Kiến thức y học

Chuyên mục “Bạn hỏi Bác sĩ trả lời” số 24 với chủ đề “Đau đầu chuyện nhỏ mà không nhỏ”

Cập nhật lúc: 8:14:31 SA - 29/08/2024

Đau đầu là tình trạng rất phổ biến, bất kỳ ai cũng có thể bị đau đầu. Hiện có hơn 150 loại đau đầu khác nhau. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), có khoảng 50% người lớn có ít nhất một lần bị đau đầu trong năm. Mặc dù tỷ lệ đau vùng đầu có sự thay đổi theo vùng địa lý. Tuy nhiên, đau đầu luôn là vấn đề sức khỏe thường gặp nhất.

 



 

Đau đầu là tình trạng rất phổ biến, bất kỳ ai cũng có thể bị đau đầu. Hiện có hơn 150 loại đau đầu khác nhau. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), có khoảng 50% người lớn có ít nhất một lần bị đau đầu trong năm. Mặc dù tỷ lệ đau vùng đầu có sự thay đổi theo vùng địa lý. Tuy nhiên, đau đầu luôn là vấn đề sức khỏe thường gặp nhất.

 

Đau đầu là tình trạng bệnh lý vô hình khiến người khác không thể thấy biết mức độ cơn đau mà một người đang trải qua. Đau đầu làm giảm khả năng tập trung, giảm năng suất công việc, mức độ nghiêm trọng còn ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.

 

Phần lớn các triệu chứng đau đầu không đe dọa đến tính mạng. Căng thẳng là nguyên nhân hàng đầu gây ra các cơn đau đầu cấp tính hoặc mạn tính. Đau đầu trong thời gian dài còn có biểu hiện trầm cảm, lo âu, hay quên, rối loạn trí nhớ... Các triệu chứng này xuất hiện thường xuyên nếu đau đầu nặng, dễ dẫn đến sa sút trí tuệ, đột quỵ não, nhồi máu não, gây thương tật và tử vong.

 

Theo các nghiên cứu khoa học cho thấy cấu trúc não sẽ thay đổi và tổn thương sau 3 tháng dù đau đầu ở bất kỳ dạng nào. Nguyên nhân do các gốc tự do sản sinh liên tục gây tổn thương cho tế bào thần kinh qua quá trình chuyển hóa. Sự kết hợp của yếu tố thuận lợi như căng thẳng, sốc tình cảm, tâm lý và yếu tố thúc đẩy như chế độ sinh hoạt, ăn uống thiếu lành mạnh, thời gian làm việc kéo dài... làm tăng sinh các gốc tự do. Từ đó thúc đẩy triệu chứng đau đầu xảy ra, gây tổn thương thần kinh, mạch máu và cấu trúc não.

 

Điều đáng lo ngại là phần lớn bệnh nhân không biết nguyên nhân gây ra đau đầu và không được điều trị tận gốc. Xác định nguyên nhân gây đau đầu là bước quan trọng cho điều trị thành công. Nếu không xác định được nguyên nhân, điều trị không hiệu quả, triệu chứng tái đi tái lại, bệnh nhân không dùng thuốc đúng chỉ định của bác sĩ, lạm dụng thuốc giảm đau và gây khó khăn cho việc điều trị sau này.

 

Trong chuyên mục “Bạn hỏi Bác sĩ trả lời” với chủ đề “Đau đầu, chuyện nhỏ mà không nhỏ”, Tiến sĩ Bác sĩ Phan Minh Hiếu, Khoa Khám bệnh Bệnh viện An Sinh sẽ chia sẻ một số thông tin về bệnh lý đau đầu thường bị xem nhẹ để bạn biết cách chăm sóc sức khỏe bản thân và gia đình tốt hơn.

 

Đau đầu là gì?

Đau đầu, còn gọi nhức đầu, là tình trạng rất phổ biến, có thể gặp ở mọi độ tuổi mọi giới. Đau đầu thường xuất hiện đau ở vùng đầu và mặt, thỉnh thoảng đau ở vùng cổ. Cơn đau có thể xảy ra một bên hoặc cả hai bên đầu, đau tại một vị trí nhất định hoặc lan khắp đầu. Đau đầu có nhiều mức độ và tính chất khác nhau ở mỗi người. Cơn đau có thể đau âm ỉ, đau dữ dội, đau nhói, đau châm chích ở đầu. Cơn đau phát triển tăng dần hoặc đột ngột, kéo dài vài phút đến vài ngày.

 

Nguyên nhân gây đau đầu?

Đau đầu được phân thành 2 nhóm gồm đau đầu thứ phát và đau đầu nguyên phát:

Đau đầu nguyên phát chiếm 90% người mắc. Nhóm đau đầu này không do thực thể hoặc tổn thương cấu trúc não. Yếu tố lối sống cũng là tác nhân kích hoạt đau đầu do sử dụng nhiều chất kích thích, bia rượu, caffein; thay đổi cách ăn uống, ngủ nghỉ; căng thẳng hoặc có chuyện đau buồn; đứng, ngồi, ngủ sai tư thế ảnh hưởng vùng đầu; tiếp xúc với ánh sáng mạnh, tiếng ồn lớn hoặc do thời tiết thay đổi.

Đau đầu thứ phát thường do một bệnh lý cụ thể gây ra:

Đau do bệnh thần kinh như mạch máu não, tăng áp lực nội sọ, u não…

Đau do bệnh toàn thân như say nắng nóng, nhiễm khuẩn, nhiễm độc…

Đau do bệnh nội khoa như bệnh tim mạch, tiêu hóa, nội tiết, thiếu máu…

Đau do các bệnh chuyên khoa khác như bệnh về mắt, tai mũi họng, cơ xương khớp, nha khoa…

 

Ai có nguy cơ cao bị đau đầu?

Đau đầu là một triệu chứng, có thể tự khỏi mà không cần điều trị. Tuy nhiên, đau đầu còn là một cấp cứu y khoa khi triệu chứng đau đầu đột ngột hoặc cấp tính, đau kéo dài vài giờ, đau kèm nôn ói, sốt và yếu liệt nửa người, cần phải cấp cứu ngay lập tức.

Người có nguy cơ cao đau đầu gồm:

  • Nữ giới bị đau đầu nhiều hơn nam giới.
  • Người thường xuyên làm việc với máy tính.
  • Người mắc bệnh đau nửa đầu (migraine).
  • Cơ thể thay đổi nội tiết vào thời điểm có kinh và mãn kinh.
  • Ngộ độc thực phẩm, tiêu thụ nhiều rượu bia, caffein, thuốc lá.
  • Công việc áp lực, căng thẳng thường xuyên, suy nghĩ quá mức (overthinking)
  • Bệnh sử gia đình có bố, mẹ, anh chị em ruột mắc chứng đau đầu.

 

Phòng tránh đau đầu bằng cách nào?

Phòng tránh đau đầu hiệu quả cần hiểu rõ nguyên nhân và yếu tố tác động gây ra đau đầu. Hãy học cách kiểm soát căng thẳng, tập các bài tập thể dục nhẹ nhàng, thư giãn hay ghi lại diễn biến cơn đau đầu từng xảy ra, gồm:

  • Mức độ và tần suất cơn đau, đặc điểm cơn đau, sự thay đổi của cơn đau, cơn đau có kèm triệu chứng khác hay…
  • Thói quen ăn uống, lịch trình tập thể dục và để ý đến sự thay đổi của thời tiết.
  • Những cảm xúc và cảm giác mạnh mẽ đang có.
  • Thuốc và tác dụng phụ của thuốc đang điều trị.
  • Thời gian và mức độ nghiêm trọng của cơn đau đầu.

Thói quen ghi chép này giúp bạn xác định rõ các tác nhân gây đau đầu, từ đó có cách phòng tránh và cung cấp thông tin cho bác sĩ thăm khám.

 

Khi nào cần khám đau đầu?

Bạn không nên chủ quan với những cơn đau đầu dù ở mức độ nhẹ. Hãy cẩn thận với những cơn đau đầu dữ dội và kéo dài. Đau đầu không những ảnh hưởng đến chất lượng công việc, cuộc sống mà còn là dấu hiệu cảnh báo của một bệnh lý nguy hiểm nào đó. Chẳng hạn bệnh về não như xuất huyết não, huyết áp thấp, huyết áp cao, thiếu máu não; bệnh về tim mạch như nhồi máu cơ tim, xơ vữa động mạch...; bệnh về nội tiết như rối loạn kinh nguyệt, rong kinh...; bệnh về mắt, răng, tai mũi họng như viêm tai giữa, viêm xoang... Bạn cần thăm khám bác sĩ ngay, càng sớm càng tốt để được kiểm tra sức khỏe, xác định nguyên nhân, chẩn đoán chính xác tình trạng và mức độ bệnh lý, có hướng điều trị phù hợp và kịp thời.

 

Nếu bạn có câu hỏi, thắc mắc về các vấn đề sức khỏe hãy gửi về cho chúng tôi:

  • Email: info@ansinh.com.vn
  • Fanpage: Bệnh Viện An Sinh

Chuyên mục “BẠN HỎI BÁC SĨ TRẢ LỜI” được chúng tôi chọn lọc từ các câu hỏi, thắc mắc của bạn. Mong muốn cung cấp cho bạn những kiến thức y học cơ bản, dễ dàng ghi nhớ và có thể ứng dụng ngay vào thực tế cuộc sống hàng ngày.

 

Bệnh viện An Sinh

Sức khỏe và hạnh phúc của gia đình bạn

* Thông tin tham khảo không thay thế việc thăm khám và tư vấn bác sĩ

 

Bệnh viện An Sinh đã triển khai Bệnh án điện tử ngoại trú (EMR) là một trong những nỗ lực nâng tầm chất lượng dịch vụ và phục vụ, mang đến trải nghiệm tiện ích công nghệ khi đi khám bệnh với ưu điểm giúp bạn chủ động quản lý hồ sơ thông tin sức khỏe, tiết kiệm thời gian và chi phí khám chữa bệnh.