Kiến thức y học

Chuyên mục “Bạn hỏi bác sĩ trả lời” số 33 với chủ đề “Sức khỏe tim mạch và sức khỏe tinh thần có sự tương tác 2 chiều”

Cập nhật lúc: 11:25:26 SA - 21/10/2024

Trước đây, mối liên hệ giữa sức khỏe tim mạch và sức khỏe tinh thần chủ yếu được nhận biết qua hành vi thiếu lành mạnh. Khi một người bị căng thẳng hay buồn chán thường giải tỏa cảm xúc tiêu cực đó bằng cách hút thuốc lá, uống bia rượu hoặc ăn uống thoải mái. Suy nghĩ đó đã bắt đầu thay đổi

 



 

Trước đây, mối liên hệ giữa sức khỏe tim mạch và sức khỏe tinh thần chủ yếu được nhận biết qua hành vi thiếu lành mạnh. Khi một người bị căng thẳng hay buồn chán thường giải tỏa cảm xúc tiêu cực đó bằng cách hút thuốc lá, uống bia rượu hoặc ăn uống thoải mái. Suy nghĩ đó đã bắt đầu thay đổi. Ngày càng có nhiều bằng chứng khoa học cho thấy yếu tố sinh học và hóa học được kích hoạt do căng thẳng có thể gây ra các vấn đề cho cả sức khỏe tim mạch và tinh thần.

 

Sức khỏe tinh thần là một cụm từ thường được sử dụng để mô tả các tình trạng liên quan đến căng thẳng, rối loạn lo âu và trầm cảm. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), sức khỏe tinh thần còn liên quan đến sức khỏe tổng thể và hoạt động của các cơ quan chức năng.

 

Một người có vấn đề sức khỏe tinh thần không chỉ thay đổi về mặt cảm xúc, không cảm thấy hạnh phúc mà sự thay đổi sinh hóa bên trong cơ thể khiến người đó dễ mắc bệnh tim mạch và bệnh mãn tính.

 

Phần lớn mọi người đều có xu hướng tập trung vào việc cải thiện và nâng cao sức khỏe thể chất mà quên mất rằng sức khỏe tinh thần cũng cần được chăm sóc tương tự. Vì vậy, mối liên hệ giữa sức khỏe tim mạch và sức khỏe tinh thần là mối liên hệ có sự tương tác 2 chiều, sức khỏe tim mạch bổ trợ cho sức khỏe tinh thần và ngược lại.

 

Điều thú vị là những gì có thể gây ra căng thẳng cho người này nhưng có thể không gây ra căng thẳng cho người khác. Có người căng thẳng khi có sự kiện vui vẻ như thăng chức, tăng lương, có nhà mới, kết hôn, mang thai sinh con… và cũng có người căng thẳng khi có sự kiện không vui vẻ như ốm đau bệnh tật, làm việc quá sức, kinh doanh không thành công… Căng thẳng là nguyên nhân chính thúc đẩy bệnh tim mạch và các bệnh lý mạn tính khác, gồm tăng huyết áp, tăng đường huyết, tăng lipid máu (cholesterol), rối loạn chuyển hóa…

 

Mỗi người sẽ cảm nhận và phản ứng với căng thẳng theo nhiều cách khác nhau. Mức độ căng thẳng mà một người trải qua và cách người đó phản ứng với căng thẳng có thể dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe khác nhau. Đó là lý do tại sao nhận biết và kiểm soát căng thẳng rất quan trọng trong việc phòng ngừa bệnh lý tim mạch, bên cạnh lối sống, vận động và ăn uống lành mạnh.

 

Có bao giờ bạn dừng lại vài phút để cảm nhận sự thay đổi của cảm xúc đang tác động đến cách tim mạch hoạt động? Vậy thì hôm nay bạn hãy dành một chút thời gian để khám phá mối liên hệ sâu sắc giữa sức khỏe tim mạch và sức khỏe tinh thần.

 

Trong chuyên mục “Bạn hỏi Bác sĩ trả lời” với chủ đề “Sức khỏe tim mạch và sức khỏe tinh thần có sự tương tác 2 chiều”, Tiến sĩ Bác sĩ CKII Nguyễn Thanh Phong, Trưởng khoa Khám bệnh Bệnh viện An Sinh sẽ cùng bạn trao đổi về mối liên hệ giữa sức khỏe tim mạch và sức khỏe tinh thần, vấn đề sức khỏe rất đáng để chúng ta dành thời gian chăm sóc trong thời đại chuyển đổi số ngành y.

 

Trong chuyên mục “Bạn hỏi Bác sĩ trả lời” với chủ đề “Sức khỏe tim mạch và sức khỏe tinh thần có sự tương tác 2 chiều”, Tiến sĩ Bác sĩ CKII Nguyễn Thanh Phong, Trưởng khoa Khám bệnh Bệnh viện An Sinh sẽ cùng bạn trao đổi về mối liên hệ giữa sức khỏe thể chất và sức khỏe tinh thần, vấn đề sức khỏe rất đáng để chúng ta dành thời gian chăm sóc trong thời đại chuyển đổi số ngành y.

 

Mối liên hệ giữa sức khỏe tim mạch và sức khỏe tinh thần?

Trải qua biến cố tim mạch nghiêm trọng như cơn đau tim, nhồi máu cơ tim, đột quỵ là một sự kiện lớn, có thể khiến cuộc sống một người hoàn toàn thay đổi. Đây là nguyên nhân dẫn đến những cảm xúc tiêu cực mạnh mẽ. Tương tự, các vấn đề sức khỏe tinh thần có thể dẫn đến bệnh tim mạch. Khi căng thẳng, dấu hiệu thực thể xuất hiện mức độ và tần suất khác nhau tùy vào từng người, có thể làm nghiêm trọng hơn vấn đề sức khỏe sẵn có. Tác nhân gây căng thẳng do nhiều nguyên nhân, áp lực công việc và cuộc sống, sự cố chấn thương, cảm xúc bức bối dồn nén, vấn đề gia đình… góp phần làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, dẫn đến cơn đau tim, nhồi máu cơ tim, đột quỵ. Căng thẳng, trầm cảm và bệnh mạch vành thường xảy ra cùng nhau hoặc có thể phát triển sau cơn đau tim, can thiệp tim mạch hoặc phẫu thuật tim mạch, làm tăng nguy cơ các bệnh lý tim mạch nghiêm trọng.

 

Sức khỏe tim mạch tác động đến sức khỏe tinh thần thế nào?

Trái tim cũng phải gánh chịu những áp lực và tổn thương giống như bạn đang đối diện với căng thẳng, tổn thương về mặt tinh thần. Căng thẳng làm tăng nhịp tim, tăng huyết áp, kích hoạt hệ thống viêm, thúc đẩy khởi phát và phát triển các yếu tố bất lợi cho sức khỏe tim mạch. Hãy dành một chút thời gian mỗi ngày cho việc thư giãn, đi bộ và hít thở không khí trong lành trong công viên, thưởng thức một miếng trái cây thay cho đồ ăn nhẹ có đường… tất cả những hành động đơn giản này rất có lợi cho sức khỏe não bộ, tim mạch và tinh thần. Thói quen chăm sóc sức khỏe tinh thần là một phần không thể thiếu trong việc phòng ngừa và chăm sóc sức khỏe tim mạch.

 

Sức khỏe tinh thần tác động đến sức khỏe tim mạch thế nào?

Tình huống căng thẳng xảy ra có thể gây ra hàng loạt các vấn đề sức khỏe. Chúng kích thích cơ thể giải phóng adrenaline, một loại hormone làm tăng nhịp tim, nhịp thở và huyết áp trong thời gian ngắn. Phản ứng này giúp cơ thể chuẩn bị tinh thần để đối phó với tình huống, còn gọi là phản ứng "chiến đấu hoặc bỏ chạy". Mặt khác, căng thẳng có thể dẫn đến hành vi có hại cho sức khỏe, bao gồm lạm dụng bia rượu và thuốc lá, tăng sự thèm ăn đồ béo ngọt, lười vận động. Phản ứng của cơ thể khi đối phó với căng thẳng thường xuất hiện những cơn đau ở một vị trí nào đó trên cơ thể hoặc toàn thân. Căng thẳng còn khiến cơ thể mệt mỏi, thiếu năng lượng, ngủ không ngon giấc, ăn không ngon miệng, có vấn đề về tiêu hóa, dễ thay đổi cảm xúc, cáu gắt, bực bội, hay quên và mất kiểm soát.

 

Nguy cơ mắc bệnh tim mạch có giảm khi căng thẳng được kiểm soát?

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến bệnh tim mạch, bao gồm yếu tố nguy cơ không kiểm soát được (tuổi tác, di truyền) và yếu tố nguy cơ kiểm soát được (lối sống, ăn uống, vận động, kiểm soát căng thẳng và bệnh mạn tính). Các bằng chứng khoa học đã chứng minh người có đời sống tinh thần phong phú, luôn cảm nhận được hạnh phúc, có ý thức về mục đích sống và sự hài lòng trong cuộc sống thì ít mắc bệnh tim mạch hoặc các vấn đề tim mạch nghiêm trọng. Họ cũng biết cách xác định yếu tố gây căng thẳng nên khả năng kiểm soát và hóa giải cực tiêu cực tốt hơn, vì vậy sức khỏe tim mạch cũng tốt hơn.

 

Cần làm gì để duy trì tốt sức khỏe tim mạch và tinh thần?

Hiểu được rằng sức khỏe tim mạch có thể tác động tích cực và tiêu cực đến sức khỏe tinh thần và ngược lại là một bước quan trọng để kiểm soát căng thẳng. Những điều cần có cho sức khỏe tim mạch cũng là những điều cần có cho sức khỏe tinh thần:

- Tập thể dục thường xuyên kích thích cơ thể sản xuất dopamine, cải thiện cảm xúc và tạo cảm giác vui vẻ.

- Thường xuyên trò chuyện với gia đình, bạn bè, những người bạn tin tưởng là cách hóa giải căng thẳng nhanh chóng.

- Ngủ đủ giấc mỗi đêm sẽ có một cơ thể khỏe mạnh và tinh thần sảng khoái vào buổi sáng hôm sau khi thức dậy.

- Duy trì thái độ tích cực, viết nhật ký, thực hành lòng biết ơn, ghi ra các công việc cần làm và phân loại theo thứ tự ưu tiên sẽ giảm cảm giác choáng ngợp khi có quá nhiều việc cần làm.

- Dành thời gian thư giãn là lúc cơ thể được thả lỏng, trí não được nghỉ ngơi sau một ngày làm việc mệt mỏi.

- Hãy tìm một sở thích để theo đuổi giúp tăng khả năng tập trung cho giây phút hiện tại, sự tự tin và hài lòng với bản thân.

 

Bạn có thể tham khảo các gói khám tầm soát sức khỏe đang được triển khai tại Khoa Khám bệnh Bệnh viện An Sinh:

Mọi thông tin cần hỗ trợ hoặc tư vấn ngay, bạn vui lòng liên hệ Khoa Khám bệnh (028) 38457777 – 111, 222, 271 

 

Nếu bạn có câu hỏi, thắc mắc về các vấn đề sức khỏe hãy gửi về cho chúng tôi:

  • Email: info@ansinh.com.vn
  • Fanpage: Bệnh Viện An Sinh 

Chuyên mục “BẠN HỎI BÁC SĨ TRẢ LỜI” được chúng tôi chọn lọc từ các câu hỏi, thắc mắc của bạn. Mong muốn cung cấp cho bạn những kiến thức y học cơ bản, dễ dàng ghi nhớ và có thể ứng dụng ngay vào thực tế cuộc sống hàng ngày.

 

 

Bệnh viện An Sinh

Sức khỏe và hạnh phúc của gia đình bạn

* Thông tin tham khảo không thay thế việc thăm khám và tư vấn bác sĩ

 

 

Bệnh viện An Sinh đã triển khai Bệnh án điện tử ngoại trú (EMR) là một trong những nỗ lực nâng tầm chất lượng dịch vụ và phục vụ, mang đến trải nghiệm tiện ích công nghệ khi đi khám bệnh với ưu điểm giúp bạn chủ động quản lý hồ sơ thông tin sức khỏe, tiết kiệm thời gian và chi phí khám chữa bệnh.

 

 

 

Các tin tức khác:
[Trở về]