Có thể những con số sau đây sẽ làm bạn kinh ngạc về tình trạng tử vong do bệnh tim mạch cao hơn rất nhiều so với các bệnh lý khác. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ước tính mỗi năm trên thế giới có khoảng 17,5 triệu người tử vong do các bệnh tim mạch. Ở Châu Âu ước tính có khoảng 4 triệu người tử vong do bệnh tim mạch mỗi năm, tương đương với 10.000 người mỗi ngày. Còn ở tại Việt nam ước tính khoảng 200.000 người tử vong do bệnh tim mạch mỗi năm.
Người trẻ mắc các bệnh lý tim mạch nghiêm trọng như bệnh mạch vành, nhồi máu cơ tim, đột quỵ ngày càng tăng. Phần lớn do suy nghĩ chủ quan không nghĩ mình mắc bệnh, không nhận biết được triệu chứng của bệnh tim mạch, thường bỏ qua “thời gian vàng” trong điều trị là khoảng 1 đến 2 giờ kể từ lúc triệu chứng bắt đầu xuất hiện, tăng biến chứng, thậm chí tử vong.
Người lớn tuổi thường mắc bệnh tim mạch do cơ thể lão hóa hoặc ảnh hưởng từ bệnh mạn tính như tăng huyết áp, rối loạn lipid máu, đái tháo đường típ 2, rối loạn chức năng tuyến giáp. Người trẻ tuổi thường mắc bệnh tim mạch do lối sống và thói quen ăn uống thiếu lành mạnh, tiêu thụ nhiều thức ăn nhanh, ngồi lâu bên máy tính, ít vận động, hút thuốc lá và đồ uống có cồn.
Có thể bạn đã nghe nói nhiều đến chất béo trong cơ thể gồm có cholesterol HDL được xem là chất béo "tốt" và cholesterol LDL, được xem là chất béo "xấu". Cơ thể chúng ta cần một lượng chất béo (cholesterol) để xây dựng tế bào, chuyển hóa năng lượng, điều chỉnh tăng giảm tiết hormone và hấp thụ vitamin D. Tuy nhiên, mức cholesterol LDL “xấu” vượt ngưỡng cho phép chúng sẽ tích tụ, lắng đọng ở thành mạch máu, gây hẹp tắc động mạch, giảm lưu lượng máu tim và các cơ quan chức năng khác, dẫn đến cơn đau tim, nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ.
Cách duy nhất để phát hiện một người có bị rối loạn lipid máu (tăng cholesterol) hay không là thực hiện xét nghiệm máu. Tại Bệnh viện An Sinh, bác sĩ thường chỉ định kiểm tra bộ mỡ gồm có:
- Cholesterol total
- Cholesterol HDL
- Cholesterol LDL
- Triglycerid
- Non HDL - C
Thực tế cho thấy trong số 10 người thì có ít hơn 1 người biết rằng cơ thể của mình đang bị dư thừa chất béo. Rối loạn lipid máu đã được khoa học chứng là yếu tố nguy cơ hàng đầu gây ra bệnh tim mạch nghiệm trọng. Tại Việt nam, tỷ lệ người mắc bệnh tim mạch, nhồi máu cơ tim, đột quỵ do rối loạn lipid máu chiếm tỷ lệ cao nhất.
Các triệu chứng tim mạch thay đổi tùy theo độ tuổi, giới tính, vùng mạch máu bị tổn thương và các bệnh lý khác đi kèm. Mục tiêu quan trọng của việc ngăn ngừa các bệnh lý tim mạch là giảm muối và kiểm soát huyết áp, mỡ máu và đường huyết. Tăng huyết áp ở người trưởng thành tăng khoảng 1% mỗi năm và chiếm 25%, cứ 4 người trưởng thành có 1 người tăng huyết áp. Tăng huyết áp làm tăng nguy cơ tử vong do nhồi máu cơ tim, đột quỵ lên gấp 4 lần và tăng nguy cơ tử vong do bệnh tim mạch lên gấp 3 lần so với người không mắc bệnh.
Trong chuyên mục “Bạn hỏi Bác sĩ trả lời” với chủ đề “Giải đáp một số câu hỏi thường gặp liên quan đến bệnh tim mạch”, Tiến sĩ Bác sĩ CKII Nguyễn Thanh Phong, Trưởng khoa Khám bệnh Bệnh viện An Sinh cùng bạn đi tìm câu trả lời cho một số vấn đề chung của nhiều bệnh nhân khi đến khám tầm soát tim mạch. Có thể những thông tin chúng tôi cung cấp trong bài viết này cũng là điều mà bạn đang thắc mắc và tìm kiếm câu trả lời.
Bạn có nguy cơ cao bị rối loạn lipid nếu có ba mẹ hoặc anh chị em ruột bị rối loạn lipid máu?
Mức cholesterol tăng theo tuổi tác vì vậy không có gì ngạc nhiên khi mức cholesterol tăng lên khi chúng ta già đi. Yếu tố bệnh sử gia đình ảnh hưởng khác nhau tùy từng người. Gia đình nếu có ông bà, ba mẹ, anh chị em ruột bị rối loạn lipid máu, bạn có thể có nguy cơ cao do cùng thói quen sinh hoạt và chế ăn uống, không phải do ảnh hưởng gen di truyền. Tập thể dục thường xuyên, có chế độ ăn uống lành mạnh không chỉ cải thiện và nâng cao sức khỏe tim mạch mà còn tác động tốt đến mức cholesterol trong cơ thể.
Một người được bác sĩ chẩn đoán rối loạn lipid máu hoặc bệnh tim mạch khi còn trẻ do yếu tố di truyền còn gọi là 'tăng cholesterol máu gia đình' (FH) gây ra. “Tăng cholesterol máu gia đình” (FH) bắt đầu từ khi một người sinh ra và được di truyền qua các thế hệ trong gia đình. Những người bị “Tăng cholesterol máu gia đình” (FH) không thể loại bỏ cholesterol xấu, chúng có xu hướng tích tụ lại trong máu và có thể làm tăng nguy cơ đau tim, nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ. Nếu bạn nghĩ rằng mình có thể mắc FH, tốt nhất nên gặp bác sĩ để được tư vấn và giải thích rõ ràng tình trạng này càng sớm càng tốt.
Bác sĩ chỉ định cho bạn dùng thuốc hạ choleterol. Bạn cảm thấy lo lắng vì tác dụng phụ của thuốc, bạn nên làm gì?
Hiện các loại thuốc hạ cholesterol phổ biến được gọi là statin. Bạn có biết statin là một loại thuốc được các bác sĩ chỉ định kê đơn thuốc nhiều nhất. Một số người lo ngại về việc bắt đầu dùng một loại thuốc mới là điều hoàn toàn bình thường. Tốt nhất là bạn nên hỏi trực tiếp bác sĩ để có câu trả lời xác đáng cho tình trạng sức khỏe hiện có của bạn. Bạn có thực sự cần dùng loại thuốc này không? Loại thuốc này có rủi ro hay tác dụng phụ gì không? Có cách lựa chọn nào đơn giản và an toàn hơn không? Điều gì sẽ xảy ra nếu bạn không dùng thuốc điều trị?
Tăng cholesterol cần được kiểm soát nếu thay đổi lối sống không cải thiện tình trạng, bạn bắt buộc phải dùng thuốc hạ cholesterol theo chỉ định kê đơn của bác sĩ. Đó là lý do tại sao tăng cholesterol được gọi là 'kẻ giết người thầm lặng' vì mọi người thường không có bất kỳ dấu hiệu cảnh báo nào cho đến khi bệnh phát triển. Tất cả các loại thuốc điều trị đều có thể có tác dụng phụ, ít hay nhiều tùy theo phản ứng của cơ thể. Tác dụng phụ của statin có thể bao gồm chóng mặt, rối loạn giấc ngủ và buồn nôn. Tác dụng phụ ít gặp có thể gây đau nhức xương khớp, yếu cơ, chuột rút hoặc ngứa râm ran ở chân. Theo các báo cáo khoa học, trong số 100 người dùng giả dược (viên đường), khoảng 5 người cho biết họ bị đau cơ, trong số 100 người dùng statin thì có thêm 10 người bị đau cơ. Đối với người đã từng trải qua cơn đau tim, Statin có tác dụng tích cực giảm 20% nguy cơ bị đau tim lần nữa. Tuy nhiên, hầu hết mọi người không gặp tác dụng phụ, nếu có, thường khá nhẹ và biến mất sau một vài tuần.
Mức cholesterol mục tiêu của bạn nên là bao nhiêu để duy trì cơ thể luôn khỏe mạnh và phòng tránh bệnh tim mạch?
Không có chỉ số cholesterol tuyệt đối dùng chung cho tất cả mọi người. Các báo cáo nghiên cứu khoa học mới nhất cho biết, mức cholesterol “xấu” càng thấp càng tốt và mức cholesterol “tốt” càng cao thì càng tốt. Bác sĩ không điều trị rối loạn lipid máu (tăng cholesterol) riêng lẻ. Thay vào đó, bác sĩ điều trị nguy cơ đau tim, nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ ở một người dựa trên một loạt các yếu tố rủi ro bao gồm kiểm soát mức cholesterol, huyết áp, tiểu đường và thói quen hút thuốc lá. Bác sĩ sẽ trao đổi với bạn các mục tiêu cụ thể dựa trên kết quả khám sức khỏe và mức độ nguy cơ rủi ro của bạn. Tất cả những điều này đều là một phần quan trọng trong quá trình khám tầm soát bệnh tim mạch.
Rối loạn lipid máu ảnh hưởng đến sức khỏe nữ giới và nam giới theo cùng một cách?
Có sự khác biệt giữa nữ giới và nam giới khi nói đến cholesterol cũng như bệnh tim mạch ảnh hưởng đến nữ giới và nam giới theo nhiều cách khác nhau. Nguy cơ rối loạn lipid máu (tăng cholesterol) có xu hướng tăng lên theo tuổi tác, độ tuổi từ 50 tuổi trở lên, nữ giới có nhiều khả năng bị rối loạn lipid máu hơn nam giới. Tuy nhiên, nguy cơ ở nữ giới chủ yếu liên quan đến chu kỳ kinh, giai đoạn mang thai và mãn kinh, nguy cơ ở nam giới chủ yếu do thói quen hút thuốc lá, uống nhiều bia rượu, ít vận động. Các nhà khoa học cho rằng sự thay đổi nồng độ estrogen (hormone sinh dục nữ) giảm mạnh vào thời điểm mãn kinh là yếu tố chính gây rối loạn lipid ở nữ giới. Đó là lý do tại sao bác sĩ khuyến cáo tất cả mọi người mọi độ tuổi nên thăm khám và tư vấn bác sĩ để kiểm soát và duy trì mức cholesterol khỏe mạnh.
Ăn trứng có làm tăng mức cholesterol “xấu” gây ra rối loạn lipid máu không?
Dựa vào nghiên cứu thú vị về trứng của Tổ chức Tim mạch Thế giới (AHA), mọi người có thể ăn nhiều trứng tùy theo sở thích mỗi tuần. Thực tế, trứng chứa đầy đủ các loại protein lành mạnh, vitamin và khoáng chất, tương tự như các thực phẩm tốt cho sức khỏe tim mạch khác gồm hải sản, thịt gà, các loại đậu, các loại hạt và ngũ cốc nguyên hạt. Tuy nhiên, bác sĩ khuyến cáo những người mắc bệnh tiểu đường típ 2, bệnh tim mạch hoặc đang có mức cholesterol “xấu” cao không nên ăn quá 7 quả trứng mỗi tuần. Những thay đổi nhỏ trong chế độ ăn uống có thể tạo ra sự khác biệt lớn cho sức khỏe nếu muốn giảm mức cholesterol.
Các Tổ chức Tim mạch Thế giới cũng khuyến cáo, người trưởng thành từ 30 tuổi trở lên nên kiểm tra các chỉ số cholesterol như một phần quan trọng của chế độ chăm sóc sức khỏe tim mạch. Nếu bạn có yếu tố bệnh sử gia đình, bạn nên tầm soát mức cholesterol càng sớm càng tốt, có thể bắt đầu ngay khi 9 đến 11 tuổi và kiểm tra lại lúc 18 tuổi.
Bạn có thể đọc thêm thông tin về sức khỏe trên Fanpage hoặc Website Bệnh viện An Sinh, tìm hiểu cách cholesterol ảnh hưởng đến sức khỏe tim mạch và sức khỏe tổng thể, cũng như các biện pháp phòng bệnh để kiểm soát và duy trì mức cholesterol tốt hơn và khỏe mạnh hơn.
Bạn có thể tham khảo các gói khám tầm soát sức khỏe đang được triển khai tại Khoa Khám bệnh Bệnh viện An Sinh:
Mọi thông tin cần hỗ trợ hoặc tư vấn ngay, bạn vui lòng liên hệ Khoa Khám bệnh (028) 38457777 – 111, 222, 271
Nếu bạn có câu hỏi, thắc mắc về các vấn đề sức khỏe hãy gửi về cho chúng tôi:
Chuyên mục “BẠN HỎI BÁC SĨ TRẢ LỜI” được chúng tôi chọn lọc từ các câu hỏi, thắc mắc của bạn. Mong muốn cung cấp cho bạn những kiến thức y học cơ bản, dễ dàng ghi nhớ và có thể ứng dụng ngay vào thực tế cuộc sống hàng ngày.
Chúc gia đình bạn sức khỏe và hạnh phúc.
Bệnh viện An Sinh
Sức khỏe và hạnh phúc của gia đình bạn
* Thông tin tham khảo không thay thế việc thăm khám và tư vấn bác sĩ
Bệnh viện An Sinh đã triển khai Bệnh án điện tử ngoại trú (EMR) là một trong những nỗ lực nâng tầm chất lượng dịch vụ và phục vụ, mang đến trải nghiệm tiện ích công nghệ khi đi khám bệnh với ưu điểm giúp bạn chủ động quản lý hồ sơ thông tin sức khỏe, tiết kiệm thời gian và chi phí khám chữa bệnh.