Bạn không chắc chắn loại xét nghiệm nào cần thực hiện, loại xét nghiệm nào có giá trị tầm soát bệnh lý, loại xét nghiệm nào có giá trị chẩn đoán… cho các vấn đề sức khỏe liên quan đến chức năng tim mạch. Bác sĩ nội tổng quát hoặc bác sĩ chuyên khoa tim mạch sẽ giúp bạn hiểu được tầm quan trọng của việc thăm khám sức khỏe, các loại xét nghiệm cần thực hiện giúp sàng lọc yếu tố nguy cơ và chủ động phòng ngừa các vấn đề sức khỏe phổ biến, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến sức khỏe tim mạch.
Bệnh sử bản thân và gia đình
Vì sao bạn cần ghi nhớ bệnh sử của bản thân và gia đình đã có? Bởi vì bệnh lý có yếu tố nguy cơ di truyền, cùng chung thói quen ăn uống và sinh hoạt trong gia đình. Đó là lý do bác sĩ thăm khám thường hỏi bạn các thông tin về mục đích của việc thăm khám, tình trạng sức khỏe của bạn trong thời gian gần đây, các kết quả khám sức khỏe được thực hiện trước đó, cũng như bệnh sử bản thân và gia đình vào mỗi lần thăm khám.
Bạn càng cung cấp thông tin đầy đủ bao nhiêu thì việc kiểm tra và đánh giá sức khỏe của bạn càng chính xác bấy nhiêu. Điều này bao gồm lối sống, thói quen, chế độ ăn uống, chế độ tập luyện, có sử dụng bia rượu hoặc hút thuốc lá hay không.
Có lẽ đây là công cụ sàng lọc cơ bản, tiết kiệm được rất nhiều chi phí và thời gian cho việc thăm khám sức khỏe định kỳ. Lợi ích của việc hỏi thăm thông tin bệnh sử không chỉ tiết kiệm chi phí thực hiện cận lâm sàng, dễ dàng thực hiện bằng cách giao tiếp thông thường, kỹ thuật sàng lọc bệnh lý không xâm lấn và cũng không cần lấy mẫu xét nghiệm, quan trọng là bác sĩ càng biết nhiều thông tin về bệnh sử của bạn thì việc sàng lọc chẩn đoán và điều trị càng thuận lợi hiệu quả.
Chẳng hạn như nếu bạn bị thừa cân béo phì, bác sĩ sẽ ưu tiên giúp bạn giảm cân. Thể trạng béo phì thường tích lũy lượng mỡ dư thừa xung quanh vùng bụng. Đây là yếu tố dẫn đến tăng chất béo xấu (cholesterol LDL), tăng nguy cơ tiến triển nhiều vấn đề sức khỏe khác nhau bao gồm tăng huyết áp, tim mạch, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu, rối loạn chuyển hóa... nghiêm trọng hơn có thể dẫn đến đột quỵ, nhồi máu cơ tim. Nếu bạn có yếu tố nguy cơ tim mạch, bác sĩ sẽ tư vấn cho bạn các biện pháp phòng ngừa, thay đổi lối sống và chế độ ăn uống cân đối hoặc điều trị dự phòng tùy theo mức độ triệu chứng của bạn.
Trọng lượng cơ thể và chỉ số khối cơ thể
Dựa vào chỉ số khối cơ thể (BMI) và số đo vòng bụng bác sĩ có thể đánh giá sơ bộ bạn có đang bị thừa cân béo phì hay không, từ đó có biện pháp phòng ngừa và điều trị kịp thời. Từ lâu, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã xác định tình trạng thừa cân béo phì là bệnh mạn tính, cần được theo dõi và điều trị. Trong cơ thể người luôn có một lượng mỡ nhất định, lượng mỡ này cần thiết để dự trữ năng lượng dự phòng, giữ nhiệt cho cơ thể và thực hiện các chức năng khác khi cần. Người trưởng thành có chỉ số BMI trên 30 được xem là thừa cân béo phì. Thừa cân béo phì là nguyên nhân thúc đẩy nhiều bệnh lý tiến triển gồm bệnh lý tim mạch, đột quỵ, rung nhĩ, suy tim sung huyết… ở người trẻ.
Chỉ số BMI là một phép đo có thể thực hiện dễ dàng ngay tại phòng khám. Điều đáng mừng là khi giảm từ 1 – 2 ký cân nặng có tác động tích cực đến sức khỏe tổng thể, lợi ích có thể nhận thấy ngay là chỉ số huyết áp và đường huyết ổn định, cải thiện hội chứng ngưng thở khi ngủ, giảm các triệu chứng khó chịu ở hệ tiêu hóa, cơ thể nhanh nhẹn và thúc đẩy thói quen vận động thể chất, tập thể dục thường xuyên.
Tăng huyết áp
Tăng huyết áp là nguyên nhân dẫn đến bệnh tim mạch, đột quỵ, nhồi máu cơ tim. Tăng huyết áp thường không có bất kỳ triệu chứng nào ở giai đoạn khởi phát nên nhiều người không biết bản thân mắc bệnh cho đến khi được bác sĩ phát hiện tình cờ hoặc đi khám bệnh khi cơ thể đã xuất hiện triệu chứng tăng huyết áp rõ ràng như choáng váng, đau đầu, hơi thở ngắn, hụt hơi… Nếu bạn có nguy cơ tăng huyết áp, bác sĩ có thể đề nghị bạn tự đo huyết áp tại nhà mỗi ngày khoảng từ 2 tuần đến 1 tháng trước khi đưa ra chẩn đoán và theo dõi điều trị.
Theo Hiệp hội Tim mạch Thế giới (AHA) khuyến cáo người có huyết áp khỏe mạnh, có chỉ số huyết áp thường xuyên đo được 120/80 mmHg nên tầm soát huyết áp ít nhất 2 năm 1 lần, bắt đầu từ tuổi 20. Người có chỉ số huyết áp từ 140/90 mmHg nên thăm khám bác sĩ chuyên khoa tim mạch hoặc bác sĩ nội tổng quát để được kiểm tra kỹ lưỡng và theo dõi điều trị định kỳ.
Bạn nên học cách đo huyết áp đúng cách để có thể tự theo dõi huyết áp và nhận biết những dấu hiệu nguy cơ có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Bên cạnh đo huyết áp đúng cách, bạn cần lưu ý thời điểm đo, tốt nhất là đo huyết áp vào buổi sáng khi thức dậy và cùng một thời điểm trong tất cả các ngày.
Với người đã được chẩn đoán và đang điều trị thuốc kê đơn, cần tuân thủ đúng điều trị của bác sĩ kết hợp thay đổi thói quen, lối sống lành mạnh để đưa chỉ số huyết áp về mục tiêu.
Kiểm tra nồng độ lipoprotein (các chỉ số mỡ máu)
Xét nghiệm máu giúp kiểm tra và xác định nồng độ cholesterol toàn phần, bao gồm cholesterol LDL (có hại), cholesterol HDL (có lợi) và chất béo trung tính (Triglycerid). Xét nghiệm này rất quan trọng trong việc phát hiện các bất thường trong quá trình chuyển hóa cholesterol và kết quả cung cấp các ngưỡng mục tiêu cho việc điều trị.
Cơ thể luôn dự trữ sẵn một lượng chất béo nhất định để hoạt động bình thường. Tuy nhiên, khi lượng chất béo tích tụ quá mức trong cơ thể có thể tạo thành các mảng bám, gây hẹp động mạch, cản trở sự lưu thông của máu đến các cơ quan và dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe khác nhau.
Khi nồng độ cholesterol lipoprotein tỷ trọng cao (HDL), còn gọi là cholesterol “tốt” thì các động mạch được thông thoáng và máu lưu thông dễ dàng hơn do HDL cholesterol giúp loại bỏ LDL cholesterol, còn gọi là choleterol “xấu” ra khỏi cơ thể.
Theo lời khuyên của bác sĩ, người trưởng thành nên kiểm tra nồng độ cholesterol ít nhất từ 1 đến 2 lần mỗi năm hoặc kết hợp khi khám sức khỏe tổng quát định kỳ. Xét nghiệm này có thể được bác sĩ chỉ định kiểm tra cho người lớn và trẻ em. Thay đổi lối sống tích cực và dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ để hỗ trợ điều trị đưa mức cholesterol về giới hạn bình thường, đây được xem là một bước quan trọng trong việc chủ động phòng ngừa bệnh rối mỡ máu, tim mạch, đột quỵ, nhồi máu cơ tim sau này.
Kiểm tra lượng đường trong máu (tầm soát bệnh đái tháo đường)
Lượng đường trong máu tăng cao làm tăng nguy cơ phát triển tình trạng kháng insulin, tiền tiểu đường và tiểu đường típ 2. Tất cả các yếu tố này đều có thể dẫn đến bệnh tim mạch, đột quỵ, nhồi máu cơ tim nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Theo thời gian, lượng đường trong máu tăng cao có thể phá hỏng các mạch máu và dây thần kinh kiểm soát hoạt động của tim.
Các triệu chứng của bệnh tiểu đường mơ hồ và dễ nhầm lẫn với các bệnh lý khác. Đường huyết không được kiểm soát và điều trị có thể gây biến chứng nghiêm trọng, từ tổn thương hệ thần kinh tới các mạch máu lớn, nhỏ cho tới các chức năng quan trọng gồm tim mạch, thận, mắt, bàn chân… làm giảm tuổi thọ và chất lượng cuộc sống.
Bệnh tiểu đường ngày càng phổ biến, xu hướng mắc bệnh tiểu đường típ 2 tăng nhanh ở người trưởng thành và bệnh tiểu đường típ 1 tăng nhanh ở trẻ em trong vài năm trở lại đây. Xét nghiệm tầm soát bệnh tiểu đường thường được bác sĩ chỉ định khi đi thăm khám sức khỏe định kỳ, có yếu tố nguy cơ cao, bệnh sử gia đình có người thân mắc bệnh tiểu đường, tiền sử đái tháo đường thai kỳ, người có biểu hiện đặc trưng của bệnh tiểu đường… Một cách để tầm soát bệnh tiểu đường típ 2 là đo nồng độ hemoglobin A1c (A1c%) trong máu. Bệnh tiểu đường được xác định khi mức A1c từ 6,5% trở lên.
Theo AHA khuyến cáo, người từ 30 tuổi trở lên nên khám tầm soát bệnh tim mạch để ngăn ngừa nguy cơ.
Chụp mạch vành phát hiện bất thường liên quan đến mạch máu nuôi tim
Đối với người từ 35 tuổi và có ít nhất 2 yếu tố nguy cơ tim mạch, bác sĩ có thể đề nghị chụp mạch vành để xác định mức độ mảng bám trong động mạch của tim. Kỹ thuật này có sử dụng tia X để ghi lại hình ảnh của các mạch máu tim để kiểm tra sự tắc nghẽn của dòng máu đến tim, phát hiện bất kỳ vấn đề bất thường nào liên quan đến mạch máu nuôi tim, chẳng hạn như xơ vữa động mạch vành gây hẹp, tắc nghẽn. Dựa vào kết quả hình ảnh, bác sĩ xác định chẩn đoán nguy cơ mắc bệnh tim mạch của một người và điều trị các tình trạng liên quan đến tim và mạch máu.
Theo AHA, kỹ thuật chụp mạch vành nên chỉ định trong các trường hợp sau:
- Những người đang cân nhắc trong việc điều trị bằng statin và muốn hiểu rõ hơn về nguy cơ cũng như lợi ích của thuốc điều trị.
- Những người đã ngừng điều trị bằng statin do tác dụng phụ nhưng đang cân nhắc dùng lại.
- Nam giới từ 55 đến 80 tuổi hoặc phụ nữ từ 60 đến 80 tuổi không có nhiều rủi ro và muốn biết liệu liệu pháp statin có mang lại lợi ích cho sức khỏe tim mạch hay không.
- Người từ 40 đến 55 tuổi có nguy cơ mắc bệnh tim mạch trong khoảng 10 năm ước tính từ 5% đến 7,5% và các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
Sau đây là những thói quen tốt cho sức khỏe tim mạch, đây cũng được xem là biện pháp giúp giữ gìn và bảo vệ sức khỏe tim mạch khỏe mạnh theo thời gian. Hệ tim mạch khỏe mạnh góp phần thúc đẩy cơ thể khỏe mạnh, giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch, đột quỵ, nhồi máu cơ tim và các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng khác.
1. Ăn uống có kiểm soát bằng cách bổ sung thực phẩm nguyên chất, đa dạng các loại rau xanh và trái cây, protein nạc, chất béo tốt cung cấp nguồn axít béo Omega, dầu ô liu, bơ…
2. Vận động nhiều hơn, tập thể dục vừa sức, duy trì thời lượng 150 phút mỗi tuần, có thể kết hợp thêm 75 phút vận động mạnh.
3. Bỏ hút thuốc lá dưới mọi hình thức.
4. Có giấc ngủ chất lượng giúp cải thiện thói quen ăn uống, tâm trạng, trí nhớ, hệ tim mạch, tuần hoàn, tiêu hóa và hơn thế nữa.
5. Quản lý cân nặng, hạn chế nạp calo và tiêu thụ thực phẩm nhiều chất béo nguy hại, tập thể dục nhiều hơn.
6. Duy trì mức cholesterol khỏe mạnh để giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch hoặc đột quỵ, nhồi máu cơ tim.
7. Kiểm soát lượng đường trong máu giúp ngăn ngừa phát triển bệnh tiểu đường típ 2 và tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
8. Kiểm soát huyết áp bằng cách thay đổi lối sống hoặc dùng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ.
Bác sĩ có thể đánh giá và tiên lượng tình trạng sức khỏe tim mạch của bạn qua các xét nghiệm tầm soát sức khỏe. Tầm soát bệnh tim mạch và thay đổi lối sống theo chiều hướng tích cực và lành mạnh giúp bạn cải thiện và duy trì hệ tim mạch luôn hoạt động tốt. Bạn nên chủ động tầm soát bệnh tim mạch nếu xuất hiện các dấu hiệu liên quan đến bệnh tim mạch hoặc bản thân có yếu tố nguy cơ cao. Đây thời điểm thích hợp để bạn đặt mục tiêu chăm sóc sức khỏe tim mạch cho bạn và gia đình bạn. Khám tầm soát bệnh tim mạch là cách tốt nhất để thực hiện đánh giá và phòng ngừa bệnh lý tim mạch, khuyến cáo dành cho người từ 30 tuổi trở lên và bệnh sử gia đình có người thân mắc bệnh tim mạch.
Bạn có thể tham khảo các gói khám tầm soát sức khỏe đang được triển khai tại Khoa Khám bệnh Bệnh viện An Sinh:
Đặt hẹn khám bệnh: http://ansinh.info/Dangkykham.aspx
Mọi thông tin cần hỗ trợ hoặc tư vấn ngay, bạn vui lòng liên hệ Khoa Khám bệnh (028) 38457777 – 111, 222, 271
Bệnh viện An Sinh
Sức khỏe và hạnh phúc của gia đình bạn
* Thông tin tham khảo không thay thế việc thăm khám và tư vấn bác sĩ
Bệnh viện An Sinh đã triển khai Bệnh án điện tử ngoại trú (EMR) là một trong những nỗ lực nâng tầm chất lượng dịch vụ và phục vụ, mang đến trải nghiệm tiện ích công nghệ khi đi khám bệnh với ưu điểm giúp bạn chủ động quản lý hồ sơ thông tin sức khỏe, tiết kiệm thời gian và chi phí khám chữa bệnh.