Kiến thức y học

Chuyên mục “Bạn hỏi Bác sĩ trả lời” số 23 với chủ đề “Rối loạn chuyển hóa”

Cập nhật lúc: 4:23:04 CH - 28/08/2024

Rối loạn chuyển hóa đang là một hội chứng phổ biến trong đời sống. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hiện có khoảng 20% - 25% người trưởng thành trên toàn cầu mắc phải hội chứng này, đó là những con số đáng báo động, yếu tố thúc đẩy gia tăng bệnh mạn tính không lây nhiễm hiện nay.

 



 

Rối loạn chuyển hóa đang là một hội chứng phổ biến trong đời sống. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hiện có khoảng 20% - 25% người trưởng thành trên toàn cầu mắc phải hội chứng này, đó là những con số đáng báo động, yếu tố thúc đẩy gia tăng bệnh mạn tính không lây nhiễm hiện nay.

 

Rối loạn chuyển hóa xảy ra khi các phản ứng hóa học bên trong cơ thể diễn ra bất thường, làm thay đổi quá trình trao đổi chất bình thường và xảy ra khi một gen bị lỗi gây ra sự thiếu hụt enzyme.

 

Quá trình trao đổi chất là các quá trình sinh hóa đang diễn ra nhằm duy trì hoạt động sống của cơ thể. Đó là sự cân bằng của 2 quá trình:

  • Dị hóa: tạo ra năng lượng từ việc phân hủy các phân tử lớn hơn thành các phân tử nhỏ hơn. Chẳng hạn như phân hủy các phân tử carbohydrate (tinh bột) thành glucose (đường) là một dạng năng lượng.
  • Đồng hóa: tiêu thụ năng lượng để sửa chữa và sản xuất các tế bào mới, duy trì các mô cơ thể và dự trữ năng lượng. 

Rối loạn chuyển hóa có thể xảy ra ngay sau sinh và được xác định bằng các xét nghiệm sàng lọc thường quy. Nếu rối loạn chuyển hóa không được xác định sớm có thể được chẩn đoán sau này khi các triệu chứng xuất hiện. Xét nghiệm máu và xét nghiệm di truyền DNA cụ thể có thể chẩn đoán tình trạng rối loạn chuyển hóa di truyền.

 

Phần lớn mọi người thường chủ quan khi bác sĩ chẩn đoán rối loạn chuyển hóa mà không biết rằng đây là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến nhiều bệnh lý có thể gây biến chứng nghiêm trọng như bệnh đái tháo đường (tiểu đường), bệnh mạch máu, bệnh tim, nhồi máu cơ tim, đột quỵ.

 

Quá trình trao đổi chất là một quá trình phức tạp bao gồm nhiều chất sinh hóa, mô và cơ quan. Điều này có nghĩa rối loạn chuyển hóa cũng có nhiều loại khác nhau, đa dạng và phức tạp. Rối loạn chuyển hóa liên quan đến tình trạng kháng insulin, một loại hormone do tuyến tụy sản xuất có tác dụng kiểm soát lượng đường trong máu.

 

Chuyên mục “Bạn hỏi Bác sĩ trả lời tuần này” với chủ đề “Rối loạn chuyển hóa”, Tiến sĩ Bác sĩ Nguyễn Thế Thành, Khoa Khám bệnh Bệnh viện An Sinh chia sẻ những thông tin cơ bản giúp bạn biết cách phòng ngừa, chủ động thăm khám và điều trị kịp thời. 

 

Rối loạn chuyển hóa là gì?

Rối loạn chuyển hóa (thuật ngữ trước đây gọi là bệnh chuyển hóa, hội chứng X) là một vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, thường liên quan đến tình trạng kháng insulin, khiến cơ thể không dung nạp được glucose và dẫn đến tăng lượng đường trong máu. Nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời, rối loạn chuyển hóa có thể gây ra một số biến chứng nghiêm trọng tới sức khỏe, như bệnh tim mạch, đột quỵ, tiểu đường, tăng huyết áp.

 

Nguyên nhân gây rối loạn chuyển hóa?

Rối loạn chuyển hóa là một quá trình phức tạp, hiện có khoảng 500 hội chứng rối loạn chuyển hóa khác nhau, không phải rối loạn chuyển hóa nào cũng có nguyên nhân rõ ràng. Có 3 nguyên nhân thường gặp:

  • Di truyền: gen có thể ảnh hưởng đến quá trình trao đổi chất theo nhiều cách khác nhau. Đột biến gen gây bệnh Gaucher làm hạn chế sản xuất glucocerebrosidase, một loại enzyme phân hủy chất béo, gây ra sự tích tụ chất béo nguy hại xung quanh cơ thể, tập trung nhiều ở vùng bụng. 
  • Rối loạn chức năng cơ quan: khiến các cơ quan liên quan đến quá trình trao đổi chất hoạt động không bình thường. Bệnh tiểu đường xảy ra khi tuyến tụy không sản xuất đủ insulin hoặc sử dụng insulin không hiệu quả để điều chỉnh lượng đường trong máu.
  • Rối loạn chức năng ty thể: ty thể là những phần tử nhỏ của tế bào, chủ yếu tạo ra năng lượng. Đột biến của ty thể hoặc DNA tế bào hoặc các yếu tố kích hoạt môi trường có thể ảnh hưởng đến chức năng của ty thể và năng lượng mà chúng có thể tạo ra.

 

Dấu hiệu nhận biết rối loạn chuyển hóa?

Rối loạn chuyển hóa ảnh hưởng đến quá trình trao đổi chất, dẫn đến một loạt các triệu chứng hoặc biến chứng khác nhau. Rối loạn chuyển hóa có thể trở nên nghiêm trọng nếu không được điều trị.

Dấu hiệu cần thăm khám bác sĩ ngay:

  • Giảm hoặc tăng cân không rõ nguyên nhân
  • Cảm thấy nhanh đói hoặc nhanh khát
  • Đi tiểu thường xuyên cả ngày lẫn đêm
  • Cảm thấy mệt mỏi và kiệt sức
  • Buồn nôn, nôn
  • Da chuyển sang màu vàng

 

Thay đổi lối sống có giúp cải thiện tình trạng rối loạn chuyển hóa?

Thay đổi lối sống có thể giúp cải thiện tình trạng rối loạn chuyển hóa, bằng cách hạ huyết áp, giảm mỡ bụng, hạ đường huyết và tình trạng kháng insulin.

  • Tập thể dục: biện pháp tuyệt vời để giảm cân và cải thiện tình trạng tăng huyết áp, đề kháng insulin hoặc rối loạn mỡ máu. Thời lượng khuyến cáo ít nhất 30 phút mỗi ngày, khi quen dần nên tăng thời lượng luyện tập vào tất cả các ngày trong tuần.
  • Chế độ ăn uống lành mạnh: giúp cải thiện tình trạng rối loạn chuyển hóa ngay cả khi cân nặng không thay đổi. Hạn chế chất béo bão hòa, đường, muối, tăng lượng rau xanh, trái cây ít ngọt, sữa ít béo, protein nạc, các loại đậu và ngũ cốc nguyên hạt.
  • Giữ cân nặng hợp lý: thừa cân béo phì làm tăng nguy cơ rối loạn chuyển hóa, giảm từ 1 đến 2 ký cân nặng giúp cải thiện đáng kể tình trạng này, duy trì mức BMI khỏe mạnh 18.5 -22.99 kg/m2.
  • Không hút thuốc lá: đây là yếu tố gián tiếp gây ra rối loạn chuyển hóa vì thuốc lá làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim và mạch máu.
  • Kiểm soát sự căng thẳng: không chỉ cải thiện tình trạng rối loạn chuyển hóa mà còn cải thiện sức khỏe tổng thể.

 

Phòng ngừa rối loạn bằng cách nào? 

Rối loạn chuyển hóa có thể gây ra nhiều tác động khác nhau lên cơ thể. Bác sĩ cần dựa vào kết quả xét nghiệm để tìm ra nguyên nhân và xác định chẩn đoán.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hướng dẫn áp dụng chẩn đoán rối loạn chuyển hóa khi có từ 3 yếu tố trở lên sau đây:

  • Nam có vòng bụng trên 90cm, nữ có vòng bụng trên 80cm.
  • Triglycerid máu trên 150mg/dl.
  • Cholesterol HDL, nam dưới 40mg/dl và nữ dưới 50mg/dl.
  • Huyết áp trên 130/85mmHg.
  • Đường huyết lúc đói trên 100mg/dl.

Phòng bệnh rối loạn chuyển hóa quan trọng nhất là ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh tim mạch và tiểu đường típ 2. Tùy theo tình trạng và mức độ rối loạn chuyển hóa, cần thiết phải thay đổi lối sống lành mạnh kết hợp tuân thủ điều trị thuốc kê đơn theo chỉ định của bác sĩ. Sức khỏe tổng thể không chỉ được cải thiện sau một thời gian ngắn mà còn hiệu quả lâu dài về sau.

 

Bạn có thể tham khảo các gói khám tầm soát sức khỏe đang được triển khai tại Khoa Khám bệnh Bệnh viện An Sinh:

 

Nếu bạn có câu hỏi, thắc mắc về các vấn đề sức khỏe hãy gửi về cho chúng tôi qua: 

  • Email: info@ansinh.com.vn
  • Fanpage: Bệnh Viện An Sinh 

Chuyên mục “BẠN HỎI BÁC SĨ TRẢ LỜI” được chúng tôi chọn lọc từ các câu hỏi, thắc mắc của bạn. Mong muốn cung cấp cho bạn những kiến thức y học cơ bản, dễ dàng ghi nhớ và có thể ứng dụng ngay vào thực tế cuộc sống hàng ngày. 

 

 

Bệnh viện An Sinh

Sức khỏe và hạnh phúc của gia đình bạn

* Thông tin tham khảo không thay thế việc thăm khám và tư vấn bác sĩ

 

 

Bệnh viện An Sinh đã triển khai Bệnh án điện tử ngoại trú (EMR) là một trong những nỗ lực nâng tầm chất lượng dịch vụ và phục vụ, mang đến trải nghiệm tiện ích công nghệ khi đi khám bệnh với ưu điểm giúp bạn chủ động quản lý hồ sơ thông tin sức khỏe, tiết kiệm thời gian và chi phí khám chữa bệnh.