Kiến thức y học

Chuyên mục “Bạn hỏi Bác sĩ trả lời” với chủ đề “Nhồi máu cơ tim nhận biết sớm điều trị hiệu quả”

Cập nhật lúc: 4:25:20 CH - 14/11/2024

Cơn đau tim, còn gọi là nhồi máu cơ tim cấp, có thể xuất hiện bất thình lình vào thời điểm bạn không ngờ tới nhất. Đó cũng chính là nguyên nhân khiến nhiều người không được đưa đến bệnh viện cấp cứu kịp thời ngay trong giờ vàng, khoảng từ 1 đến 2 giờ kể từ khi nhồi máu cơ tim xuất hiện triệu chứng đầu tiên.

 



 

Cơn đau tim, còn gọi là nhồi máu cơ tim cấp, có thể xuất hiện bất thình lình vào thời điểm bạn không ngờ tới nhất. Đó cũng chính là nguyên nhân khiến nhiều người không được đưa đến bệnh viện cấp cứu kịp thời ngay trong giờ vàng, khoảng từ 1 đến 2 giờ kể từ khi nhồi máu cơ tim xuất hiện triệu chứng đầu tiên.

Theo thống kê của Bộ Y tế năm 2022 cho thấy, nhồi máu cơ tim cấp thuộc top 10 bệnh lý gây tử vong hàng đầu ở Việt Nam. Mỗi năm, Việt Nam có khoảng 200.000 người tử vong do bệnh tim mạch, chiếm 33%, vượt xa tỷ lệ tử vong do bệnh ung thư. Có đến 50% bệnh nhân nhồi máu cơ tim tử vong trước khi đưa vào bệnh viện hoặc bệnh nhân được đưa đến bệnh viện cấp cứu nhưng nguy cơ tử vong lên tới 90% tùy theo mức độ tổn thương.

Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) cho biết cứ 40 giây lại có 1 người bị nhồi máu cơ tim mới. Nguyên nhân do bệnh động mạch vành (CAD) là phổ biến nhất, xảy ra khi động mạch vành bị tắc nghẽn một phần hoặc hoàn toàn. Khi động mạch bị tắc hoàn toàn, y học gọi là nhồi máu cơ tim ST chênh lên (STEMI), khi động mạch bị hẹp hoặc bị tắc một phần gọi là nhồi máu cơ tim không ST chênh lên (NSTEMI).

Để duy trì sự sống, tất cả các cơ quan của cơ thể cần được cung cấp máu liên tục. Máu tuần hoàn để vận chuyển oxy, các chất dinh dưỡng đến khắp các tế bào và mang các chất thải từ tế bào ra ngoài cơ thể bằng bài tiết. Các tế bào cơ tim sẽ suy yếu dần và hoại tử nếu không nhận đủ máu nuôi, có thể gây tổn thương chức năng tim không thể hồi phục.

Bạn đừng nghĩ rằng nhồi máu cơ tim sẽ không bao giờ xảy ra với bạn. Thực tế, nhồi máu cơ tim có thể gặp ở bất kỳ độ tuổi nào, hiện chưa có biện pháp ngăn chặn nhồi máu cơ tim một cách tuyệt đối. Bạn không thể thay đổi tuổi tác, di truyền, bệnh sử gia đình nhưng bạn có thể thay đổi phong cách sống lành mạnh hơn giúp hệ tim mạch luôn khỏe mạnh dù có bị lão hóa theo thời gian.

Tăng huyết áp, đái tháo đường (tiểu đường), rối loạn lipid máu là yếu tố nguy cơ chính thúc đẩy nhồi máu cơ tim xảy ra. Vì vậy, chúng cần được theo dõi và điều trị bởi bác sĩ để ngăn ngừa biến chứng nhồi máu cơ tim có thể xảy ra trong tương lai.

Cơ chế gây ra nhồi máu cơ tim khác nhau ở mỗi tình trạng mắc phải. Tăng huyết áp không kiểm soát dẫn đến tăng áp lực cho mạch máu, tim phải co bóp nhiều hơn để bơm máu, dẫn đến quá tải gây nhồi máu tim. Rối loạn lipid máu làm dày thêm mảng bám ở động mạch gây hẹp lòng mạch hoặc gặp phản ứng viêm vỡ ra dẫn đến nhồi máu cơ tim. Đái tháo đường típ 2 được xem là yếu tố nguy cơ rất cao đối với bệnh tim mạch, biến chứng nhồi máu cơ tim xảy ra khi các mạch máu lớn nhỏ ở tim bị tổn thương nghiêm trọng.

Cùng với nhồi máu cơ tim, đái tháo đường đang là vấn đề sức khỏe thách thức toàn cầu. Thế giới hiện có hàng triệu người mắc bệnh đái tháo đường đã được chẩn đoán và điều trị, tỷ lệ người mắc bệnh chưa được chẩn đoán và điều trị còn chiếm tỷ lệ lớn trong cộng đồng.

Bệnh đái tháo đường có thể gặp ở mọi độ tuổi, người già, trung niên, thanh thiếu niên và trẻ em. Đái tháo đường tuýp 1 và tuýp 2 đều là yếu tố nguy cơ độc lập và mạnh mẽ đối với bệnh mạch vành, nhồi máu cơ tim, động mạch ngoại biên. Bệnh tim mạch là nguyên nhân chính gây tử vong ở bệnh nhân đái tháo đường lâu năm. Theo các báo cáo nghiên cứu khoa học, khoảng 85% bệnh nhân đái tháo đường có nguy cơ hoặc đã từng có biến chứng bệnh tim mạch do xơ vữa. Tỷ lệ tử vong do biến chứng tim mạch ở bệnh nhân đái tháo đường lên tới 80%. Bệnh nhân đái tháo đường típ 2 có nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao gấp 4 lần so với người không bị đái tháo đường.

Phần lớn bệnh được phát hiện một cách tình cờ khi đi khám sức khỏe tổng quát hàng năm. Tuy nhiên, không phải tất cả mọi người đều nhận thức được hậu quả và tầm quan trọng của các biện pháp phòng ngừa bệnh đái tháo đường. Vì vậy, ngày Đái tháo đường Thế giới được tổ chức hàng năm vào ngày 14/11 với mục đích nâng cao nhận thức, thúc đẩy hành động, cung cấp nền tảng sức khỏe bền vững cho tất cả mọi người từ các bác sĩ, chuyên gia y tế đến công chúng bằng cách cùng nhau học hỏi, chia sẻ, gắn kết và hành động.

Trong chuyên mục “Bạn hỏi Bác sĩ trả lời” với chủ đề “Nhồi máu cơ tim nhận biết sớm điều trị hiệu quả”, Tiến sĩ Bác sĩ CKII Nguyễn Thanh Phong, Trưởng khoa Khám bệnh Bệnh viện An Sinh sẽ chia sẻ với bạn cách nhận biết yếu tố nguy cơ, biện pháp phòng ngừa và cách ứng phó kịp thời khi nhồi máu cơ tim xảy ra.

 

Dấu hiệu cảnh báo nhồi máu cơ tim?

Cơn đau thắt ngực là dấu hiệu cảnh báo phổ biến ở nhồi máu cơ tim cấp. Cảm giác đè nặng, bóp nghẹt ở vùng ngực, có thể lan sang hai bên cánh tay, cổ, hàm hoặc lưng. Cơn đau kéo dài vài phút hoặc xuất hiện rồi biến mất theo từng đợt. Đôi khi, nhồi máu cơ tim có thể đe dọa đến tính mạng chỉ bằng một cơn đau nhẹ thoáng qua, thậm chí không có triệu chứng đau ngực. Vì vậy, bạn không nên chủ quan.

 

5 dấu hiệu của nhồi máu cơ tim sắp xảy ra có thể bạn không ngờ tới:

·         Chóng mặt, choáng váng, thậm chí ngất xỉu, cơ thể đột nhiên mất thăng bằng, mọi thứ bắt quay cuồng hoặc thị lực mờ dần.

·         Chướng bụng, đầy hơi, khó tiêu, buồn nôn và nôn, triệu chứng này dễ gây nhầm lẫn với các tình trạng sức khỏe khác.

·         Khó thở khi ngồi, khi nằm, khi thay đổi mọi tư thế vẫn không cảm thấy dễ chịu hơn.

·         Đổ mồ hôi hoặc đổ mồ hôi lạnh, cơ thể đột nhiên lạnh run, bất kể nhiệt độ môi trường bên ngoài hoặc trong phòng.

·         Không có bất kỳ dấu hiệu cảnh báo nào, còn được gọi là “cơn đau tim thầm lặng”, không thể phát hiện cho đến khi trở nên nghiêm trọng.

Nếu nhận thấy một trong các dấu hiệu trên, bạn cần đến ngay bệnh viện thăm khám và tư vấn bác sĩ.

 

Căng thẳng có phải là tác nhân thúc đẩy nhồi máu cơ tim?

Căng thẳng tác động đến sức khỏe tim mạch theo nhiều cách khác nhau. Căng thẳng góp phần gây ra phản ứng viêm trong cơ thể, làm mảng bám ở động mạch vỡ ra, ngăn dòng chảy của máu đến tim dẫn đến bệnh mạch vành, rối loạn nhịp tim, nhồi máu cơ tim, đột quỵ, thậm chí tử vong.

 

Căng thẳng kích thích cơ thể tăng tiết adrenaline và cortisol, là những loại hormone giúp tăng sự tỉnh táo về mặt tinh thần trong những tình huống căng thẳng. Sự gia tăng của các loại hormone căng thẳng theo thời gian có thể gây tổn thương tim, tăng huyết áp, tăng đường huyết, tăng lipid máu…

 

Căng thẳng mạn tính có thể gây ra cơn đau thắt ngực, nhịp tim không đều, khó thở dẫn đến nhồi máu cơ tim và đột quỵ. Căng thẳng cấp tính thúc đẩy các hành vi thói quen xấu, kích thích sự thèm ăn thực phẩm béo ngọt, lạm dụng rượu bia, thuốc lá... Ở người mắc bệnh tim mạch, căng thẳng làm trầm trọng thêm các triệu chứng đau ngực.

 

Vì sao cơn đau tim thầm lặng được cho là có liên quan đến bệnh đái tháo đường (tiểu đường)?

Người mắc bệnh đái tháo đường (tiểu đường) trên 10 năm có nguy cơ mắc bệnh tim mạch tăng gấp 4 lần so với người khỏe mạnh bình thường. Biến chứng phổ biến của bệnh đái tháo đường típ 2 là tổn thương thần kinh. Bệnh nhân có cảm giác tê, ngứa, đau và yếu ở bàn chân hoặc chân. Đó là dấu hiệu nhận biết của bệnh thần kinh ngoại biên, ảnh hưởng trực tiếp đến hệ thần kinh tự chủ là hệ thống kiểm soát tim mạch và các cơ quan nội tạng của cơ thể. Rối loạn chức năng hệ thần kinh tự chủ có thể gây ra mất cảm giác đau ở tim và các bộ phận khác của cơ thể do các dây thần kinh của hệ thần kinh tự chủ bị tổn thương nghiêm trọng. Đây chính là cách cơn đau tim thầm lặng được cho là có liên quan đến bệnh đái tháo đường.

 

Biến chứng tim mạch nào có thể xảy trong quá trình mang thai và sinh con?

Một cặp vợ chồng đang trong độ tuổi sinh sản có sức khỏe tốt sẽ có một thai kỳ thuận lợi. Tuy nhiên, một số ít có thể gặp biến chứng không mong muốn trong thai kỳ như tăng huyết áp, đái tháo đường, tiền sản giật thai kỳ. Nguyên nhân tương tự như phụ nữ không mang thai, nguy cơ cao ở phụ nữ có bệnh sử gia đình và bản thân mắc bệnh tim mạch trước khi mang thai. Biến chứng tim mạch gây nhồi máu cơ tim ở phụ nữ mang thai ít gặp nếu được kiểm soát tốt các yếu tố nguy cơ.

 

Bản thân quá trình mang thai và chuyển dạ sinh con cũng có thể gây áp lực rất lớn lên hệ tim mạch của người mẹ và tim thai đang phát triển ở trẻ. Tăng huyết áp và đái tháo đường là tình trạng phổ biến trong thai kỳ, có thể biến mất sau sinh mà không cần điều trị. Tuy nhiên, huyết áp và đường huyết cần được tầm soát và theo dõi trong quá trình thai kỳ vì có thể gây biến chứng tiền sản giật, tim mạch vào 3 tháng cuối thai kỳ, trong lúc chuyển dạ và sinh con, không loại trừ có thể xảy ra sau sinh.

 

Phụ nữ bị tăng huyết áp thai kỳ, đái tháo đường thai kỳ, tiền sản giật thai kỳ có nguy cơ cao mắc bệnh tim mạch sau này. Lời khuyên của bác sĩ dành cho các cặp vợ chồng chuẩn bị mang thai cần khám sức khỏe tổng quát, các cặp vợ chồng đang mang thai cần theo dõi sức khỏe thai kỳ thường xuyên để kiểm soát tốt biến chứng có thể ảnh hưởng đến sức khỏe ở cả người mẹ và em bé trong thai kỳ và sau sinh.

 

Phòng ngừa nhồi máu cơ tim hiệu quả bằng cách nào?

Nhồi máu cơ tim do nhiều yếu tố nguy cơ tác động. Lối sống, thói quen ăn uống và vận động đóng vai trò quan trọng đối với sức khỏe tim mạch. Phòng ngừa nhồi máu cơ tim đơn giản và hiệu quả nhất gồm:

Không hút thuốc lá dưới mọi hình thức, nguy cơ tim mạch giảm ngay sau khi ngưng hút thuốc lá.

Đi lại, vận động nhiều hơn, ít nhất 30 phút mỗi ngày, giúp kiểm soát các yếu tố nguy cơ gây nhồi máu cơ tim tốt hơn.

Chế độ ăn uống tốt cho tim mạch cần lựa chọn thực phẩm thông minh và thay đổi cách chế biến, giảm muối, đường, mỡ.

Béo phì làm tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim và các vấn đề sức khỏe mạn tính khác. Chú ý đến cân nặng, BMI dưới 24, vòng bụng dưới 100 cm đối với nam và dưới 80 cm đối với nữ.

Giấc ngủ ngon sẽ củng cố hệ tim mạch và não bộ khỏe mạnh. Người trưởng thành cần ngủ đủ 7 đến 9 tiếng mỗi ngày, trẻ nhỏ cần ngủ nhiều hơn 10 tiếng mỗi ngày.

Căng thẳng cần được kiểm soát, đây là nguyên nhân thúc đẩy nhồi máu cơ tim và tác động tiêu cực đến sức khỏe tổng thể.

Khám sức khỏe tổng quát mỗi 6 tháng hoặc 12 tháng, quan trọng là tầm soát sớm bệnh lý. Theo khuyến cáo:

Tầm soát tim mạch bắt đầu từ 20 tuổi trở lên, người 40 tuổi trở lên thực hiện mỗi năm

Tầm soát tăng huyết áp bắt đầu từ 18 tuổi trở lên, người 40 tuổi trở lên thực hiện mỗi năm.

Tầm soát rối loạn lipid máu bắt đầu từ 9 đến 11 tuổi và sau 5 năm kiểm tra lại, người 40 tuổi trở lên thực hiện mỗi năm.

Tầm soát đái tháo đường, dựa vào yếu tố nguy cơ béo phì và bệnh sử gia đình ở cả người lớn và trẻ nhỏ, người 40 tuổi trở lên thực hiện mỗi năm.

Tiêm ngừa vắc xin phòng bệnh nhiễm trùng, truyền nhiễm bao gồm: vắc xin phòng bệnh cúm mùa, tiêm nhắc mỗi năm; vắc xin phòng bệnh phế cầu; vắc xin phòng bệnh uốn ván - bạch hầu - ho gà; vắc xin phòng bệnh viêm gan siêu vi B, C nếu cơ thể chưa có kháng thể.

 

Bạn có thể tham khảo các gói khám tầm soát sức khỏe đang được triển khai tại Khoa Khám bệnh Bệnh viện An Sinh:

Mọi thông tin cần hỗ trợ hoặc tư vấn ngay, bạn vui lòng liên hệ Khoa Khám bệnh (028) 38457777 – 111, 222, 271 

 

Nếu bạn có câu hỏi, thắc mắc về các vấn đề sức khỏe hãy gửi về cho chúng tôi:

  • Email: info@ansinh.com.vn
  • Fanpage: Bệnh Viện An Sinh

Chuyên mục “BẠN HỎI BÁC SĨ TRẢ LỜI” được chúng tôi chọn lọc từ các câu hỏi, thắc mắc của bạn. Mong muốn cung cấp cho bạn những kiến thức y học cơ bản, dễ dàng ghi nhớ và có thể ứng dụng ngay vào thực tế cuộc sống hàng ngày.

 

Chúc gia đình bạn sức khỏe và hạnh phúc.

 

 

Bệnh viện An Sinh

Sức khỏe và hạnh phúc của gia đình bạn

* Thông tin tham khảo không thay thế việc thăm khám và tư vấn bác sĩ

 

 

Bệnh viện An Sinh đã triển khai Bệnh án điện tử ngoại trú (EMR) là một trong những nỗ lực nâng tầm chất lượng dịch vụ và phục vụ, mang đến trải nghiệm tiện ích công nghệ khi đi khám bệnh với ưu điểm giúp bạn chủ động quản lý hồ sơ thông tin sức khỏe, tiết kiệm thời gian và chi phí khám chữa bệnh. 

 

 

   

Các tin tức khác:
[Trở về]