Sức khỏe não bộ và tim mạch là một “cặp đôi” hoàn hảo, hoạt động cùng nhau, cần chế độ chăm sóc như nhau về mọi mặt bao gồm chế độ ăn uống, vận động, nghỉ ngơi lành mạnh và hợp lý. Khi sức khỏe tim mạch và sức khỏe não bộ được chăm sóc đúng cách, là cách tối đa hóa khả năng phục hồi của cơ thể. Vì khả năng tự chữa lành phụ thuộc vào cả hai, liên quan đến tính mềm dẻo của não bộ và thông qua sự phát triển của các mạng lưới thần kinh.
Các nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng tim giao tiếp với não theo bốn cách chính: thần kinh thông qua việc truyền xung thần kinh, sinh hóa thông qua hormone và chất dẫn truyền thần kinh, sinh lý thông qua sóng áp suất và năng lượng thông qua tương tác từ trường.
Chức năng tim mạch và não bộ có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Sự tổn thương của chức năng nào cũng có thể tác động đến hoạt động của chức năng còn lại.
Thế giới ước tính cứ 20 người thì có 1 người bị trầm cảm vào một thời điểm nào đó trong một năm, con số này tăng lên cứ 3 người thì có 1 người bị trầm cảm ở người sống sót sau cơn đau tim, nhồi máu cơ tim, đột quỵ. Nguy cơ nhồi máu cơ tim, đột quỵ cũng tăng gấp 4 lần ở người mắc bệnh tim mạch kèm theo trầm cảm so với người không bị trầm cảm.
Theo Hiệp hội Tim mạch Mỹ (AHA) đã báo cáo rằng thanh thiếu niên có nguy cơ trầm cảm cũng có nguy cơ mắc bệnh tim mạch sau này. Mặc dù cơ chế chính xác vẫn chưa được biết đến, nhưng theo một vài lý thuyết đầy hứa hẹn liên kết với bệnh tim mạch và trầm cảm cho rằng mất cân bằng giữa hệ thần kinh giao cảm và phó giao cảm là nguyên nhân. Điều đó có thể giải thích tại sao căng thẳng, rối loạn lo âu tồn tại có thể làm tăng nguy cơ tim mạch do suy giảm liên tục hệ thần kinh tự chủ.
Mặc dù chế độ ăn uống thiếu lành mạnh hoặc hút thuốc lá gây hại cho tim và não nhưng có thể nằm trong tầm kiểm soát của một cá nhân. Tuy nhiên căng thẳng tâm lý xã hội chỉ ra rằng tác nhân gây căng thẳng từ bên ngoài có thể khó hoặc không thể kiểm soát. Căng thẳng do áp lực công việc hay căng thẳng sau chấn thương (PTSD) đều liên quan đến nguy cơ mắc bệnh tăng huyết áp.
Căng thẳng có thể gây hại cho chức năng tim mạch và não bộ ở mọi lứa tuổi, nhưng căng thẳng có mối liên hệ chặt chẽ nhất đến bệnh tim mạch (CVD) khởi phát sớm trước 50 tuổi. Quá trình hoạt động liên tục của hệ thần kinh giao cảm, đặc điểm là căng thẳng mạn tính đã được chứng minh là nguyên nhân gây ra các vấn đề tim mạch nghiêm trọng. Các cơ chế gây tổn thương tim và não bao gồm rối loạn nhịp tim, kết tập tiểu cầu, hội chứng mạch vành cấp, nhồi máu cơ tim, nhồi máu não, đột quỵ tim, đột quỵ não.
Nghiên cứu mới cảnh báo cơn tức giận làm tăng nguy cơ đau tim lên tới 230%. Căng thẳng và tức giận có thể kích hoạt cùng một lúc hơn 1.400 phản ứng hóa học diễn ra trong cơ thể. Các phản ứng này thường dẫn đến thay đổi vật lý có thể đo lường thông qua hoạt động của chức năng tim và não.
Môi trường càng căng thẳng thì sự tác động ăn mòn của cơn tức giận đối với sức khỏe tim và não càng lớn. Nếu như căng thẳng có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tim mạch thì việc nuôi dưỡng những cảm xúc tích cực lành mạnh có khả năng chữa lành hiệu quả. Mỗi ngày, hãy dành khoảng thời gian chất lượng cho những người thân yêu, thường xuyên có những cuộc trò chuyện cởi mở, tạo không khí vui vẻ… có thể kích thích cơ thể sản xuất các chất dẫn truyền thần kinh hạnh phúc có lợi cho sức khỏe của tim và não. Đây được xem là liều thuốc giải độc an toàn cho các yếu tố nguy cơ phát triển bệnh tim mạch.
Trong chuyên mục “Bạn hỏi Bác sĩ trả lời” với chủ đề “Tim mạch và não bộ có mối quan hệ mật thiết”, Tiến sĩ Bác sĩ CKII Nguyễn Thanh Phong, Trưởng khoa Khám bệnh Bệnh viện An Sinh cung cấp cho bạn cái nhìn tổng quan về “cặp đôi” tim mạch và não bộ, hiểu rõ hơn về sự tương tác giúp cả hai hoạt động trơn tru và khỏe mạnh, cũng như bí quyết giúp “cặp đôi” này trở nên phối hợp ăn ý, năng động và sống khỏe.
Tim và não kết nối với nhau như thế nào?
Một phần của hệ thần kinh tự chủ là một cặp dây thần kinh phế vị, chạy dọc hai bên cổ. Các dây thần kinh này kết nối với tim mạch, não bộ và một số cơ quan nội tạng. Thông điệp được truyền tải giữa tim mạch và não bộ quyết định mọi hoạt động của cơ thể. Ví dụ bạn chạy bộ, bạn muốn tăng tốc, não bộ nhận tín hiệu mong muốn gửi đi thông điệp dọc theo các dây thần kinh ở cơ chân, thúc đẩy chúng di chuyển nhanh hơn, và thế là bạn chạy nhanh hơn. Tuy nhiên, bạn muốn tiếp tục duy trì tốc độ chạy nhanh, các cơ bắp cần cung cấp lượng oxy và glucose lớn hơn. Vì vậy, tim mạch cần đập nhanh và mạnh hơn để bơm nhiều máu giàu oxy đáp ứng nhu cầu của cơ bắp. Cơ thể không thể tăng tốc độ hoặc sức mạnh của cơ tim một cách có ý thức, đây là nơi mà phần tiềm thức của hệ thần kinh, được gọi là hệ thần kinh tự chủ nắm quyền kiểm soát. Đó là điều thú vị ở cơ thể người, cơ thể càng khỏe mạnh, khả năng kết nối giữa tim mạch và não bộ càng hiệu quả.
Tim mạch ảnh hưởng đến não bộ như thế nào?
Tổn thương tim và mạch máu có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch nghiêm trọng như nhồi máu cơ tim, đột quỵ và chứng mất trí nhớ. Các bệnh lý tim mạch nói chung có thể ảnh hưởng tiêu cực đến não bộ khi lưu lượng máu đến tim và não đều giảm. Tim bơm máu qua hệ tuần hoàn gồm các động mạch, tĩnh mạch và mao mạch. Một trái tim khỏe mạnh mới đủ sức bơm đủ máu lên não để nuôi dưỡng và ngăn ngừa tổn thương cho các tế bào thần kinh và tế bào não. Đôi khi, chúng ta vì quá tập trung cho sức khỏe tim mạch mà quên đi vai trò của chức năng não bộ. Tình trạng xơ vữa động mạch là một rối loạn, trong đó các mảng bám hình thành trên thành động mạch là nguyên nhân chính gây ra cơn đau thắt ngực. Các mảng bám vỡ ra hình thành huyết khối di chuyển đến não, gây tổn thương các mạch máu não. Tổn thương não có thể dẫn đến phát triển bệnh lý tim mạch.
Não bộ điều khiển hoạt động tim mạch như thế nào?
Não bộ điều khiển hầu hết mọi hoạt động hệ thần kinh của cơ thể. Do đó não bộ cũng có thể điều khiển hoạt động chức năng tim mạch. Mối liên hệ giữa tim mạch và não bộ rất sâu sắc và đa dạng, vượt xa sự kiểm soát đơn thuần.
Các chất dẫn truyền thần kinh là các chất hóa học được giải phóng vào não bộ giúp các dây thần kinh truyền đi các tín hiệu, thông điệp cho nhau trong não bộ và hệ thần kinh. Các chất dẫn truyền thần kinh này bao gồm:
- Acetylcholine
- Glutamate
- Dopamine
- Norepinephrine
- Serotonin
Tổn thương não bộ có thể cản trở việc giải phóng các chất dẫn truyền thần kinh. Cơ thể luôn cần một lượng chất dẫn truyền thần kinh nhất định để duy trì sức khỏe và hoạt động bình thường. Các kết quả bất lợi có thể phát sinh khi giải phóng quá nhiều hoặc quá ít chất dẫn truyền thần kinh. Ví dụ Acetylcholine là chất dẫn truyền thần kinh chính liên quan chủ yếu đến thần kinh giao cảm và phó giao cảm. Sau khi phản ứng chiến đấu hay bỏ chạy của cơ thể xảy ra, acetylcholine đóng vai trò giúp nhịp tim và huyết áp trở lại bình thường. Nếu không thể trở lại bình thường dẫn đến tăng huyết áp mạn tính, rối loạn nhịp tim, cuối cùng gây ra tổn thương tim.
Tim mạch có tác động đến suy nghĩ và cảm xúc không?
Theo các dữ liệu từ nhiều nghiên cứu quy mô lớn cho thấy cơn đau tim có liên quan đến sự suy giảm mạnh mẽ chức năng nhận thức, bao gồm trí nhớ và vận động. Khi nồng độ canxi tích tụ cao trong động mạch cũng làm tăng nguy cơ mắc chứng mất trí nhớ. Cơ thể chúng ta dễ tiếp nhận các cảm xúc dễ chịu như tình yêu, lòng biết ơn, niềm tin được ấp ủ… Điều này giúp bảo vệ trái tim và não bộ khỏe mạnh. Trong khi các cảm xúc khó chịu lại có tác dụng ngược lại. Các bằng chứng khoa học cho thấy có 4 cảm xúc tiêu cực tác động đến mạnh mẽ đến tim và não gồm trầm cảm, đau buồn, căng thẳng và tức giận. Người bị trầm cảm có nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao hơn sau này. Tim mạch và trầm cảm có tác động hai chiều, phản ứng với kết quả chẩn đoán mắc bệnh tim mạch cũng có thể dẫn đến căng thẳng, trầm cảm.
Bí quyết duy trì sức khỏe tim mạch và sức khỏe não bộ khỏe mạnh?
Hiện có rất nhiều cách giúp cải thiện và nâng cao sức khỏe tim mạch và não bộ, không có mẫu số chung cho tất cả, bạn hãy lựa chọn phương pháp phù hợp bên cạnh tuân thủ điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ nếu có. Sau đây là một vài gợi ý giúp cải thiện, thúc đẩy tim mạch và não bộ hoạt động khỏe mạnh hơn:
Hít thở sâu: có thể thực hiện bất cứ lúc nào, đang làm việc, đang nghỉ ngơi, thậm chí đang trong lúc căng thẳng. Các mạch máu và tế bào thần kinh được cung cấp đủ lượng oxy trở nên thư giãn và thả lỏng. Hiệu quả hơn hãy tìm nơi yên tĩnh, gần thiên nhiên để bạn có thể ngồi xuống, nhắm mắt lại và lắng nghe nhịp tim, nhịp thở của mình.
Vận động: cơ thể cần vận động để giúp duy trì trạng thái cân bằng và tuần hoàn tốt nhất. Cơ tim cần vận động để các mạch máu tăng tính đàn hồi, đảm bảo lưu lượng dòng máu chảy qua tim, não và các cơ quan khác, ngăn chặn hình thành mảng bám động mạch. Đi bộ là cách tuyệt vời để bắt đầu, tim và não sẽ nhận được phần thưởng gấp đôi nếu duy trì tập luyện thường xuyên.
Lựa chọn và tiêu thụ thực phẩm thông minh: có tác động tích cực đến sức khỏe tim mạch và não bộ. Vì chúng tham gia vào quá trình chuyển hóa năng lượng, kích thích cơ thể hoạt động tối ưu, bổ sung dưỡng chất mà cơ thể thiếu hoặc không thể tự sản xuất. Các loại thực phẩm tốt cho tim và não gồm rau xanh, trái xây, ngũ cốc nguyên hạt và protein nạc.
Khám sức khỏe tổng quát hàng năm: tầm soát và kiểm soát tốt các yếu tố nguy cơ bệnh lý mạn tính như tăng huyết, đái tháo đường, rối loạn lipid, béo phì, căng thẳng, rối loạn lo âu… có thể tác động tiêu cực đến chức năng tim mạch và não bộ. Các bệnh lý thực thể không thể chẩn đoán bằng thăm khám thông thường mà cần thực hiện các xét nghiệm kiểm tra. Nhiều người bỏ lỡ cơ hội phát hiện bệnh sớm và điều trị kịp thời vì suy nghĩ chủ quan. Đôi khi chờ cho các dấu hiệu thực thể rõ ràng rồi mới đi khám bệnh có thể bệnh đã vào giai đoạn muộn, việc điều trị giảm hiệu quả hoặc không tác dụng.
Bạn có thể tham khảo các gói khám tầm soát sức khỏe đang được triển khai tại Khoa Khám bệnh Bệnh viện An Sinh:
Mọi thông tin cần hỗ trợ hoặc tư vấn ngay, bạn vui lòng liên hệ Khoa Khám bệnh (028) 38457777 – 111, 222, 271
Nếu bạn có câu hỏi, thắc mắc về các vấn đề sức khỏe hãy gửi về cho chúng tôi:
Chuyên mục “BẠN HỎI BÁC SĨ TRẢ LỜI” được chúng tôi chọn lọc từ các câu hỏi, thắc mắc của bạn. Mong muốn cung cấp cho bạn những kiến thức y học cơ bản, dễ dàng ghi nhớ và có thể ứng dụng ngay vào thực tế cuộc sống hàng ngày.
Chúc gia đình bạn sức khỏe và hạnh phúc
Bệnh viện An Sinh
Sức khỏe và hạnh phúc của gia đình bạn
* Thông tin tham khảo không thay thế việc thăm khám và tư vấn bác sĩ
Bệnh viện An Sinh đã triển khai Bệnh án điện tử ngoại trú (EMR) là một trong những nỗ lực nâng tầm chất lượng dịch vụ và phục vụ, mang đến trải nghiệm tiện ích công nghệ khi đi khám bệnh với ưu điểm giúp bạn chủ động quản lý hồ sơ thông tin sức khỏe, tiết kiệm thời gian và chi phí khám chữa bệnh.