Kiến thức y học

Chuyên mục “Bạn hỏi Bác sĩ trả lời” với chủ đề “Điện tim cơ bản (ECG) nhồi máu cơ tim”

Cập nhật lúc: 8:36:19 SA - 13/11/2024

Điện tim cơ bản là một xét nghiệm nền tảng giúp bác sĩ phát hiện, chẩn đoán và theo dõi điều trị các vấn đề tim mạch bằng cách đo dòng điện do tim tạo ra trong quá trình thực hiện co bóp. Đây là kỹ thuật đơn giản, an toàn, được sử dụng phổ biến trong y học. Điện tim cơ bản (ECG) có giá trị xác định và chẩn đoán chính xác một số bệnh lý tim mạch như nhồi máu cơ tim, rối loạn nhịp tim và bất thường cấu trúc tim.

 


Nguồn: Internet

 

Điện tim cơ bản là một xét nghiệm nền tảng giúp bác sĩ phát hiện, chẩn đoán và theo dõi điều trị các vấn đề tim mạch bằng cách đo dòng điện do tim tạo ra trong quá trình thực hiện co bóp. Đây là kỹ thuật đơn giản, an toàn, được sử dụng phổ biến trong y học.

 

Nhồi máu cơ tim là tình trạng xảy ra khi 1 hoặc 2 nhánh động mạch vành bị tắc nghẽn đột ngột khiến cơ tim không nhận đủ máu nuôi dẫn đến suy giảm chức năng cơ tim. Điện tim cơ bản (ECG) có giá trị xác định và chẩn đoán chính xác một số bệnh lý tim mạch như nhồi máu cơ tim, rối loạn nhịp tim và bất thường cấu trúc tim.

 

Hiện nay, y học thực chứng là một phương pháp thực hành y khoa dựa vào các dữ liệu y học một cách rõ ràng và có ý thức nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và chăm sóc cho bệnh nhân. Dựa trên cơ sở phân loại đúng nhồi máu cơ tim theo cơ chế và nguyên nhân giúp bác sĩ lâm sàng quyết định cấp cứu và lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp như can thiệp mạch vành qua da “trong giờ vàng” ngay lập tức, góp phần cứu sống và duy trì chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân sau điều trị.

 

Chúng tôi nhận thấy, mọi người hiểu chưa đúng về nhồi máu cơ tim và đột quỵ. Nhồi máu cơ tim xảy ra khi nguồn cung cấp máu cho tim bị tắc nghẽn hoặc ngừng đột ngột, đột quỵ xảy ra khi nguồn cung cấp máu cho não bị tắc nghẽn hoặc ngừng đột ngột khiến tế bào tim hoặc não không nhận đủ lượng oxy dần hoại tử.

 

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Hiệp hội Tim mạch Thế giới (AHA) đưa ra tiêu chuẩn chẩn đoán xác định nhồi máu cơ tim phải có 2 trong 3 yếu tố sau đây:

  • Dấu hiệu lâm sàng đau thắt ngực trên 20 phút.
  • Điện tim thay đổi được đo cách nhau từ 2 đến 3 tiếng.
  • Xét nghiệm men tim tăng, giảm bất thường.

 

Trong chuyên mục “Bạn hỏi Bác sĩ trả lời” với chủ đề “Điện tim cơ bản (ECG) nhồi máu cơ tim”, Tiến sĩ Bác sĩ CKII Nguyễn Thanh Phong, Trưởng khoa Khám bệnh Bệnh viện An Sinh sẽ chia sẻ kiến thức cơ bản về vai trò quan trọng điện tim cơ bản (ECG) mà bạn thường được bác sĩ chỉ định mỗi lần thăm khám sức khỏe định kỳ. Qua đó, giúp bạn biết cách chăm sóc sức khỏe tim mạch cho bản thân và gia đình tốt hơn cũng như phòng ngừa và nhận biết dấu hiệu nhồi máu cơ tim sớm ngay từ dấu hiệu cảnh báo đầu tiên thoáng qua, đến ngay bệnh viện để được bác sĩ chuyên khoa tim mạch thăm khám và điều trị kịp thời.

 

Điện tim cơ bản (ECG) là gì?

Điện tim cơ bản, còn gọi là điện tâm đồ, viết tắt ECG (Electrocardiogram), là một kỹ thuật dùng theo dõi hoạt động, tốc độ và nhịp điệu của cơ tim thông qua các miếng điện cực nhỏ được gắn vào da ngực, cổ tay và cẳng chân. Khi cơ tim thực hiện quá trình co bóp sẽ tạo ra các biến đổi của dòng điện đi qua tim và được ghi lại bằng máy đo điện tim. Mỗi nhịp đập của tim, các tín hiệu điện sẽ phát ra và truyền từ đáy tim đến mỏm tim. Đây là một xét nghiệm không thể thiếu trong khám tầm soát bệnh lý tim mạch.

 

Khi nào bác sĩ chỉ định đo điện tim cơ bản (ECG)?

Điện tim cơ bản (ECG) được bác sĩ chỉ định khi:

Khám sức khỏe tổng quát định kỳ, người có nguy cơ cao mắc bệnh tim mạch, người mắc bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu, có yếu tố thói quen hút thuốc lá và bia rượu.

Người có dấu hiệu lâm sàng bệnh tim mạch như đau ngực, hồi hộp, đánh trống ngực, khó thở, tiền sử ngất hoặc nhập viện cấp cứu bất kể nguyên nhân gì.

Theo dõi điều trị các bệnh lý tim mạch, nhồi máu cơ tim, rối loạn nhịp, đột quỵ…

Trước khi thực hiện phẫu thuật các bệnh lý ngoại khoa hoặc sản phụ khoa.

 

Điện tim cơ bản (ECG) cung cấp cho bác sĩ thông tin gì?

Hiện nay có nhiều kỹ thuật chẩn đoán nhồi máu cơ tim, tuy nhiên, điện tim cơ bản (ECG) vẫn là kỹ thuật chẩn đoán nhồi máu cơ tim đáng tin cậy, cơ sở để bác sĩ đánh giá sơ bộ và đưa ra chẩn đoán các tình trạng tim mạch gồm có:

  • Tần số tim (tốc độ tim): đập nhanh hay đập chậm, bất thường ở tim.
  • Nhịp tim (nhịp điệu tim): đều hay không đều, đây là cơ sở phát hiện rối loạn nhịp tim.
  • Xác định triệu chứng đau ngực, có phải nguyên nhân do giảm lưu lượng máu đến cơ tim hay không.
  • Phát hiện dấu hiệu cơn đau tim, nhồi máu cơ tim cấp trước đó hoặc đang tiến triển và mức độ tổn thương của tim.
  • Phát hiện sự thay đổi cấu trúc tim như tim to, tim có khiếm khuyết và các vấn đề về tim khác.

 

Nhồi máu cơ tim được phân loại như thế nào?

Nhồi máu cơ tim được phân thành 5 loại dựa trên nguyên nhân và hoàn cảnh:

Loại 1: Nhồi máu cơ tim tự phát xảy ra khi mảng xơ vữa bị nứt vỡ, xói mòn, loét hoặc tách gây ra huyết khối một hoặc nhiều nhánh mạch vành gây thiếu máu cơ tim.

Loại 2: Thiếu máu cục bộ cơ tim do nhu cầu oxy tăng như tăng huyết áp hoặc nhu cầu oxy cung như co thắt động mạch vành, tắc nghẽn, hạ huyết áp.

Loại 3: Liên quan đến đột tử do tim.

Loại 4a: Liên quan đến can thiệp mạch vành qua da.

Loại 4b: Liên quan đến huyết khối sau đặt stent động mạch vành từ 24 tiếng đến 1 năm.

Loại 4c: Liên quan đến tái hẹp động mạch vành tại vị trí đặt stent trước đó.

Loại 5: Liên quan đến phẫu thuật bắc cầu động mạch vành.

 

Ý nghĩa của điện tim cơ bản (ECG) trong chẩn đoán nhồi máu cơ tim?

Điện tim cơ bản (ECG) cho kết quả nhanh chóng từ 5 đến 10 phút, với ưu điểm xác định vùng nhồi máu cơ tim, phân biệt các giai đoạn nhồi máu cơ tim tối cấp, cấp hoặc đã ổn định. Bên cạnh điện tim cơ bản (ECG), bác sĩ còn dựa vào các kết quả cận lâm sàng khác bao gồm xét nghiệm men tim, siêu âm tim, chụp động mạch vành… Bạn cần ưu tiên chăm sóc sức khỏe tim mạch. Khi có một trái tim khỏe mạnh và hạnh phúc bạn sẽ có một cơ thể khỏe mạnh và hạnh phúc. Lắng nghe cơ thể để cảm nhận sự thay đổi của tim và các chức năng khác trong cơ thể. Hãy đến bệnh viện thăm khám bác sĩ ngay nếu bạn cảm thấy lo lắng về dấu hiệu tim mạch xuất hiện mờ nhạt gần đây. Bạn nên chủ động khám tầm soát nhồi máu cơ tim từ tuổi 40 trở nên, có yếu tố nguy cơ gia đình như ba mẹ, anh chị em ruột mắc bệnh tim mạch, bản thân mắc bệnh tim mạch, tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu, thói quen hút thuốc và bia rượu, phụ nữ bị tiền sản giật thai kỳ… giúp phát hiện sớm và điều trị kịp thời.

 

Bạn có thể tham khảo các gói khám tầm soát sức khỏe đang được triển khai tại Khoa Khám bệnh Bệnh viện An Sinh:

 

Nếu bạn có câu hỏi, thắc mắc về các vấn đề sức khỏe hãy gửi về cho chúng tôi:

  • Email: info@ansinh.com.vn
  • Fanpage: Bệnh Viện An Sinh

Chuyên mục “BẠN HỎI BÁC SĨ TRẢ LỜI” được chúng tôi chọn lọc từ các câu hỏi, thắc mắc của bạn. Mong muốn cung cấp cho bạn những kiến thức y học cơ bản, dễ dàng ghi nhớ và có thể ứng dụng ngay vào thực tế cuộc sống hàng ngày.

 

 

 

Bệnh viện An Sinh

Sức khỏe và hạnh phúc của gia đình bạn

* Thông tin tham khảo không thay thế việc thăm khám và tư vấn bác sĩ

 

 

Bệnh viện An Sinh đã triển khai Bệnh án điện tử ngoại trú (EMR) là một trong những nỗ lực nâng tầm chất lượng dịch vụ và phục vụ, mang đến trải nghiệm tiện ích công nghệ khi đi khám bệnh với ưu điểm giúp bạn chủ động quản lý hồ sơ thông tin sức khỏe, tiết kiệm thời gian và chi phí khám chữa bệnh.

 

 

  

Các tin tức khác:
[Trở về]