Đột quỵ hay nhồi máu cơ tim là tình trạng cấp cứu khẩn cấp, cần được can thiệp y tế ngay trong giờ vàng để hạn chế tối đa tổn thương cơ tim, nâng cao hiệu quả điều trị và rút ngắn thời gian hồi phục sau đột quỵ.
Hiện thế giới ước tính có khoảng 10% bệnh nhân khỏe mạnh và hồi phục tốt sau đột quỵ, nhồi máu cơ tim; khoảng 25% bệnh nhân hồi phục với di chứng nhẹ; khoảng 40% bệnh nhân bị di chứng từ trung bình đến nặng cần được chăm sóc y tế; khoảng 10% bệnh nhân cần được chăm sóc y tế dài lâu.
Điều đó cho chúng ta thấy mức độ và tính chất nghiêm trọng của bệnh đột quỵ, nhồi máu cơ tim không thể chủ quan xem thường.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC), thế giới có hơn 800.000 người ở bị đột quỵ, nhồi máu cơ tim mỗi năm, Việt Nam có tỷ lệ đột quỵ, nhồi máu cơ tim thuộc hàng đầu thế giới với khoảng 200.000 người mỗi năm. Đột quỵ, nhồi máu cơ tim không còn là bệnh của người lớn tuổi, xu hướng ngày càng tăng ở người trẻ tuổi. Tại Khoa Khám bệnh Bệnh viện An Sinh đã từng tiếp nhận bệnh nhân rất trẻ, dưới 30 tuổi, bị nhồi máu cơ tim cấp.
Có bạn hỏi tại sao một người có lối sống và chế độ ăn uống lành mạnh nhưng vẫn gặp phải biến cố tim mạch như đột quỵ, nhồi máu cơ tim? Đây là một câu hỏi thú vị, không riêng gì với bệnh tim mạch, tình huống này cũng có thể xảy ra ở các bệnh lý khác. Mặc dù nguyên nhân chủ yếu dẫn đến đột quỵ, nhồi máu cơ tim được nhiều người biết do hẹp hay tắc nghẽn động mạch vành. Tuy nhiên, không phải tất cả các cơn đau tim đều dẫn đến đột quỵ, nhồi máu cơ tim, không phải người thừa cân béo phì nào cũng bị rối loạn lipid máu, không phải người gầy ốm nào cũng không bao giờ bị rối loạn lipid máu…
Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí The Lancet cho thấy những người được báo cáo căng thẳng ở mức độ cao, tiền sử mắc bệnh trầm cảm và các yếu tố tâm lý xã hội khác có nguy cơ bị đột quỵ, nhồi máu cơ tim gấp 2,5 lần so với những người không mắc phải tình trạng này.
Cơn đau tim có thể gây ra các vấn đề nghiêm trọng về chức năng tim mạch bao gồm ngừng tim, sốc tim, suy tim, viêm cơ tim, rối loạn nhịp tim Tuy nhiên, cần phân biệt giữa cơn đau thắt ngực ổn định và cơn đau gây đột quỵ, nhồi máu cơ tim.
- Cơn đau thắt ngực ổn định: thường xảy ra khi hoạt động thể chất, biến mất sau vài phút khi nghỉ ngơi hoặc dùng thuốc.
- Cơn đau do đột quỵ, nhồi máu cơ tim có tính chất nghiêm trọng hơn, không biến mất ngay cả khi đã nghỉ ngơi hoặc dùng thuốc.
Cuộc sống hiện đại khó tránh khỏi căng thẳng nhưng hãy biết cách kiểm soát. Căng thẳng không chỉ gây ra các biến cố tim mạch mà còn gây ra nhiều rối loạn chức năng khác trong cơ thể. Có một phương pháp giúp giải tỏa căng thẳng đơn giản, bạn có thể áp dụng ngay vào thực tế cuộc sống là tận dụng sức mạnh của 5 giác quan bao gồm thị giác, xúc giác, thính giác, khứu giác và vị giác để chuyển hướng sự tập trung chú ý của bạn thoát khỏi những suy nghĩ và cảm xúc tiêu cực, tập trung vào trải nghiệm hiện tại để giúp bạn kiểm soát và tách rồi khỏi chúng.
Trong chuyên mục “Bạn hỏi Bác sĩ trả lời” với chủ đề “Đột quỵ bệnh lý nguy hiểm nhưng có thể phòng ngừa”, Tiến sĩ Bác sĩ CKII Nguyễn Thanh Phong, Trưởng khoa Khám bệnh Bệnh viện An Sinh sẽ chia sẻ với bạn cách nhận biết sớm dấu hiệu đột quỵ, nhồi máu cơ tim để chủ động phòng ngừa và phát hiện sớm, quan trọng nhất là không bao giờ được chủ quan với cơn đau tim dù chỉ là thoáng qua.
Dấu hiệu nhận biết một trái tim khỏe mạnh?
Trái tim khỏe mạnh là bí quyết cho một cuộc sống khỏe mạnh và hạnh phúc dài lâu. Trái tim đập liên tục ngày đêm để duy trì sự sống, nắm giữ vai trò quan trọng cho hoạt động tổng thể của cơ thể luôn được thông suốt. Cuộc sống và công việc quá bận rộn khiến nhiều người không dành đủ thời gian lắng nghe trái tim để nhận biết những tín hiệu vô cùng tinh tế. Khi bạn có một trái tim khỏe mạnh bạn sẽ cảm thấy cơ thể luôn tràn đầy sức sống và năng lượng vào mỗi buổi sáng thức dậy, lấy lại sức nhanh sau thời gian tập thể dục, các chỉ số khám sức khỏe tổng quát đều trong giới hạn bình thường bao gồm huyết áp, đường huyết, mỡ máu, nhịp tim ổn định.
Các tác nhân gây ra đột quỵ, nhồi máu cơ tim không mong muốn?
Bên cạnh các tác nhân bạn đã biết như tuổi tác, di truyền, bệnh sử gia đình, bệnh lý tăng huyết áp, rối loạn lipid máu, đái tháo đường… thì còn có các tác nhân khác như:
- Thiếu ngủ mất ngủ làm tăng huyết áp và thúc đẩy tình trạng viêm, người ngủ ít hơn 6 tiếng mỗi đêm có nguy cơ tăng gấp đôi.
- Đau nửa đầu do sự kích thích của môi trường xung quanh bao gồm hình ảnh, âm thanh, ánh sáng… tạo ra áp lực cho tim.
- Thời tiết quá nóng hoặc quá lạnh tác động mạnh mẽ đến sự thay đổi nhiệt độ cơ thể, dẫn đến sốc nhiệt.
- Ô nhiễm không khí mức độ cao khiến các loại vi khuẩn, bụi bẩn xâm nhập vào đường thở và giải phóng vào máu.
- Bữa ăn dư thừa chất béo, ăn quá no dẫn đến tăng hormone căng thẳng.
- Cảm xúc mạnh có thể đến từ sự kiện đau buồn hoặc sự kiện vui vẻ.
- Vận động gắng sức khi cơ thể đang trong tình trạng căng thẳng.
- Cảm lạnh, cảm cúm kích hoạt tình trạng viêm, nhiễm khuẩn.
- Bệnh hen suyễn dễ gây nhầm lẫn và bỏ qua dấu hiệu đau tức ngực.
- Buổi sáng là thời điểm dễ xảy ra đột quỵ do cơ thể mất nước và áp lực của não bộ kích thích chất dẫn truyền thần kinh để đánh thức cơ thể.
- Rượu bia uống quá nhiều làm tăng cholesterol xấu gây hại cho tim.
- Caffeine có trong cà phê làm tăng huyết tạm thời và gây ra cảm giác hồi hộp, khó thở ở người không uống thường xuyên.
- Thảm họa, động đất, khủng bố tinh thần… có thể không xảy ra ngay mà sau đó vài năm.
Vì sao đột quỵ lại được mệnh danh là kẻ giết người thầm lặng?
Cơn đau tim xuất hiện rất đa dạng, có thể bắt đầu chậm nhẹ, đến và đi sau vài phút, vài giờ hoặc tăng dần mức độ cơn đau và lan rộng ra hai bên vai, cũng có thể đột ngột nghiêm trọng ngay từ đâu. Triệu chứng đau tim có thể khác nhau ở mỗi người, khác nhau giữa nam và nữ, thậm chí triệu chứng của cơn đau tim tái phát cũng không giống với cơn đau tim lần đầu trên cùng một người. Đột quỵ tim, nhồi máu cơ tim có thể xảy ra bất kỳ lúc nào, không có dấu hiệu cảnh báo hay triệu chứng nhận biết. Đôi khi chỉ biểu hiện bằng một cơn đau thoáng qua, mờ nhạt khiến mọi người không chú ý. Mảng bám nhỏ không gây hẹp động mạch nhưng có thể gây ra đột quỵ, nhồi máu cơ tim nghiêm trọng nếu chúng bị vỡ ra lẫn vào dòng chảy của máu, hình thành huyết khối (cục máu đông) gây bít tắc lòng mạch gây ra biến cố tim mạch nghiêm trọng, có thể tử vong nhanh chóng nếu không được phát hiện và cấp cứu kịp thời.
Nguyên nhân phổ biến gây ra đột quỵ, nhồi máu cơ tim?
Đột quỵ, nhồi máu cơ tim xảy ra chủ yếu do tắc nghẽn động mạch một phần hoặc hoàn toàn khi:
- Các mảng bám nhỏ trong động mạch không ngăn chặn mạch máu, nhưng có thể vỡ ra hoặc bào mòn lớp ngoài động mạch.
- Co thắt đột ngột và nghiêm trọng ở động mạch vành ngăn chặn dòng máu chảy qua, điều này xảy ra ngay cả khi không có mảng bám tích tụ.
- Thuyên tắc động mạch vành xảy ra khi cục máu đông di chuyển qua mạch máu và bị kẹt lại bên trong động mạch vành.
- Bóc tách động mạch vành tự phát (SCAD) xảy ra khi có vết rách bên trong động mạch vành, cục máu đông hình thành ngay tại vết rách hoặc mô bị rách.
Thực tế cũng có tình trạng tổn thương cơ tim và mạch máu gây ra đột quỵ, nhồi máu cơ tim không do tắc nghẽn động mạch, y học gọi là bệnh MINOCA. Bác sĩ sẽ xem xét tất cả các kết quả xét nghiệm để loại trừ nguy cơ và đưa ra chẩn đoán chính xác.
Tại sao bạn cần “cảnh giác” với cơn đau tim dù chỉ là thoáng qua?
Cơn đau tim ở mức độ nhẹ, không có biểu hiện trên kết quả đo điện tim cơ bản (ECG), y học gọi là nhồi máu cơ tim không ST chênh lên (NSTEMI), đây là một tình trạng tim mạch nghiêm trọng, cần được điều trị cấp cứu ngay lập tức. Phương pháp điều trị mà bác sĩ khuyến cáo cho NSTEMI phụ thuộc vào mức độ tắc nghẽn của động mạch vành.
Các triệu chứng của nhồi máu cơ tim không ST chênh lệch (NSTEMI) và nhồi máu cơ tim có ST chênh lệch (STEMI) khá giống nhau. Theo các báo cáo khoa học cho thấy, bệnh nhân NSTEMI có triệu chứng đau ngực, đổ mồ hôi, đau lan tỏa và buồn nôn thấp hơn so với bệnh nhân STEMI. Ngược lại, bệnh nhân NSTEMI có triệu chứng khó thở và hồi hộp cao hơn so với bệnh nhân STEMI.
Sự phát triển bệnh tim mạch ở một người phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của cơn đau tim, mức độ đáp ứng với phương pháp điều trị và sức khỏe tổng thể nói chung. Vì vậy, việc lựa chọn phương pháp điều trị ngay lập tức khi nghi ngờ mắc NSTEMI rất quan trọng vì giúp cải thiện kết quả điều trị tốt hơn, giúp nâng cao sức khỏe tổng thể và ngăn ngừa nguy cơ biến chứng dẫn đến đột quỵ, nhồi máu cơ tim, thậm chi là tái phát.
Bạn có thể tham khảo các gói khám tầm soát sức khỏe đang được triển khai tại Khoa Khám bệnh Bệnh viện An Sinh:
Đặt hẹn khám bệnh: http://ansinh.info/Dangkykham.aspx
Mọi thông tin cần hỗ trợ hoặc tư vấn ngay, bạn vui lòng liên hệ Khoa Khám bệnh (028) 38457777 – 111, 222, 271
Nếu bạn có câu hỏi, thắc mắc về các vấn đề sức khỏe hãy gửi về cho chúng tôi:
Chuyên mục “BẠN HỎI BÁC SĨ TRẢ LỜI” được chúng tôi chọn lọc từ các câu hỏi, thắc mắc của bạn. Mong muốn cung cấp cho bạn những kiến thức y học cơ bản, dễ dàng ghi nhớ và có thể ứng dụng ngay vào thực tế cuộc sống hàng ngày.
Bệnh viện An Sinh
Sức khỏe và hạnh phúc của gia đình bạn
* Thông tin tham khảo không thay thế việc thăm khám và tư vấn bác sĩ
Bệnh viện An Sinh đã triển khai Bệnh án điện tử ngoại trú (EMR) là một trong những nỗ lực nâng tầm chất lượng dịch vụ và phục vụ, mang đến trải nghiệm tiện ích công nghệ khi đi khám bệnh với ưu điểm giúp bạn chủ động quản lý hồ sơ thông tin sức khỏe, tiết kiệm thời gian và chi phí khám chữa bệnh.