Kiến thức y học

huyên mục “Bạn hỏi Bác sĩ trả lời” số 27 với chủ đề “Tác dụng của stress kéo dài với sức khỏe”

Cập nhật lúc: 11:42:06 SA - 22/08/2024

Stress là một phần của cuộc sống hiện đại. Bất kỳ ai cũng phải trải qua ít nhất một lần stress trong cuộc đời với triệu chứng và mức độ khác nhau. Stress ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe thể chất và tinh thần. Có nhiều nguyên nhân gây ra stress chẳng hạn như stress do công việc, stress do cuộc sống, stress do bản thân tự tạo áp lực cho bản thân, stress do ảnh hưởng của bệnh tật, stress ở giai đoạn dậy thì, phụ nữ mang thai hay ở giai đoạn tiền mãn kinh...

 

 



 

Stress là một phần của cuộc sống hiện đại. Stress có thể xảy ra ở cả người lớn và trẻ em. Bất kỳ ai cũng phải trải qua ít nhất một lần stress trong cuộc đời với triệu chứng và mức độ khác nhau.

 

Stress ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe thể chất và tinh thần. Có nhiều nguyên nhân gây ra stress chẳng hạn như stress do công việc, stress do cuộc sống, stress do bản thân tự tạo áp lực cho bản thân, stress do ảnh hưởng của bệnh tật, stress giai đoạn dậy thì, phụ nữ mang thai hay ở giai đoạn tiền mãn kinh, stress do tuổi già...

 

Những áp lực trong công việc và cuộc sống là yếu tố thúc đẩy stress gia tăng mạnh mẽ. Stress không được kiểm soát có thể gây ra nhiều vấn đề sức khỏe khác nhau, tác động tiêu cực đến tâm sinh lý, trạng thái cảm xúc dẫn đến suy giảm chức năng tim mạch, tiêu hóa và thần kinh.

 

Stress có thể gây ra bởi yếu tố tác động bên ngoài, có thể gây ra bởi yếu tố bên trong do bản thân tự tạo áp lực, căng thẳng. Tác nhân gây stress mang tính chất riêng lẻ hoặc cộng dồn, mức độ tăng dần theo thời gian. Một số tác nhân có thể kể đến như áp lực công việc, môi trường văn hóa khác biệt… gây lo lắng, hoang mang dẫn đến stress. Thời tiết thay đổi thất thường, không khí ô nhiễm, tắc nghẽn giao thông, môi trường sống thiếu lành mạnh… khiến cơ thể mệt mỏi dẫn đến stress. Trải qua sự thay đổi lớn trong cuộc đời gây ra phản ứng lo lắng, căng thẳng như cưới hỏi, sinh con, người thân qua đời… dẫn đến stress. Cơ thể thay đổi ở giai đoạn dậy thì, bệnh tật, mãn kinh, lớn tuổi… cũng có thể dẫn đến stress.

 

Stress được xem là bệnh lý và cần được điều trị. Stress được phân loại thành stress cấp tính và stress mãn tính:

Stress cấp tính: stress cấp tính là tình trạng căng thẳng thường gặp trong cuộc sống hàng ngày, xảy ra bất ngờ, nhanh biến mất. Stress cấp tính kéo dài xảy ra thường xuyên hơn, có thể tự biến mất sau vài ngày.

Stress mạn tính: các triệu chứng lặp đi lặp lại nhiều tháng, nhiều năm và khó điều trị dứt điểm, chẳng hạn như căng thẳng của trong hôn nhân, công việc áp lực, vừa trải qua đau thương, chấn thương tâm lý.

 

Trong chuyên mục “Bạn hỏi Bác sĩ trả lời” với chủ đề “Tác hại của stress kéo dài với sức khỏe”, Bác sĩ CKII Huỳnh Thị Yến Vi, Trưởng khoa Nội tổng hợp Bệnh viện An Sinh sẽ chia sẻ những kiến thức cơ bản về những tác động của stress đối với sức khỏe tổng thể, giúp bạn chủ động phòng bệnh và thăm khám điều trị kịp thời để luôn duy trì một cơ thể khỏe mạnh toàn diện.

 

Stress được định nghĩa như thế nào?

Stress là trạng thái thần kinh căng thẳng, phản ứng tự nhiên của cơ thể để chống lại áp lực, căng thẳng trong cuộc sống với sự thay đổi của yếu tố vật lý, hóa học từ bên trong và bên ngoài cơ thể. Khi gặp tác nhân gây stress, cơ thể được kích thích tiết ra hormone căng thẳng khiến nhịp thở và nhịp tim tăng lên. Stress có tác dụng tích cực trong việc kích thích sự tập trung và tăng hiệu suất công việc. Tuy nhiên, stress quá mức và kéo dài ảnh hưởng mạnh mẽ tới sức khỏe tinh thần và thể chất, dẫn đến suy nhược cơ thể, xuất hiện các rối loạn tâm thần và tăng nguy cơ mắc bệnh mạn tính.

 

Tác hại của stress với sức khỏe?

Stress có thể gây ra một loạt các triệu chứng tâm lý như lo lắng, sợ hãi, bất an, hoảng loạn, chán nản, mất ngủ... Stress nghiêm trọng có thể gây ra trầm cảm, xuất hiện cơn đau thể chất, mất hứng thú với cuộc sống, mất khả năng kiểm soát suy nghĩ và hành vi có thể gây hại cho bản thân, khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày, ảnh hưởng đến các mối quan hệ và gây bất lợi cho sức khỏe.

Stress tác động từ bên trong:

- Sức khỏe: mắc bệnh mạn tính khó điều trị, dinh dưỡng kém

- Tâm lý: suy nghĩ tiêu cực, kỳ vọng không thực tế, tự tạo áp lực cho bản thân, lạm dụng chất kích thích, thường xuyên mất ngủ.

Stress tác động từ bên ngoài:

- Môi trường sống nhiều tiếng ồn, thời tiết khắc nghiệt quá nóng hoặc quá lạnh, ô nhiễm khói bụi, giao thông tắc nghẽn...

- Gia đình không hạnh phúc, thường xuyên tranh cãi với người thân và bạn bè, biến cố người thân qua đời, công việc làm ăn kinh doanh thua lỗ, phá sản…

- Xã hội: công việc áp lực, mâu thuẫn xung đột với người xung quanh, gặp rắc rối trong vấn đề tài chính, bệnh thành tích học tập...

 

Khi bị stress sẽ có dấu hiệu thế nào?

Stress biểu hiện dưới nhiều hình thức khác nhau, có người có biểu hiện về mặt thể chất, có người có biểu hiện về mặt cảm xúc:

Biểu hiện thể chất: cơ thể mệt mỏi, nhức đầu, chóng mặt, rối loạn giấc ngủ, nhịp tim nhanh, đau tức ngực, khó thở, buồn nôn và nôn,...

Biểu hiện tinh thần: sa sút trí nhớ, buồn bã, không tập trung trong công việc, học tập, thiếu quyết đoán, khó đưa ra quyết định...

Biểu hiện hành vi: dễ buồn dễ khóc, ăn uống không ngon, hấp tấp, tự làm hại bản thân hoặc người khác, lạm dụng hút thuốc, bia rượu hoặc các chất kích thích khác

Biểu hiện cảm xúc: căng thẳng, lo lắng, sợ hãi, bồn chồn, tức giận, thất vọng, cáu gắt, dễ kích động, bực tức, thường xuyên khó chịu...

 

Làm thế nào để kiểm soát stress?

Nếu buông lỏng stress, stress sẽ gây ra nhiều hệ lụy xấu với sức khỏe. Stress khó tránh khỏi nhưng có thể kiểm soát được bằng cách:

Có đời sống tinh thần phong phú: duy trì và nuôi dưỡng các mối quan hệ lành mạnh, tham gia hoạt động cộng đồng, câu lạc bộ, hội nhóm để có thêm nhiều niềm vui.

Loại bỏ các yếu tố yếu tố gây căng thẳng: sẽ giúp giảm cường độ, tần suất và rút ngắn thời gian căng thẳng. 

Điều chỉnh phản ứng cơ thể: bằng cách luyện tập hít thở sâu, chậm sẽ giúp nhịp tim và huyết áp trở lại bình thường.

Có lối sống lành mạnh: cần ăn đủ chất, đúng bữa, tập thể dục, ngủ đúng giấc và hạn chế chất kích thích giúp cải thiện sự lưu thông máu và cơ bắp được thư giãn.

Liệu pháp thư giãn với âm nhạc: giúp huyết áp ổn định, nhịp tim đều, hô hấp tốt hơn, tăng khả năng trao đổi chất, kích thích tăng tiết hormone endorphine giúp cơ thể giảm đau và mau chóng hồi phục.

Vận động thể chất: thực hiện các công việc yêu thích nhẹ nhàng giúp cơ thể giải phóng hormone căng thẳng là adrenaline và cortisol, kích thích gia tăng lượng hormone hạnh phúc là dopamine và serotonin. 

Chế độ ăn uống khoa học: đảm bảo đầy đủ và cân bằng các nhóm chất thiết yếu,  bổ sung các loại thực phẩm hỗ trợ giảm căng thẳng.  

 

Cần làm gì nếu nghi ngờ bản thân bị stress?

Bác sĩ có thể chỉ định điều trị stress bằng nhiều phương pháp khác nhau tùy theo mức độ và tần suất xuất hiện các triệu chứng stress. Mục tiêu quan trọng của việc điều trị giúp bệnh nhân có khả năng tự kiểm soát tốt stress để không ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe. 

Tâm lý trị liệu giúp giải tỏa căng thẳng, có hiệu quả trong việc kiểm soát stress, giúp bệnh nhân kiểm soát được hành vi, nhận thức, bình tĩnh hơn trước những phản ứng gây căng thẳng, từ đó thay đổi lối sống, suy nghĩ tích cực hơn.

Bác sĩ chỉ định dùng thuốc kê đơn giúp giảm các triệu chứng stress để đưa tâm lý trở về trạng thái ổn định. Các loại thuốc được chỉ định phổ biến như thuốc ngủ, thuốc kháng axit, thuốc chống trầm cảm,  thuốc chống lo âu.

Các phương pháp trị liệu bổ sung khác như thiền tập, vận động, xoa bóp… cải thiện các triệu chứng của stress, giúp cơ bắp được thả lỏng, tinh thần trở nên vui vẻ và sảng khoái.

 

 

Bạn có thể tham khảo các gói khám tầm soát sức khỏe đang được triển khai tại Khoa Khám bệnh Bệnh viện An Sinh:

 

Nếu bạn có câu hỏi, thắc mắc về các vấn đề sức khỏe hãy gửi về cho chúng tôi:

  • Email: info@ansinh.com.vn
  • Fanpage: Bệnh Viện An Sinh

Chuyên mục “BẠN HỎI BÁC SĨ TRẢ LỜI” được chúng tôi chọn lọc từ các câu hỏi, thắc mắc của bạn. Mong muốn cung cấp cho bạn những kiến thức y học cơ bản, dễ dàng ghi nhớ và có thể ứng dụng ngay vào thực tế cuộc sống hàng ngày.

 

Bệnh viện An Sinh

Sức khỏe và hạnh phúc của gia đình bạn

* Thông tin tham khảo không thay thế việc thăm khám và tư vấn bác sĩ

 

Bệnh viện An Sinh đã triển khai Bệnh án điện tử ngoại trú (EMR) là một trong những nỗ lực nâng tầm chất lượng dịch vụ và phục vụ, mang đến trải nghiệm tiện ích công nghệ khi đi khám bệnh với ưu điểm giúp bạn chủ động quản lý hồ sơ thông tin sức khỏe, tiết kiệm thời gian và chi phí khám chữa bệnh.