Phòng bệnh tim mạch giúp bạn quản lý rủi ro nguy cơ để tránh mắc bệnh tim mạch ở mức thấp nhất, kịp thời ngăn ngừa các bệnh tim mạch nghiêm trọng như cơn đau tim, nhồi máu cơ tim, đột quỵ.
Mục tiêu quan trọng của phòng bệnh tim mạch tập trung vào việc bảo vệ chức năng tim và mạch máu luôn khỏe mạnh. Đây được xem là một hình thức của y học dự phòng, có thể tạo ra tác động lớn đến sức khỏe tổng thể, thể chất và tinh thần.
Phòng bệnh tim mạch bắt đầu bằng việc tìm hiểu các yếu tố rủi ro, nguy cơ có thể dẫn đến bệnh tim mạch. Có nhiều biện pháp phòng bệnh tim mạch khác nhau tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe và thể trạng ở mỗi người.
Phòng ngừa bệnh tim mạch gồm:
- Phòng ngừa chính: phòng ngừa các vấn đề về tim hoặc mạch máu trước khi xuất hiệu cơn đau tim, đột quỵ hoặc can thiệp phẫu thuật tim mạch.
- Phòng ngừa thứ cấp: phòng ngừa bệnh tim mạch tái phát sau điều trị hoặc phẫu thuật can thiệp. Mục tiêu ngăn chặn bệnh tim mạch ngay từ đầu và trách để tình trạng trở nên nghiêm trọng.
Cả hai loại phòng ngừa này đều cần được bác sĩ đánh giá mức độ rủi ro nguy cơ tim mạch dựa vào yếu tố thay đổi được và yếu tố không thay đổi:
- Bệnh sử gia đình và bệnh sử tim mạch của bạn
- Thói quen lối sống, ăn uống, vận động của bạn
- Tình trạng căng thẳng, lo âu hoặc trầm cảm
- Khám tầm soát sức khỏe tim mạch
- Kiểm tra huyết áp, nhịp tim, đo điện tim cơ bản (ECG), siêu âm tim
- Xét nghiệm máu/ nước tiểu kiểm tra mức cholesterol, đường trong máu và các dấu hiệu sức khỏe khác.
- Chỉ định các xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh tim mạch chuyên sâu khác nếu cần thiết.
Phòng bệnh tim mạch cần được tiếp cận phương pháp chăm sóc sức khỏe tim mạch toàn diện. Bởi vì hệ tim mạch bao gồm tim và các mạch máu có mối liên hệ chặt chẽ với hệ thần kinh, hệ nội tiết và các cơ quan chức năng khác trong cơ thể. Khi chức năng tim mạch có vấn đề, cơ thể sẽ phản ứng bằng cách huy động sức mạnh từ các cơ quan chức năng khác, kích hoạt hệ thần kinh hoặc hệ nội tiết tự điều chỉnh khả năng tăng tiết hoặc giảm tiết hormone, dẫn đến rối loạn các chức năng gây ra tăng huyết áp và căng thẳng cho các động mạch ở tim.
Vì vậy, bác sĩ cần đánh giá sức khỏe tổng quát để loại trừ các yếu tố gây nhiễu ảnh hưởng đến chức năng tim mạch. Có thể hướng dẫn bạn thay đổi lối sống, chế độ ăn uống, vận động thể chất, giải tỏa căng thẳng và chỉ định dùng thuốc kết hợp thăm khám theo dõi sức khỏe sau mỗi ba tháng hoặc thường xuyên hơn hoặc ít hơn tùy thuộc vào yếu tố nguy cơ và tình trạng sức khỏe của bạn.
Trong chuyên mục “Bạn hỏi Bác sĩ trả lời” với chủ đề “Phòng bệnh Tim mạch”, Tiến sĩ Bác sĩ CKII Nguyễn Thanh Phong, Trưởng khoa Khoa Khám bệnh Bệnh viện An Sinh chia sẻ với bạn những kiến thức y học cần thiết, giúp bạn biết cách phòng ngừa và kiểm soát tốt các yếu tố nguy cơ gây tổn thương tim và mạch máu có thể dẫn đến các biến cố tim mạch nghiêm trọng.
Tim thực hiện bơm máu như thế nào?
Tim thực hiện co bóp ngày đêm để bơm máu đến tim, phổi và các cơ quan chức năng khác. Quá trình tuần hoàn này được lặp đi lặp lại liên tục trong cơ thể.
Buồng tim phải gồm có 2 ngăn là tâm nhĩ phải và tâm thất phải. Máu đi vào tim qua hai tĩnh mạch lớn là tĩnh mạch chủ trên và tĩnh mạch chủ dưới, đưa máu oxy thấp từ các bộ phận khác của cơ thể vào tâm nhĩ phải. Khi tâm nhĩ co lại, máu chảy từ tâm nhĩ phải vào tâm thất phải thông qua van ba lá mở. Khi tâm thất phải đầy, van ba lá đóng lại ngăn không cho dòng máu chảy ngược vào tâm nhĩ phải cho đến khi tâm thất phải đầy. Tâm thất phải co lại, máu chảy ra khỏi tâm thất phải qua van động mạch phổi, vào động mạch phổi đến phổi, nơi máu được oxy hóa và trở lại tâm nhĩ trái qua các tĩnh mạch phổi.
Buồng tim trái gồm có 2 ngăn là tâm nhĩ trái và tâm thất trái. Các tĩnh mạch phổi đưa máu giàu oxy từ phổi vào tâm nhĩ trái. Khi tâm nhĩ trái co lại, máu chảy từ tâm nhĩ trái vào tâm thất trái thông qua van hai lá mở. Khi tâm thất trái đầy, van hai lá đóng lại ngăn không cho dòng máu chảy ngược vào tâm nhĩ trái. Khi tâm thất trái co lại, máu chảy ra khỏi tâm thất trái qua van động mạch chủ, vào động mạch chủ và chảy đi khắp cơ thể.
Mối liên hệ giữa rối loạn mỡ máu và bệnh tim mạch?
Cholesterol (mỡ máu) là nguyên nhân gây tích tụ chất béo lắng đọng trong lòng mạch máu, hình thành các mảng xơ vữa, gây hẹp mạch máu khiến máu khó lưu thông qua các động mạch. Đôi khi, các chất béo lắng đọng có thể vỡ ra đột ngột do tình trạng viêm, hình thành các cục máu đông, trôi đến các mạch máu nhỏ hơn gây tắc nghẽn một phần hoặc toàn bộ lòng mạch, cản trở dòng máu đến tim gây ra cơn đau tim, nhồi máu cơ tim, đột quỵ.
Các bằng chứng nghiên cứu khoa học cho thấy nguy cơ tim mạch tăng rất cao ở người bị rối loạn mỡ máu không được kiểm soát và điều trị. Mức cholesterol toàn phần lý tưởng từ 140 đến 200mg/dl, trên 300 mg/dl nguy cơ đau tim tăng gấp đôi. Mức cholesterol LDL càng thấp và mức cholesterol HDL càng cao thì nguy cơ tim mạch và tỷ lệ tử vong do bệnh tim mạch càng giảm.
Mối liên hệ giữa bệnh tăng huyết áp và bệnh tim mạch?
Huyết áp lý tưởng ở người trưởng thành là 120/80 mmHg. Huyết áp từ 140/90 mmHg trở nên cần điều trị theo chỉ định dùng thuốc của bác sĩ. Vì lúc này thay đổi lối sống có thể không có tác dụng kiểm soát huyết áp. Tăng huyết áp là nguyên nhân hàng đầu gây ra nhiều loại bệnh tim mạch khác nhau, bao gồm:
- Bệnh động mạch vành. Tăng huyết áp phá hỏng các động mạch cung cấp máu cho tim, dẫn đến cơn đau thắt ngực, rối loạn nhịp tim, nhồi máu cơ tim, đột quỵ.
- Suy tim. Tăng huyết áp gây căng thẳng cho tim, làm cơ tim suy yếu, giảm khả năng đàn hồi và không thể hoạt động bình thường.
- Tình trạng tim to: Tăng huyết áp gây áp lực cho tim phải làm việc nhiều hơn, khiến buồng tim trái, gọi là tâm thất trái, dày lên và to ra, tăng nguy cơ đau tim, suy tim, đột tử tim do ngừng đập đột ngột.
- Hội chứng chuyển hóa. Một nhóm các tình trạng sức khỏe khác nhau bao gồm tăng huyết áp, tăng đường huyết, tăng mỡ máu dẫn đến bệnh tim mạch, đột quỵ, nhồi máu cơ tim.
Mối liên hệ giữa bệnh đái tháo đường và bệnh tim mạch?
Tăng đường huyết làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, đột quỵ, nhồi máu cơ tim. Đường được chuyển hóa từ thực phẩm tạo ra năng lượng tiêu hao hoặc được lưu trữ trong cơ thể qua các tế bào mỡ hoặc tế bào gan. Chế độ ăn uống nhiều đồ ngọt làm tăng lượng đường trong máu, dẫn đến tích trữ chất béo, tăng các biến chứng về chuyển hóa. Nghiên cứu khoa học cho thấy tiêu thụ càng nhiều chất xơ thì nguy cơ mắc bệnh tim mạch càng giảm.
Theo Hiệp hội Tim mạch Thế giới (AHA) đã đưa ra cảnh báo về việc dùng quá nhiều đường vào chế độ ăn uống làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch gồm:
- Bệnh tim mạch, nhồi máu cơ tim, đột quỵ
- Các vấn đề về nhận thức, suy giảm trí nhớ
- Ung thư ruột kết
- Các loại bệnh tiểu đường, tiền tiểu đường và tiểu đường típ 2
- Tăng huyết áp
- Bệnh thận
- Bệnh gan
- Béo phì
- Ung thư tuyến tụy
- Tổn thương võng mạc, cơ và thần kinh
Phòng bệnh tim mạch thế nào?
Có thể nói lối sống và dinh dưỡng lành mạnh là nền tảng quyết định cho một cơ thể khỏe mạnh. Theo Hiệp hội Tim mạch Thế giới (AHA) đưa ra hướng dẫn về các yếu tố có thể cải thiện sức khỏe tim mạch tốt hơn bao gồm:
Chế độ ăn uống nên ưu tiên lựa chọn thực phẩm tươi sống chưa qua chế biến, khuyến khích sử dụng phong phú và đa dạng các nguồn thực phẩm lành mạnh khác nhau, tăng lượng chất xơ, chất béo tốt, protein nạc từ rau xanh, các loại đậu, hạt, dầu ô-liu, dầu cải…
Dành thời gian rèn luyện thể chất ít nhất 150 phút vận động vừa sức hoặc 75 phút vận động gắng sức mỗi tuần.
Tránh các sản phẩm thuốc lá, thuốc lá điếu và thuốc lá điện tử.
Giấc ngủ ngon, ngủ đủ từ từ 7 đến 9 tiếng mỗi đêm giúp ổn định huyết áp, nhịp tim, thúc đẩy khả năng trao đổi chất trong cơ thể.
Giữ cân nặng khỏe mạnh, chỉ số khối cơ thể (BMI) từ 18 đến 24,9.
Kiểm soát tốt huyết áp, mức cholesterol, đường trong máu.
Khám tầm soát bệnh tim mạch rất quan trọng nếu bạn có tiền sử gia đình mắc bệnh tim mạch. Bạn càng phát hiện sớm nguy cơ bạn càng có thể hành động tốt hơn giúp ngăn ngừa bệnh tim mạch và chủ động điều trị dự phòng kịp thời.
Bạn có thể tham khảo các gói khám tầm soát sức khỏe đang được triển khai tại Khoa Khám bệnh Bệnh viện An Sinh:
Nếu bạn có câu hỏi, thắc mắc về các vấn đề sức khỏe hãy gửi về cho chúng tôi:
- Email: info@ansinh.com.vn
- Fanpage: Bệnh Viện An Sinh
Chuyên mục “BẠN HỎI BÁC SĨ TRẢ LỜI” được chúng tôi chọn lọc từ các câu hỏi, thắc mắc của bạn. Mong muốn cung cấp cho bạn những kiến thức y học cơ bản, dễ dàng ghi nhớ và có thể ứng dụng ngay vào thực tế cuộc sống hàng ngày.
Bệnh viện An Sinh
Sức khỏe và hạnh phúc của gia đình bạn
* Thông tin tham khảo không thay thế việc thăm khám và tư vấn trực tiếp bác sĩ
Bệnh viện An Sinh đã triển khai Bệnh án điện tử ngoại trú (EMR) là một trong những nỗ lực nâng tầm chất lượng dịch vụ và phục vụ, mang đến trải nghiệm tiện ích công nghệ khi đi khám bệnh với ưu điểm giúp bạn chủ động quản lý hồ sơ thông tin sức khỏe, tiết kiệm thời gian và chi phí khám chữa bệnh.