Ở mức độ cơ bản nhất, dinh dưỡng được hiểu một cách đơn giản là chế độ ăn uống cân bằng, đều đặn. Thực phẩm cung cấp dưỡng chất mà cơ thể bạn cần, chuyển hóa thành năng lượng để duy trì hoạt động chức năng tim mạch, não bộ, thần kinh, tuần hoàn, cơ xương khớp và tăng sức đề kháng cho cơ thể chống lại bệnh tật.
Dinh dưỡng hợp lý và đúng cách bảo vệ bạn và gia đình bạn khỏi bệnh tật, phòng chống bệnh tim mạch, huyết áp, tiểu đường, ung thư và loãng xương.
Có hai loại dưỡng chất chính trong thực phẩm gồm chất dinh dưỡng đa lượng và chất dinh dưỡng vi lượng.
- Chất dinh dưỡng đa lượng là carbohydrate, protein và chất béo. Chúng cung cấp năng lượng, dưới dạng calo và đóng vai trò là khối cơ và mô.
- Chất dinh dưỡng vi lượng là các vitamin và khoáng chất riêng lẻ. Chúng được chia thành bốn loại: vitamin tan trong nước, vitamin tan trong chất béo, vi khoáng và khoáng chất vi lượng.
Cơ thể được hấp thụ phong phú và đa dạng nguồn thực phẩm, hạn chế tối đa lượng muối, đường và chất béo chuyển hóa, đây được xem là chế độ ăn uống “tiêu chuẩn” tốt cho sức khỏe tổng thể, thể chất và tinh thần.
Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), chế độ ăn uống khoa học được duy trì thường xuyên mang lại lợi ích tối ưu cho sức khỏe tổng thể.
Chế độ ăn uống lành mạnh cần được bắt đầu từ khi còn là một đứa trẻ. Nuôi con bằng sữa mẹ thúc đẩy cơ thể trẻ tăng trưởng và phát triển khỏe mạnh cho đến khi trẻ trưởng thành, ít mắc các bệnh mạn tính không lây nhiễm và béo phì. Theo WHO khuyến cáo, trẻ cần bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời. Trẻ đủ 6 tháng tuổi cần kết hợp bổ sung thực phẩm an toàn và tiếp tục bú mẹ đến 2 tháng tuổi.
Người lớn cần một chế độ dinh dưỡng đầy đủ các nhóm dưỡng chất nhưng cần nhiều năng lượng hơn để vừa duy trì cơ thể khỏe mạnh vừa làm việc hiệu quả năng suất.
Tăng lượng rau xanh và trái cây: nguồn cung cấp vitamin, khoáng chất, chất xơ, protein thực vật và chất chống oxy hóa. Các dưỡng chất này quan trọng với sức khỏe, ngăn ngừa “lão hóa” sớm và giảm nguy cơ mắc bệnh mạn tính không lây nhiễm.
- Quả mọng: giàu chất xơ, có vị ngọt tự nhiên và nhiều màu sắc, chứa chất chống oxy hóa và dưỡng chất quan trọng chống lại bệnh tật.
- Cá béo: cung cấp protein và axit béo omega-3, giúp ngăn ngừa bệnh tim mạch và rối loạn chuyển hóa.
- Rau lá xanh: các loại rau lá xanh đậm là nguồn cung cấp vitamin A, vitamin C và canxi, và một số chất phytochemical chỉ có ở thực vật, giúp chống viêm và bảo vệ tế bào khỏi bị tổn thương.
- Các loại hạt: cung cấp protein thực vật, chất béo không bão hòa đơn, giảm nguy cơ mắc bệnh và biến chứng tim mạch.
- Dầu ô liu: cung cấp vitamin E, polyphenol và axít béo không bão hòa đơn, tất cả đều giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
- Ngũ cốc nguyên hạt: cung cấp chất xơ hòa tan và không hòa tan dồi dào, một số vitamin B và khoáng chất có tác dụng ngăn ngừa loạn lipid máu, bệnh tim mạch và tiểu đường.
- Sữa chua: cung cấp probiotic, canxi và protein dồi dào. Lợi khuẩn trong sữa chua bảo vệ cơ thể khỏi các loại vi khuẩn có hại khác.
- Rau họ cải: cung cấp chất xơ, vitamin và các dưỡng chất khác giúp ngăn ngừa một số loại ung thư.
- Các loại đậu: cung cấp chất xơ, folate và protein thực vật, có tác dụng giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
Các nhóm chất cần hạn chế tối đa:
- Chất béo nguy hại thường có trong mỡ động vật, dầu ăn, thức ăn nhanh. Khuyến cáo lượng chất béo tiêu thụ dưới 30% tổng năng lượng nạp vào cơ thể trong một ngày.
- Hạn chế đường (glucose): cơ thể cần đường để chuyển hóa năng lượng. Khuyến cáo lượng đường tiêu thụ dưới 10% tổng lượng năng lượng tiêu thụ trong một ngày. Nên dùng vị ngọt tự nhiên từ trái cây thay cho các loại bánh và nước ngọt.
- Hạn chế muối (natri) và gia vị có hàm lượng natri cao như nước tương, nước mắm khi nấu ăn và chế biến thực phẩm. Khuyến cáo lượng muối tiêu thụ không quá 5 gam mỗi ngày.
Một hướng dẫn trực quan về khẩu phần tốt cho sức khỏe cần lấp đầy một nửa đĩa bằng rau xanh và trái cây, một phần tư bằng ngũ cốc nguyên hạt và một phần tư còn lại bằng protein nạc.
Cho dù bạn là người theo đuổi lối sống lành mạnh từ lâu hay chỉ mới bắt đầu thực hiện những bước đầu tiên với mong muốn cải thiện sức khỏe tổng thể tốt hơn, hãy bắt đầu từ những điều nhỏ nhất, mỗi ngày từng chút một, bạn sẽ không có cảm giác choáng ngợp và dễ dàng bỏ cuộc. Bắt đầu bằng thói quen ăn uống, vận động, ngủ nghỉ. Đừng bỏ qua việc khám sức khỏe tổng quát mỗi 6 tháng hoặc 12 tháng một lần. Bởi vì một số bệnh lý không thể phát hiện nêu không thực hiện các xét nghiệm kiểm tra chẩn đoán. Người mắc bệnh mạn tính cần thăm khám thường xuyên và tuân thủ điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ.
Bạn có thể tham khảo các gói khám tầm soát sức khỏe đang được thực hiện tại Khoa Khám bệnh Bệnh viện An Sinh:
Đặt hẹn khám bệnh: http://ansinh.info/Dangkykham.aspx
Mọi thông tin cần hỗ trợ hoặc tư vấn ngay, bạn vui lòng liên hệ Khoa Khám bệnh (028) 38457777 – 111, 222, 271
Bệnh viện An Sinh
Sức khỏe và hạnh phúc của gia đình bạn
* Thông tin tham khảo không thay thế việc thăm khám và tư vấn bác sĩ
Bệnh viện An Sinh đã triển khai Bệnh án điện tử ngoại trú (EMR) là một trong những nỗ lực nâng tầm chất lượng dịch vụ và phục vụ, mang đến trải nghiệm tiện ích công nghệ khi đi khám bệnh với ưu điểm giúp bạn chủ động quản lý hồ sơ thông tin sức khỏe, tiết kiệm thời gian và chi phí khám chữa bệnh.