Kiến thức y học

Những sai lầm phổ biến khiến mức cholesterol “xấu” tăng cao

Cập nhật lúc: 10:29:18 SA - 19/03/2025

Mức cholesterol cho bác sĩ biết mức độ chất béo có trong máu của bạn. Mức cholesterol không lành mạnh có liên quan đến tình trạng xơ vữa động mạch, còn gọi là xơ cứng động mạch, có thể gây ra các biến chứng tim mạch nghiêm trọng như xuất hiện cơn đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim và đột quỵ

 



 

Lối sống thói quen thiếu lành mạnh ảnh hưởng trực tiếp đến mức cholesterol trong cơ thể bạn.

 

Mức cholesterol cho bác sĩ biết mức độ chất béo có trong máu của bạn. Mức cholesterol không lành mạnh có liên quan đến tình trạng xơ vữa động mạch, còn gọi là xơ cứng động mạch, có thể gây ra các biến chứng tim mạch nghiêm trọng như xuất hiện cơn đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim và đột quỵ.

 

Các chỉ số mỡ máu (lipid máu) bao gồm cholesterol HDL "tốt", cholesterol LDL"xấu" và triglyceride là một loại chất béo phổ biến trong cơ thể bạn. Nếu bạn hiểu về các chỉ số mỡ máu bạn sẽ hiểu cách mà chúng có thể tác động đến sức khỏe tim và mạch máu của bạn.

 

Một số gợi ý sau đây có thể có ích cho sức khỏe của bạn, giúp kiểm soát chúng một cách hiệu quả.

 

Xét nghiệm kiểm tra lipid máu

Mức lipid máu không lành mạnh thường không gây ra bất kỳ triệu chứng nào, vì vậy, điều quan trọng là phải thực hiện xét nghiệm kiểm tra lipid máu. Nếu phát hiện mức lipid máu vượt ngưỡng giới hạn bình thường, bạn có thể điều chỉnh bằng cách thay đổi thói quen ăn uống, vận động hoặc dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ giúp cải thiện sức khỏe tốt hơn. Sau 20 tuổi, bác sĩ khuyến cáo nên thực hiện xét nghiệm lipid máu cơ bản sau mỗi 4 đến 6 năm để đảm bảo chúng nằm trong phạm vi cho phép. Nếu mức lipid máu của bạn không ổn định, bác sĩ có thể đề nghị bạn theo dõi chặt chẽ và thường xuyên để có hướng điều trị kịp thời.

 

Vận động thể chất thường xuyên

Tập thể dục mỗi ngày là một trong những cách tốt nhất để phòng ngừa nguy cơ rối loạn lipid máu. Bạn không cần thiết phải tập luyện gắng sức, chẳng hạn như chạy marathon, thay vào đó đi bộ 30 phút, có thể bơi lội, đạp xe hoặc khiêu vũ từ 3 hoặc 4 lần một tuần cũng có tác dụng kiểm soát lipid máu. Nếu bạn không có nhiều thời gian, bạn có thể chia nhỏ các khoảng thời gian từ 5 phút đến 10 phút trong ngày cho việc vận động. Chắc chắn rằng vận động thể chất giúp cải thiện mức lipid máu tốt hơn.

 

Không nên ngồi lâu một chỗ

Ngồi quá lâu một chỗ có thể liên quan đến bệnh béo phì, bệnh tim mạch và tăng huyết áp. Vì nó làm giảm chất béo "tốt", và tăng các chất béo nguy hại, bao gồm tăng mức cholesterol LDL và Triglyceride, một loại chất béo trung tính. Điều này đúng ngay cả khi bạn vẫn duy trì chế độ tập thể dục thường xuyên. Nếu tính chất công việc phải ngồi làm việc tại bàn, hãy cố gắng đứng dậy và di chuyển xung quanh sau mỗi 30 phút đến 45 phút, hoặc cũng có thể đúng lên tại chỗ.

 

Có thói quen hút thuốc lá

Hút thuốc lá làm giảm mức cholesterol “tốt” trong cơ thể bạn, bạn nạp vào cơ thể nhiều chất có hại cho cơ thể hơn. Trong thành phần của khói thuốc lá bao gồm các chất gây nghiện và gây độc như nicotin, monoxid Carbon (khí CO), hắc ín, benzen, formaldehyd, ammonia, aceton, arsenic, hydrogen cyanid, các phân tử nhỏ trong khói thuốc lá, các chất gây ung thư. Điều này làm tăng huyết áp, tăng đường huyết và bệnh tim mạch. Bỏ hút thuốc lá có thể cải thiện mức cholesterol của bạn tốt hơn và giúp bảo vệ thành động mạch khỏe mạnh. Nếu bạn không hút thuốc, hãy cố gắng tránh xa khói thuốc lá.

 

Bỏ qua việc theo dõi cân nặng

Cơ thể dư thừa quá nhiều cân nặng và vòng bụng lớn thường làm tăng đáng kể mức cholesterol “xấu” gồm cholesterol LDL và Triglyceride, làm giảm mức cholesterol HDL “tốt”. Chỉ cần giảm 10% cân nặng, bạn thực sự có thể cái thiện mức lipid máu tối ưu trong cơ thể bạn. Hãy trao đổi với bác sĩ về chế độ ăn kiêng và chương trình tập luyện phù hợp với thể lực để giúp bạn giảm cân khỏe mạnh. Khi có cân nặng khỏe mạnh, chỉ số khối cơ thể BMI trong phạm vi từ 18,5 đến 22,9, tạo nền tảng sức khỏe cho xương, cơ, não, tim và các bộ phận khác hoạt động trơn tru và hiệu quả.

 

Thói quen dùng nhiều chất béo bão hòa

Chất béo bão hòa thường có trong các loại thực phẩm có nguồn gốc động vạt như thịt bò, thịt lợn, thịt cừu và các sản phẩm từ sữa nguyên chất như bơ, kem, phô mai và sữa chua, cũng như các loại dầu nhiệt đới như dầu cọ và dầu dừa. Tất cả những loại thực phẩm có thể làm tăng mức cholesterol LDL "xấu". Bạn có thể cắt giảm chất béo nguy hại có thể nhìn thấy từ thịt và da động vật, sữa tách kem, sữa chua ít đường. Nếu mức cholesterol LDL và Triglycerid của bạn đang tăng cao không nên hấp thụ quá 6% lượng calo từ chất béo bão hòa.

 

Thói quen ăn nhiều chất béo chuyển hóa

Đôi khi chất béo chuyển hóa được gọi đơn giản là chất béo hoặc dầu “hydro hóa một phần”, chúng có thể tìm thấy trong các loại thực phẩm chiên xào, bánh ngọt, bột bánh pizza, bánh rán, bánh nướng xốp, bánh quy, bánh quy giòn và nhiều loại thực phẩm đóng gói sẵn. Tiêu thụ nhiều loại thực phẩm này chúng làm tăng mức cholesterol xấu và làm giảm lượng cholesterol tốt. Cách hiệu quả nhất để hạn chế tiêu thụ chất béo chuyển hóa là kiểm tra nhãn thực phẩm trước khi quyết định mua. Chế độ ăn uống hàng ngày nên tăng lượng rau xanh, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt, sữa ít béo, thịt gia cầm bỏ da, các loại cá và các loại đậu hạt.

 

Hạn chế tất cả các loại chất béo

Không phải tất cả chất béo đều mang tiếng xấu. Cơ thể cần một lượng chất béo nhất định để chuyển hóa thành năng lượng dự trữ. Thay vì loại bỏ hoàn toàn chất béo, bạn nên giảm chất béo nguy hại bằng cách tránh chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa, dùng chất béo không bão hòa đa và không bão hòa đơn lành mạnh hơn. Các loại chất béo tốt cho sức khỏe thường được tìm thấy trong cá hồi, cá trích, quả bơ, quả ô liu, quả óc chó và các loại dầu thực vật dạng lỏng như dầu cây rum, dầu cải, dầu hướng dương và dầu ô liu. Nhưng hãy đảm bảo rằng không dùng quá 25% đến 35% tổng lượng calo nạp vào cơ thể hàng ngày của bạn đến từ bất kỳ loại chất béo nào khác.

 

Ít hoặc không sử dụng chất xơ

Chất xơ gồm có 2 loại, chất xơ hòa tan, tức là hòa tan trong nước, và chất xơ không hòa tan, tức là không hòa tan trong nước. Cả hai loại chất xơ này đều tốt cho sức khỏe tim mạch của bạn, nhưng chất xơ hòa tan nói riêng giúp giảm mức cholesterol LDL “xấu” của bạn. Chế độ ăn uống nhiều chất xơ được xem là một chế độ ăn uống lành mạnh với sức khỏe về lâu dài. Bạn nên bổ sung chất xơ vào tất cả các bữa ăn trong ngày là một cách dễ dàng thực hiện nếu muốn.

 

Uống quá nhiều rượu, bia

Uống quá nhiều rượu có thể kích thích cơ thể tăng lượng cholesterol không lành mạnh. Đặc biệt, nó có thể làm tăng mức chất béo xấu trong máu của bạn lên rất cao. Rượu bia không phải là thức uống cấm hoàn toàn. Các loại bia lên men từ lúa mạch hoặc rượu vang được ủ lên men từ các loại trái cây có tác dụng tích cực cho sức khỏe nếu sử dụng ở mức vừa phải. Nam giới không nên uống quá hai ly mỗi ngày và nữ giới không nên uống quá một ly mỗi ngày. Nếu bạn duy trì điều đó, bạn cũng có thể tăng lượng cholesterol HDL “tốt” của cơ thể.

 

Bạn bỏ qua các tình trạng sức khỏe khác

Bạn cần phải hiểu các vấn đề sức khỏe có liên quan đến sự thay đổi mức lipid máu trong cơ thể bạn. Tại sao điều này lại quan trọng? Tình trạng rối loạn lipid máu không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe tim mạch mà còn tăng nguy cơ mắc bệnh mạn tính khác như tăng huyết áp, tiểu đường, bệnh thận, bệnh gan và suy giáp. Ngược lại, khi mắc các vấn đề sức khỏe kể trên, chúng cũng làm thay đổi mức lipid máu trong cơ thể bạn. Tuy nhiên, kiểm soát tốt giúp bạn cải thiện đáng kể mức lipid máu khỏe mạnh.

 

Đôi khi bạn quên việc tuân thủ dùng thuốc đúng

Dùng thuốc đúng theo chỉ định của bác sĩ không chỉ giúp bạn cải thiện tình trạng sức khỏe tốt hơn mà bác sĩ có thể đánh giá hiệu quả để có hướng điều trị tốt nhất cho sức khỏe của bạn. Nếu bạn quên uống thuốc, đừng cố gắng "bù" liều bằng cách uống nhiều hơn vào lần tiếp theo. Thuốc có thể không có tác dụng như mong đợi hoặc có thể khiến bạn chóng mặt hoặc buồn nôn. Hãy đảm bảo rằng bạn đã hỏi ý kiến bác sĩ về bất kỳ loại thuốc nào bạn đã dùng. Một số loại thuốc có thể gây ra vấn đề tương tác thuốc nếu dùng cùng lúc với các loại thuốc khác. Điều này không chỉ giảm hiệu quả điều trị mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe của bạn.

 

* Khoa Khám bệnh ưu đãi chúc mừng ngày Quốc tế Phụ nữ (8/3) giảm 10% gói khám sức khỏe tổng quát cơ bản và nâng cao dành cho nữ giới từ ngày 1/3 đến hết ngày 15/3/2025.

 

Đặt hẹn khám bệnh: http://ansinh.info/Dangkykham.aspx

Tham khảo các gói khám tầm soát sức khỏe tại Khoa Khám bệnh

 

 

Bệnh viện An Sinh

Sức khỏe và hạnh phúc của gia đình bạn

* Thông tin tham khảo không thay thế việc thăm khám và tư vấn bác sĩ

 

 

Bệnh viện An Sinh đã triển khai Bệnh án điện tử ngoại trú (EMR) là một trong những nỗ lực nâng tầm chất lượng dịch vụ và phục vụ, mang đến trải nghiệm tiện ích công nghệ khi đi khám bệnh với ưu điểm giúp bạn chủ động quản lý hồ sơ thông tin sức khỏe, tiết kiệm thời gian và chi phí khám chữa bệnh.