Kiến thức y học

Yếu tố nguy cơ của bệnh đái tháo đường típ 1, típ 2 và đái tháo đường thai kỳ

Cập nhật lúc: 10:19:18 SA - 26/07/2024

Bệnh đái tháo đường còn gọi là bệnh tiểu đường, một bệnh lý mạn tính phổ biến khi cơ thể không thể sản xuất hoặc sử dụng insulin đúng cách. Các loại bệnh tiểu đường khác nhau do các yếu tố nguy cơ và ảnh hưởng khác nhau đến lượng đường trong máu. Hiểu rõ các yếu tố nguy cơ dẫn đến bệnh tiểu đường là rất quan trọng. Từ đó, bác sĩ sẽ tư vấn cho bạn biện pháp phòng ngừa, ảnh hưởng và biến chứng của bệnh tiểu đường đối với sức khỏe tổng thể.

 



 

Bệnh đái tháo đường còn gọi là bệnh tiểu đường, một bệnh lý mạn tính phổ biến khi cơ thể không thể sản xuất hoặc sử dụng insulin đúng cách. Các loại bệnh tiểu đường khác nhau do các yếu tố nguy cơ và ảnh hưởng khác nhau đến lượng đường trong máu. 

 

Hiểu rõ các yếu tố nguy cơ dẫn đến bệnh tiểu đường là rất quan trọng. Từ đó, bác sĩ sẽ tư vấn cho bạn biện pháp phòng ngừa, ảnh hưởng và biến chứng của bệnh tiểu đường đối với sức khỏe tổng thể. Bệnh tiểu đường diễn tiến âm thầm, thường không có triệu chứng ở giai đoạn khởi phát nên việc thực hiện các bước ngăn chặn yếu tố nguy cơ không chỉ giúp bạn phòng bệnh hiệu quả mà còn kiểm soát nguy cơ biến chứng và ổn định mức đường huyết. 

 

Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu các yếu tố nguy cơ về 3 loại bệnh tiểu đường chính gồm tiểu đường típ 1, tiểu đường típ 2 và tiểu đường thai kỳ. 

 

Yếu tố nguy cơ của bệnh tiểu đường típ 1

Đối với bệnh tiểu đường típ 1, cơ thể không sản xuất insulin hoặc lượng insulin không đáp ứng nhu cầu cơ thể. Tình trạng này xảy ra ở khoảng 5% người mắc bệnh tiểu đường. 

Bác sĩ chỉ định điều trị bệnh tiểu đường típ 1 bằng cách tiêm insulin hoặc tiêm insulin kết hợp với việc thay đổi chế độ ăn uống và vận động. 

 

Các yếu tố nguy cơ chính của bệnh tiểu đường típ 1 bao gồm:

Bệnh sử gia đình: Nguy cơ mắc bệnh tiểu đường típ 1 tăng khi bạn có ba mẹ, anh chị em mắc bệnh tiểu đường típ 1. Nguy cơ mắc bệnh còn cao hơn nữa nếu cả ba và mẹ đều mắc bệnh tiểu đường típ 1.

Tuổi tác: Bệnh tiểu đường típ 1 thường phát triển ở người trẻ tuổi và trẻ em. Đây là một trong những tình trạng mạn tính phổ biến phát triển sớm từ thời thơ ấu. Trẻ em dưới 14 tuổi thường được chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường típ 1. Bệnh tiểu đường típ 1 có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi.

Di truyền: Các gen cụ thể trong cơ thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường típ 1. Bác sĩ có thể chỉ định xét nghiệm sàng lọc gen nếu có dấu hiệu nghi ngờ.

 

Yếu tố nguy cơ của bệnh tiểu đường típ 2

Bệnh tiểu đường típ 2 là loại bệnh tiểu đường phổ biến nhất. Ở bệnh tiểu đường típ 2, cơ thể vẫn có thể tạo ra một lượng insulin nhất định nhưng không thể sử dụng insulin này một cách hiệu quả như bình thường. 

 

Insulin cho phép các tế bào hấp thụ glucose. Tuy nhiên, các tế bào trở nên ít nhạy cảm hơn, không thể hấp thụ insulin, khiến lượng đường trong máu tăng lên. Nếu lượng đường trong máu tăng cao liên tục, bạn có thể mắc bệnh tiểu đường típ 2. 

 

Sự gia tăng lượng đường trong máu có thể dẫn đến tổn thương các mạch máu và chức năng trong cơ thể. Bệnh tiểu đường típ 2 thường chuyển sang giai đoạn gọi là tiền tiểu đường, vì vậy bạn có đưa chỉ số đường huyết về mục tiêu bằng cách thay đổi lối sống và chế độ ăn uống lành mạnh, hạn chế các loại thực phẩm và thức uống nhiều đường. 

 

Không giống như bệnh tiểu đường típ 1, bác sĩ thường chỉ định điều trị bệnh tiểu đường típ 2 bằng thuốc không chứa insulin. Tuy nhiên, việc tiêm insulin vẫn có thể cần thiết nếu bệnh tiểu đường típ 2 không đáp ứng với phương pháp thay thế này. 

 

Bệnh tiểu đường típ 2 thường bao gồm 2 yếu tố nguy cơ, yếu tố nguy cơ có thể thay đổi và yếu tố nguy cơ không thể thay đổi được. 

 

Yếu tố nguy cơ không thể thay đổi

Có nhiều yếu tố nguy cơ khác nhau gây ra bệnh tiểu đường típ 2, sau đây là một số yếu tố nguy cơ mà chúng ta khó có thể tránh được:

  • Bệnh sử gia đình có người thân mắc bệnh tiểu đường típ 2.
  • Chủng tộc, người Mỹ gốc Phi, người Mỹ gốc Á, người Mỹ gốc Latinh, gốc Tây Ban Nha, người Mỹ bản địa, người dân đảo Thái Bình Dương có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường típ 2 cao hơn các nhóm khác.
  • Trên 45 tuổi.
  • Tiền sử đái tháo đường thai kỳ.
  • Trầm cảm, rối loạn lo âu.
  • Sinh con nặng trên 4 ký.
  • Mắc hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS).

 

Yếu tố nguy có thể thay đổi

Có một số yếu tố nguy cơ mắc bệnh tiểu đường típ 2 mà chúng ta có thể thay đổi để phòng tránh nguy cơ mắc bệnh:

  • Lối sống thụ động, không vận động thể chất.
  • Thể trạng thừa cân béo phì, vòng bụng lớn.
  • Mắc bệnh tăng huyết áp, tim mạch, mạch máu, đột quỵ, nhồi máu cơ tim.
  • Có mức cholesterol HDL “tốt” thấp và mức cholesterol LDL “xấu” cao.
  • Nồng độ chất béo trung tính Triglyceric cao.

Chúng ta có thể giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường típ 2 bằng cách thay đổi lối sống, cải thiện chế độ ăn uống và tập thể dục thường xuyên.

 

Dự đoán nguy cơ mắc bệnh tiểu đường típ 2

Dựa vào yếu tố nguy cơ gây ra bệnh tiểu đường bao gồm cân nặng và chiều cao để tính điểm chỉ số khối cơ thể (BMI) của một người. BMI là một yếu tố quan trọng đối với nguy cơ mắc bệnh tiểu đường. Mặc dù BMI không phải là thước đo sức khỏe chính xác nhất nhưng thông qua chỉ số BMI bác sĩ có thể đoán biết nguy cơ mắc bệnh tiểu đường ở một người.

 

Yếu tố nguy cơ của bệnh tiểu đường thai kỳ

Bệnh tiểu đường thai kỳ là loại bệnh tiểu đường phát triển khi người phụ nữ mang thai. Hầu hết phụ nữ mắc bệnh tiểu đường thai kỳ không mắc bệnh tiểu đường nào trước đó. Bệnh tiểu đường thai kỳ sẽ khỏi sau khi người mẹ sinh con. 

 

Phụ nữ mắc bệnh tiểu đường thai kỳ sẽ có nguy cơ cao tái phát ở những lần mang thai sau. Ngoài ra, khi mắc bệnh tiểu đường thai kỳ nguy cơ mắc bệnh tiểu đường típ 2 tăng gấp 7 lần trong tương lai. 

 

Yếu tố nguy cơ bệnh tiểu đường thai kỳ cũng giống như các loại bệnh tiểu đường khác gồm:

  • Bệnh sử gia đình hoặc bản thân mắc bệnh tiểu đường.
  • Mắc bệnh tiền tiểu đường.
  • Tiền sử thai lưu không rõ nguyên nhân.
  • Thể trạng thừa cân béo phì.
  • Chế đố ăn uống, thói quen ăn nhiều đường. 

 

Hiện nay, bệnh tiểu đường không có cách điều trị khỏi hẳn. Tuy nhiên, bạn có khả năng kiểm soát mức đường huyết và nguy cơ biến chứng do tăng đường huyết. Nếu chỉ số đường huyết trong giới hạn bình thường, luôn duy trì ở mức ổn định trong 1 năm thì được xem là điều trị đường huyết hiệu quả. 

 

Chẩn đoán sớm và điều trị phù hợp có thể giúp ngăn ngừa hiệu quả những biến chứng nguy hiểm do bệnh tiểu đường gây ra. Xác định được các yếu tố nguy cơ sẽ giúp bạn kiểm soát và quản lý bệnh tiểu đường tốt hơn trước khi chúng gây ra các vấn đề sức khỏe khác. 

 

Mặc dù một số yếu tố nguy cơ không thể phòng tránh như tuổi tác và di truyền nhưng bạn có thể thực hiện các bước thay đổi để giảm thiểu các tác động tiêu cực với sức khỏe tổng thể, bao gồm tăng huyết áp, tăng cân khó kiểm soát và chế độ ăn uống thiếu lành mạnh. 

 

Việc kiểm soát các yếu tố nguy cơ có thể giúp ích rất nhiều trong việc quản lý các tác động của bệnh tiểu đường và khả năng phát triển bệnh tiểu đường. 

 

Các bước đơn giản bạn có thể thực hiện để phòng ngừa bệnh tiểu đường:

  • Chia nhỏ khẩu ăn trong các bữa ăn hàng ngày.
  • Vận động thể chất tối thiểu 30 phút mỗi ngày, duy trì đều đặn 5 ngày trong một tuần, ngay cả khi bạn nhún nhảy theo nhạc ở trong nhà hoặc đi dạo bộ trong công viên.
  • Áp dụng chế độ ăn uống phong phú và đa dạng, tăng lượng rau xanh, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt, protein lành mạnh. Cần hạn chế thực phẩm chứa nhiều đường, muối và chất béo.·        
  • Tránh các thức uống có cồn, có gaz như nước ngọt, trà sữa, bia rượu.
  • Khám sức khỏe tổng quát định kỳ mỗi 6 tháng hoặc ít nhất 1 năm 1 lần kết hợp tầm soát bệnh tiểu đường thường xuyên rất quan trọng. Người trên 40 tuổi không có yếu tố nguy cơ mắc bệnh tiểu đường nên kiểm tra đường huyết 3 lần mỗi năm. Người có một hoặc nhiều yếu tố nguy cơ nên thăm khám bác sĩ và kiểm tra đường huyết thường xuyên hơn.·        
  • Nếu bạn được chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường típ 2 thì ba mẹ, con cái, anh chị em của bạn cũng có nguy cơ cao mắc bệnh. Ảnh hưởng từ chính lối sống cùng nhau, thói quen sinh hoạt và chế độ ăn uống. Các thành viên trong gia đình cũng nên duy trì việc thăm khám sức khỏe định kỳ và sàng lọc các yếu tố nguy cơ của bệnh tiểu đường.

 

Bệnh tiểu đường đang là một trong những vấn đề sức khỏe mãn tính và phổ biến trên thế giới và tại Việt Nam. Nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, tình trạng đường huyết tăng cao kéo dài có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe tổng thể. Theo thời gian, bệnh tiểu đường có thể dẫn đến mù lòa, đột quỵ, suy tim, nhồi máu cơ tim, mất chi, ung thư, suy thận và giảm tuổi thọ.

 

Bệnh tiểu đường thường không có dấu hiệu hoặc dấu hiệu rất mờ nhạt ở giai đoạn khởi phát. Vì vậy, khả năng nhận biết và quản lý các yếu tố nguy cơ mắc bện là cơ hội để bạn và người thân trong gia đình tránh được nguy cơ mắc bệnh cũng như kiểm soát được các biến chứng do bệnh tiểu đường gây ra. Bạn nên thực hiện các bước thay đổi lối sống và chế độ ăn uống để ngăn ngừa và làm chậm các tác dụng tiêu cực, ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể ngay khi biết về nguy cơ mắc bệnh tiểu đường của bạn. 

 

Bạn có thể tham khảo các gói khám tầm soát sức khỏe đang được triển khai tại Khoa Khám bệnh Bệnh viện An Sinh:

 

Bệnh viện An Sinh

Sức khỏe và hạnh phúc của gia đình bạn

* Thông tin tham khảo không thay thế việc thăm khám và tư vấn bác sĩ

 

Bệnh viện An Sinh đã triển khai Bệnh án điện tử ngoại trú (EMR) là một trong những nỗ lực nâng tầm chất lượng dịch vụ và phục vụ, mang đến trải nghiệm tiện ích công nghệ khi đi khám bệnh với ưu điểm giúp bạn chủ động quản lý hồ sơ thông tin sức khỏe, tiết kiệm thời gian và chi phí khám chữa bệnh.  

 

 

 

 

Các tin tức khác:
[Trở về]