Kiến thức y học

Tác hại của thuốc lá với sức khỏe tổng thể

Cập nhật lúc: 11:18:01 SA - 29/07/2024

Hút thuốc lá có thể gây ra những tác động tiêu cực cả ngắn hạn và dài hạn với sức khỏe tổng thể, tăng nguy cơ phát triển bệnh tim mạch, đột quỵ, nhồi máu cơ tim, bệnh ung thư phổi và một số bệnh ung thư khác, bệnh đái tháo đường. Sử dụng bất kỳ loại thuốc lá nào, dù là thuốc lá điếu hay thuốc lá điện tử đều nguy hại cho sức khỏe.

 



 

Hút thuốc lá là nguyên nhân gây bệnh ung thư, tim mạch, đột quỵ, nhồi máu cơ tim, đái tháo đường (tiểu đường), bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) bao gồm khí thũng và viêm phế quản mạn tính. Hút thuốc lá cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh lao, bệnh về mắt và các vấn đề về hệ thống miễn dịch như viêm khớp dạng thấp.

 

Hút thuốc lá có thể gây ra những tác động tiêu cực cả ngắn hạn và dài hạn với sức khỏe tổng thể, tăng nguy cơ phát triển bệnh tim mạch, đột quỵ, nhồi máu cơ tim, bệnh ung thư phổi và một số bệnh ung thư khác, bệnh đái tháo đường. 

 

Sử dụng bất kỳ loại thuốc lá nào, dù là thuốc lá điếu hay thuốc lá điện tử đều nguy hại cho sức khỏe. Bởi vì thuốc lá chứa các loại hóa chất không an toàn, từ axeton và nhựa đường đến nicotine và carbon monoxide. Khi hít phải các loại hóa chất này có thể ảnh hưởng đến chức năng phổi và các hệ thống cơ quan quan trọng khác của cơ thể bao gồm chức năng tim mạch và thần kinh. 

 

Hút thuốc lá có thể dẫn đến các biến chứng và ảnh hưởng lâu dài đến toàn bộ cơ thể. Có thể làm tăng nguy cơ phát triển một số tình trạng sức khỏe trong nhiều năm như bệnh tăng nhãn áp, ung thư, các vấn đề về đông máu và cũng có một số tác động lên cơ thể ngay lập tức. 

 

Bỏ hút thuốc lá có thể tác động tích cực và cải thiện sức khỏe tổng thể của bạn. 

 

Khói thuốc lá cực độc, có thể gây hại cho sức khỏe tổng thể. Không có cách nào an toàn cho sức khỏe với việc hút thuốc lá. Việc thay thế hút thuốc lá bằng hút xì gà, tẩu thuốc, hút thuốc lá điện tử cũng không giúp bạn tránh được những rủi ro về sức khỏe. 

 

Theo Hiệp hội Phổi Thế giới, trong thuốc lá có chứa khoảng 600 thành phần. Nhiều thành phần trong số này cũng có trong xì gà và thuốc lá điện tử. Khi hút thuốc lá, chúng tạo ra hơn 7.000 hóa chất, trong đó có nhiều hóa chất độc hại. Ước tính có ít nhất 69 chất trong số đó là chất gây ung thư hoặc được biết đến là gây ung thư.

 

Tại Mỹ, tỷ lệ tử vong ở người hút thuốc cao gấp ba lần so với những người chưa bao giờ hút thuốc. Trên thực tế, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) lưu ý rằng hút thuốc lá là nguyên nhân gây tử vong phổ biến nhất nhưng có thể phòng ngừa hiệu quả.

 

Mặc dù hút thuốc lá không gây ra tất cả các tác động tiêu cực ngay lập tức nhưng các biến chứng và tổn hại đối với sức khỏe có thể kéo dài trong nhiều năm. Tin tốt là việc bỏ hút thuốc lá có thể làm giảm nhiều yếu tố nguy cơ mắc các tình trạng sức khỏe và bệnh tật dưới đây. 

 

Hút thuốc lá với nguy cơ ung thư và sức khỏe tổng thể 

Hút thuốc lá gây hại cho các cơ quan trong cơ thể, tác động tiêu cực đến sức khỏe tổng thể theo nhiều cách khác nhau. Hút thuốc lá cũng có thể làm tăng tình trạng viêm khắp cơ thể, ảnh hưởng tiêu cực đến hệ thống miễn dịch. Điều này có thể khiến bạn dễ mắc bị nhiễm trùng hơn. 

 

Hút thuốc lá là một yếu tố nguy cơ gây ra các tình trạng như viêm khớp dạng thấp, mặc dù các nhà khoa học vẫn chưa hiểu cơ chế phía sau mối liên hệ này. Tuy nhiên, mối liên hệ giữa việc hút thuốc lá và nhiều loại ung thư đã được khoa học chứng minh.  

 

Hút thuốc lá có thể làm tăng nguy cơ phát triển ung thư ở hầu hết các cơ quan chức năng trong cơ thể. Điều này bao gồm các loại ung thư sau:

·   Ung thư bàng quang

·   Bệnh bạch cầu dòng tủy cấp tính

·   Ung thư cổ tử cung

·   Ung thư đại trực tràng

·   Ung thư thực quản

·   Ung thư thận

·   Ung thư tử cung

·   Ung thư thanh quản

·   Ung thư gan

·   Ung thư vòm họng, có thể bao gồm các bộ phận của cổ họng, lưỡi, amidan và vòm miệng.

·   Ung thư tuyến tụy

·   Ung thư dạ dày

·   Ung thư khí quản, phế quản và phổi 

 

Bỏ hút thuốc nguy cơ phát triển các loại ung thư này sẽ giảm trong khoảng 10 đến 20 năm tùy thuộc vào loại ung thư. Tuy nhiên, nguy cơ mắc bệnh của những người hút thuốc lá vẫn sẽ cao hơn so với những người chưa bao giờ hút thuốc. 

 

Hút thuốc lá ảnh hưởng tới hệ thần kinh trung ương 

Một trong những thành phần chính của thuốc lá là chất nicotine, chất này có thể làm thay đổi tâm trạng. Nicotine hình thành thói quen và gây nghiện cao. Đó là một trong những lý do tại sao mọi người cảm thấy khó khăn khi bỏ thuốc lá. 

 

Nicotine tác động đến não chỉ trong vòng vài giây và cung cấp năng lượng cho cơ thể trong thời gian ngắn. Nhưng khi hết tác dụng, cơ thể sẽ cảm thấy mệt mỏi và thèm ăn nhiều hơn. Việc cai nicotine về mặt vật lý có thể làm giảm khả năng suy nghĩ và thúc đẩy cảm xúc tiêu cực xuất hiện. Những điều này có thể bao gồm:

·   Sự lo lắng

·   Cáu gắt

·   Trầm cảm

Việc cai hút thuốc lá có thể gây ra triệu chứng đau đầu và mất ngủ. 

 

Suy giảm thị lực: Hút thuốc lá lâu dài có thể ảnh hưởng đến thị lực và thần kinh thị giác, phát triển một số tình trạng ảnh hưởng đến mắt. Chúng có thể bao gồm:

·    Bệnh tăng nhãn áp, trong đó áp lực trong mắt tăng lên, gây áp lực lên dây thần kinh thị giác gây tổn thương và mất thị lực.

·    Đục thủy tinh thể, gây ra tình trạng nhìn mờ.

·    Thoái hóa điểm vàng liên quan đến tuổi tác, gây tổn thương một điểm ở trung tâm võng mạc và gây mất thị lực trung tâm.

Hệ thống hô hấp: Hút thuốc lá làm tổn thương đường thở, túi khí (phế nang) trong phổi và lông mao, là những cấu trúc nhỏ giống như sợi tóc ngăn bụi bẩn và chất nhầy xâm nhập vào phổi. 

Tổn thương phổi: Hút thuốc lá gây tổn thương phổi và làm mất mô phổi, không thể phục hồi. Tổn thương hệ hô hấp khiến dễ mắc một số bệnh nhiễm trùng ảnh hưởng đến phổi, như bệnh lao và viêm phổi, đồng thời làm tăng khả năng tử vong do những căn bệnh đó. Hút thuốc lá có thể gây ra tình trạng ho mãn tính và làm trầm trọng thêm các cơn hen suyễn ở người bị hen suyễn. 

Nguy cơ ung thư: Tổn thương phổi do hút thuốc hút có thể gây ra bệnh phổi hoặc ung thư phổi. Hút thuốc lá là nguyên nhân hàng đầu gây ung thư phổi và những người hút thuốc được chẩn đoán mắc bệnh ung thư phổi cao gấp 20 lần so với những người không hút thuốc. 

Bệnh phổi mãn tính: Những người hút thuốc lá có nguy cơ mắc các bệnh phổi mãn tính không thể hồi phục cao hơn như:

·   Khí thũng, sự phá hủy các túi khí trong phổi của bạn.

·   Viêm phế quản mạn tính, viêm vĩnh viễn ảnh hưởng đến niêm mạc ống thở của phổi.

·   Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD), một nhóm bệnh về phổi.

·   Ung thư phổi.

·   Hen suyễn khởi phát ở người lớn.

Việc cai hút thuốc lá có thể gây tắc nghẽn tạm thời, làm tăng cảm giác khó chịu về hô hấp khi phổi và đường hô hấp bắt đầu lành lại. Chất nhầy tăng tiết ngay sau khi bỏ hút thuốc lá có thể là dấu hiệu tích cực cho thấy hệ hô hấp đang hồi phục.  

 

Hút thuốc lá ảnh hưởng tới trẻ sơ sinh, trẻ em và thanh thiếu niên  

Trẻ sinh ra có phổi kém phát triển nếu người mẹ hút thuốc lá trong thời kỳ mang thai.

 

Những trẻ có ba mẹ hoặc người chăm sóc hút thuốc lá cũng có thể gặp một số tình trạng sức khỏe nhất định với tỷ lệ cao hơn so với trẻ có ba mẹ hoặc người chăm sóc không hút thuốc lá. Chúng có thể bao gồm:

·   Ho

·   Thở khò khè

·   Cơn hen suyễn

·    Viêm phổi

·   Bệnh lao

·   Viêm phế quản

·   Giảm chức năng phổi

·   Sự phát triển của phổi bị suy giảm

·   Xơ hóa phổi tự phát 

Thanh thiếu niên hút thuốc lá có thể có phổi nhỏ hơn và yếu hơn phổi của thanh thiếu niên không hút thuốc. 

 

Hút thuốc lá ảnh hưởng tiêu cực tới hệ sinh dục và khả năng sinh sản ở cả nam và nữ giới 

Nicotine ảnh hưởng đến lưu lượng máu vùng sinh dục ở cả nam và nữ. Hút thuốc lá góp phần gây ra các vấn đề sinh sản, làm giảm nồng độ hormone giới tính ở nam và nữ, dẫn đến giảm ham muốn tình dục. 

Đối với nữ giới: Hút thuốc lá có thể dẫn đến không thỏa mãn trong sinh hoạt tình dục do giảm khả năng bôi trơn và khả năng đạt cực khoái. Mãn kinh cũng có thể xảy ra sớm hơn ở người hút thuốc lá so với người không hút thuốc. Hút thuốc lá ảnh hưởng đến việc sản xuất hormone, có thể khiến phụ nữ khó thụ thai và mang thai khỏe mạnh hơn. Có thể làm tăng nguy cơ:

·   Sinh non

·   Trẻ nhẹ cân

·   Thai chết lưu

·   Hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh (SIDS)

·   Thai ngoài tử cung

·    Sứt môi và hở hàm ếch ở trẻ sơ sinh 

 

Đối với nam giới: Hút thuốc lá có thể làm giảm hiệu suất tình dục. Ảnh hưởng tiêu cực đến chức năng các mạch máu, điều này có thể hạn chế lưu lượng máu cần thiết để đạt được sự cương cứng ở nam giới. Điều này có thể dẫn đến rối loạn cương dương (ED). ED cũng có thể dẫn đến các vấn đề về sinh sản. Nó cũng có thể phá hỏng DNA trong tinh trùng, gây khó thụ thai, làm tăng nguy cơ sảy thai và một số dị tật bẩm sinh. 

 

Hút thuốc lá ảnh hưởng tới hệ tim mạch 

Theo CDC ước tính ở Mỹ cho biết cứ 4 người tử vong thì có 1 người tử vong vì bệnh tim mạch do hút thuốc lá. Hút thuốc lá có thể phá hỏng hệ thống tim mạch, bao gồm:

·    Tim mạch

·    Động mạch

·   Mạch máu

Nicotine khiến cho mạch máu co lại, hạn chế lưu lượng máu. Hút thuốc lá cũng làm tăng huyết áp, làm suy yếu thành mạch máu và tăng nguy cơ đông máu. Những yếu tố này làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, bao gồm:

·    Xơ vữa động mạch

·   Bệnh mạch vành, bao gồm đau tim và đột tử do tim.

·   Đột quỵ, nhồi máu cơ tim.

·   Bệnh động mạch ngoại vi.

·   Phình động mạch chủ bụng.

Nguy cơ mắc bệnh tim mạch nặng hơn nếu:

·   Phẫu thuật bắc cầu tim.

·   Đã trải qua cơn đau tim.

·   Đặt ống đỡ động mạch vào mạch máu.

 

Hút thuốc lá thụ động: Hút thuốc lá ảnh hưởng đến sức khỏe tim mạch và đến sức khỏe của những người xung quanh không hút thuốc lá. Việc tiếp xúc với khói thuốc lá thụ động cũng có nguy cơ tương tự đối với người không hút thuốc lá như người hút thuốc. Rủi ro có thể bao gồm:

·    Đột quỵ.

·   Đau tim, nhồi máu cơ tim.

·   Bệnh tim mạch. 

 

Hút thuốc lá ảnh hưởng tới da, tóc và móng

Hút thuốc lá có thể ảnh hưởng đến da, tóc và móng trên cơ thể. Các loại hóa chất trong khói thuốc lá có thể làm thay đổi cấu trúc da. Điều này có thể gây ra đối với cơ thể:

·    Tổn thương da liên quan đến lão hóa sớm.

·    Xuất hiện nếp nhăn.

·    Vết thương chậm lành, khó lành.

·    Tình trạng da mụn nhọt gây đau đớn.

·    Bệnh vẩy nến.

·    Bệnh ung thư da.

·    Hút thuốc lá có thể làm tăng nguy cơ phát triển ung thư biểu mô tế bào vảy (ung thư da) trên môi.

Ngoài ra còn có mối liên hệ giữa hút thuốc lá và chứng rụng tóc nội tiết tố nam, tình trạng gây hói đầu ở nam giới do:

·    Co mạch.

·     Sự phá hủy DNA.

·    Tạo ra các gốc tự do.

·    Tác dụng nội tiết tố.

Hút thuốc lá cũng có thể ảnh hưởng đến móng tay, móng chân và làm tăng khả năng nhiễm nấm móng.

 

Hút thuốc lá ảnh hưởng tới hệ tiêu hóa

Hút thuốc lá có thể ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa theo nhiều cách khác nhau, làm tăng nguy cơ ung thư ở các cơ quan của hệ tiêu hóa. Điều này có thể bao gồm ung thư:

·     Miệng

·    Hầu họng

·    Thanh quản

·    Thực quản

·    Tiêu hóa

·    Tuyến tụy

·    Đại tràng và trực tràng

Ngay cả những người “hút thuốc lá nhưng không hít vào” cũng phải đối mặt với nguy cơ mắc ung thư miệng cao hơn. 

 

Bệnh tiểu đường típ 2: Hút thuốc lá cũng ảnh hưởng đến insulin khiến cơ thể dễ bị đề kháng insulin hơn. Những người hút thuốc lá có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường típ 2 và các biến chứng của bệnh tiểu đường cao hơn từ 30% đến 40%. Bệnh tiểu đường típ 2 có xu hướng phát triển nhanh hơn ở những người hút thuốc so với những người không hút thuốc vì nó khiến đường huyết khó kiểm soát hơn. 

 

Bệnh nha chu: Hút thuốc lá có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh nha chu và ảnh hưởng đến nướu. Tình trạng này xảy ra vì hút thuốc lá gây viêm quanh răng và làm tăng nguy cơ nhiễm trùng do vi khuẩn. Nướu có thể bị sưng và chảy máu (viêm nướu) và cuối cùng là bong ra khỏi răng (viêm nha chu), gây sâu răng và mất răng.

 

Hút thuốc lá ảnh hưởng tới hệ xương khớp 

Hút thuốc lá có thể tác động tiêu cực đến sức khỏe hệ xương khớp bằng cách giảm mật độ xương và góp phần làm mất xương. Việc sử dụng thuốc lá có liên quan đến việc phát triển các tình trạng như loãng xương hoặc gãy xương. Hút thuốc lá cũng tác động tiêu cực đến quá trình lành xương nếu bị chấn thương, gãy xương. 

 

Ở phụ nữ, hút thuốc lá có thể khiến thời kỳ mãn kinh đến sớm hơn. Thời kỳ mãn kinh làm tăng tốc độ mất xương kết hợp với việc hút thuốc có thể đẩy nhanh những tác động này, dẫn đến loãng xương.

 

Hút thuốc lá làm tăng nguy cơ mắc các tình trạng sức khỏe khác nhau, ảnh hưởng tiêu cực đến toàn bộ cơ thể. Hút thuốc lá có thể gây ung thư ở nhiều cơ quan trong cơ thể. Góp phần làm giảm khả năng sinh sản, tăng nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường típ 2 và gây loãng xương.

 

Bỏ hút thuốc lá làm giảm nhiều rủi ro và cải thiện đáng kể sức khỏe tổng thể. Mang đến những lợi ích ngắn hạn và dài hạn cho sức khỏe. Hút thuốc lá ảnh hưởng đến mọi hệ thống của cơ thể nên việc tìm cách bỏ hút thuốc lá có thể giúp bạn sống lâu, khỏe mạnh và hạnh phúc hơn.

 

Bác sĩ thăm khám có thể đề nghị người hút thuốc lá dùng thuốc kê đơn và không kê đơn để bỏ hút thuốc lá. Bạn có thể tìm hiểu thêm các thông tin từ nguồn uy tín trên internet, hướng dẫn các cách bỏ hút thuốc lá hoặc các liệu pháp bỏ hút thuốc lá hoặc tham gia vào các chương trình hỗ trợ bỏ hút thuốc lá được tổ chức trong cộng đồng.

 

Bạn có thể tham khảo các gói khám tầm soát sức khỏe đang được triển khai tại Khoa Khám bệnh Bệnh viện An Sinh:

 

Bệnh viện An Sinh

Sức khỏe và hạnh phúc của gia đình bạn

* Thông tin tham khảo không thay thế việc thăm khám và tư vấn bác sĩ

 

Bệnh viện An Sinh đã triển khai Bệnh án điện tử ngoại trú (EMR) là một trong những nỗ lực nâng tầm chất lượng dịch vụ và phục vụ, mang đến trải nghiệm tiện ích công nghệ khi đi khám bệnh với ưu điểm giúp bạn chủ động quản lý hồ sơ thông tin sức khỏe, tiết kiệm thời gian và chi phí khám chữa bệnh.

 

  

 

Các tin tức khác:
[Trở về]