Xơ vữa động mạch, tiếng anh là atherosclerosis bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp, là tình trạng động mạch hình thành các mảng vữa và xơ cứng. Xơ vữa động mạch có thể ảnh hưởng hầu hết các động mạch trong cơ thể như các động mạch ở tim, não, cánh tay, chân, mạc treo…
Xơ vữa động mạch và xơ cứng động mạch về bản chất là 2 tình trạng bệnh khác nhau nhưng cùng gây ra tổn thương cho động mạch. Xơ vữa động mạch là các chất béo lắng đọng tạo thành mảng bám ở động mạch. Các mảng bám lâu ngày trở nên vôi hóa, dày lên và rắn chắc hơn gọi là xơ cứng động mạch.
Các tế bào có thể trải qua những thay đổi và tự phân hủy sau khi tiếp xúc với cholesterol. Các tế bào chết cũng có thể tích tụ tụ tạo thành mảng bám trong động mạch. Khi tình trạng viêm diễn ra trong thời gian dài, có thể để lại sẹo, cứng và vôi hóa động mạch. Cơ thể phản ứng với sự tích tụ bằng cách dẫn truyền tín hiệu và gửi đi các tế bào bạch cầu đến tấn công mảng bám dẫn đến nứt vỡ mảng bám, còn gọi là huyết khối (cục máu đông) trôi theo dòng máu gây bít tắc lòng mạch. Vì vậy, người bị rối loạn lipid máu có nguy cơ xơ vữa động mạch cao hơn so với người khác.
Bác sĩ thường chỉ định xét nghiệm lipid máu để xác định tình trạng mỡ máu, đánh giá nguy cơ tim mạch, hướng dẫn cách thay đổi lối sống hoặc chỉ định điều trị để kiểm soát nguy cơ. Mục tiêu kiểm soát lipid máu là giảm mức cholesterol xuống dưới một mốc cụ thể không còn được các Tổ chức Tim mạch Thế giới bao gồm Hiệp hội Tim mạch Mỹ (AHA), Hiệp hội Tim mạch Châu Âu (ESC) và Hiệp hội Xơ vữa động mạch Châu Âu (EAS) khuyến cáo, thay vào đó là cách tiếp cận theo hướng giảm cholesterol xuống "càng thấp càng tốt".
Các nghiên cứu khoa học phát hiện ra rằng trẻ em từ 10 tuổi đến 14 tuổi có thể có biểu hiện xơ vữa động mạch ở giai đoạn đầu. Đối với một vài người, tình trạng này phát triển nhanh hơn khi 20 đến 30 tuổi, trong khi một vài người khác có thể không gặp bất kỳ vấn đề sức khỏe nào cho đến khi bước vào tuổi trung niên khoảng 50 đến 60 tuổi.
Bác sĩ dựa vào các dấu hiệu lâm sàng và kết quả khám sức khỏe đánh giá nguy cơ, mức độ xơ vữa động mạch và đưa ra quyết định lựa chọn điều trị nội khoa hoặc phẫu thuật can thiệp phù hợp để kiểm soát các yếu tố nguy cơ đã được xác định chẩn đoán, làm chậm và kích thích sự thoái triển các mảng xơ vữa. Quan trọng là tối ưu sức khỏe tổng thể, cải thiện và ngăn ngừa biến chứng tim mạch có thể xảy ra trong tương lai.
Trong chuyên mục “Bạn hỏi Bác sĩ trả lời” với chủ đề “Xơ vữa động mạch những điều có thể bạn chưa biết”, Tiến sĩ Bác sĩ CKII Nguyễn Thanh Phong, Trưởng khoa Khám bệnh Bệnh viện An Sinh sẽ chia sẻ với bạn kiến thức y học nền tảng về bệnh xơ vữa động mạch, hướng dẫn cách phòng bệnh và thăm khám kịp thời để luôn duy trì một trái tim và cơ thể khỏe mạnh để tận hưởng một cuộc sống hạnh phúc viên mãn.
Xơ vữa động mạch là gì?
Xơ vữa động mạch (Atherosclerosis) là quá trình diễn biến chậm, bắt đầu ở một người khi còn nhỏ. Hệ thống động mạch có chức năng vận chuyển máu từ tim, mang nhiều oxy và dưỡng chất đi nuôi các tế bào khắp cơ thể. Theo thời gian, các chất béo dư thừa và các chất lắng đọng khác tích tụ hình thành các mảng bám ở động mạch, gọi là mảng xơ vữa, gây hẹp hoặc tắc lòng động mạch, cản trở dòng chảy của máu lưu thông.
Xơ vữa động mạch có thể xảy ra ở nhiều hệ thống động mạch như mạch cảnh, mạch vành, mạch chân dưới… và nhiều bệnh lý liên quan. Khi mảng xơ vữa nứt vỡ tạo ra cục máu đông gây lấp kín thành mạch, vốn đã bị hẹp sẵn bởi mảng xơ vữa. Xơ vữa động mạch đóng vai trò chính gây ra các biến cố tim mạch như nhồi máu cơ tim, nhồi máu não, đột quỵ, tắc mạch ở tay, chân, động mạch ngoại biên (PAD)… có thể dẫn đến tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.
Xơ vữa động mạch có dấu hiệu cảnh báo trước không?
Xơ vữa động mạch thường không gây ra bất kỳ triệu chứng cho đến khi xảy ra biến cố. Triệu chứng khác nhau tùy theo vị trí mạch máu bị xơ vữa.
Tổn thương ở tim do xơ vữa động mạch vành là các mạch máu nuôi tim, có thể gây suy tim và nhồi máu cơ tim. Triệu chứng đau ngực khi gắng sức hoặc cảm xúc mạnh. Cơn đau kéo dài vài phút, cảm giác đè nặng ở ngực, dần xuống cổ, bả vai trái và cánh tay trái. Nhồi máu cơ tim là một cấp cứu tim mạch, xảy ra nếu cơn đau ngực không giảm sau xuất hiện trên 30 đến 60 phút.
Tổn thương ở não do xơ vữa động mạch cảnh là mạch máu cho tuần hoàn não, có thể gây đột quỵ não. Nhiều bệnh nhân chỉ phát hiện bị hẹp mạch cảnh khi xảy ra tai biến. Triệu chứng suy giảm ý thức nhanh chóng, nhìn mờ đột đột, nói khó, yếu liệt nửa người tùy mức độ.
Tổn thương ở chân do xơ vữa động mạch chân dưới. Triệu chứng cảm giác đau nhức khi đi lại, chân lạnh, teo cơ, da khô do giảm máu nuôi, mạch kém.
Ngoài ra, phình động mạch do xơ vữa động mạch chủ bụng hoặc xơ vữa động mạch chủ ngực thường không có triệu chứng nhưng rất nguy hiểm nếu xảy ra biến cố. Triệu chứng đau ngực, đau lưng, khàn tiếng, nuốt khó, phù mặt, phù chân, đau bụng, khối ở bụng đập theo nhịp của tim.
Xơ vữa động mạch có thể gây ra những biến chứng nào?
Xơ vữa động mạch không được kiểm soát và điều trị có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe. Một vài biến chứng nguy hiểm có thể kể đến:
- Cơn đau tim là biến chứng nghiêm trọng nhất cho tim, khi một phần cơ tim bị tắc nghẽn hoàn toàn, thường do huyết khối gây ra.
- Đột quỵ xảy ra khi mạch máu đến não bị tắc nghẽn bởi huyết khối hoặc mảng xơ vữa, mất khả năng điều khiển một phần của cơ thể.
- Suy tim do cơ tim không còn khả năng bơm máu hiệu quả.
- Rối loạn nhịp tim khiến nhịp tim nhanh chậm bất thường, rối loạn này có thể dẫn đến nhồi máu cơ tim, đột quỵ.
- Bệnh mạch vành đa nang ảnh hưởng đến nhiều mạch máu cung cấp máu cho cơ tim, tăng nguy cơ các biến chứng khiến việc điều trị phức tạp.
- Tắc nghẽn mạch máu bất ngờ thường trải qua cơn đau tim đột ngột, có thể dẫn đến tử vong hoặc tổn thương tim nghiêm trọng.
Phòng ngừa xơ vữa động mạch bằng cách nào?
Phòng ngừa xơ vữ động mạch quan trọng là ngăn chặn mảng bám tích tụ và hình thành ở động mạch. Có thể thực hiện bằng cách duy trì các thói quen tốt:
- Có chế độ ăn uống lành mạnh, uống đủ nước, tăng chất xơ, protein nạc, giảm muối, đường, chất béo động vật.
- Kiểm soát các yếu tố nguy cơ như tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu, rối loạn nội tiết…
- Tập thể dục thường xuyên, duy trì đều đặn 30 phút mỗi ngày.
- Không hút thuốc lá dưới bất kỳ hình thức nào.
Lưu ý rằng thay đổi lối sống bao gồm thay đổi thói quen lựa chọn và chế biến thực phẩm, đảm bảo ngủ ngon giấc mỗi đêm, khả năng nhận diện và xử lý căng thẳng… Nếu đang điều trị tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn lipid máu… cần tuân thủ đúng theo hướng dẫn của bác sĩ. Nếu bạn đang lo lắng về nguy cơ mắc bệnh tim mạch, xơ vữa động mạch, hãy đến bệnh viện thăm khám và tư vấn bác sĩ.
Ai cần tầm soát xơ vữa động mạch?
Ở giai đoạn sớm, xơ vữa động mạch không có biểu hiện do đó các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh còn hạn chế trong việc dự đoán nguy cơ, mặc dù khảo sát tốt tình trạng vôi hóa mạch vành, giúp bác sĩ phân tầng nguy cơ và đưa ra quyết định điều trị phù hợp. Tuy nhiên, yếu tố bệnh sử cho thấy một người có nguy cơ mức độ trung bình nếu trong gia đình có người mắc bệnh tim mạch.
Các Tổ chức Tim mạch Thế giới khuyến cáo thực hiện xét nghiệm lipid máu để sàng lọc nguy cơ bệnh tim mạch ở người có một trong các đặc điểm sau:
- Nam giới trên 40 tuổi
- Nữ giới trên 40 tuổi, phụ nữ sau mãn kinh
- Bệnh sử có rối loạn lipid máu gia đình hoặc mắc bệnh tim mạch sớm, tuổi khởi phát dưới 55 với nam và dưới 65 tuổi với nữ có quan hệ huyết thống trực hệ.
- Thừa cân béo phì
- Tăng huyết áp
- Đái tháo đường típ 2
- Hội chứng rối loạn chuyển hóa
- Bệnh thận mạn tính
- Thói quen hút thuốc lá
- Có tình trạng viêm mạn tính
- Nhiễm HIV
- Tiền sử tăng huyết áp thai kỳ, tiền sản giật
- Rối loạn cương dương
Bạn có thể tham khảo các gói khám tầm soát sức khỏe đang được triển khai tại Khoa Khám bệnh Bệnh viện An Sinh:
Mọi thông tin cần hỗ trợ hoặc tư vấn ngay, bạn vui lòng liên hệ Khoa Khám bệnh (028) 38457777 – 111, 222, 271
Nếu bạn có câu hỏi, thắc mắc về các vấn đề sức khỏe hãy gửi về cho chúng tôi:
- Email: info@ansinh.com.vn
- Fanpage: Bệnh Viện An Sinh
Chuyên mục “BẠN HỎI BÁC SĨ TRẢ LỜI” được chúng tôi chọn lọc từ các câu hỏi, thắc mắc của bạn. Mong muốn cung cấp cho bạn những kiến thức y học cơ bản, dễ dàng ghi nhớ và có thể ứng dụng ngay vào thực tế cuộc sống hàng ngày.
Chúc gia đình bạn sức khỏe và hạnh phúc.
Bệnh viện An Sinh
Sức khỏe và hạnh phúc của gia đình bạn
* Thông tin tham khảo không thay thế việc thăm khám và tư vấn bác sĩ
Bệnh viện An Sinh đã triển khai Bệnh án điện tử ngoại trú (EMR) là một trong những nỗ lực nâng tầm chất lượng dịch vụ và phục vụ, mang đến trải nghiệm tiện ích công nghệ khi đi khám bệnh với ưu điểm giúp bạn chủ động quản lý hồ sơ thông tin sức khỏe, tiết kiệm thời gian và chi phí khám chữa bệnh.