Tăng huyết áp là tình trạng áp lực dòng chảy của máu lên thành động mạch tăng cao. Đo huyết áp là cách xác định nhanh tình trạng huyết áp tăng hoặc giảm dựa vào hai chỉ số, chỉ số trên gọi là huyết áp tâm thu, chỉ số dưới gọi là huyết áp tâm trương. Đơn vị đo huyết áp là milimet thủy ngân, viết tắt là mmHg.
Huyết áp thường xuyên đo được trên 140/90 mmHg. Có thể bạn đã có nguy cơ mắc bệnh tăng huyết áp.
Tăng huyết áp không xác định được nguyên nhân gọi là tăng huyết áp nguyên phát, loại này phổ biến nhất. Tăng huyết áp đã xác định được nguyên nhân gọi là tăng huyết áp thứ phát.
Các triệu chứng tăng huyết áp thường không có bất kỳ biểu hiện gì sau nhiều năm, vì vậy nhiều bệnh nhân không biết mình mắc bệnh, thường được bác sĩ phát hiện tình cờ. Tăng huyết áp không được kiểm soát và điều trị dẫn đến tổn thương tim và mạch máu.
Huyết áp tăng cao trong thời gian dài có thể làm dày cơ tim và dày thành mạch máu, kết hợp với các mảng xơ vữa ở động mạch khiến tim không nhận đủ máu, thiếu oxy nghiêm trọng dẫn đến cơn đau thắt ngực (đau ngực) do tim căng thẳng, hoạt động yếu đi và phát triển suy tim. Tăng huyết áp là nguyên nhân hàng đầu gây ra bệnh tim mạch và tử vong do tim mạch.
Biến chứng tim mạch nguy hiểm do tăng huyết áp có thể gây ra bệnh mạch vành, bệnh mạch máu não, bệnh động mạch ngoại biên, nhồi máu cơ tim cấp có dấu hiệu rõ trên điện tim cơ bản (nhồi máu cơ tim có ST chênh lên) và nhồi máu cơ tim cấp không có dấu hiệu trên điện tim cơ bản (nhồi máu cơ tim không có ST chênh lên) đang có xu hướng tăng ở người trẻ không riêng gì người lớn tuổi.
Các khuyến cáo về tăng huyết áp liên tục được cập nhật trong những năm qua. Theo khuyến cáo mới nhất của Hiệp hội Tim mạch Châu Âu (ESC) năm 2024 về quản lý huyết áp có đưa ra một khái niệm mới là huyết áp tăng, được xác định khi huyết áp đo được tại phòng khám có huyết áp tâm thu từ 120 – 129 mmHg và huyết áp tâm trương từ 70 – 79 mmhHg. Điểm khác biệt so với tiêu chuẩn chẩn đoán tăng huyết áp trước đây là huyết áp tâm thu từ 140 mmHg trở lên và huyết áp tâm trương từ 90 mmHg trở lên. Khuyến cáo cũng nhấn mạnh tầm quan trọng trong điều trị và kiểm soát huyết áp mục tiêu dưới 120/80 mmHg.
Số người mắc bệnh tăng huyết áp đã tăng gấp đôi sau 30 năm. Người mắc bệnh tăng huyết áp thường có biểu hiện mệt mỏi, nhìn mờ, khó thở, đau ngực, chóng mặt, nhức đầu. Ngày càng có nhiều bằng chứng khoa học chứng minh lợi ích của thuốc điều trị hạ huyết áp ở người có nguy cơ cao mắc bệnh tim mạch. Nguy cơ mắc bệnh tim mạch, bệnh mạch vành giảm đáng kể khi huyết áp được kiểm soát tối ưu.
Tăng huyết áp không có dấu hiệu rõ ràng nhưng vẫn đang phát triển, âm thầm gây tổn thương tim và mạch máu. Các duy nhất để phát hiện một người có bị tăng huyết áp hay không là đo huyết áp và thực hiện một vài xét nghiệm sàng lọc mỡ máu và đường huyết là các yếu tố góp phần thúc đẩy phát triển bệnh tim mạch. Đánh giá nguy cơ tim mạch trở nên rất quan trọng trong việc định hướng điều trị bệnh nhân huyết áp tăng.
Trong chuyên mục “Bạn hỏi Bác sĩ trả lời” với chủ đề “Quản lý tăng huyết áp giúp phòng ngừa bệnh tim mạch hiệu quả”, Tiến sĩ Bác sĩ CKII Nguyễn Thanh Phong, Trưởng khoa Khám bệnh Bệnh viện An Sinh chia sẻ với bạn cách tiếp cận điều trị và sống vui khỏe cùng bệnh tăng huyết áp, kiểm soát tăng huyết áp sớm và chặt chẽ giúp bảo vệ chức năng tim mạch khỏe mạnh.
Bước đầu trong tiếp cận điều trị tăng huyết áp là gì?
Quản lý tăng huyết áp toàn diện tập trung vào việc giảm nguy cơ tim mạch nói chung bằng cách thay đổi phong cách sống, dùng thuốc hạ huyết áp và rối loạn lipid máu nên là phương pháp điều trị ban đầu cần được ưu tiên. Thay đổi phong cách lối sống bao gồm thói quen sinh hoạt, chế độ ăn uống, tăng vận động thể chất, kiểm soát căng thẳng, đó là cách đang loại bỏ dần các yếu tố nguy cơ có thể kiểm soát ảnh hưởng tới huyết áp.
Trường hợp, thay đổi thói quen sinh hoạt không mang lại hiệu quả cải thiện huyết áp. Chỉ số huyết áp đo được vẫn trên 130/80 mmHg, bắt buộc phải dùng thuốc hạ huyết áp theo chỉ định của bác sĩ và theo dõi huyết áp thường xuyên tại nhà. Mục đích quan trọng là đưa huyết áp về chỉ số mục tiêu dưới 120/80 mmHg để phòng ngừa nguy cơ biến chứng tim mạch do tăng huyết áp.
Mối liên hệ giữa tăng huyết áp và bệnh tim mạch?
Huyết áp tăng cao là nguyên nhân chính gây bệnh tim mạch và biến cố tim mạch nghiêm trọng, có thể đe dọa đến tính mạng. Huyết áp tăng gây tổn thương tim và mạch máu dẫn đến:
Bệnh động mạch vành: do tăng huyết áp gây hẹp và tổn thương các động mạch cung cấp máu cho tim, giảm lưu lượng máu đến tim dẫn đến đau thắt ngực, rối loạn nhịp tim.
Suy tim do tăng huyết áp gây căng thẳng cho tim và mạch máu. Theo thời gian, cơ tim làm việc quá tải, yếu đi hoặc cứng lại, không hoạt động tốt như bình thường.
Tình trạng tim to do tăng huyết áp khiến tim phải làm việc nhiều hơn để bơm máu cho cơ thể. Điều này khiến buồng tim bên trái phía dưới, gọi là tâm thất trái, dày lên và to ra, dẫn đến đau tim và suy tim, thậm chí tử vong do tim ngừng đập đột ngột, gọi là đột tử do tim.
Hội chứng chuyển hóa là một nhóm các tình trạng sức khỏe có thể dẫn đến bệnh tim mạch, nhồi máu cơ tim, đột quỵ và tiểu đường. Nguyên nhân do tăng huyết áp, tăng đường huyết, tăng lipid máu, tăng chất béo xấu và giảm chất béo tốt, thường biểu hiện thể trạng béo phì và có lượng mỡ tích tụ nhiều ở vùng bụng.
Huyết áp tăng còn gây tổn thương hệ thống thần kinh não bộ, dẫn đến nhồi máu não, đột quỵ não, cơn thiếu máu não cục bộ thoáng qua (TIA), suy giảm trí nhớ và chức năng nhận thức.
Vai trò của dinh dưỡng trong việc giảm huyết áp?
Chế độ ăn uống cân bằng các nhóm chất thiết yếu gồm tinh bột, chất xơ, chất béo, protein, vitamin và khoáng chất góp phần quan trọng giúp kiểm soát huyết áp, giảm nguy cơ tim mạch và các mối đe dọa sức khỏe khác. Bác sĩ thường khuyến khích mọi người nên áp dụng chế độ tươi sống và hạn chế gia vị. Điều này giúp giảm lượng muối, đường và chất béo khi chế biến và nấu ăn.
Đọc nhãn thực phẩm trước khi mua giúp bạn chọn lựa thực phẩm khôn ngoan hơn. Có thể khó nhận biết thực phẩm nào tốt hơn cho sức khỏe tim mạch và huyết áp. Để dễ dàng hơn cho mọi người, Tổ chức Tim mạch Mỹ (AHA) đã tạo ra một ký hiệu riêng, tất cả sản phẩm có ký hiệu này đáp ứng các tiêu chí của AHA về khẩu phần ăn cho người khỏe mạnh từ 2 tuổi trở lên.
Mục tiêu tối ưu trong điều trị tăng huyết áp?
Mục tiêu quan trọng nhất khi điều trị tăng huyết áp là đưa huyết áp về chỉ số mục tiêu dưới 120/80 mmHg và kiểm soát tốt các yếu tố nguy cơ khác có thể phát triển bệnh tim mạch nghiêm trọng như nhồi máu cơ tim, đột quỵ. Tăng huyết áp là yếu tố nguy cơ chính gây bệnh tim mạch và góp phần đáng kể vào tỷ lệ tử vong do bệnh tim mạch. Các bằng chứng khoa học đã chứng minh giảm huyết áp tâm thu và huyết áp tâm trương giúp giảm nguy cơ bệnh tim mạch và tử vong do bệnh tim mạch với mọi nguyên nhân.
Ở độ tuổi từ 40 đến 69 tuổi, giảm 20mmHg huyết áp tâm thu và 10 mmHg huyết áp tâm trương giúp giảm gấp đôi nguy cơ tử vong do bệnh tim mạch, đột quỵ và các nguyên nhân tổn thương mạch máu khác. Huyết áp cần kiểm soát tốt ở tất cả các nhóm bệnh nhân. Mặc dù, tăng huyết áp ở người trẻ tuổi cải thiện nhanh và tốt hơn so với người lớn tuổi.
Chiến lược sống khỏe cùng tăng huyết áp?
Sống vui khỏe cùng bệnh tăng huyết áp là điều tất cả chúng ta đều có thể thực hiện được. Theo khuyến cáo, người từ 18 tuổi trở nên được kiểm tra huyết áp hàng năm. Người có bệnh sử tăng huyết áp hoặc có yếu tố nguy cơ tăng huyết áp cần thăm khám bác sĩ định kỳ và theo dõi huyết áp thường xuyên hơn.
Hiện nay, các hướng dẫn về biện pháp phòng ngừa và điều trị bệnh tăng huyết áp được các Tổ chức Tim mạch Thế giới liên tục cập nhật mới. Bạn nên chủ động khám tầm soát bệnh tăng huyết áp hàng năm để được bác sĩ tư vấn sàng lọc dựa trên mức huyết áp và các tình trạng sức khỏe khác của bạn.
Khám tầm soát tăng huyết áp giúp phát hiện sớm, chẩn đoán và điều trị tăng huyết áp kịp thời, trước khi tăng huyết áp có thể gây tổn thương cho chức năng tim mạch, gây ra biến chứng tim mạch và các vấn đề sức khỏe khác. Nếu được bác sĩ chẩn đoán mắc bệnh tăng huyết áp, bạn cần tuân thủ điều trị, kiểm soát chặt chẽ huyết áp và các yếu tố nguy cơ liên quan khác như bệnh đái tháo đường típ 2 và rối loạn lipid máu theo hướng dẫn của bác sĩ.
Bạn có thể tham khảo các gói khám tầm soát sức khỏe đang được triển khai tại Khoa Khám bệnh Bệnh viện An Sinh:
Mọi thông tin cần hỗ trợ hoặc tư vấn ngay, bạn vui lòng liên hệ Khoa Khám bệnh (028) 38457777 – 111, 222, 271
Nếu bạn có câu hỏi, thắc mắc về các vấn đề sức khỏe hãy gửi về cho chúng tôi:
- Email: info@ansinh.com.vn
- Fanpage: Bệnh Viện An Sinh
Chuyên mục “BẠN HỎI BÁC SĨ TRẢ LỜI” được chúng tôi chọn lọc từ các câu hỏi, thắc mắc của bạn. Mong muốn cung cấp cho bạn những kiến thức y học cơ bản, dễ dàng ghi nhớ và có thể ứng dụng ngay vào thực tế cuộc sống hàng ngày.
Chúc gia đình bạn sức khỏe và hạnh phúc
Bệnh viện An Sinh
Sức khỏe và hạnh phúc của gia đình bạn
* Thông tin tham khảo không thay thế việc thăm khám và tư vấn bác sĩ
Bệnh viện An Sinh đã triển khai Bệnh án điện tử ngoại trú (EMR) là một trong những nỗ lực nâng tầm chất lượng dịch vụ và phục vụ, mang đến trải nghiệm tiện ích công nghệ khi đi khám bệnh với ưu điểm giúp bạn chủ động quản lý hồ sơ thông tin sức khỏe, tiết kiệm thời gian và chi phí khám chữa bệnh.