Tin bệnh viện An Sinh

Bệnh viện An Sinh tổ chức sinh hoạt khoa học "Tiếp cận điều trị rối loạn lipid máu theo các khuyến cáo"

Cập nhật lúc: 3:22:34 CH - 17/09/2024

Ngày 12/9/2024, Bệnh viện An Sinh tổ chức buổi sinh hoạt khoa học “Tiếp cận điều trị rối loạn lipid máu theo các khuyến cáo”, báo cáo viên Tiến sĩ Bác sĩ CKII Nguyễn Thanh Phong, Trưởng khoa Khám bệnh Bệnh viện An Sinh. Buổi sinh hoạt khoa học có sự hiện diện của Ban lãnh đạo bệnh viện, các quý bác sĩ là chuyên gia tim mạch và các chuyên khoa khác, dược sĩ lâm sàng cùng điều dưỡng, nữ hộ sinh, kỹ thuật viên và nhân viên y tế bệnh viện

 



 

Ngày 12/9/2024, Bệnh viện An Sinh tổ chức buổi sinh hoạt khoa học “Tiếp cận điều trị rối loạn lipid máu theo các khuyến cáo”, báo cáo viên Tiến sĩ Bác sĩ CKII Nguyễn Thanh Phong, Trưởng khoa Khám bệnh Bệnh viện An Sinh. Buổi sinh hoạt khoa học có sự hiện diện của Ban lãnh đạo bệnh viện, sự quan tâm theo dõi và hưởng ứng nhiệt tình của các quý bác sĩ đồng nghiệp, các chuyên gia tim mạch và các chuyên khoa khác, các dược sĩ lâm sàng cùng điều dưỡng, nữ hộ sinh, kỹ thuật viên và nhân viên y tế bệnh viện.

 

Tình trạng rối loạn lipid máu, hay còn gọi là tăng cholesterol, rối loạn mỡ máu là tình trạng phổ biến trên thế giới và tại Việt nam. Các nghiên cứu khoa học cho thấy yếu tố nguy cơ tim mạch ở người Việt do rối loạn mỡ máu phân loại theo nhóm giới tính và độ tuổi chiếm tỷ lệ cao nhất. Trong đó, nữ giới chiếm 52,4% và nam giới chiếm 62,8% có yếu tố nguy cơ tim mạch liên quan đến rối loạn mỡ máu. Ngoài ra còn có các yếu tố nguy cơ tim mạch khác như bệnh tăng huyết áp, thói quen uống nhiều bia rượu, tình trạng căng thẳng, thể trạng thừa cân béo phì.

 

Tình trạng rối loạn mỡ máu được xác định:

  • Nồng độ cholesterol tăng.
  • Nồng độ triglycerid (chất béo trung tính) tăng.
  • Tăng nồng độ cholesterol và triglycerid.
  • Nồng độ cholesterol LDL (LDL-C, lipoprotein tỷ trọng thấp) tăng.
  • Nồng độ cholesterol HDL (HDL-C lipoprotein tỷ trọng cao) giảm.

Tình trạng rối loạn mỡ máu tăng trong thời gian dài không được kiểm soát và điều trị là nguyên nhân chính gây ra nhiều loại bệnh tim mạch khác nhau. Từ các bệnh tim mạch phổ biến như tăng huyết áp, rối loạn nhịp tim đến các bệnh tim mạch nghiêm trọng như hội chứng mạch vành cấp, suy tim, nhồi máu cơ tim, đột quỵ, thậm chí có thể dẫn đến tử vong nhanh chóng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời trong khoảng thời gian vàng từ 1 đến 2 tiếng kể từ lúc bắt đầu xuất hiện triệu chứng tim mạch đột ngột.

 

Điều trị rối loạn mỡ máu giúp kiểm soát tình trạng các mảng xơ vữa là các mảng bám ở thành động mạch, gây hẹp hoặc bít tắc lòng động mạch, cản trở sự lưu thông máu đến tim và các cơ quan khác trong cơ thể. Các mảng bám xơ vữa được hình thành do sự tích tụ cholesterol lâu ngày, khi chúng được kiểm soát sẽ giúp ngăn ngừa hiệu quả các biến cố tim mạch do rối loạn mỡ máu gây ra. 

 

Nguy cơ tim mạch được phân loại như sau:

Nguy cơ rất cao

  • Bệnh tim mạch đã được xác định qua thăm khám lâm sàng như nhồi máu cơ tim, hội chứng mạch vành cấp, động mạch cảnh, cơn thiếu máu não thoáng qua, đã từng thực hiện thủ thuật tái thông mạch vành, đặt stent mạch vành, động mạch ngoại biên. Bệnh tim đã được xác định rõ qua chẩn đoán hình ảnh như chụp mạch vành hay siêu âm động mạch cảnh.
  • Người bệnh đái tháo đường có tổn thương cơ quan đích hoặc có kèm yếu tố nguy cơ khác như tăng huyết áp, rối loạn lipid máu, hút thuốc lá.
  • Bệnh thận mạn mức độ nặng.
  • Có điểm số SCORE ≥ 10%.

Nguy cơ cao

  • Rối loạn lipid máu, mức cholesterol trên 8mmol/L hay tăng cholesterol có tính chất gia đình.
  • Tăng huyết áp trên 180/110mmHg.
  • Mắc bệnh đái tháo đường típ 1.

Nguy cơ trung bình

  • Có điểm số SCORE ≥ 1% và < 5%.

Nguy cơ thấp

  • Có điểm số SCORE < 1%. 

Thang điểm SCORE, viết tắt từ Systematic COronary Risk Evaluation được công bố vào năm 2003, dựa trên đoàn hệ 12 nước Châu Âu. SCORE dùng ước tính nguy cơ tử vong tim mạch 10 năm ở người từ 40 tuổi đến 65 tuổi.

 

Theo các khuyến cáo trước đây của Hội Tim mạch Châu Âu (ESC), Hội Tim mạch Thế giới (ACC/AHA), mục tiêu quan trọng trong việc điều trị rối loạn lipid máu phải dựa vào phân tầng nguy cơ từ thấp, trung bình, cao đến rất cao. Chỉ số cholesterol LDL mục tiêu tốt nhất ở người trưởng thành phải đạt dưới dưới 3,4 mmol/L.

 

Theo khuyến cáo mới nhất của Tổ chức Tim mạch Châu Âu (ESC), chỉ số cholesterol Non-HDL (Non-HDL-C) được xem là mục tiêu điều trị thứ hai sau mục tiêu điều trị cholesterol LDL. Thực tế lâm sàng cho thấy chỉ số Non-HDL-C còn có giá trị xác định chẩn đoán cao hơn trong việc dự đoán các rủi ro về bệnh tim mạch cũng như hiện tượng xơ vữa động mạch trước nhiều năm. Cholesterol có thể gây tổn hại cho mạch máu, góp phần hình thành các mảng bám ở động mạch hoặc bào mòn lòng mạch theo thời gian, làm tăng nguy cơ biến chứng các vấn đề về tim mạch.

 

Non-HDL-C là nền tảng của chất béo tốt, cholesterol HDL. Đây là một chỉ số xét nghiệm lipid máu, có ý nghĩa phản ánh trực tiếp nồng độ cholesterol LDL “xấu” trong cơ thể, nguyên nhân gây xơ vữa động mạch, có khả năng xâm nhập vào thành mạch máu gây cứng hẹp lòng mạch, cản trở dòng chảy của máu, giảm lưu lượng máu đến tim. Các tế bào cơ tim không nhận đủ lượng máu giàu oxy, thiếu dưỡng chất sẽ dần hoại tử, gây suy yếu cơ tim và làm giảm chức năng hoạt động cơ tim. Mức Non-HDL-C trong máu có thể xác định một cách rất đơn giản, nhanh chóng và chính xác bằng cách lấy mức cholesterol toàn phần trừ cho mức choleterol HDL sẽ ra được mức Non-HDL-C trong cơ thể. Do đó, khuyến cáo dành cho bác sĩ lâm sàng nên chỉ định cho bệnh nhân thực hiện bộ xét nghiệm kiểm tra lipid máu cơ bản bao gồm cả Non-HDL-C cùng với các chỉ số cholesterol toàn phần, triglyceride, cholesterol LDL và cholesterol HDL như trước đây.

 

Tại sao Non-HDL-C lại nắm giữ vai trò quan trọng trong việc chẩn đoán nguy cơ bệnh tim mạch?

Non- HDL-C được xem là yếu tố chính trong quá trình phát triển xơ vữa động mạch và bệnh tim mạch. Đó là lý do tại sao Non-HDL-C nắm giữ vai trò quan trọng trong việc phòng ngừa và chẩn đoán nguy cơ bệnh tim mạch.

Non-HDL-C giúp dự đoán nguy cơ tim mạch: Nghiên cứu đã chỉ ra rằng Non- HDL-C có thể dự đoán nguy cơ tim mạch tốt hơn so với cholesterol LDL thường quy. Bằng cách tìm kiếm tất cả các lipoprotein gây xơ vữa động mạch, chúng cung cấp thông tin chính xác hơn về mức cholesterol có thể góp phần hình thành các mảng bám xơ vữa trong động mạch.

Non-HDL-C phản ánh tổng tải lượng xơ vữa động mạch: Non-HDL-C chiếm mức cholesterol do các hạt LDL, VLDL và IDL mang theo. Tất cả các hạt này đều có thể góp phần gây xơ vữa động mạch khi tăng lên khiến Non-HDL-C trở thành thước đo bao quát hơn về tổng tải lượng xơ vữa động mạch trong cơ thể.

Non-HDL-C được xác định đơn giản: Non-HDL-C được xác định bằng cách trừ cholesterol HDL ra khỏi cholesterol toàn phần sẽ có được giá trị Non-HDL-C. Sự đơn giản này khiến Non-HDL-C trở thành một công cụ có giá trị chẩn đoán đáng tin cậy cho bác sĩ lâm sàng trong việc đánh giá nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Bệnh nhân không cần phải nhịn ăn để thực hiện xét nghiệm Non-HDL-C.

Non-HDL-C là mục tiêu điều trị can thiệp: Trong các hướng dẫn phòng ngừa bệnh tim mạch thường bao gồm các giá trị mục tiêu cụ thể cho chỉ số Non-HDL-C. Bằng cách xét nghiệm máu để kiểm tra mức Non-HDL-C, bác sĩ lâm sàng có thể đưa ra hướng điều trị can thiệp phù hợp, giảm nguy cơ mắc các biến cố tim mạch nghiêm trọng như nhồi máu cơ tim, đột quỵ sau này.

Bắt đầu từ năm 2021, Bệnh viện An Sinh đã bổ sung thêm xét nghiệm Non-HDL-C vào bộ xét nghiệm kiểm tra mỡ máu thường quy cùng với cholesterol toàn phần, triglycerid, cholesterol LDL, cholesterol HDL cho bệnh nhân khám tầm soát sức khỏe tổng quát định kỳ, bệnh nhân có yếu tố nguy cơ tim mạch cao và bệnh nhân đang theo dõi điều trị các bệnh tim mạch, bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường.

 

Vậy ai cần xét nghiệm mỡ máu?

Nam, nữ từ 40 tuổi trở lên.

Tất cả bệnh nhân mọi lứa tuổi có bất kỳ tình trạng nào sau đây:

  • Bằng chứng lâm sàng xơ vữa động mạch.
  • Phình động mạch chủ bụng
  • Đái tháo đường
  • Tăng huyết áp
  • Hút thuốc lá
  • Dấu hiệu rối loạn mỡ máu (cung giác mạc, ban vàng mí mắt, u vàng)
  • Tiền sử gia đình mắc bệnh tim mạch sớm
  • Tiền sử rối loạn lipid máu có tính gia đình
  • Bệnh thận mạn, mức lọc cầu thận eGFR ≤ 60 mL/phút/1.73m2 hoặc tỷ số albumin/creatinine nước tiểu ACR ≥ 30 mg/g)
  • Béo phì, chỉ số khối cơ thể BMI ≥ 25
  • Bệnh lý viêm mạn tính (viêm khớp dạng thấp, lupus đỏ hệ thống, bệnh ruột viêm)
  • Nhiễm HIV
  • Rối loạn cương
  • Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD)
  • Tiền sử tiền sản giật thai kỳ
  • Nam dưới 55 tuổi và nữ dưới 65 tuổi có quan hệ họ hàng bậc 1 gồm ba mẹ, anh chị em ruột

 

Các bằng chứng nghiên cứu khoa học xác định rằng các biến cố tim mạch tăng theo mức độ và thời gian của tình trạng rối loạn lipid máu. Tình trạng rối loạn lipid máu có thể có sự chuyển biến tích cực nếu thay đổi lối sống bao gồm thói quen ăn uống, vận động và kiểm soát căng thẳng có tác dụng hiệu quả. Tuy nhiên, tình trạng rối loạn mỡ máu cần phải điều trị càng sớm càng tốt, trước khi chúng có thể gây ra tổn thương cho chức năng cơ tim và mạch máu. Cho đến nay, mục tiêu quan trọng hàng đầu đối với điều trị rối loạn lipid máu dường như không chỉ dừng lại ở các chỉ số tiêu chuẩn có thang giá trị tham chiếu cụ thể theo phân tầng nguy cơ như đã khuyến cáo. Mục tiêu điều trị rối loạn lipid máu còn hướng tới vượt ngưỡng tiêu chuẩn theo các khuyến cáo khi thực tế lâm sàng đã xác định rằng mức cholesterol LDL và Non-HDL-C càng thấp càng có lợi cho sức khỏe của bệnh nhân về lâu dài.

 

Tại buổi sinh hoạt khoa học “Tiếp cận điều trị rối loạn lipid máu theo các khuyến cáo”, các bác sĩ lâm sàng, các chuyên gia tim mạch và các chuyên khoa khác, các dược sĩ lâm sàng, điều dưỡng, nữ hộ sinh, kỹ thuật viên và nhân viên y tế bệnh viện có cơ hội cập nhật các kiến thức mới về các khuyến cáo và xu hướng điều trị trên thế giới và tại Việt nam. Cùng nhau trao đổi, thảo luận và chia sẻ kinh nghiệm thực tế để đưa ra các giải pháp tốt nhất trong thăm khám điều trị lâm sàng. Đây là một trong những hoạt động chuyên môn được Ban lãnh đạo Bệnh viện An Sinh chú trọng quan tâm, hoạt động này đã đang góp phần quan trọng trong việc nâng cao năng lực chuyên môn, chẩn đoán chính xác và điều trị an toàn. Bệnh nhân đến khám chữa bệnh tại Bệnh viện An Sinh cũng được tiếp cận với các dịch vụ kỹ thuật khám điều trị tốt nhất hiện nay. 

 

Một số hình ảnh được chúng tôi ghi lai trong buổi sinh hoạt khoa học ""Tiếp cận điều trị rối loạn lipid máu theo các khuyến cáo"

 

 

Tiến sĩ Bác sĩ CKII Nguyễn Thanh Phong, Trưởng khoa Khám bệnh Bệnh viện An Sinh trình bày báo cáo tại buổi sinh hoạt khoa học "Tiếp cận điều trị rối loạn lipid máu theo các khuyến cáo"

 

 

 

 

Buổi sinh hoạt khoa học "Tiếp cận điều trị rối loạn lipid máu theo các khuyến cáo" có sự tham dự của Ban lãnh đạo bệnh viện, các bác sĩ lâm sàng là các chuyên gia tim mạch và các chuyên khoa khác, dược sĩ lâm sàng và nhân viên y tế bệnh viện

 

 

 

Các khuyến cáo được câp nhật mới của các Tổ chức Tim mạch Thế giới ESC, ACC/AHA và Bộ Y tế Việt Nam, Hội Tim mạch Việt nam cũng được TS BS CKII Nguyễn Thanh Phong đề cập đến trong buổi hội thảo sinh hoạt khoa học 

 

 

 

Tại buổi sinh hoạt khoa học, các chuyên gia tim mạch, các bác sĩ và dược sĩ lâm sàng cùng đưa ra ý kiến trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm thực tế lâm sàng để làm rõ hơn các vấn đề tim mạch theo các khuyến cáo

 

 

  

Ban giám đốc Bệnh viện An Sinh rất chú trọng công tác nâng cao năng lực chuyên môn cho tất cả cán bộ nhân viên y tế bệnh viện, các buổi sinh hoạt khoa học thường xuyên được tổ chức theo định kỳ tạo điều kiện phát triển môi trường y tế khoa học và lành mạnh

 

 

Bệnh viện An Sinh

Sức khỏe và hạnh phúc của gia đình bạn

 

 

Bệnh viện An Sinh đã triển khai Bệnh án điện tử ngoại trú (EMR) là một trong những nỗ lực nâng tầm chất lượng dịch vụ và phục vụ, mang đến trải nghiệm tiện ích công nghệ khi đi khám bệnh với ưu điểm giúp bạn chủ động quản lý hồ sơ thông tin sức khỏe, tiết kiệm thời gian và chi phí khám chữa bệnh.

 

 

   

Các tin tức khác:
[Trở về]