Tiền có làm con người ta hạnh phúc? Không hẳn thế. Có rất nhiều triệu phú bất hạnh. Như riêng tôi, tôi thường thấy có một sự tương quan trái ngược giữa hạnh phúc và sự giàu có của mình. Khi tôi không có gì, tôi mang ít trách nhiệm và không phải thường xuyên lo sợ thị trường chứng khoán xuống giá. Tôi sống trong một căn hộ có người chủ nhà đã sửa lại các thiết bị vỡ vụn và cắt sạch bãi cỏ. Cuộc sống nói chung là ổn.
* Hạnh phúc là mục đích và ý nghĩa của cuộc sống, là đích nhắm và mục tiêu cuối cùng với sự tồn tại của loài người. — Aristotle
* ...Sống, tự do và mưu cầu hạnh phúc- Đó là những quyền bất khả xâm phạm được nói đến trong bản tuyên ngôn độc lập của Mỹ.
* Trong khi bản thân hạnh phúc được người ta tìm kiếm để được hạnh phúc thì những mục đích khác của hạnh phúc- sức khỏe, sắc đẹp, tiền bạc, hoặc quyền lực- được chúng ta coi trọng chỉ vì chúng ta nghĩ rằng nó sẽ làm chúng ta hạnh phúc. — Mihaly Csikszentmihalyi
|
Nhưng nếu tiền không phải chiếc chìa khóa mở ra hạnh phúc đích thực, vậy đó là gì?
Năm 1990, Mihaly Csikszentmihalyi (“MC”), sau này làm việc ở Khoa Tâm lý thuộc Đại học Chicago xuất hiện với một cuốn sách mang tựa đề “Dòng chảy: tâm lý học về trải nghiệm tối ưu”. MC là một nhân vật tiên phong trong lĩnh vực phát triển khoa học hạnh phúc, và cuốn sách này là nơi tuyệt vời để tìm kiếm câu trả lời. MC và vô vàn người khác đã phát triển lĩnh vực nghiên cứu này trong nhiều thập niên qua, nghiên cứu hàng ngàn đề tài khắp thế gian. Và, giống như nghiên cứu về cơ chế biểu lộ sắc thái con người, kết quả nghiên cứu của họ dường như thích hợp với mọi nền văn hóa mà họ đã kiểm nghiệm.
Căn bản, những gì mà MC và đồng nghiệp của ông tìm thấy là con người hạnh phúc nhất - không phải khi họ ngồi vô thức ngay trước màn hình tivi nhiều giờ liền - mà là khi họ nỗ lực xét theo khía cạnh cả vật chất lẫn tinh thần trong hoạt động đầy thử thách đòi hỏi nhiều kĩ năng, sự khéo léo. Một hoạt động không quá dễ hoặc quá khó. Một việc bạn có mục tiêu rõ ràng và nhận được phản hồi rõ ràng, và với nó kĩ năng của bạn có thể tiếp tục được hoàn thiện, giúp bạn trưởng thành.
Theo MC, “Trái ngược với những gì chúng ta thường nghĩ… khoảnh khắc đẹp nhất trong cuộc sống của chúng ta không phải là lúc ta bị động hay nghỉ ngơi rỗi rãi - mặc dù những lúc như thế chúng ta cảm thấy thú vị - khoảnh khắc tuyệt vời nhất thường xảy đến khi tâm hồn và thể xác được kéo căng tới giới hạn của nó để cố gắng hoàn thành điều gì đó khó khăn nhưng đáng giá.
Trong các hoạt động như vậy, bạn có được một cảm giác mà MC gọi là “dòng chảy”, một trạng thái mà toàn bộ tâm trí bạn đều bị vắt kiệt với những gì bạn đang làm, không có chỗ trống nào trong ý thức của bạn dành cho sự sợ hãi hay lo lắng.
Thực tế, bạn trở nên hoàn toàn vô thức; không hề nghĩ ngợi đến những chuyện lặt vặt như dáng vẻ ngoại hình bản thân hay những điều tủn mủn khác. Tóc của bạn có thể dựng đứng mặc dù bạn vừa thò ngón tay mình vào trong ổ điện nhưng bạn quá mê mải để có thể ý thức được. Bạn quá tập trung vào công việc hiện tại đến nỗi bạn còn mất cảm giác về thời gian.
Chẳng hạn, khi tôi viết, công việc mà tôi yêu thích, 5 giờ đồng hồ có thể trôi qua như 5 phút. Mặt khác, khi tôi đi shopping cùng vợ tôi mua giày, 5 phút có thể như vô tận. Theo lời của MC, “cố gắng vượt qua những thử thách, và sau đó vượt qua được chúng là điều con người ta cảm thấy là những khoảnh khắc thú vị nhất trong cuộc đời họ. Con người về cơ bản cảm thấy mạnh mẽ, tỉnh táo, trong tầm kiểm soát, vô ý thức, và ở đỉnh cao khả năng của mình.” Và thực tế là chúng ta mất ý thức khi tham gia một hoạt động có quy trình như dòng chảy, khi ý thức của chúng ta trở lại, ta nhận thấy ta đã giàu có, kĩ năng của ta đã lớn mạnh và do đó có cảm giác thành công.
Bất cứ hoạt động nào đòi hỏi năng lượng, có thể gây ra sự tập trung và mang nhiều thử thách đều tạo ra dòng chảy. Danh sách các hoạt động này là vô tận và gồm có đọc, viết, trình diễn, chơi thể thao, học tập, chơi cờ, tham gia các cuộc thảo luận hứng thú, khiêu vũ, v.v...
Lấy tennis làm ví dụ. Đó là một trò chơi đầy thử thách, nhưng không phải không thể, có mục tiêu rõ ràng, có phản hồi và cơ hội hoàn thiện. Khi chơi bạn không có thời gian để lo nghĩ về chuyến thăm sắp tới của mẹ chồng, tỉ lệ cholesterol trong máu của bạn, hay một gã mới ra tù đang hẹn hò với con gái mình.
Các bác sĩ phẫu thuật chìm mình trong một dòng chảy khi đang phẫu thuật và những người trông coi siêu thị đang theo một dòng chảy khi họ khéo léo kết thúc một thương vụ. Nói cách khác, dòng chảy là một trạng thái đối lập với lo lắng và nhạt nhẽo.
Dù những phát hiện này là rõ ràng với tôi, khi tôi mới biết đến chúng, chúng xuất hiện như một sự kiện hiển linh. Giống nhiều người khác, tôi từng nghĩ bí mật hạnh phúc gồm có thức ăn ngon, rượu ngon, sex, xe hơi và nhiều vật dụng tân tiến khác; rằng con đường nhanh nhất để có được hạnh phúc là tối đa hóa địa vị, tiền bạc và niềm vui. Và trong khi niềm vui là thứ được người ta coi trọng không thể chối cãi được nhưng nghiên cứu này cho thấy đánh đồng niềm vui thú với hạnh phúc là sai lầm.
Vui thú có thể có được với ít nỗ lực và không làm ý thức chúng ta phát triển. Nhưng trong nhiều nghiên cứu liên tiếp. khi con người ta suy ngẫm điều gì làm cuộc sống của mình đáng giá, họ nói chính là quá trình cố gắng tập trung; nỗ lực mang lại nhiều rắc rối cho chính họ và kết quả là trưởng thành về tâm lý. Tóm lại, khoảnh khắc chúng ta thích thú nhất và thỏa mãn lớn nhất của chúng ta đến từ cảm giác hoàn thành mục tiêu. Một nhận xét của New York Times về “Flow” vắn tắt chính xác nhất điều đó “con đường hạnh phúc không có ở khoái lạc vô thức mà là trong thử thách”.
Vậy những điều kể trên là dấu hiệu của hạnh phúc thì dấu hiệu của trạng thái trái ngược là gì? Rốt cục, sự bất hạnh lại có xu hướng tăng. Mặc dù có rất nhiều tiện nghi sung túc, nhiều người trong chúng ta sống với trạng thái lo lắng và thường xuyên suy sụp. MC viết “khi sự giàu có cũng như tiện nghi cuộc sống của chúng ta tăng lên, thì cảm giác hạnh phúc mà chúng ta hi vọng đạt được lại lui xa vời vợi. Không có vấn đề cố hữu nào trong ước muốn leo thang các mục tiêu của chúng ta, miễn là ta tận hưởng cuộc đấu tranh trên con đường đó. Vấn đề nảy sinh khi người ta quá trông mong vào điều họ muốn đạt được đến nỗi họ không có được thú vui từ khoảnh khắc hiện tại. Khi điều đó xảy ra họ bỏ lỡ cơ hội được thỏa nguyện. Các hoạt động thực sự thú vị là những hoạt động chúng ta làm vì chính chúng; vì thực chất chúng đáng được thực hiện. Đáng tiếc, nỗ lực cố nắm bắt thành công có thể làm chúng ta chỉ hướng đến những hoạt động bề nổi mà bỏ quên những hoạt động có khả năng tạo niềm vui cho chúng ta gấp nhiều lần, làm chúng ta lỡ hết hàng ngàn cơ hội trải nghiệm vừa ý. Theo MC, cách tốt nhất để tránh được điều này là học cách tìm phần thưởng cho mình trong các sự kiện của mỗi khoảnh khắc… để tận hưởng và tìm ra ý nghĩa trong dòng chảy những trải nghiệm, trong chính chu trình sống.”
|
Tôi cho rằng tìm kiếm hạnh phúc là điều vô cùng quan trọng với tất cả chúng ta, đây là đề tài mà chúng ta với tư cách là một xã hội thống nhất, nên giới thiệu lại với con cháu mình từ khi chúng còn nhỏ tuổi (có lẽ khoảng lớp 5 hay lớp 6). Tất nhiên các trường học có thể dành vài giờ để con cháu chúng ta biết đến những khái niệm có thể sẽ có tác động sâu sắc đến cuộc sống của chúng. Và một kiến thức tổng quát về đề tài dòng chảy và hạnh phúc giữa các nhà giáo dục có thể khiến chúng cân nhắc chương trình học và bài tập về nhà với một quan niệm mới, cải thiện cách chúng giải quyết, cách chúng sửa chữa để nâng cao tiềm năng để tạo dòng chảy trong học sinh. Trước khi chúng đến tuổi tới trường, con cháu chúng ta vốn cơm cha áo mẹ, thu nạp thông tin với tốc độ tuyệt vời. Niềm yêu thích khi chúng học một ngôn ngữ từ một mớ hỗn tạp, mù mờ với chúng dễ dàng thấy được, như khi chúng biểu lộ sự sung sướng khi thành thạo những kĩ năng mới hay kiến thức mới. Nhưng như chúng ta biết về bản chất con người, khi một hoạt động có vẻ bị áp đặt, chúng ta sẽ thường chống lại nó.
Trẻ sẽ sung sướng miệt mài với một cuốn đố vui hàng giờ liền, nhưng khi gán cho những câu đố như thế cái tên “bài tập về nhà” và những thứ vừa làm chúng vui sướng có thể trở thành công việc cực nhọc, buồn tẻ. Một số người trong các bạn có thể vui thích khi đọc bài viết này, nhưng liệu niềm vui này có bị biến mất nếu sếp của bạn ép bạn đọc nó. Có thể lắm. Nhiều người kể lại họ trong dòng chảy thường xuyên hơn khi làm việc hơn là trong thời gian rảnh rỗi, khi họ không sử dụng bất cứ kĩ năng nào và thường cho biết cảm thấy bị động, u mê, và thất vọng. Dù với những phát hiện này, sẽ không phải là một điều ngạc nhiên khi những người này mong mỏi thời gian nhàn rỗi trong công việc, thậm chí khi họ được thử thách và hạnh phúc. Và điều gì làm họ mong mỏi trong thời gian rảnh rỗi? Bạn sẽ đoán được. Rảnh rỗi hơn! Ngay cả khi họ buồn chán và thất vọng vào lúc đó. Tương tự, tôi tin chắc là phần lớn trẻ nhỏ sẽ hạnh phúc hơn khi còn đi học - có bạn bè bên cạnh trong một môi trường tổ chức và đầy thử thách hơn là trong kì nghỉ hè, lúc chúng thường rên rỉ buồn chán. Tuy nhiều đứa trẻ ước kì nghỉ hè của chúng sẽ không bao giờ kết thúc; và năm học mới sẽ không bao giờ bắt đầu. Có lẽ thành viên trong một xã hội được rèn luyện khoá học hạnh phúc và được biết đến hiện tượng này sẽ có thể theo kịp những hoạt động thử thách, tạo dòng chảy ở trường và trong công việc tốt hơn những đứa trẻ khác.
|
Giảng dạy những nguyên tắc cơ bản nhất về khoa học dòng chảy có thể khuyến khích trẻ tự xem xét nội tâm, tự cân nhắc liệu chúng có hạnh phúc hơn không nếu chúng được thử thách so với khi chúng ngồi xem ti vi. Nhưng không có nghĩa là ti vi và các trò giải trí khác là không xứng đáng thực hiện, hoặc một lượng thời gian nhất định ngồi thư giãn trước màn hình ti vi không phải là một phần niềm vui quan trọng của cuộc sống. Nhưng ti vi là một phương tiện truyền thông bị động, ít làm chúng ta hoạt động và lợi ích chính của nó mang lại chúng chiếm hết ý thức của chúng ta đủ để chúng ta không chìm đắm trong những lo âu và chúng ta không hoàn toàn cảm thấy nhàm chán. Đạt được dòng chảy mặt khác cần nhiều nỗ lực. Bằng cách dạy con trẻ chúng ta về hạnh phúc, có lẽ chúng ta sẽ giúp chúng nhận ra rằng sử dụng năng lượng cần thiết để đọc hoặc viết hay chơi thể thao, hoặc là ngồi trước màn hình ti vi, sẽ mang lại nhiều phần thưởng không cân xứng. Nhiều đứa trẻ ngày nay được nuông chiều, khen ngợi và làm cho chúng tin rằng mình là trung tâm của vũ trụ - rằng hạnh phúc của chúng là ưu tiên tối thượng - mà không cần hiểu bản chất đích thực của hạnh phúc. Với chúng, hạnh phúc là được vui chơi, và cố gắng ít nhất, khi mà sự thật có nghĩa là làm việc chăm chỉ, tìm cách mang dòng chảy vào công việc, học tập và hoàn thiện các kĩ năng, trưởng thành và đạt được thành công là một con đường tuyệt vời hơn thời gian rảnh rỗi vô tận rất nhiều.
Bạn của tôi làm trong ngành kinh doanh nói rằng nhiều bạn trẻ mới gia nhập lực lượng lao động, đặc biệt là những người được đào tạo chuyên nghiệp, có cảm giác mình có quyền đòi hỏi những ngày nghỉ phép và không muốn làm việc nếu họ không được bắt đầu với một vị trí thú vị trong tổ chức cao hơn so với tầm năng lực họ có. Nhưng người ta đã tìm thấy dòng chảy trong trại giam, và những nơi tương tự, do vậy dòng chảy không phải là những cái liên quan đến địa vị trong một tổ chức. Có lẽ được giảng dạy về dòng chảy từ khi còn trẻ có thể giúp họ biết được hướng đi đúng của mình, giúp họ thấy rằng họ có thể hạnh phúc hơn với vị trí có thử thách phù hợp với khả năng của mình hơn là trong vị trí mà chúng sẽ nhanh chóng bị đào thải. Trong tennis, một người mới bắt đầu chơi đấu với một người mới khác có thể đạt được dòng chảy và sự mãn nguyện. Một người mới bắt đầu đấu với Andy Murray chỉ có thể mang về cảm giác vô vọng và thua tơi bời. Có lẽ thế hệ mai sau sẽ hiểu hơn rằng nếu chúng khởi nghiệp có thể có nhiều cơ hội tốt hơn cho chúng tìm dòng chảy - và hạnh phúc trong một phòng mail hơn là một căn phòng rộng bao la. Nhưng nếu chúng có thể tìm thấy hạnh phúc trong những thử thách ở bất cứ trình độ nào của mình, nó sẽ không được mong ước trước khi chúng tìm được đường đi đến căn phòng thênh thang, với kĩ năng bấy giờ tương xứng với những thử thách mà chúng thấy ở đó.
Như đã nói, những thứ khác trong cuộc sống, hạnh phúc đòi hỏi một sự cân bằng. Các nhà giáo dục học sẽ cần phải nhấn mạnh tầm quan trọng của việc không ích kỉ theo đuổi dòng chảy mà quên đi trách nhiệm. Dòng chảy có thể làm người ta say mê, và có thể có được bằng những hoạt động mà xã hội chúng ta coi là tiêu cực cũng như tích cực như chiến tranh, trộm cắp, phạm tội vị thành niên. Nhưng nếu đề tài này được giảng dạy đúng cách, tôi tin rằng chúng ta sẽ có tác động tích cực lên trẻ nhỏ. Tất nhiên không phải tất cả nhưng ít nhất là một số. Tôi tin chắc điều đó vì tôi đã luyện tập những điều tôi nói ra ở đây. Khi tôi nói chuyện ở các trường học, tôi thường nói đến sách của mình và khuyến khích trẻ nhỏ biết quý giá và sử dụng tài nguyên Web đúng cách, nhưng phần lớn thời gian tôi dành cho khoa học hạnh phúc. Tôi cho những thính giả trẻ tuổi của mình biết dấu hiệu của hạnh phúc và giải thích họ có thể đạt được trạng thái này như thế nào bằng cách đọc sách, chơi cờ, trình diễn, học nhảy, và chơi bóng - chứ không đứng xung quanh rồi nhìn lên trần nhà. Hạnh phúc đòi hỏi sự cố gắng - nhưng cuối cùng nó cũng chứng tỏ sự xứng đáng…
Ngọc Hân (Theo douglaserichards.com)