Kiến thức y học

Chuyên mục “Bạn hỏi Bác sĩ trả lời” với chủ đề “Tập thể dục và sức khỏe tim mạch”

Cập nhật lúc: 4:14:00 CH - 19/12/2024

Thói quen tập thể dục có tác động tích cực đến sức khỏe tim mạch và sức khỏe tổng thể. Những lợi ích chính của việc tập thể dục là giúp kiểm soát và điều chỉnh các yếu tố nguy cơ gây ra bệnh tim mạch và biến cố tim mạch. Tập thể dục cũng giống như việc bạn điều chỉnh động cơ, hệ tim mạch và hệ tuần hoàn cần phân phối đầy đủ máu giàu oxy đến các cơ quan chức năng trong cơ thể, đảm bảo mọi hoạt động diễn ra trôi chảy.

 



 

 

Thói quen tập thể dục, chơi thể thao, di chuyển nhiều hơn ngồi lâu một chỗ… có tác động tích cực đến sức khỏe tim mạch và sức khỏe tổng thể. Những lợi ích chính của việc tập thể dục là giúp kiểm soát và điều chỉnh các yếu tố nguy cơ gây ra bệnh tim mạch và biến cố tim mạch.

 

Nghiên cứu khoa học đã chứng minh những người tập thể dục thường xuyên ít có khả năng mắc bệnh tim mạch, giảm đáng kể nguy cơ biến chứng tim mạch có khả năng đe dọa đến tính mạng, loại bỏ được nhiều thói quen xấu, trong đó có hút thuốc lá là mối nguy hại hàng đầu đối với sức khỏe tim mạch, có thể dẫn đến đột quỵ, nhồi máu cơ tim.

 

Tập thể dục cũng giống như việc bạn điều chỉnh động cơ, hệ tim mạch và hệ tuần hoàn cần phân phối đầy đủ máu giàu oxy đến các cơ quan chức năng trong cơ thể, đảm bảo mọi hoạt động diễn ra trôi chảy.

 

Khi các nhà nghiên cứu so sánh các chỉ số kiểm tra thể lực ban đầu của một người, sau đó thực hiện kiểm tra lại sau 3 đến 6 tháng, họ nhận thấy có sự chuyển biến tích cực rõ rệt, lượng oxy tiêu thụ tăng lên, thời gian duy trì sức bền lâu hơn, nhịp tim và huyết áp xuống thấp hơn.

 

Có bao giờ bạn tự hỏi tại sao tập thể dục lại đóng vai trò quan trọng đối với sức khỏe tim mạch?

 

Câu hỏi này có thể trở thành điều đáng lo ngại đối với những ai được bác sĩ chẩn đoán mắc bệnh tim mạch, đã từng trải qua cơn đau tim, nhồi máu cơ tim, đột quỵ. Bởi vì nỗi lo sợ lớn nhất của họ là biến cố tim mạch có thể quay trở lại.

 

Bác sĩ tim mạch khẳng định có thể và nên vận động thể chất cho dù trái tim bạn đã từng bị tổn thương ra sao. Thay vì lo lắng, suy nghĩ tiêu cực, bạn hãy đứng dậy đi bộ nhẹ nhàng, có thể bắt đầu 5 phút, sau đó tăng dần 10 phút, 15 phút, 20 phút, 25 phút, 30 phút, 45 phút tùy theo thể lực bạn có.

 

Khoa học phát hiện ra rằng những người mắc bệnh động mạch vành ổn định, tập thể dục thường xuyên có nguy cơ tái phát thấp hơn và tỷ lệ sống khỏe cao hơn.

 

Tập thể dục đều đặn là bước quan trọng đầu tiên để giữ cho tim và mạch máu khỏe mạnh. Hãy bắt đầu với một lịch trình tập luyện thông minh để mang lại lợi ích tối ưu cho sức khỏe tim mạch. Hãy tận dụng những khoảng thời gian cơ thể được vận động giúp tăng sức mạnh và sức bền cho cơ tim giúp hệ tim mạch hoạt động hiệu quả.

 

Lắng nghe cơ thể để nhận biết các dấu hiệu cảnh báo trong quá trình tập thể dục rất quan trọng. Đổ mồ hôi, nhịp tim nhanh hơn và thở mạnh hơn khi đang tập luyện là điều bình thường. Nếu bạn cảm thấy khó thở, tức ngực, mệt mỏi, cơn đau tăng dần hãy dừng lại ngay lập tức và liên hệ với bác sĩ để được hướng dẫn cách xử trí kịp thời. Điều tồi tệ nhất là khi một vài dấu hiệu mới xuất hiện không phải do bài tập thể dục gây ra mà do chúng ta phớt lờ các dấu hiệu cảnh báo của cơ thể và vẫn tiếp tục tập luyện dẫn đến quá sức.

 

Để có động lực tập thể dục thường xuyên bạn nên đặt ra mục tiêu cụ thể để duy trì mức độ tập luyện phù hợp. Chẳng hạn như xác định mức huyết áp mục tiêu là 120/80 mmHg, nhịp tim 60 đến 80 nhịp/ phút, điều này giúp bạn dễ dàng nhận biết để có sự điều chỉnh kịp thời khi chỉ số tăng cao hoặc xuống thấp.

 

Trong chuyên mục “Bạn hỏi Bác sĩ trả lời” với chủ đề “Tập thể dục và sức khỏe tim mạch”, Tiến sĩ Bác sĩ CKII Nguyễn Thanh Phong, Trưởng khoa Khám bệnh Bệnh viện An Sinh sẽ cùng bạn giải đáp thắc mắc cho câu hỏi vì sao lắng nghe trái tim lại nắm giữ vai trò quan trọng trong việc bảo vệ và giữ gìn tim và mạch máu luôn khỏe mạch cũng như tác động tích cực của tập thể dục với sức khỏe tim mạch.

 

Lợi ích của tập thể dục với sức khỏe tim mạch?

Tập thể dục có nhiều tác động tích cực đến sức khỏe tim mạch và sức khỏe tổng thể gồm:

  • Giúp ổn định nhịp tim, huyết áp.
  • Giảm nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường (tiểu đường).
  • Giảm nguy cơ rối loạn lipid máu.
  • Giảm nguy cơ rối loạn chuyển hóa.
  • Duy trì cân nặng khỏe mạnh.
  • Giảm tình trạng viêm trong cơ thể.
  • Giải tỏa căng thẳng, thư giãn mạch máu.

Sự kết hợp giữa tập thể dục với chế độ ăn uống khoa học là cách tốt nhất để ngăn ngừa bệnh tim mạch và biến cố tim mạch. Cách tiếp cận giúp tối ưu sức khỏe là giảm lượng calo hấp thụ thông qua chế độ ăn uống, tăng lượng calo đốt cháy thông qua tập thể dục.

 

Hoạt động thể chất nào giúp cải thiện và nâng cao sức khỏe tim mạch?

Bất cứ bài tập thể dục nào cũng tốt cho sức khỏe, ngay cả với việc đi bộ.

Theo Hội Tim mạch Mỹ (AHA) và Học viện Y học Thể thao Mỹ đều khuyến cáo kết hợp bài tập aerobic (đi bộ nhanh, chạy bộ, bơi lội, đạp xe) với bài tập sức bền (nâng tạ) có tác dụng ngăn ngừa và kiểm soát bệnh tim mạch. Bệnh nhân tim mạch nên tư vấn bác sĩ để được đánh giá mức độ thể lực và xem xét bệnh sử bệnh lý trước khi tham gia chương trình tập luyện phù hợp. Hướng dẫn chung, thời lượng phù hợp là 30 phút mỗi ngày, 5 ngày một tuần. Có thể chia nhỏ thời gian trong ngày, không nhất thiết phải tập luyện cùng một lúc. Trong lúc tập luyện đừng quên lắng nghe cơ thể, dừng lại ngay khi xuất hiện triệu chứng mệt mỏi, đau cơ.

 

Làm thế nào để duy trì động lực tập thể dục mỗi ngày?

Động lực để bạn có thể tập thể dục mỗi ngày là duy trì sự hứng khởi và động lực. Sau đây là một vài gợi ý giúp bạn có thêm sức bật để duy trì thói quen tập thể dục suốt đời:

  • Dành ra một khoảng thời gian cụ thể mỗi ngày cho việc tập thể dục, đưa vào lịch trình hoạt động hàng ngày của bạn.
  • Tập luyện với một người bạn hoặc đến phòng tập có nhiều người. Cả hai cách này đều tạo ra sự hỗ trợ lẫn nhau và cạnh tranh lành mạnh để việc tập luyện luôn trở nên thú vị.
  • Ghi chép lại quá trình tập luyện mỗi ngày để sau một khoảng thời gian nhất định, bạn nhìn lại và tự đánh giá sự chuyển biến tích cực sức khỏe, có thể chính bạn phải ngạc nhiên.
  • Kết hợp nhiều bài tập khác nhau cũng là một ý tưởng hay nếu bạn luôn yêu thích sự đổi mới. Bạn có thể tìm kiếm nhiều loại hình tập luyện phù hợp trên internet.
  • Nếu chạy bộ hoặc đạp xe, bạn nên sử dụng thêm ứng dụng máy đo nhịp tim hoặc tốc độ ngay trên điện thoại thông minh giúp bạn kiểm soát và điều chỉnh cơ thể tốt hơn.

 

Lợi ích của đi bộ với sức khỏe tim mạch?

Đi bộ là bài tập đơn giản, phù hợp cho mọi độ tuổi. Mọi người đều nhận được lợi ích sức khỏe như nhau gồm tăng cơ, giảm mỡ, ổn định nhịp tim, huyết áp và tăng tuần hoàn máu.

  • Giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch và biến cố tim mạch lên tới 35% nếu đi bộ 30 phút mỗi ngày.
  • Tăng kết nối cộng đồng, gặp gỡ giao lưu với bạn bè, hàng xóm và những người bạn mới có cùng thói quen đi bộ.
  • Thanh lọc cơ thể, đào thảo độc tố, cải thiện mức năng lượng trong cơ thể.
  • Giúp giảm căng thẳng, mệt mỏi, tinh thần trở nên vui vẻ, thoải mái và ngủ ngon giấc hơn.
  • Vận động theo tốc độ của riêng bạn, dù là đi bộ cũng có thể dễ dàng hoặc khó khăn tùy theo cách bạn phân phối sức. Bắt đầu chậm rãi và tăng dần tốc độ.

 

Cách nhận biết sức khỏe tim mạch cải thiện tốt hơn sau khoảng thời gian tập thể dục?

Có 3 cách phổ biến để có thể tự đánh giá bằng cảm nhận trước khi đến bệnh viện thăm khám bác sĩ:

Nhịp tim mục tiêu: bạn muốn duy trì sức khỏe tốt hơn bạn cần phải nỗ lực nhiều hơn. Ví dụ, tháng đầu tiên bạn cần đi bộ 5.000 bước để có nhịp tim 100 lần/phút; tháng thứ hai muốn có nhịp tim tương tự, bạn cần đi bộ 10.000 bước hoặc nhiều hơn. Thể lực cải thiện chứng tỏ tim mạch khỏe mạnh.

Không cảm thấy đuối sức khi tăng dần mức độ và thời lượng luyện tập: mệt mỏi, khó thở, căng cơ cho thấy dấu hiệu vận động quá sức chịu đựng của cơ thể. Ngược lại, chứng tỏ cơ bắp và cơ tim được cải thiện nhờ tăng sức mạnh và sức bền.

Cơ thể thay đổi hình dáng: tập thể dục trong thời gian dài giúp cơ thể tiêu hao lượng mỡ thừa thường tập trung nhiều ở vùng bụng, lưng, cánh tay. Sự thay đổi của cơ thể có thể nhận thấy bằng mắt, trở nên săn chắc, gọn gàng và hoạt bát hơn. Quần áo mặc rộng hơn cũng là cách nhận biết.

Tuy nhiên, điều quan trọng cần lưu ý để tránh bị đột quỵ, nhồi máu cơ tim thường xảy ra khi tập thể dục lúc đang căng thẳng và đi tắm ngay sau tập thể dục. Cơ thể dễ bị sốc nhiệt do sự thay đổi nhiệt độ đột ngột, tăng áp lực cho tim và mạch máu, dẫn đến đột quỵ, nhồi máu cơ tim.

 

Bạn có thể tham khảo các gói khám tầm soát sức khỏe đang được triển khai tại Khoa Khám bệnh Bệnh viện An Sinh:

Mọi thông tin cần hỗ trợ hoặc tư vấn ngay, bạn vui lòng liên hệ Khoa Khám bệnh (028) 38457777 – 111, 222, 271 

Nếu bạn có câu hỏi, thắc mắc về các vấn đề sức khỏe hãy gửi về cho chúng tôi:

  • Email: info@ansinh.com.vn
  • Fanpage: Bệnh Viện An Sinh

Chuyên mục “BẠN HỎI BÁC SĨ TRẢ LỜI” được chúng tôi chọn lọc từ các câu hỏi, thắc mắc của bạn. Mong muốn cung cấp cho bạn những kiến thức y học cơ bản, dễ dàng ghi nhớ và có thể ứng dụng ngay vào thực tế cuộc sống hàng ngày.

Chúc gia đình bạn sức khỏe và hạnh phúc.

 

 

Bệnh viện An Sinh

Sức khỏe và hạnh phúc của gia đình bạn

* Thông tin tham khảo không thay thế việc thăm khám và tư vấn bác sĩ

 

 

Bệnh viện An Sinh đã triển khai Bệnh án điện tử ngoại trú (EMR) là một trong những nỗ lực nâng tầm chất lượng dịch vụ và phục vụ, mang đến trải nghiệm tiện ích công nghệ khi đi khám bệnh với ưu điểm giúp bạn chủ động quản lý hồ sơ thông tin sức khỏe, tiết kiệm thời gian và chi phí khám chữa bệnh.

 

 

 

Các tin tức khác:
[Trở về]