Trong 2 ngày, ngày 8 và 9/7/2018, Bệnh viện An Sinh đã tổ chức tập huấn "Hướng dẫn phòng, chẩn đoán, và xử trí phản vệ" năm 2019 cho toàn thể cán bộ nhân viên bệnh viện. Đây là chương trình tập huấn được Ban lãnh đạo Bệnh viện An Sinh đặc biệt chú trọng quan tâm và được tổ chức thường niên.
Phản vệ là một trong những phản ứng dị ứng cấp tính nguy hiểm nhất, gây ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động của hệ hô hấp, tuần hoàn, thần kinh… Diễn biến lâm sàng phong phú, đột ngột, phức tạp, khó lường trước và có thể dẫn đến tử vong chỉ trong vòng vài phút. Nhưng nếu được phát hiện cấp cứu kịp thời và đúng cách, thì cơ hội cứu sống người bị phản vệ sẽ rất cao.
Chương trình tập huấn “Hướng dẫn phòng, chẩn đoán và xử trí phản vệ” năm 2019 vinh dự được sự hướng dẫn của TS. BS. Đỗ Quốc Huy - Phó Giám đốc Bệnh viện 115. Trong chương trình tập huấn, TS. BS. Đỗ Quốc Huy truyền đạt nhiều thông tin cập nhật mới về phản vệ, đặc biệt chia sẻ nhiều trường hợp xử trí phản ứng phản vệ khó nhận biết, cùng kinh nghiệm thực tế quý báu trong quá trình làm việc.
Trong phác đồ xử trí phản vệ cụ thể có thể khác nhau tùy vào tình huống người bệnh mắc phải. Nhưng Adrenalin tiêm bắp vẫn là liệu pháp điều trị cơ bản và có tính chất sống còn đối với người bệnh. Do vậy, Adrenalin cần được chuẩn bị trước ở tất cả các tình huống có nguy cơ xảy ra sốc phản vệ. Về cơ chế, Adrenalin tác động lên các thụ thể thần kinh giao cảm giúp giải quyết hầu hết các triệu chứng của phản vệ và thuốc cần được sử dụng sớm nhất có thể.
Nội dung chương trình tập huấn bao gồm: Hướng dẫn chẩn đoán phản vệ, mức độ phản vệ, xử trí cấp cứu phản vệ, xử trí phản vệ trong một số trường hợp đặc biệt như: phản vệ trên phụ nữ có thai, phản vệ ở trẻ nhỏ, phản vệ ở người già, phản vệ trên người bệnh đang dùng thuốc chẹn thụ thể Beta, phản vệ trong quá trình gây tê - gây mê, phản vệ do gắng sức, hộp thuốc cấp cứu phản vệ và trang thiết bị y tế, khai thác tiền sử dị ứng, mẫu thẻ theo dõi dị ứng, các lưu ý và khuyến cáo theo quy trình kỹ thuật test da, sơ đồ chẩn đoán và xử trí phản vệ, cách sử dụng Adrenalin với người bệnh có phản ứng phản vệ.
Phản ứng phản vệ vẫn là thách thức của nền y học hiện đại, không chỉ trong nước mà còn cả thế giới. Đã có rất nhiều nghiên cứu làm thế nào để phát hiện người dị ứng với thuốc hoặc một hóa chất nào đó khi đưa vào cơ thể để điều trị. Tuy nhiên, đến nay mọi biện pháp vẫn chưa thể tìm hết được. Vì thế, phác đồ cấp cứu sốc phản vệ được xem là phao cứu sinh giúp tăng cường nỗ lực cứu sống người bệnh trong tình huống phản vệ. Thực tế, một số trường hợp, dù đã được áp dụng đúng phương pháp cấp cứu nhưng vẫn không thể cứu sống được người bệnh do phản ứng cơ địa của từng cơ thể khác nhau.
Thông qua chương trình tập huấn, Ban Giám đốc Bệnh viện An Sinh mong muốn sẽ góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng khám chữa bệnh, chăm sóc và an toàn cho người bệnh. Tạo môi trường làm việc khoa học, hiệu quả và nhất là đem đến sự hài lòng cho người bệnh khi đến kiểm tra sức khỏe và điều trị tại Bệnh viện An Sinh.
Bệnh viện An Sinh