận, thai sẽ lớn (hơn 4,2kg) gây đẻ khó, trẻ sinh ra sẽ bị suy hô hấp và viêm phế quản. 
 
Protein có trong nước tiểu cũng là một vấn đề quan trọng, nó đánh giá chức năng thận thai phụ và tình trạng nhiễm độc thai nghén.

Phần lớn các thai phụ khi đi khám thai nhầm tưởng chỉ siêu âm là đủ mà không khám thai, làm xét nghiệm, chưa hiểu hiết được tầm quan trọng của những xét nghiệm mà bác sĩ chỉ định. Các bà mẹ hãy chuẩn bị tốt trước khi có thai và đi khám thai định kỳ để sinh ra những đứa con hoàn toàn khoẻ mạnh.


Bác sĩ Nguyễn Minh Sơn | Ảnh: Internet