Một trái tim khỏe mạnh, đập những nhịp đập đều đặn chắc chắn không phải là điều hiển nhiên. Trái tim khỏe mạnh cũng cần được bạn chăm sóc và lắng nghe mạch đập mỗi ngày. Giống như việc bạn gieo trồng và chăm sóc một cái cây, muốn cây phát triển tốt để có một không gian xanh mát, đầy sức sống bạn phải chăm bón và tưới nước mỗi ngày.
Theo thời gian cùng với tuổi tác, trái tim cũng ít nhiều đều bị lão hóa tự nhiên, tốc độ lão hóa nhanh hay chậm tùy thuộc vào bạn. Để giữ cho trái tim khỏe mạnh là điều bạn có thể thực hiện hàng ngày. Mọi thói quen sinh hoạt bao gồm ăn uống, vận động, hút thuốc lá, kiểm soát chỉ số cholesterol và chỉ số huyết áp là 5 yếu tố tác động mạnh mẽ đến sức khỏe tim mạch.
Có thể bạn đã biết bệnh tim mạch là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới, gây ra hơn 20,5 triệu ca tử vong mỗi năm. Tuy nhiên, sức khỏe tim mạch vẫn chưa được quan tâm đúng mức, nhiều người vẫn còn mang tâm lý chủ quan và bỏ qua các dấu hiệu cảnh báo của cơ thể.
Sự thật là những nỗ lực hiện tại để phòng chống bệnh tim mạch ở cấp quốc gia đang thất bại ở hầu hết mọi nơi trên thế giới. Tuy nhiên, 80% số ca tử vong do đau tim, nhồi máu cơ tim và đột quỵ có thể phòng ngừa sớm. Chăm sóc sức khỏe tim mạch định kỳ hàng năm là chiến lược quan trọng để giảm tỷ lệ tử vong do bệnh tim mạch cũng như giảm chi phí chăm sóc y tế và cải thiện chất lượng cuộc sống người bệnh.
Ngày Tim mạch Thế giới (29/9) được tổ chức hàng năm nhằm mục đích kêu gọi và thúc đẩy hành động vì sức khỏe tim mạch trên thế giới. Mỗi năm, Ngày Tim mạch Thế giới sẽ có một thông điệp cụ thể để định hướng mục tiêu hành động. Mỗi người đều có vai trò quan trọng trong việc tạo ra sức ảnh hưởng theo một cách nào đó để thuyết phục người khác cùng hành động để tạo ra sự khác biệt mạnh mẽ trong việc bảo vệ và chăm sóc sức khỏe tim mạch của mình và cứu sống người khác. Chẳng hạn như nếu phát hiện người bị nhồi máu cơ tim, đột quỵ cần đưa đến bệnh viện ngay lập tức, không được chần chừ, vì thời gian rất quan trọng với sự sống của họ, mỗi phút trôi qua là mỗi phút vàng để cứu sống và hạn chế di chứng sau này.
Phong cách sống năng động kết hợp thói quen ăn uống lành mạnh luôn tốt cho sức khỏe tổng thể, điều này đúng với người khỏe mạnh và người mắc bệnh tim mạch. Tuân thủ điều trị theo chỉ định hướng dẫn của bác sĩ là cách tốt nhất để đạt được mục tiêu điều trị tối ưu, bạn sẽ tận hưởng cuộc sống khỏe mạnh và hạnh phúc hơn.
Trong chuyên mục “Bạn hỏi Bác sĩ trả lời” với chủ đề “Dùng trái tim để hành động”, Tiến sĩ Bác sĩ CKII Nguyễn Thanh Phong, Trưởng khoa Khoa Khám bệnh Bệnh viện An Sinh chia sẻ với bạn những kiến thức y học thực tế và bổ ích, giúp bạn chủ động phòng bệnh và lựa chọn thói quen hành động tốt cho sức khỏe tim mạch.
Người trẻ tuổi có cần phòng ngừa bệnh tim mạch?
Suy nghĩ chung của nhiều người cho rằng bệnh tim mạch thường gặp ở người lớn tuổi. Thực tế, bệnh tim mạch có thể gặp ở bất kỳ độ tuổi, đang có xu hướng tấn công người trẻ dưới 40 tuổi. Bệnh tim mạch phổ biến là động mạch vành, tình trạng tắc nghẽn mạch vành dẫn đến nhồi máu cơ tim, đột quỵ. Biểu hiện lâm sàng thường xuất hiện từ cuối tuổi trưởng thành đến tuổi trung niên, nhưng cũng có thể bắt đầu phát triển từ khi còn nhỏ. Hành vi lối sống có tác động trực tiếp đến sức khỏe tim mạch. Bác sĩ lưu ý người trẻ tuổi khỏe mạnh nên thăm khám sức khỏe định kỳ ngay cả khi cơ thể không có bất kỳ dấu hiệu tim mạch bất thường. Bệnh tim mạch phát triển thầm lặng theo thời gian, một số rối loạn chức năng hay rối loạn chuyển hóa có thể bắt đầu từ rất sớm. Theo khảo sát của Tổ chức Tim mạch Thế giới (AHA) cho thấy người trẻ chưa có nhận thức tốt về chăm sóc sức khỏe tim mạch, chế độ ăn uống thiếu lành mạnh và khả năng phục hồi tâm lý kém hơn so với người lớn tuổi.
Chế độ vận động phù hợp tốt cho sức khỏe tim mạch?
Bất kỳ hoạt động thể chất nào cũng tốt hơn cho sức khỏe tim mạch, tăng sức mạnh cơ tim và ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Người mắc bệnh tim mạch nên tham khảo ý kiến bác sĩ để được hướng dẫn chế độ tập luyện phù hợp. Khuyến cáo của các Toe63 chức Tim mạch Thế giới, bạn nên lựa chọn các bài tập phù hợp với thể trạng, phân chia thời gian hợp lý và quan trọng là duy trì đều đặn 150 phút cho hoạt động vừa sức hoặc 75 phút cho hoạt động gắng sức hoặc kết hợp cả hai.
Các bằng chứng nghiên cứu khoa học chỉ ra rằng cơn đau tim đột ngột hoặc biến cố tim mạch nghiêm trọng có thể đe dọa đến tính mạng ít xảy ra ở những người thường xuyên rèn luyện thể chất. Vận động giúp cơ tim bơm máu nhiều oxy mà không cần phải gắng sức, giảm áp lực gây căng thẳng tim, có tác dụng như thuốc chẹn beta giúp làm chậm nhịp tim, ổn định huyết áp, tăng cholesterol HDL tốt, giảm cholesterol LDL xấu và chất béo trung tính là triglyceride.
Độ tuổi cần sàng lọc cholesterol để ngăn ngừa bệnh tim mạch?
Chất béo (Cholesterol) có trong mọi tế bào của cơ thể. Cơ thể có thể tự sản xuất cholesterol hoặc được chuyển hóa từ thực phẩm tiêu thụ hàng ngày. Cholesterol có 4 chức năng chính:
- Góp phần vào việc xây dựng cấu trúc tế bào.
- Tạo axít mật giúp tiêu hóa thức ăn trong đường ruột.
- Cho phép cơ thể sản xuất vitamin D.
- Cho phép cơ thể tự tạo ra một số loại hormone nhất định.
Mức cholesterol ở nam giới có xu hướng tăng theo tuổi tác, và mức cholesterol ở nữ có xu hướng tăng nhanh ở giai đoạn tiền mãn kinh và mãn tính. Tổ chức Tim mạch Thế giới khuyến cáo người từ 20 tuổi trở lên nên kiểm tra cholesterol ít nhất một năm một lần hoặc thường xuyên hơn nếu có yếu tố nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Trẻ em nên kiểm tra cholesterol lần 1 từ 9 đến 11 tuổi và lần 2 từ 17 đến 21 tuổi. Trẻ béo phì có yếu tố nguy cơ cao cần kiểm tra thường xuyên hơn.
Dấu hiệu nhồi máu cơ tim, đột quỵ bạn cần lưu ý?
Không có hai trái tim có nhịp đập hoàn toàn gống nhau, cũng như không có hai cơn đau tim nào giống nhau ngay cả trên cùng một người. Mỗi cơ thể người đều khác nhau, một người có dấu hiệu cảnh báo tim mạch và trải qua cơn đau tim cũng rất khác so với những người khác.
Bạn có biết rằng cơn đau tim đột ngột thường có dấu hiệu cảnh báo nhưng mờ nhạt và khó phát hiện, khiến nhiều người chủ quan bỏ qua? Sau đây là 5 dấu hiệu phổ biến của cơn đau tim, nhồi máu cơ tim cấp có thể bạn chưa biết:
- Chóng mặt, choáng váng, thậm chí ngất xỉu
- Buồn nôn, nôn hoặc có cảm giác khó tiêu
- Khó thở, hụt hơi
- Đổ mồ hôi lạnh
- Không có bất kỳ dấu hiệu cảnh báo nào
Có thể gặp một hoặc các triệu chứng kể trên, thường kéo dài ít nhất 10 phút, có thể xuất hiện đột ngột, gián đoạn hoặc trở nên nặng hơn. Tỷ lệ nam giới mắc bệnh tim mạch nghiêm trọng phổ biến hơn ở nữ giới, tuy nhiên triệu chứng đau ngực ở nữ giới làm cảm giác mệt mỏi, kiệt sức.
Có cách nào tối ưu sức khỏe tim mạch của bạn?
Phòng bệnh tim mạch đơn giản và hiệu quả là thay đổi lối sống lành mạnh và kiểm soát tốt các yếu tố nguy cơ dẫn đến bệnh mạch. Bạn có thể hành động bằng cách:
- Di chuyển nhiều hơn, ngồi lâu ít lại, vì di chuyển giúp cơ tim khỏe mạnh và dẻo dai hơn.
- Bỏ hút thuốc lá không dễ dàng với tất cả, nhưng đó là lý do lớn nhất vì liên quan trực tiếp sức khỏe tim mạch của bạn và gia đình bạn.
- Cố gắng giảm cân nếu béo phì, bạn có thể tạo ra những bữa ăn với khẩu phần đa dạng các loại thực phẩm lành mạnh, tránh thực phẩm có thể tích lũy mỡ thừa trong cơ thể.
- Sôcôla và rượu vang tốt cho tim mạch nếu dùng vừa đủ. Cả hai đều chứa chất chống oxy hóa được chứng minh làm tăng cholesterol tốt, giảm cholesterol xấu và cải thiện chức năng đông máu.
- Đừng ăn uống quá nhiều loại thực phẩm cùng một lúc, đây là nguyên nhân làm tăng số ca tử vong do nhồi máu cơ tim, đột quỵ tăng đột biến.
- Stress, căng thẳng có thể gây ra hơn 1400 phản ứng sinh hóa khác nhau trong cơ thể. Nếu bạn không kiểm soát được căng thẳng thì căng thẳng sẽ tạo ra nhiều căng thẳng hơn và khiến bạn mắc kẹt trong chu kỳ căng thẳng, dẫn đến nhồi máu cơ tim, đột quỵ.
- Khám sức khỏe tổng quát định kỳ mỗi 6 tháng hoặc 1 năm 1 lần, khám tầm soát bệnh tim mạch sớm nếu có nguy cơ cao để chắc chắn rằng chức năng tim mạch của bạn luôn khỏe mạnh.
Bạn có thể tham khảo các gói khám tầm soát sức khỏe đang được triển khai tại Khoa Khám bệnh Bệnh viện An Sinh:
Nếu bạn có câu hỏi, thắc mắc về các vấn đề sức khỏe hãy gửi về cho chúng tôi:
· Email: info@ansinh.com.vn
· Fanpage: Bệnh Viện An Sinh
Chuyên mục “BẠN HỎI BÁC SĨ TRẢ LỜI” được chúng tôi chọn lọc từ các câu hỏi, thắc mắc của bạn. Mong muốn cung cấp cho bạn những kiến thức y học cơ bản, dễ dàng ghi nhớ và có thể ứng dụng ngay vào thực tế cuộc sống hàng ngày.
Bệnh viện An Sinh
Sức khỏe và hạnh phúc của gia đình bạn
Bệnh viện An Sinh đã triển khai Bệnh án điện tử ngoại trú (EMR) là một trong những nỗ lực nâng tầm chất lượng dịch vụ và phục vụ, mang đến trải nghiệm tiện ích công nghệ khi đi khám bệnh với ưu điểm giúp bạn chủ động quản lý hồ sơ thông tin sức khỏe, tiết kiệm thời gian và chi phí khám chữa bệnh.