Cơn đau tim luôn là một trong những tình trạng khó chẩn đoán nhất với các triệu chứng đa dạng khác nhau, các tín hiệu sinh học có thể rất khó phát hiện, dễ gây nhầm lẫn và thường bị bỏ qua trong giai đoạn đầu của cơn đau tim.
Mỗi giây trôi qua đều có giá trị với cơn đau tim vì đòi hỏi phải can thiệp y tế ngay lập tức để cải thiện tình trạng và kết quả điều trị cho bệnh nhân. Phát hiện và chẩn đoán sớm rất quan trọng nhưng khó khăn và gần như không thể thực hiện bên ngoài môi trường lâm sàng.
Hiện nay các biện pháp tiếp cận dựa trên phòng ngừa tích cực giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch trong tương lai. Các nghiên cứu khoa học cho thấy biện pháp hiệu quả nhất để ngăn ngừa bệnh tim mạch, cơn đau tim, nhồi máu cơ tim, đột quỵ là không hút thuốc lá, tích cực vận động, chế độ ăn uống lành mạnh, duy trì cân nặng hợp lý, ngủ đủ giấc và kiểm soát tốt 3 yếu tố nguy cơ chính bao gồm chỉ số mỡ máu, huyết áp và đường huyết.
Cấu tạo của tim là một khối cơ phức tạp, vì vậy vận động thể chất giúp tăng sức bền cơ tim để bơm máu khỏe mạnh. Cơ thể cũng cần vận động điều độ thường xuyên để tăng khả năng tuần hoàn và trao đổi chất. Vận động được xem là “liều thuốc” tuyệt vời cho sức khỏe tổng thể, giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch nghiêm trọng và các bệnh mạn tính khác. Ngày đột quỵ thế giới năm 2024 với chủ đề “Khai thác sức mạnh cảm xúc của thể thao - Harnessing the emotional power of sport”, nhấn mạnh tầm quan trọng của rèn luyện thể thao không chỉ là công cụ giúp phục hồi thể chất mà còn là nguồn sức mạnh tinh thần mạnh mẽ cho người mắc trải qua cơn đau tim, đột quỵ và người khỏe mạnh.
Bác sĩ có thể chỉ định kết hợp các loại xét nghiệm khác nhau để xác định chẩn đoán và sàng lọc yếu tố nguy cơ mắc bệnh tim mạch ở một người. Thường được bắt đầu bằng điện tim cơ bản, còn gọi là điện tâm đồ (ECG) để đo hoạt động điện của tim. Đây là một kỹ thuật đơn giản, chỉ cần 5 phút thực hiện nhưng có giá trị chẩn đoán và phát hiện sớm các vấn đề tim mạch, nhịp điệu của tim và tần suất co bóp của cơ tim.
Trong chuyên mục “Bạn hỏi Bác sĩ trả lời” với chủ đề “Cơn đau tim tình trạng khó chẩn đoán nhất”, Tiến sĩ Bác sĩ CKII Nguyễn Thanh Phong, Trưởng khoa Khám bệnh Bệnh viện An Sinh sẽ chia sẻ với bạn cách nhận biết cơn đau tim đang âm thầm tấn công người trẻ chứ không chỉ bệnh phổ biến ở người già, giúp bạn chủ động phòng bệnh, biết cách nhận biết và phân biệt cơn đau tim và đột quỵ để không bỏ lỡ “thời gian vàng” được cấp cứu và can thiệp điều trị kịp thời.
Dấu hiệu nào nhận biết cơn đau tim?
Cơn đau tim xuất hiện khi một hoặc nhiều nhánh động mạch vành bị hẹp hoặc tắc nghẽn. Nhận biết dấu hiệu khi cơn đau tim xuất hiện có thể giúp cứu sống bạn và hạn chế di chứng nặng nề về sau.
Mệt mỏi bất thường dù không làm việc nặng, ngất xỉu, buồn nôn là dấu hiệu báo động đỏ của cơn đau tim.
Đau ngực là dấu hiệu phổ biến nhưng không phải lúc nào cũng xuất hiện đột ngột, cảm giác đè nặng, chèn ép ở ngực hoặc ợ nóng, xuất hiện vài phút rồi biến mất.
Đau nặng cánh tay, không thể đưa lên đưa xuống, nam giới thường đau cánh tay trái, nữ giới thường đau cả hai tay.
Đau lưng, đốt sống lưng, đau tỏa xuống hai bả vai và vùng lưng ngang ngực.
Đau cổ và hàm dưới, ở một hoặc hai bên, nóng nghẹn ở cổ họng.
Toát mồ hôi, cảm giác lạnh
Khó thở đến mức thay đổi mọi tư thế không cảm thấy dễ chịu.
Ho, thở khò khè thường xuyên.
Phù mắt cá chân, cẳng chân, đầu gối, thậm chí phù dạ dày.
Cảm thấy kiệt sức khi cần vận động.
Tim đập nhanh, không đều, luôn cảm thấy hồi hộp.
Rối loạn cương dương.
Phân biệt cơn đau tim và đột quỵ?
Cơn đau tim và đột quỵ đều là bệnh lý mạch máu do hẹp hoặc tắc động mạch, tạo cơ hội cho các cục máu đông hình thành. Khi các tế bào cơ tim và não không nhận đủ lượng máu nuôi mất dần chức năng hoạt động.
Cơn đau tim do hẹp tắc động mạch vành gây ra bởi các mảng xơ vữa thành mạch, hình thành các cục máu đông trong lòng động mạch vành. Ngăn chặn dòng máu chảy đến nuôi cơ tim dẫn đến hoại tử mô cơ tim, xuất hiện cơn đau tim, có thể gây tổn thương cơ tim vĩnh viễn, thậm chí tử vong.
Đột quỵ do tăng huyết áp làm nứt vỡ mạch máu não gây đột quỵ xuất huyết. Bệnh xơ vữa gây hẹp tắc mạch máu não dẫn đến đột quỵ thiếu máu cục bộ. Các mô não bị tràn máu hoặc thiếu oxy dẫn đến tổn thương hoặc chết não.
Mặc dù có sự khác biệt trong chẩn đoán và can thiệp điều trị nhưng giống nhau trong chiến lược điều trị dùng thuốc tiêu sợi huyết được áp dụng ngay trong “giờ vàng”. Mục đích cuối cùng là tái thông tốt mạch máu bị hẹp tắc và giảm biến chứng nghiêm trọng có thể gặp.
Nguyên nhân gây ra cơn đau tim?
90% cơn đau tim có nguyên nhân từ hẹp hoặc tắc động mạch vành do các mảng xơ vữa, chủ yếu là lipid, cholesterol, chất béo dư thừa…. tích tụ quá mức. Đến một mức độ nhất định, lượng máu nuôi cơ tim không đủ sẽ dẫn đến tình trạng thiếu máu cơ tim, xuất hiện triệu chứng cơn đau thắt ngực. Huyết khối hình thành trong lòng động mạch do các mảng xơ vữa bị nứt vỡ đột ngột dẫn đến nhồi máu cơ tim.
Nguy cơ xuất hiện cơn đau tim tăng lên khi bạn có thói quen hút nhiều thuốc lá, uống nhiều bia rượu và có bệnh lý đi kèm như béo phì, tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn lipid máu. Tổn thương mạch vành không phải là nguyên nhân duy nhất dẫn đến cơn đau tim, có thể do các nguyên nhân khác ít gặp hơn như viêm màng ngoài tim, phì đại cơ tim, đau khớp do chấn thương, vấn đề về tiêu hóa, ợ nóng, viêm loét dạ dày, trào ngược dạ dày, hội chứng ruột kích thích.
Bác sĩ chẩn đoán cơn đau tim như thế nào?
Quá trình chẩn đoán cơn đau tim hay cơn đau thắt ngực tùy theo mức độ và tần suất triệu chứng. Bác sĩ có thể chỉ định kết hợp các xét nghiệm sau đây:
Điện tim cơ bản, còn gọi là điện tâm đồ, viết tắt ECG là kỹ thuật thường quy, thực hiện đơn giản và nhanh chóng. Bác sĩ quan sát được các biến đổi của dòng điện qua tim như ST chênh lên, chênh xuống, đi ngang, sóng T âm, và sóng Q là dấu hiệu hoạt tử từ nhồi máu cơ tim cũ. Nếu điện tim cơ bản biến đổi khi bệnh nhân đang trải qua cơn đau thắt ngực, đó chính xác là bệnh thiếu máu cơ tim.
Điện tim gắng sức: ghi lại dòng điện qua tim xuyên suốt thời gian bệnh nhân vận động, bác sĩ thường chỉ định khi nghi ngờ bệnh lý mạch vành mà điện tim cơ bản lúc bình thường không có dấu hiệu.
Siêu âm tim: có thể xác định các rối loạn vận động vùng, giảm hoặc mất vận động vùng cơ tim theo vùng cung cấp máu bởi động mạch vành.
Chụp cắt lớp vi tính (CT-scan) hoặc cộng hưởng từ (MRI): có thể quan sát hình ảnh động mạch vành, đánh giá mức độ và vị trí mạch vành bị hẹp. Tuy nhiên, hình ảnh chẩn đoán có thể không chính xác khi mạch vành bị vôi hóa nhiều.
Chụp động mạch vành qua da (DSA): đây là một thủ thuật xâm lấn, sử dụng một ống thông đưa qua đường mạch máu để chụp các động mạch vành. Kỹ thuật này cho phép xác định mức độ hẹp, dự trữ mạch vành qua siêu âm lòng mạch và đo phân suất dự trữ lưu lượng mạch vành (FFR).
Xét nghiệm máu và nước tiểu: kiểm tra chức năng men tim như Troponin T hoặc Troponin I, CK, CK-MB để loại trừ hội chứng mạch vành cấp. Đánh giá các chức năng khác như gan, thận và chỉ số cholesterol, triglyceride, LDL-C, HDL-C, glucose, HbA1C yếu tố nguy cơ chính và xác định bệnh lý liên quan.
Các biện pháp điều trị cơn đau tim?
Điều trị cơn đau tim, cơn đau thắt ngực giống với việc điều trị thiếu máu cơ tim, bao gồm điều trị nội khoa (bác sĩ chỉ định dùng thuốc) hoặc can thiệp đặt stent tái thông mạch vành.
Chỉ định điều trị nội khoa:
Sử dụng thuốc chống kết tập tiểu cầu, thường bắt đầu với aspirin liều thấp.
Liệu pháp statin có khả năng ổn định các mảng xơ vữa.
Chẹn beta giao cảm để giảm tần số tim, tăng khả năng gắng sức và cải thiện triệu chứng đau thắt ngực.
Nhóm thuốc nitrat có tác dụng giãn mạch vành nhanh chóng và ngắn hạn, để giảm ngay cơn đau khi xuất hiện.
Nhóm ức chế men chuyển/ ức chế thụ thể AT1, thường được ưu tiên sử dụng cho bệnh nhân suy tim, tăng huyết áp, hoặc đái tháo đường kèm theo.
Chỉ định can thiệp tái thông mạch vành:
Ở bệnh nhân điều trị nội khoa không mang lại hiệu quả tối ưu, bác sĩ có thể xem xét quyết định chỉ định can thiệp tái thông mạch vành qua da bằng cách nong bóng hoặc đặt stent hoặc phẫu thuật bắc cầu mạch vành để cải thiện sức khỏe tim mạch và sức khỏe tổng thể tốt nhất cho bệnh nhân.
Bạn có thể tham khảo các gói khám tầm soát sức khỏe đang được triển khai tại Khoa Khám bệnh Bệnh viện An Sinh:
Mọi thông tin cần hỗ trợ hoặc tư vấn ngay, bạn vui lòng liên hệ Khoa Khám bệnh (028) 38457777 – 111, 222, 271
Nếu bạn có câu hỏi, thắc mắc về các vấn đề sức khỏe hãy gửi về cho chúng tôi:
Chuyên mục “BẠN HỎI BÁC SĨ TRẢ LỜI” được chúng tôi chọn lọc từ các câu hỏi, thắc mắc của bạn. Mong muốn cung cấp cho bạn những kiến thức y học cơ bản, dễ dàng ghi nhớ và có thể ứng dụng ngay vào thực tế cuộc sống hàng ngày.
Chúc gia đình bạn sức khỏe và hạnh phúc.
Bệnh viện An Sinh
Sức khỏe và hạnh phúc của gia đình bạn
* Thông tin tham khảo không thay thế việc thăm khám và tư vấn bác sĩ
Bệnh viện An Sinh đã triển khai Bệnh án điện tử ngoại trú (EMR) là một trong những nỗ lực nâng tầm chất lượng dịch vụ và phục vụ, mang đến trải nghiệm tiện ích công nghệ khi đi khám bệnh với ưu điểm giúp bạn chủ động quản lý hồ sơ thông tin sức khỏe, tiết kiệm thời gian và chi phí khám chữa bệnh.