Thật vậy, một chặng đường đã đi qua với biết bao chông gai, thử thách, bây giờ là lúc chúng ta cùng nhìn lại 15 năm hình thành và phát triển của Bệnh viện An Sinh thân yêu. Hẳn là trong cuộc đời chúng ta, đã có rất nhiều lần đầu tiên và Bệnh viện cũng đã có những ngày chập chững đầu tiên.
Tôi từng nghe cố nhạc sĩ Trần Lập từng viết:
“Chặng đường nào trải bước trên hoa hồng
Bàn chân cũng thấm đau vì những mũi gai”
Thật vậy, một chặng đường đã đi qua với biết bao chông gai, thử thách, bây giờ là lúc chúng ta cùng nhìn lại 15 năm hình thành và phát triển của Bệnh viện An Sinh thân yêu. Hẳn là trong cuộc đời chúng ta, đã có rất nhiều lần đầu tiên và Bệnh viện cũng đã có những ngày chập chững đầu tiên.
Mới ngày nào, tôi còn thấy trên sân bệnh viện lởm chởm những đá, những cỏ cây… Mấy chị em cùng bắt tay sắn quần sắn áo vào quét dọn, cùng đẩy những chiếc giường bệnh đầu tiên vào trong phòng bệnh, cùng vận chuyển những thiết bị y tế đầu tiên, đến ngày lãnh từng viên thuốc đầu tiên lên khoa, tới chăm sóc ca bệnh đầu tiên. Và ngày đầu tôi bước chân vào bệnh viện, và còn nhiều lần đầu tiên khác của tôi ngay từ thuở đầu gắn bó với mái ấm An Sinh này… Vậy mà thời gian vẫn theo dòng chảy không ngừng của nó, mọi chuyện đã là quá khứ của 15 năm về trước. Tôi không biết mọi người nghĩ gì, nhưng tôi biết chắc chính vì có những hoạt động ngày ấy - dù mệt nhọc đã giúp cho sức khỏe của nhiều người tốt hơn, để rồi đã từng bước làm thay đổi, phát triển nên Bệnh viện đa khoa hiện đại, hàng đầu theo tiêu chuẩn quốc tế - An Sinh ngày nay.
Thời gian vẫn cứ bốn mùa luân chuyển, nay đã thấy cây Lộc vừng ngày nào đã qua nhiều mùa thay lá và đơm bông. Hàng cây xanh vẫn được săn sóc lớn lên từng ngày để tô điểm cho không gian Bệnh viện thêm trong lành, tươi mát. Đồng thời, tôi nghĩ nó là luồng sinh khí mang lại sức sống, thư giãn cho các người bệnh. Nhưng không chỉ có thế, chặng đường chúng ta đi cùng với An Sinh là những trăn trở, hàng ngàn cảm xúc khó tả. Là những lần người bệnh ung thư sợ hãi vì ngày mai mình sẽ ra đi mãi mãi, là nỗi lo lắng của người bố khi con mình bị ốm… Là những lúc người bệnh gào thét đau đớn của những bà mẹ trong lúc sinh nở, và lúc rạng rỡ nụ cười khi ôm con ra viện. Là những lúc người bệnh la hét, chửi bới om sòm trong cơn mê sảng hay đau đớn vì mổ xẻ, rồi hôm sau lại xin lỗi vì quá đau đớn mà mất bình tĩnh. Là lúc nhăn nhó khi nhận được tin bệnh và tươi cười khi được ra viện… Hay là những lúc bác sĩ chia sẻ lại cảm xúc sau một ca phẫu thuật, là những điều dưỡng cùng thay phiên chăm sóc, hỏi thăm sức khỏe của người bệnh. Hay là những buổi bác sĩ cùng ngồi nhìn lại một chặng đường ba năm, hay năm năm qua đã gặp rất nhiều thăng trầm trong công việc ngành y…
Đặc biệt, thời gian qua chúng ta, những y bác sĩ đại diện cho “người chiến sỹ đầu tuyến” cùng chiến đấu với dịch bệnh #COVID19, chúng ta đã rất mạnh mẽ, quyết liệt hòa chung tinh thần cùng người dân cả nước ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Cùng nhớ lại, những người bệnh bị nhiễm, những F1, F2… liên quan đều làm cho chúng ta vô cùng lo lắng. Nhưng mọi nỗ lực của chúng ta đều có kết quả. Song vì đâu chúng ta có mệt mỏi, chùn bước nhưng vẫn không ngại gian khổ? Tôi thiết nghĩ, sau tất cả, điều đọng lại đó vẫn chính là hai chữ “Tình người”. Nếu không nghĩ đến tình nghĩa ấy làm sao chúng ta có được cái nền tảng bắt đầu với ngành nghề với câu khẩu miệng “Lương y như từ mẫu”. Nếu không nghĩ đến tình nghĩa ấy, sao các người bệnh lại dám đặt niềm tin, thậm chí đặt cược mạng sống vào tay chúng ta? Và chẳng phải cũng chính điều đó đã giúp chúng ta làm việc trong ngôi nhà An Sinh thêm ấm áp ngọn lửa của tình người đó sao?
Nhưng điều gắn kết chúng ta hằng ngày vẫn là những hoạt động tình nguyện Hiến máu nhân đạo, cho tủ máu của ngành y hoặc để dự trữ sẵn cho những lần cấp cứu. Những tấm áo trắng thường ngày cũng đã được thay màu áo nghệ sỹ để thể hiện tài năng của mình. Những tiếng hát thường ngày vẫn tất bật với người bệnh đã được cất lên, những bước nhảy năng động chúng ta chưa từng thấy, dáng ngồi ghi-ta, những màn ảo thuật, cắm hoa tinh tế cũng được thể hiện từ những y bác sĩ áo trắng thường ngày mà chúng ta chưa từng thấy. Và cả những kỳ nghỉ, hoạt động hội thao như cầu lông, nhảy bao bố, chơi bóng bàn, đánh cờ tướng, chạy xe đạp chậm… được tổ chức để thể hiện tinh thần đồng đội, sức trẻ giữa các nhân viên y tế trong bệnh viện với nhau. Thế mới thấy bệnh viện chúng tôi không chỉ người bệnh đến chữa trị chăm sóc sức khỏe rồi đi mà còn là nơi Gia đình - những nhân viên như tôi được phát triển, gắn bó lâu dài.
Bước chân từ những tháng ngày Bệnh viện vừa được thành lập, tôi cảm nhận được hơn hết sự nỗ lực của Ban lãnh đạo, toàn bộ các y bác sĩ đã góp một chút sức lực của mình vào để phát triển An Sinh có được như ngày hôm nay. Chưa bao giờ, tôi tin được là 15 năm đã qua đi, 15 năm tuổi, lứa tuổi nhiều mộng mơ nhưng với biết bao thăng trầm, 15 năm đối mặt với những khó khăn, để rồi con sóng lớn đến đâu, một ngày kia rồi cũng tới bờ. Và An Sinh hôm nay đã vững bước để vươn tầm Quốc tế, tôi nguyện gắn mình với sự an bình trong ngôi nhà thân thương này để chung tay vì sức khỏe cộng đồng. Để không những 15 năm mà 30 năm, hay 50 năm nữa… An Sinh vẫn mãi là ánh sáng gieo mầm hi vọng sống cho tất cả mọi người. Cảm ơn Bệnh viện và những con người âm thầm lặng lẽ góp phần tạo nên 15 năm hình thành và phát triển của An Sinh. Tôi hi vọng trong tương lai, An Sinh sẽ là nơi kiến tạo niềm tin về sức khỏe, là con thuyền vươn ra biển lớn, thật thành công và nhân rộng bởi tình người sẽ luôn còn mãi.
Bệnh viện An Sinh