Bệnh tim mạch là bệnh lý phổ biến, có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng với sức khỏe và tính mạng bệnh nhân. Tại Việt Nam, các bằng chứng khoa học cho thấy cứ 4 người trưởng thành thì có từ 1 đến 2 người được chẩn đoán nguy cơ cao mắc bệnh tim mạch.
Bệnh tim mạch là tình trạng bệnh lý liên quan đến cấu trúc tim và mạch máu. Bệnh tim mạch có thể gây suy yếu cơ tim, vấn đề van tim, gây hẹp cứng lòng động mạch, tắc nghẽn mạch máu… dẫn đến làm giảm lưu lượng máu đến tim, não và các bộ phận khác trong cơ thể, gây suy giảm chức năng cơ tim, thần kinh, não bộ, vận động, thậm chí tử vong.
Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm có khoảng 20,5 triệu người tử vong do bệnh tim mạch, trong đó 85% gây ra bởi nhồi máu cơ tim và đột quỵ. Tại Việt Nam, số liệu thống kê chưa đầy đủ, hàng năm có gần 200.000 người tử vong vì bệnh tim mạch. Tỷ lệ tử vong do bệnh tim mạch vượt qua tỷ lệ tử vong do bệnh ung thư. Bệnh tim mạch thường gặp ở người trung niên và người già như động mạch vành, động mạch não, động mạch ngoại biên… Tình trạng này đang có xu hướng tăng nhanh ở người trẻ.
Có nhiều nguyên nhân gây ra bệnh tim mạch. Nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ lối sống và thói quen thiếu lành mạnh. Bệnh tim mạch cũng như các bệnh lý mạn tính khác tăng huyết áp, đái tháo đường… có đặc điểm diễn biến thầm lặng, dấu hiệu mờ nhạt, khó nhận biết là yếu tố thúc đẩy tình trạng, mức độ các triệu chứng, biến chứng phát triển khiến việc điều trị trở nên khó khăn, thời gian điều trị kéo dài và tăng chi phí viện phí.
Ngày Tim mạch Thế giới (29/9) được tổ chức hàng năm là lời kêu gọi, nhắc nhở để tất cả chúng ta hãy chăm sóc sức khỏe tim mạch nhiều hơn, ngay từ bây giờ. Khi hiểu biết nhiều hơn, chúng ta sẽ biết cách phòng bệnh và chăm sóc sức khỏe tim mạch tốt hơn. Chăm sóc sức khỏe tim mạch đúng cách là chúng ta đang bảo vệ sự sống của mình, gia đình và cộng đồng.
Trong chuyên mục “Bạn hỏi Bác sĩ trả lời” với chủ đề “Những vấn đề tim mạch thường gặp”, Tiến sĩ Bác sĩ CKII Nguyễn Thanh Phong, Trưởng khoa Khoa Khám bệnh Bệnh viện An Sinh sẽ chia sẻ những kiến thức cơ bản về các bệnh lý tim mạch thường gặp giúp bạn chủ động “phòng bệnh hơn chữa bệnh” để luôn duy trì trái tim khỏe mạnh.
Dấu hiệu cảnh báo bệnh tim mạch?
Nhận biết sớm dấu hiệu bệnh tim mạch rất quan trọng đối với sức khỏe tim mạch cũng như sức khỏe tổng thể, tăng khả năng hồi phục mà còn ngăn ngừa biến chứng do bệnh tim mạch gây ra.
- Khó thở thường xuyên khi nằm, ngồi hoặc hít thở sâu.
- Cảm giác nặng ngực, căng tức vùng ngực, đau dưới xương ức, cơn đau kéo dài khoảng 10 phút
- Phù, biểu hiện sưng mặt, mí mắt, bàn chân.
- Mệt mỏi, kiệt sức, cảm nhận rõ khi vận động hoặc thức dậy
- Ho dai dẳng
- Chán ăn, buồn nôn, nôn
- Đi tiểu đêm thường xuyên
- Nhịp tim nhanh, không đều, đánh trống ngực
- Chóng mặt, ngất xỉu
Các bệnh lý tim mạch thường gặp?
Nhồi máu cơ tim do dòng máu đến tim bị ngăn chặn một phần hoặc toàn phần khiến các tế bào cơ tim hoại tử dần.
Đột quỵ do thiếu máu cục bộ khi nguồn máu nuôi tim bị tắc nghẽn bởi cục máu đông. Đột quỵ xuất huyết do tăng huyết áp không kiểm soát được.
Bệnh mạch vành do hẹp hoặc tắc một hoặc ba nhánh động mạch. Triệu chứng nặng ngực và đau ngực biểu hiện rõ nhất khi căng thẳng hoặc làm việc quá sức, có thể dẫn đến tử vong do nhồi máu cơ tim.
Bệnh van tim do van tim đóng mở không đúng cách, khiến dòng chảy của máu đến tim không theo một chiều hướng nhất định. Tổn thương van tim gồm hẹp hoặc hở van tim.
Rối loạn nhịp tim có rối loạn lành tính và rối loạn ác tính do tim đập quá nhanh hoặc quá chậm hoặc không đều. Nhịp tim không đều khiến tim không bơm đủ máu để đáp ứng nhu cầu cơ thể
Bệnh cơ tim bao gồm bệnh cơ tim phì đại, bệnh cơ tim thể giãn, bệnh cơ tim hạn chế, rối loạn nhịp tim thất. Có thể xảy ra với người khỏe mạnh chưa từng mắc bệnh tim mạch trước đó.
Suy tim do tim suy yếu, hậu quả của nhồi máu cơ tim, hở hoặc hẹp van tim, bệnh tim bẩm sinh, viêm cơ tim, rối loạn nhịp tim nhanh kéo dài, bệnh nền tăng huyết áp, đái tháo đường, thuốc điều trị ung thư.
Bệnh tim bẩm sinh do bất thường cấu trúc hoặc chức năng tim, thường xuất hiện ở giai đoạn phôi thai, những tháng đầu thai kỳ.
Bệnh tim do nhiễm khuẩn bao gồm viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn, viêm cơ tim, thấp khớp cấp.
Bệnh tim mạch được điều trị như thế nào?
Bác sĩ chỉ định phương pháp điều trị dựa vào các kết quả khám lâm sàng và cận lâm sàng mà bạn đã thực hiện, có thể:
Thay đổi lối sống và chế độ ăn uống là cách đơn giản nhất nhưng đòi hỏi sự kiên trì của bệnh nhân bằng cách có ý thức khi lựa chọn thực phẩm, kiểm soát khẩu phần ăn, giảm đường, muối và chất béo, tập thể dục đều đặn 30 phút mỗi ngày, hạn chế bia rượu và bỏ hút thuốc, kiểm soát căng thẳng.
Bác sĩ chỉ định dùng thuốc kê đơn tùy thuộc vào loại bệnh tim mạch cụ thể của từng bệnh nhân.
Bác sĩ chỉ định can thiệp và phẫu thuật nếu việc dùng thuốc và thay đổi lối sống không có tác dụng.
Các phương pháp can thiệp và phẫu thuật bệnh tim mạch?
Đặt stent động mạch vành, nong mạch: phương pháp can thiệp tim mạch bằng cách chèn stent (ống thép không rỉ nhỏ) hoặc thiết bị giống quả bóng để giữ lòng động mạch mở ra khơi thông dòng chảy của máu đến tim.
Cắt động mạch: phương pháp phẫu thuật để loại bỏ các mảng bám khỏi động mạch giúp máu lưu thông thuận lợi.
Bắc cầu động mạch: phương pháp phẫu thuật lấy một phần động mạch hoặc tĩnh mạch từ một vị trí khác trên cơ thể và sử dụng để tạo một đường dẫn máu xung quanh khu vực động mạch bị tắc nghẽn.
Máy tạo nhịp tim: phương pháp can thiệp đặt một thiết bị điện tử nhỏ dưới da để điều chỉnh nhịp tim.
Thay van tim: phương pháp phẫu thuật thay thế van tim bị hỏng hoặc hoạt động không hiệu quả.
Cắt nội mạc động mạch cảnh: phương pháp phẫu thuật loại bỏ các mảng bám gây tắc nghẽn tại động mạch giúp ngăn ngừa đột quỵ, nhồi máu cơ tim.
Bệnh viện An Sinh có thực hiện khám tầm soát bệnh tim mạch?
Bác sĩ khuyến cáo người từ 40 tuổi trở nên và người có yếu tố nguy cơ cao nên thực hiện khám tầm soát bệnh tim mạch càng sớm càng tốt. Tại Bệnh viện An Sinh, các bước khám tầm soát bệnh tim mạch được thực hiện như sau:
Khám lâm sàng: Bác sĩ sẽ hỏi thăm tình trạng sức khỏe hiện có, thói quen lối sống, bệnh sử bản thân và gia đình, mức độ triệu chứng để đánh giá nguy cơ, kết hợp đo huyết áp, nghe nhịp tim để xác định nguyên nhân.
Cận lâm sàng:
Đo điện tim (ECG), siêu âm tim: kỹ thuật nền tảng có giá trị chẩn đoán các bất thường hoạt động tim và xác định được một số nguyên nhân gây bệnh tim mạch.
Xét nghiệm men tim: tìm kiếm dấu hiệu thiếu máu hoặc suy tim, kiểm tra mức đường huyết, cholesterol.
Thực hiện các kỹ thuật chuyên sâu để xác định chính xác vị trí và mức độ tổn thương tim tùy theo triệu chứng và mức độ diễn biến của từng bệnh nhân như điện tim gắng sức, holter huyết áp, holter điện tim, chụp cắt lớp vi tính (CT-Scan), chụp cộng hưởng từ tim (MRI), chụp động mạch vành hoặc xạ hình cơ tim.
Bạn có thể tham khảo các gói khám tầm soát sức khỏe đang được triển khai tại Khoa Khám bệnh Bệnh viện An Sinh:
Nếu bạn có câu hỏi, thắc mắc về các vấn đề sức khỏe hãy gửi về cho chúng tôi:
- Email: info@ansinh.com.vn
- Fanpage: Bệnh Viện An Sinh
Chuyên mục “BẠN HỎI BÁC SĨ TRẢ LỜI” được chúng tôi chọn lọc từ các câu hỏi, thắc mắc của bạn. Mong muốn cung cấp cho bạn những kiến thức y học cơ bản, dễ dàng ghi nhớ và có thể ứng dụng ngay vào thực tế cuộc sống hàng ngày.
Bệnh viện An Sinh
Sức khỏe và hạnh phúc của gia đình bạn
* Thông tin tham khảo không thay thế việc thăm khám và tư vấn bác sĩ
Bệnh viện An Sinh đã triển khai Bệnh án điện tử ngoại trú (EMR) là một trong những nỗ lực nâng tầm chất lượng dịch vụ và phục vụ, mang đến trải nghiệm tiện ích công nghệ khi đi khám bệnh với ưu điểm giúp bạn chủ động quản lý hồ sơ thông tin sức khỏe, tiết kiệm thời gian và chi phí khám chữa bệnh.