Tình trạng sưng chân hay những cơn ho không rõ nguyên nhân được xem là dấu hiệu sức khỏe bất thường, có thể do cục máu đông gây ra. Bạn cần thăm khám bác sĩ ngay để được bác sĩ cho chỉ định khám tầm soát sức khỏe, chẩn đoán chính xác bệnh lý và điều trị kịp thời.
Mỗi năm, ước tính có khoảng 900.000 người Mỹ được chẩn đoán bị tình trạng cục máu đông. Bạn có thắc mắc cục máy đông là gì? Cục máu đông có tác động thế nào đến sức khỏe? Khi nhận biết được các triệu chứng cục máu đông có thể giúp cứu sống bạn. Hãy đọc tiếp nội dung dưới đây để cùng tìm hiểu về tình trạng cục máu đông.
Cục máu đông là một phần sinh học bình thường của cơ thể. Không phải tất cả cục máu đông nào cũng đáng lo ngại vì chúng ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Trên thực tế, cục máu đông có nhiệm vụ cầm máu khi vết thương chảy máu. Đôi khi, cục máu đông có thể gây ra vấn đề sức khỏe nghiêm trọng nếu chúng xuất hiện ở sâu bên trogn các tĩnh mạch khắp cơ thể.
Khi cục máu đông hình thành sâu bên trong tĩnh mạch, chúng có thể gây ra cơn đau, lúc này chúng thực sự nguy hiểm, có khả năng đe dọa đến tính mạng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Cục máu đông này còn được gọi là huyết khối tĩnh mạch sâu (DVT). Chúng giống như những rào chắn, ngăn chặn sự lưu thông máu bên trong cơ thể, gây tắc nghẽn hoạt động của hệ tim mạch hoặc hệ tuần hoàn. Nếu bạn nhận thấy cơ thể có biểu hiện của cục máu đông, hãy thăm khám bác sĩ hoặc sự hỗ trợ chăm sóc y tế ngay lập tức.
Mọi thứ có thể trở nên nghiêm trọng hơn nếu huyết khối tĩnh mạch tách rời khỏi vị trí ban đầu và di chuyển đến phổi gây ra thuyên tắc phổi (PE). Cục máu đông cản trở các cơ quan quan trọng này nhận lượng máu và oxy để đáp ứng nhu cầu cơ thể. Điều đó có thể gây ra tổn thương cho chức năng tim, phổi, các cơ quan khác và thậm chí có thể gây tử vong.
Ở một số người dễ bị huyết khối tĩnh mạch hơn so với những người khác. Vì vậy, bạn cần theo dõi dấu hiệu cảnh báo của cơ thể để nhận biết các yếu tố rủi ro có thể xảy ra. Quan trọng là phải nhận ra các triệu chứng của cục máu đông vì chúng thường khó nhận biết, dễ bị bỏ qua dẫn đến không thể can thiệp điều trị kịp thời.
Sau đây là các dấu hiệu cảnh báo cục máu đông cần lưu ý cũng như nguy cơ cục máu đông xuất hiện như thế nào để bạn có thể đưa ra quyết định và hành động nhanh chóng đối với sức khỏe của mình.
Cục máu đông là gì?
Cục máu đông là khối máu giống như thạch, có kích thước lớn nhỏ khác nhau, thường được tìm thấy chủ yếu ở các động mạch, hoặc tĩnh mạch trong tim, não, phổi, bụng, cánh tay và chân của cơ thể. Cục máu đông sẽ có tác dụng cầm máu khi cơ thể bị thương hoặc có vết cắt giúp kiểm soát sự mất máu. Chúng cũng có thể xảy ra vì những lý do khác như một số tình trạng bệnh lý, từ đó gây ra các triệu chứng sức khỏe nghiêm trọng.
Sưng chân
Sưng chân hoặc cánh tay là một trong những dấu hiệu phổ biến của huyết khối tĩnh mạch. Cục máu đông có thể ngăn chặn dòng máu chảy bình thường ở chân, khiến máu có thể bị đọng lại hình thành cục máu đông gây ra sưng chân. Bạn không nên chủ quan bỏ qua tình trạng sưng chân nếu triệu chứng huyết khối tĩnh mạch là bình thường, chẳng hạn như ngồi lâu một chỗ chân có cảm giác sưng to hoặc căng cứng khi chạy bộ quá sức. Hãy cảnh giác nếu tình trạng sưng chân xuất hiện đột ngột có kèm theo đau.
Đau chân hoặc đau tay
Thông thường, cơn đau huyết khối tĩnh mạch xuất hiện kết hợp với các triệu chứng khác như sưng và đỏ tấy tại vùng da đó, đôi khi có thể xuất hiện riêng lẻ. Cơn đau do cục máu đông có thể nhầm lẫn với tình trạng chuột rút do căng cơ, đó là lý do tại sao vấn đề này thường không được chẩn đoán và điều trị kịp thời dẫn đến nghiêm trọng. Cơn đau do huyết tĩnh mạch có xu hướng tấn công mạnh mẽ khi bạn đang đi bộ hoặc khi gập bàn chân hoặc cẳng chân. Nếu bạn bị chuột rút đến mức không thể cử động, vùng da gần đó có cảm giác nóng hoặc đổi màu, bạn cần thăm khám bác sĩ kiểm tra ngay.
Xuất hiện vùng da màu đỏ
Vết bầm tím đôi khi là biểu hiện của một loại cục máu đông nhưng đó không phải là vấn đề bạn cần lo lắng. Bạn không thể nhìn thấy huyết khối tĩnh mạch nhưng bạn có thể thấy một số vết đổi màu giống như vết bầm tím màu đỏ. Huyết khối tĩnh mạch gây ra tình trạng sưng đỏ ở chân, khiến chân và cánh tay có cảm giác ấm nóng khi chạm vào.
Đau ngực
Cơn đau ngực có thể khiến bạn nghĩ rằng đó là cơn đau tim, nhưng đó cũng có thể là dấu hiệu của tình trạng thuyên tắc phổi. Cả thuyên tắc phổi và cơn đau tim đều có các triệu chứng tương tự nhau. Tuy nhiên, cơn đau thuyên tắc phổi có xu hướng đau nhói, đau châm chích và cảm thấy tồi tệ hơn khi hít thở sâu. Còn đối với cơn đau do nhồi máu cơ tim thường có cảm giác lan tỏa đến các vùng lân cận trên cơ thể từ vai, hàm hoặc cổ. Manh mối lớn nhất nằm ở hơi thở của bạn, cơn đau thuyên tắc phổi ngày càng xấu hơn với mỗi hơi thở bạn hít vào. Dù tình trạng mức độ thế nào đi nữa, bạn cần đến bệnh viện thăm khám bác sĩ ngay lập tức.
Hơi thở ngắn
Cục máu đông trong phổi làm giảm lưu lượng máu và oxy đến phổi, điều đó có thể khiến bạn cảm thấy hụt hơi, biểu hiện rõ nhất là khi vận động thể chất hoặc căng thẳng. Bạn thường sẽ không có sức bền hoặc dễ bị hụt hơi mỗi lần leo cầu thang. Nếu bạn cảm thấy mệt, khó thở, hãy nhanh chóng tìm sự trợ giúp của bác sĩ nếu tình trạng xảy ra đột ngột.
Ho không rõ nguyên nhân
Bạn không thể ngừng cơn ho? Nếu bạn cũng bị khó thở, nhịp tim nhanh hoặc đau tức vùng ngực, thì đó có thể là dấu hiệu của thuyên tắc phổi. Dấu hiệu phổ biến là ho khan hoặc ho có kèm chất nhầy, ho có lẫn máu. Khi có dấu hiệu nghi ngờ, bạn hãy liên hệ ngay với bác sĩ hoặc đến thẳng phòng cấp cứu để được kiểm tra và điều trị kịp thời.
Nhịp tim nhanh
Tình trạng cơ thể thiếu oxy sẽ khiến nhịp tim tăng lên để cố gắng bù đắp cho lượng oxy bị thiếu hụt. Cảm thấy rung ở vùng ngực và gặp khó khăn khi hít thở sâu điều đó chứng tỏ cơ thể bạn đang gửi tín hiệu SOS rằng bạn bị thuyên tắc phổi ẩn dấu phía bên trong phổi. Nhịp tim tăng lên một phần nguyên nhân do đau ngực, khó thở và căng thẳng cũng liên quan đến tình trạng cục máu đông nhỏ gây ra. Ngoài ra còn có sự giải phóng các hóa chất từ mô phổi dẫn đến nhịp tim tăng. Nếu cục máu đông lớn hơn có thể gây ra tình trạng giảm lượng oxy trong máu, thậm chí thay đổi lưu lượng máu dẫn đến nhịp tim tăng lên bất thường.
Ngất xỉu, dấu hiệu đau mờ nhạt
Cảm giác choáng váng một phần do quá trình giải phóng hóa chất từ phổi, làm thay đổi oxy hóa máu, huyết áp và nhịp tim. Các tế bào não rất nhạy cảm với sự thay đổi của lưu lượng máu và oxy bên trong cơ thể. Mặc dù đây không phải là dấu hiệu phổ biến của cục máu đông nhưng nó có thể xảy ra thường xuyên. Một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Y khoa New England phát hiện ra rằng thuyên tắc phổi là nguyên nhân gây ra khoảng 17% số ca nhập viện vì ngất xỉu ở 560 người lớn tuổi được nghiên cứu.
Triệu chứng cục máu đông ở chân
Cục máu đông ở chân thường được cảm nhận rõ nhất ở vùng bắp chân có cảm giác căng cứng, có thể kèm đau mỗi khi ấn vào. Các dấu hiệu có thể bao gồm:
- Đau nhức chân
- Sưng chân
- Vùng da chân bị đỏ
- Chân có cảm giác ấm nóng
Các triệu chứng thường liên quan đến kích thước của cục máu đông. Một cục máu đông nhỏ có thể không gây ra bất kỳ biểu hiện triệu chứng nào. Điều cần lưu ý là cục máu đông luôn xảy ra ở một bên chân, các triệu chứng ở cả hai bên chân hầu như không bao giờ liên quan đến cục máu đông. Cơn đau do cục máu đông cũng sẽ dai dẳng, không xuất hiện rồi biến mất.
Triệu chứng cục máu đông ở cánh tay
Cục máu đông xuất hiện ở tĩnh mạch sâu bên trong cánh tay ít phổ biến hơn nhiều so với ở chân, nhưng chúng vẫn có thể xảy ra. Các dấu hiệu có thể bao gồm:
- Đau nhức cánh tay
- Sưng cánh tay
- Vùng da cánh tay bị đỏ
- Cảm giác căng cứng trên tĩnh mạch
- Giống như cục máu đông ở chân, cơn đau do cục máu đông ở cánh tay diễn ra liên tục, thậm chí có thể gây ra cơn đau dữ dội và sưng tấy toàn bộ cánh tay.
Cục máu đông trong phổi hoặc ngực sẽ có cảm giác như thế nào?
Cục máu đông ở vùng ngực là tình trạng thuyên tắc phổi (cục máu đông xuất hiện trong phổi) hoặc huyết khối động mạch vành (cục máu đông xuất hiện trong tim). Thuyên tắc phổi thường có cảm giác giống như cơn đau tim, đau nhói và trở nên tồi tệ hơn khi hít thở sâu.
Các triệu chứng của huyết khối động mạch vành bao gồm:
- Đau dữ dội ở ngực và cánh tay
- Đổ mồ hôi
- Khó thở
Các yếu tố nguy cơ hình thành cục máu đông
Bất kỳ ai cũng có thể gặp tình trạng cục máu đông, nhưng có một số yếu tố và tình trạng sức khỏe có thể làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông, chẳng hạn như:
- Xơ vữa động mạch
- Rung nhĩ
- Ung thư và phương pháp điều trị ung thư
- Một số rối loạn di truyền
- Một số ca phẫu thuật
- Bệnh tiểu đường
- Tiền sử gia đình bị cục máu đông
- Thừa cân béo phì
- Mang thai và sinh con
- Chấn thương nghiêm trọng
- Một số loại thuốc, bao gồm thuốc tránh thai
- Hút thuốc lá
- Giữ nguyên một tư thế trong thời gian dài như ngồi xe hoặc máy bay một quãng đường dài, ngồi làm việc lâu một chỗ.
- Liệu pháp thay thế hormone ở phụ nữ giai đoạn tiền mãn kinh và mãn kinh
Phải làm gì nếu bạn nghĩ mình bị cục máu đông?
Tùy thuộc vào tình trạng và mức độ đau hay mệt mỏi của bạn. Nếu bạn cảm thấy khó thở và thiếu năng lượng, điều này là dấu hiệu bất thường đối với sức khỏe của bạn. Bạn cần đến phòng khám để được bác sĩ cho chỉ định kiểm tra và đánh giá tình trạng sức khỏe ngay. Tuy nhiên, bạn bị đau chân hoặc sưng chân và không chắc chắn điều gì đang diễn ra bên trong cơ thể của bạn, bạn có thể hỏi ý kiến bác sĩ để được hướng dẫn các bước cải thiện tình trạng hoặc cần theo dõi thăm khám.
Theo Hiệp hội Tim mạch Thế giới (AHA), các phương pháp điều trị huyết khối tĩnh mạch thường dùng thuốc kê đơn theo chỉ định của bác sĩ kết hợp thay đổi lối sống, thói quen ăn uống và vận động. Những loại thuốc kê đơn này có thể là thuốc chống đông máu, dạng thuốc viên hoặc thuốc tiêm giúp ngăn ngừa cục máu đông hoặc liệu pháp tiêu sợi huyết khối tĩnh mạch để làm tan cục máu đông. Trong trường hợp nghiêm trọng, bác sĩ có thể chỉ định các phương pháp can thiệp hoặc phẫu thuật. Chỉ cần biết rằng việc điều trị không kết thúc khi cục máu đông biến mất. Nếu bạn bị cục máu đông, bạn có thể cần tiếp tục dùng thuốc chống đông máu trong vài tháng sau đó.
Làm thế nào để giảm nguy cơ hình thành cục máu đông?
Cục máu đông có thể xảy ra nhưng bạn có thể kiểm soát nguy cơ bằng cách:
- Đi lại nhẹ nhàng càng sớm càng tốt sau khi nằm viện phẫu thuật, điều trị hoặc sau chấn thương.
- Đứng lên đi lại sau mỗi vài giờ làm việc khi công việc đòi hỏi phải ngồi làm việc liên tục trong thời gian dài, bay một chuyến bay dài hoặc di chuyển một chặng đường dài
- Nên tập thể dục thường xuyên, duy trì thời lượng 30 phút mỗi ngày.
- Tránh hút thuốc, hạn chế bia rượu và các chất kích thích.
- Duy trì cân nặng khỏe mạnh.
Khi nào bạn cần thăm khám bác sĩ?
Nếu bạn đang trải qua cơn đau dữ dội, khiến bạn trở nên kiệt sức và khó thở đột ngột, bạn cần đến bệnh viện cấp cứu ngay lập tức. Tuy nhiên, bạn không cần phải đi cấp cứu ngay nếu như các triệu chứng đau nhức, sưng tấy tăng dần theo thời gian và không biến mất bạn cần thăm khám bác sĩ càng sớm càng tốt. Bên cạnh đó, bạn có yếu tố nguy cơ cao hình thành cục máu đông và có dấu hiệu kể trên, bạn cũng nên chủ động thăm khám bác sĩ được tư vấn và hướng dẫn các biện pháp điều trị dự phòng để ngăn ngừa nguy cơ xuất hiện cục máu đông có thể xảy ra sau này.
Đặt hẹn khám bệnh: http://ansinh.info/Dangkykham.aspx
Tham khảo các gói khám tầm soát sức khỏe tại Khoa Khám bệnh
Bệnh viện An Sinh (Nguồn tham khảo Prevention)
Sức khỏe và hạnh phúc của gia đình bạn
* Thông tin tham khảo không thay thế việc thăm khám và tư vấn bác sĩ
Bệnh viện An Sinh đã triển khai Bệnh án điện tử ngoại trú (EMR) là một trong những nỗ lực nâng tầm chất lượng dịch vụ và phục vụ, mang đến trải nghiệm tiện ích công nghệ khi đi khám bệnh với ưu điểm giúp bạn chủ động quản lý hồ sơ thông tin sức khỏe, tiết kiệm thời gian và chi phí khám chữa bệnh.