Tin bệnh viện An Sinh

Làm gì khi bị huyết áp cao?

Cập nhật lúc: 8:35:32 SA - 02/12/2019

Một ngày nào đó, khi huyết áp của bạn đang ở trạng thái bình thường bỗng cao chót vót. Bạn đi kiểm tra sức khỏe và được chẩn đoán là tăng huyết áp. Chuyện không hiếm, vì đó là căn bệnh của thời đại và ngày càng trẻ hóa. Một chút lo lắng nhưng không hẳn là điều không hay!

 



 

Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến sự thay đổi huyết áp, cơ thể mệt mỏi, tâm trạng không tốt, vừa đi bộ một quãng dài, vừa tập thể dục, đêm qua mất ngủ… Huyết áp tăng cao thường không có dấu hiệu rõ ràng và diễn biến thầm lặng, nhưng huyết áp có thể trở lại bình thường nếu được kiểm soát tốt hơn. Quan trọng là giữ cho huyết áp không ảnh hưởng đến các cơ quan quan trọng của cơ thể như hệ thống tim mạch, chức năng thận, bệnh lý về mắt…

 

Thiết lập những thói quen nhỏ cũng tạo thành sự thay đổi lớn cho huyết áp của bạn được ổn định:

 

Kiểm tra sức khỏe định kỳ: Kiểm tra sức khỏe định kỳ sẽ giúp bạn kiểm soát tốt hơn và có những điều chỉnh phù hợp. Nếu được chẩn đoán là cao huyết áp, bạn nên kiểm tra huyết áp hàng ngày. Huyết áp có thể được cải thiện khi bạn duy trì lối sống lành mạnh, chế độ dinh dưỡng hợp lý và có kế hoạch chủ động kiểm tra sức khỏe định kỳ để được tư vấn với bác sĩ chuyên môn.

 

Có thói quen đọc các thành phần có trong thực phẩm trước khi sử dụng: Một số loại thực phẩm có chứa quá nhiều chất ảnh hưởng không tốt đến huyết áp, nhất là khi chỉ số huyết áp của bạn đang vượt quá giới hạn cho phép. Bạn nên hạn chế các loại thực phẩm có nhiều muối và chất bột đường.

 

Giữ cân nặng hợp lý: Thông thường, các bước đầu tiên trong việc kiểm tra sức khỏe là đo các chỉ số huyết áp, mạch, chiều cao, cân nặng… Các chỉ số này ít nhiều cũng nói lên được nhiều điều về sức khỏe của bạn. Trong đó, cân nặng có liên quan trực tiếp đến huyết áp. Cân nặng hợp lý sẽ giúp huyết áp bạn ổn định.

 

Vận động vận động và vận động: Tăng cường hoạt động thể chất và thể dục thể thao mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe, nhưng cũng cần điều chỉnh sự vận động cho phù hợp thể trạng của bạn. Đặt mục tiêu tối thiểu là 30 phút mỗi ngày và thực hiện đều đặn 5 ngày 1 tuần.

 

Hạn chế rượu bia: Rượu bia cũng là một loại gia vị làm món ăn thêm hương vị và cũng góp phần để những cuộc gặp gỡ gia đình, bạn bè, đồng nghiệp… thêm vui. Nhưng rượu bia không có lợi cho sức khỏe. Khi uống quá nhiều và thường xuyên sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho huyết áp tăng cao. Vì sức khỏe của bạn, bạn nên hạn chế rượu bia khi có thể.

 

Quản lý tốt stress: Nhịp sống phát triển không tránh khỏi những căng thẳng. Stress có khả năng tác động lên toàn bộ hệ thống của cơ thể. Không chỉ tác động lên thành mạch máu, nguyên nhân dẫn tới bệnh tăng huyết áp, hơn thế nữa còn là nguy cơ tiềm ẩn của các bệnh lý về tim mạch. Quản lý tốt stress là điều cần thiết. Ưu tiên thời gian thư giãn, nghỉ ngơi là khoảng dừng cần thiết, giúp bạn phòng ngừa bệnh tật và nạp thêm năng lượng tích cực cho ngày mới.

 

 

Bệnh viện An Sinh

 

 

 

Các tin tức khác:
[Trở về]