Tết bên bàn mổ
Khi các gia đình sum vầy bên nhau đón năm mới thì bác sĩ Nguyễn Tự Đức – Trưởng khoa Gây mê phẫu thuật, Bệnh viện An Sinh (TPHCM) và các đồng nghiệp đang căng thẳng bên bàn mổ.
Trước khi bắt đầu ca phẫu thuật, hầu như bệnh nhân chỉ quan tâm đến bác sĩ mổ chính, nhưng để ca mổ thành công còn có sự trợ giúp đắc lực của các bác sĩ gây mê hồi sức. Do vậy, vào mỗi dịp lễ, tết - thời điểm tai nạn tăng cao, các bác sĩ của khoa gây mê - những chiến sĩ thầm lặng lại nhọc nhằn hơn, luôn trong tình trạng căng người “đón lũ”.
Gần nửa đời người công tác tại khoa Gây mê hồi sức của Bệnh viện Chợ Rẫy rồi Bệnh viện An Sinh, nhắc đến tết, bác sĩ Đức nói: “Hơn 30 năm nay, tôi chưa bao giờ có cái tết trọn vẹn với gia đình. Dịp tết, tôi thường phải trực.
Tối, thức suốt đêm với nhiều ca mổ nên hết ca là chạy nhanh về nhà, ăn vội miếng gì đó rồi nằm ngủ. Nếu không trực đêm 30, mùng Một Tết thì tôi cũng không dám đi ra khỏi thành phố để hễ anh em gọi là chạy vào hỗ trợ ngay.
Vợ tôi cũng làm trong phòng mổ nên hai vợ chồng chẳng bao giờ thong thả hưởng một cái tết trọn vẹn”.
Khoảnh khắc xuân về hiếm hoi của khoa Gây mê phẫu thuật, Bệnh viện An Sinh
Nhắc đến tết, bác sĩ Đức nhớ ngay đến cậu con trai 22 tuổi mà ông luôn áy náy vì chưa làm tròn trách nhiệm người cha. “Tôi luôn thấy áy náy và có lỗi với con vì chưa bao giờ cho con một ngày tết trọn vẹn. Tôi cũng chưa bao giờ dẫn con đi Hội hoa xuân.
Lúc con còn nhỏ, đến tết, vợ chồng tôi dẫn cháu vào bệnh viện; khi cháu lớn hơn thì gửi cho người thân. Đó là thiếu sót lớn nhất của vợ chồng tôi với con, dù con chưa bao giờ thắc mắc hay trách cha mẹ” - bác sĩ Đức tâm sự.
Giáp tết, trong tết, khoa Gây mê phẫu thuật vẫn khẩn trương như ngày thường, những bóng áo xanh đặc trưng của phòng mổ tất tả qua lại.
Bác sĩ Nguyễn Tự Đức cho biết, trung bình mỗi năm khoa gây mê cho 14.000 ca. Trong đó, đêm giao thừa năm nào cũng từ 3-10 ca, có trường hợp chấn thương do tai nạn giao thông, có trường hợp mổ cấp cứu thai sản...
“Có năm, chúng tôi vừa xong ca mổ khó lúc 2g sáng, cả ê-kíp thở phào tính ngồi uống trà, ăn bánh mứt thì nhận được điện thoại của khoa Sản báo có ca sinh mổ với nguy cơ vỡ vết mổ cũ.
Lập tức, cả ê-kíp lao vào chuẩn bị, ngay lúc đó nhìn thấy khoa Sản khẩn trương đẩy băng ca của thai phụ vào. Chúng tôi cùng các bác sĩ khoa Sản bắt tay ngay vào ca phẫu thuật. Thai phụ xuất huyết và bị bục vết mổ cũ rất nguy hiểm, nếu xử lý chậm có thể ảnh hưởng cả mẹ lẫn con” - bác sĩ Đức kể.
Lịch mổ của Khoa Gây mê phẫu thuật trong những ngày yên ả
"Những mùa xuân" dâng trào trong phòng mổ
Bác sĩ Đức chỉ cho tôi một góc nhỏ trước bảng thông báo lịch mổ và bảo đó là "Tết của khoa". Đó là nơi duy nhất báo hiệu xuân về ở nơi được vây quanh bởi 4 bức tường, vì khi đặt chân vào khoa Gây mê phẫu thuật, các nhân viên y tế phải cách ly hoàn toàn với thế giới bên ngoài.
Họ đón Xuân bằng cách lấy tấm vải trắng phủ lên tấm bảng thông báo và dán lên dòng chữ "Chúc mừng năm mới". Phía trước là chiếc bàn nhỏ với chậu hoa vạn thọ hay hoa cúc, đĩa trái cây, bánh mứt.
Thế nhưng, chẳng ai còn tâm trí để tận hưởng mùa xuân khi có ca bệnh nặng. “Khi đó, bác sĩ và gia đình bệnh nhân cũng không còn tết. Một người bị bệnh là cả gia đình vào bệnh viện lo lắng. Ngày tết chẳng ai muốn vào bệnh viện nên chúng tôi luôn cố gắng làm tốt nhất phận sự của mình” - bác sĩ Đức nói.
Bác sĩ Nguyễn Tự Đức và ê-kíp chuẩn bị vào một ca phẫu thuật
Các nhân viên y tế của khoa Gây mê phẫu thuật làm việc bất kể ngày thường hay tết
Dẫu vậy, vẫn có những khoảnh khắc mùa xuân hiếm hoi về bên phòng mổ, đó là khi bác sĩ giành lại được mạng sống của bệnh nhân từ tay tử thần; khi giúp sản phụ vượt cạn thành công và chào đón những thiên thần nhỏ.
Mỗi mùa xuân đến rồi lại qua. Tết ở khoa Gây mê phẫu thuật không có hội hè, quà bánh đặc biệt. Tết là những ngày chiến đấu không ngừng của các y bác sĩ để mùa xuân lại về với gia đình bệnh nhân.
Thuỳ Dương