Chiều ngày 16/11/2021, Bệnh viện An Sinh tổ chức tập huấn phòng cháy và diễn tập chữa cháy, cứu hộ cứu nạn năm 2021 cho toàn thể cán bộ nhân viên bệnh viện. Ban Giám đốc Bệnh viện An Sinh đặc biệt chú trọng quan tâm đến công tác phòng cháy chữa cháy và được tổ chức theo định kỳ hàng năm. hằm nâng cao nhận thức tầm quan trọng của công tác phòng cháy chữa cháy, ý thức cảnh giác, thực hiện nghiêm túc các quy định về phòng cháy chữa cháy, cứu hộ cứu nạn, chủ động phòng ngừa để không xảy ra các sự cố cháy nổ và sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống có thể xảy ra.
Tại buổi tập huấn, toàn thể cán bộ nhân viên Bệnh viện An Sinh được hướng dẫn nắm kỹ các tính năng tác dụng và sử dụng đúng cách hiệu quả của từng loại bình chữa cháy xách tay, góp phần quan trọng giúp dập tắt đám cháy hiệu quả ngay lập tức.
Một số lưu ý khi sử dụng bình chữa cháy xách tay
Bình chữa cháy CO2
Bình chữa cháy CO2 được nén với áp lực cao, sử dụng và thao tác đơn giản, thuận tiện, dùng để dập tắt các đám cháy nhỏ mới phát sinh. Khi phun vào đám cháy, CO2 có tác dụng làm loãng nồng độ hỗn hợp hơi khí cháy, đồng thời làm lạnh vùng cháy dẫn tới triệt tiêu đám cháy.
Khi sử dụng bình chữa cháy CO2 phải cầm vào phần nhựa của loa phun, tránh cầm vào phần kim loại và nhất là không để khí CO2 phun vào người sẽ gây bỏng lạnh. Không dùng bình chữa cháy CO2 ở các đám cháy nơi trống trải, có gió mạnh vì hiệu quả thấp. Khi chữa cháy các thiết bị điện cao thế phải đi ủng và găng tay cách điện, trong phòng kín phải có biện pháp bảo đảm an toàn cho mọi người.
Đặt bình chữa cháy CO2 ở nơi thoáng mát, tránh nơi có nhiệt độ cao dễ gây hiện tượng tăng áp suất dẫn đến nổ bình nếu van an toàn không hoạt động. Thường xuyên kiểm tra lượng CO2 trong bình, bảo dưỡng và thay thế bình bị rò khí, các thiết bị hư hỏng như loa phun, vòi phun, van khóa.
Bình bột chữa cháy
Bình chữa cháy bột bên trong có chứa khí N2 làm lực đẩy để phun bột dập tắt đám cháy. Bột chữa cháy không độc, không dẫn điện, có hiệu quả cao, thao tác sử dụng bình đơn giản, dễ kiểm tra, dùng để chữa cháy những đám cháy nhỏ, mới phát sinh.
Trên bình có các chữ cái A, B, C thể hiện khả năng dập cháy đối với các đám cháy khác nhau. Cụ thể:
- A: chữa các đám cháy chất rắn như gỗ, bông, vải, sợi…
- B: chữa các đám cháy chất lỏng như xăng dầu, cồn, rượu…
- C: chữa các đám cháy chất khí như: gas (khí đốt hoá lỏng)…
Các số 2, 4, 8 thể hiện trọng lượng bột được nạp trong bình, đơn vị tính bằng kilôgam.
Bình bột chữa cháy nên đặt ở nơi khô ráo, thoáng gió, tránh những nơi có ánh nắng và bức xạ nhiệt mạnh, nếu để ngoài trời phải có mái che. Thường xuyên kiểm tra và bảo dưỡng bình theo quy định của nhà sản xuất, thay thế nếu có hư hỏng các bộ phận của bình như loa phun, vòi phun, van khoá… Kiểm tra khí đẩy thông qua áp kế hoặc cân rồi so sánh với khối lượng ban đầu.
Sử dụng đúng cách và hiệu quả bình chữa cháy xách tay
Mỗi loại bình chữa cháy có thể dập tắt được các đám cháy chất rắn, lỏng, khí cháy, đám cháy điện và thiết bị điện mới phát sinh.
Nên để nơi dễ thấy, dễ lấy, thuận tiện cho việc chữa cháy. Bình chữa cháy đã qua sử dụng cần để riêng tránh nhầm lẫn.
Nếu di chuyển cần nhẹ nhàng, tránh tiếp xúc trực tiếp với nhiệt độ cao, thiết bị rung động.
Giữ bình chữa cháy ở khoảng cách 1,5 mét, bóp van bình để khí/ bột chữa cháy phun ra. Khi lượng khí/ bột gần hết thì cầm bình tiến lại gần và đưa loa phun qua lại để dập tắt hoàn toàn đám cháy.
Tùy thuộc vào từng đám cháy và lượng khí đẩy trong bình mà chọn vị trí, khoảng cách phù hợp. Nếu đám cháy bên ngoài phải đứng ở đầu hướng gió, nếu đám cháy bên trong đứng gần cửa ra vào.
Giữ bình ở tư thế thẳng đứng khi phun, phun cho đến khi đám cháy tắt hoàn toàn mới ngừng phun.
Chữa cháy đám cháy chất lỏng phải phun chất chữa cháy bao phủ lên bề mặt cháy, tránh phun xục trực tiếp xuống chất lỏng đề phòng chất lỏng bắn ra ngoài, đám cháy to hơn.
Nếu chữa cháy trong phòng kín, phải báo cho mọi người ra hết khỏi phòng, dự trù lối thoát ra sau khi phun.
Một số hình ảnh của buổi tập huấn phòng cháy và diễn tập chữa cháy, cứu hộ cứu nạn năm 2021 tại Bệnh viện An Sinh:
Bệnh viện An Sinh