Nhịp tim được xem là nguy hiểm có thể phụ thuộc vào độ tuổi của bạn.
Cho dù đó là căng thẳng hay vận động thể chất gắng sức, thỉnh thoảng chúng ta đều sẽ cảm thấy tim có lúc đập nhanh hơn bình thường. Nhịp tim nhanh có thể là điều hoàn toàn bình thường nếu có yếu tố bên ngoài tác động. Tuy nhiên, cũng có những lúc bạn cảm thấy như ngực mình đập thình thịch và thắc mắc “nhịp tim thế nào là nguy hiểm?”
Nhịp tim là số lần tim đập mỗi phút để thực hiện công việc của chức năng tim, đó là lưu thông máu để cung cấp oxy và chất dinh dưỡng đến các cơ quan chức năng khác của cơ thể. Cách xác định nhịp tim có bình thường hay nguy hiểm phụ thuộc phần lớn vào nhịp đập trung bình mỗi phút.
Vậy nhịp tim bình thường là bao nhiêu và nguyên nhân gây ra điều đáng lo ngại ấy là gì? Trước tiên, hãy cùng tìm hiểu điều gì sẽ xảy ra nếu nhịp tim quá chậm, quá nhanh và cách tự ổn định nhịp tim.
Nhịp tim thế nào là bình thường?
Nhịp tim bình thường đối với người trưởng thành dao động từ khoảng 60 đến 100 nhịp đập mỗi phút (bpm). Đôi khi nhịp tim chậm hơn có thể là điều hoàn toàn bình thường, chẳng hạn như một vận động viên có thể có nhịp tim chậm hơn, khoảng 40 đến 50 nhịp đập mỗi phút nên không có bất kỳ lý do gì đáng lo ngại.
Nhịp tim bình thường có thể thay đổi tùy theo độ tuổi, thể lực và mức độ vận động, nhiệt độ, ảnh hưởng của caffeine, căng thẳng và các yếu tố nguy cơ khác gồm tăng huyết áp, đái tháo đường, béo phì… Sự thay đổi nhịp tim khi bạn đang hoạt động hoặc nhịp tim chậm hơn khi ngủ là điều bình thường. Tương tự, nhịp tim tăng cao tạm thời khi cơ thể tập thể dục, căng thẳng, bị bệnh cũng là bình thường.
Trẻ em thường có nhịp tim cao hơn, trẻ sơ sinh có nhịp tim dao động từ 70 bpm đến 190 bpm và mức trung bình này giảm đáng kể khi trẻ đến tuổi đi học từ 70 bpm đến 110 bpm, nhịp tim sẽ tiếp tục giảm khi đến tuổi trưởng thành.
Nhịp tim thế nào là nguy hiểm?
Nhịp tim không bình thường khi nhịp tim trên 90 bpm lúc nghỉ ngơi, điều đó cho thấy cơ thể đang trong tình trạng thiếu máu, mất nước hoặc triệu chứng của bệnh tuyến giáp. Những người bị rối loạn nhịp tim cũng có nhịp tim tăng cao hơn bình thường, nguyên nhân phổ biến nhất là rung tâm nhĩ hoặc AFib.
Ngoại trừ, vận động viên hoặc cơ thể đang ngủ, nhịp tim duy trì dưới 45 bmp hoặc cao hơn 110 bmp cho thấy nhịp tim đang có vấn đề cần đến bệnh viện thăm khám bác sĩ chuyên khoa.
Điều gì sẽ xảy ra nếu nhịp tim quá cao?
Nhịp tim lúc nghỉ ngơi trên 100 bpm ở người trưởng thành nên thăm khám tư vấn với bác sĩ chuyên khoa tim mạch để xác định nguyên nhân. Nhịp tim nhanh được xác định khi nhịp tim của bạn cao hơn bình thường. Nhịp tim quá nhanh không được điều trị trong thời gian dài có thể gây căng thẳng cho cơ tim do làm việc quá sức, dẫn đến tình trạng tim to bất thường và gây suy yếu tim.
Điều gì sẽ xảy ra nếu nhịp tim quá thấp?
Nhịp tim chậm là nhịp tim quá thấp so với bình thường, có thể gây ra các triệu chứng mệt mỏi, khó thở, chóng mặt và ngất xỉu. Nếu nhịp tim chậm, bạn cần thăm khám bác sĩ chuyên khoa tim mạch ngay lập tức. Một số người thậm chí cần phải đặt máy điều hòa nhịp tim trong cơ thể để điều chỉnh nhịp tim ổn định.
Nhịp tim thế nào là nguy hiểm, cần cấp cứu?
Nhịp tim quá cao hoặc quá thấp đều có thể gây nguy hiểm. Điều này có gây tụt huyết áp dẫn đến bất tỉnh. Nhịp tim dưới 35 nhịp đập mỗi phút hoặc trên 150 nhịp đập mỗi phút lúc nghỉ ngơi được xem là tình trạng cấp cứu. Nhịp tim nhanh kèm theo các triệu chứng liên quan như đau tức ngực, đánh trống ngực hoặc tim đập thình thịch, ngất xỉu, chóng mặt, choáng váng, khó thở hoặc mệt mỏi. Bạn cần đến bệnh viện cấp cứu ngay để được bác sĩ can thiệp điều trị kịp thời.
Làm thế nào để giữ nhịp tim ổn định?
Cách hiệu quả nhất để giúp nhịp tim ổn định là thông qua hơi thở. Hít thở sâu giúp ổn định nhịp thở và nhịp tim của bạn. Kỹ thuật thở giúp nhịp tim ổn định bằng cách hít vào bằng mũi đếm đến 4, giữ nguyên và sau đó thở ra bằng miệng đếm đến 6 có thể mang lại hiệu quả bất ngờ đối với nhịp tim của bạn. Nếu nhịp tim của bạn không cải thiện bằng kỹ thuật thở, hãy đến gặp bác sĩ để được kiểm tra và chẩn đoán điều trị.
Đôi khi, nhịp tim có thể tăng cao tạm thời khi bạn rơi vào trạng thái lo lắng, căng thẳng. Trong một số trường hợp cần thiết, bạn chỉ cần ngồi yên thư giãn và tập trung vào hơi thở có thể giúp nhịp tim ổn định trở lại. Nếu tình trạng không tốt hơn, nhịp tim vẫn nhanh dù bạn đã giữ bình tĩnh, điều đó có nghĩa, bạn đang có vấn đề về tim mạch cần thăm khám bác sĩ. Tuy nhiên, nhịp tim chậm tăng lên khi đi bộ không có lý do gì để bạn phải lo lắng.
Về lâu dài, một trong những thói quen hiệu quả nhất mà bạn có thể thực hiện để giữ nhịp tim ổn định là tập thể dục thường xuyên và đều đặn. Tập thể dục đều đặn sẽ kích thích hệ thần kinh phó giao cảm, giúp kiểm soát nhịp tim tốt hơn ngay cả khi nghỉ ngơi. Các bài tập yoga, thiền định và hít thở cũng kích thích hệ thần kinh phó giao cảm, giúp cải thiện nhịp tim và sức khỏe tổng thể tốt hơn.
Tập thể dục có thể giúp điều chỉnh nhịp tim, mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe tim mạch nói chung. Những người tập thể dục thường xuyên, vận động viên thường có nhịp tim lúc nghỉ ngơi thấp hơn, đó là điều bình thường. Nếu bạn không tập thể dục thường xuyên, nhịp tim của bạn cũng sẽ tăng nhanh khi bạn vận động hoặc tập thể dục.
Nhịp tim thế nào cần thăm khám bác sĩ?
Có sự khác biệt đáng kể về nhịp tim trong cộng đồng, vì vậy điều quan trọng là bạn phải biết nhịp tim bình thường của bạn và thăm khám bác sĩ ngay nếu bạn cảm thấy có sự thay đổi khác thường về nhịp tim mà mình không rõ nguyên nhân. Sự thay đổi nhịp tim đi kèm với các triệu chứng như chóng mặt, tim đập thình thịch, đánh trống ngực, khó thở, đau tức ngực, thậm chí là ngất xỉu cần đến bệnh viện ngay lập tức.
* Khoa Khám bệnh ưu đãi chúc mừng ngày Quốc tế Phụ nữ (8/3) giảm 10% gói khám sức khỏe tổng quát cơ bản và nâng cao dành cho nữ giới.
Đặt hẹn khám bệnh: http://ansinh.info/Dangkykham.aspx
Tham khảo các gói khám tầm soát sức khỏe tại Khoa Khám bệnh
Bệnh viện An Sinh (Nguồn tham khảo Prevention)
Sức khỏe và hạnh phúc của gia đình bạn
* Thông tin tham khảo không thay thế việc thăm khám và tư vấn bác sĩ
Bệnh viện An Sinh đã triển khai Bệnh án điện tử ngoại trú (EMR) là một trong những nỗ lực nâng tầm chất lượng dịch vụ và phục vụ, mang đến trải nghiệm tiện ích công nghệ khi đi khám bệnh với ưu điểm giúp bạn chủ động quản lý hồ sơ thông tin sức khỏe, tiết kiệm thời gian và chi phí khám chữa bệnh.