Tim đóng vai trò quan trọng trong hệ thống tim mạch, bao gồm tất cả các mạch máu mang máu từ tim đến các cơ quan chức năng trong cơ thể, sau đó trở lại tim. Các vấn đề sức khỏe có liên quan đến chức năng tim mạch ngày càng phổ biến.
Vị trí của tim nằm dưới lồng ngực, hơi chếch về bên trái xương ức và giữa 2 lá phổi. Nhìn bên ngoài, chúng ta sẽ thấy tim là một khối cơ có khả năng co bóp mạnh mẽ để bơm máu đi khắp cơ thể. Bề mặt của tim có các động mạch vành, cung cấp máu giàu oxy cho cơ tim hoạt động khỏe mạnh. Các mạch máu chính đi vào tĩnh mạch chủ trên, tĩnh mạch chủ dưới và tĩnh mạch phổi.
Cấu tạo của tim gồm có 4 buồng tim được phân cách bởi các vách ngăn. Mỗi bên được chia thành 2 buồng tim gồm tâm nhĩ và tâm thất thực hiện các chức năng tương ứng, nhận máu từ tĩnh mạch và bơm máu vào động mạch.
Hệ tim mạch bao gồm tim và các mạch máu (động mạch, tĩnh mạch, mao mạch) nắm giữ vai trò quan trọng trong việc duy trì hoạt động sống của cơ thể. Bệnh tim mạch là bệnh mạn tính phổ biến, diễn biến thầm lặng cho đến khi xuất hiện triệu chứng thì bệnh đã ở giai đoạn tiến triển. Vì vậy, chăm sóc sức khỏe tim mạch không bao giờ là quá sớm và không nên chủ quan dù dấu hiệu tim mạch xuất hiện thoáng qua.
Trong chuyên mục “Bạn hỏi Bác sĩ trả lời” tuần này có chủ đề “Cần làm gì để giữ trái tim luôn khỏe mạnh?”, Tiến sĩ Bác sĩ Trương Thị Mai Hương, Khoa Khám bệnh Bệnh viện An Sinh chia sẻ với bạn những kiến thức y học cần thiết, giúp bạn biết cách giữ gìn và chăm sóc trái tim của bạn và gia đình bạn luôn khỏe mạnh cũng như thời điểm cần thăm khám bác sĩ để có kết quả điều trị tốt nhất.
Chức năng chính của hệ tim mạch?
Hệ tim mạch có chức năng chính là vận chuyển máu giàu oxy và dưỡng chất đến các cơ quan chức năng trong cơ thể. Tim cũng lấy đi carbon dioxide và các chất thải ở các cơ quan khác trong quá trình hoạt động. Tim còn đảm nhận vai trò kiểm soát nhịp điệu của tim, tốc độ nhịp tim và huyết áp. Bên cạnh đó, hệ tim mạch còn phối hợp chặt chẽ với hệ thần kinh và hệ nội tiết để duy trì mọi hoạt động khỏe mạnh của cơ thể. Hệ thần kinh kiểm soát nhịp tim, gửi các tín hiệu cho tim điều chỉnh nhịp đập, chậm hơn khi nghỉ ngơi và đập nhanh hơn khi căng thẳng. Hệ nội tiết gửi tín hiệu cho các hormone để điều chỉnh mạch máu co giãn, điều này cũng ảnh hưởng đến huyết áp và nhịp đập của tim.
Nhịp tim nhanh khi thức dậy có nguy hiểm không?
Có nhiều yếu tố khiến một người thức dậy với cảm giác tim rất đập nhanh hoặc đập thình thịch trong lồng ngực như lo sợ, căng thẳng, thiếu ngủ, mắc phải hội chứng ngưng thở khi ngủ, thay đổi lượng đường trong máu... Nhịp tim nhanh là một thuật ngữ y học chỉ nhịp đập của tim nhanh hơn bình thường. Không phải lúc nào nhịp tim nhanh cũng đáng lo ngại nhưng có thể dự đoán tình trạng bệnh lý tim mạch hoặc bệnh lý khác như tăng huyết áp, đái tháo đường, cường giáp hoặc suy giáp… cũng làm nhịp tim nhanh hơn bình thường. Lời khuyên là nên thăm khám bác sĩ để loại trừ bất kỳ vấn đề sức khỏe tim mạch nghiêm trọng nào.
Có nên tầm soát sớm bệnh tim mạch?
Mọi người mọi độ tuổi nên khám tầm soát bệnh tim mạch và các bệnh lý mạn tính phổ biến khác, ngay cả những người không có triệu chứng. Theo khuyến cáo chung của các Tổ chức Tim mạch Thế giới (AHA) nên khám tầm soát bệnh tim mạch bắt đầu từ tuổi 20. Tần suất sàng lọc phụ thuộc vào các yếu tố nguy cơ hiện tại và mắc phải bất kỳ vấn đề sức khỏe nào khác. Bạn nên chủ động trao đổi với bác sĩ về tình trạng sức khỏe của bạn, bệnh sử bản thân và gia đình đã có, thói quen sinh hoạt… để có biện pháp phòng ngừa hoặc điều trị dự phòng bệnh lý tim mạch.
Bác sĩ thường hỏi gì khi thăm khám tim mạch?
Thông tin bạn cung cấp cho bác sĩ rất quan trọng cho việc chẩn đoán chính xác và quyết định điều trị. Bác sĩ có thể dự đoán sơ bộ tình trạng sức khỏe của bạn qua thông tin mà bạn cung cấp. Các câu hỏi mà bác sĩ thường hỏi gồm:
Bạn có khám sức khỏe tổng quát định kỳ hàng năm không?
Gia đình bạn có ai mắc bệnh tim mạch hoặc bệnh mạn tính không?
Tình trạng huyết áp của bạn thế nào?
Bạn có bị rối loạn mỡ máu (tăng cholesterol) không?
Bạn có cảm thấy khó thở hoặc bị hụt hơi không?
Thói quen ăn uống và vận động của bạn như thế nào?
Bạn có thường bị căng thẳng, lo lắng hay mất ngủ không?
Dấu hiệu cơn đau vùng ngực và cánh tay trái như thế nào?
Cần làm gì để giữ trái tim luôn khỏe mạnh?
Lối sống và dinh dưỡng ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe tim mạch cũng như sức khỏe tổng thể. Sự thật trái tim khỏe mạnh không đòi hỏi quá nhiều tiêu chuẩn vượt ngoài tầm tay của bạn mà chỉ cần bạn duy trì điều độ các thói quen lành mạnh mỗi ngày. Chắc chắn rằng bạn sẽ luôn có một trái tim khỏe mạnh và phòng tránh được nguy cơ các bệnh lý khác:
- Chọn và sử dụng phong phú các loại thực phẩm tốt cho tim mạch
- Cần hạn chế gia vị muối, đường và chất béo động vật
- Giữ cân nặng hợp lý, tránh thừa cân béo phì
- Hạn chế bia rượu, tránh tiếp xúc với khói thuốc lá
- Vận động thể chất vừa sức khoảng 30 phút mỗi ngày
- Kiểm soát căng thẳng bằng cách dành thời gian cho các hoạt động yêu thích, viết nhật ký mỗi ngày
- Tuân thủ đúng phác đồ điều trị của bác sĩ, dùng thuốc đúng thời điểm và đúng liều lượng.
Bạn có thể tham khảo các gói khám tầm soát sức khỏe đang được triển khai tại Khoa Khám bệnh Bệnh viện An Sinh:
Nếu bạn có câu hỏi, thắc mắc về các vấn đề sức khỏe hãy gửi về cho chúng tôi:
- Email: info@ansinh.com.vn
- Fanpage: Bệnh Viện An Sinh
Chuyên mục “BẠN HỎI BÁC SĨ TRẢ LỜI” được chúng tôi chọn lọc từ các câu hỏi, thắc mắc của bạn. Mong muốn cung cấp cho bạn những kiến thức y học cơ bản, dễ dàng ghi nhớ và có thể ứng dụng ngay vào thực tế cuộc sống hàng ngày.
Bệnh viện An Sinh
Sức khỏe và hạnh phúc của gia đình bạn
* Thông tin tham khảo không thay thế việc thăm khám và tư vấn trực tiếp bác sĩ
Bệnh viện An Sinh đã triển khai Bệnh án điện tử ngoại trú (EMR) là một trong những nỗ lực nâng tầm chất lượng dịch vụ và phục vụ, mang đến trải nghiệm tiện ích công nghệ khi đi khám bệnh với ưu điểm giúp bạn chủ động quản lý hồ sơ thông tin sức khỏe, tiết kiệm thời gian và chi phí khám chữa bệnh.