Kiến thức y học

Bệnh lý viêm xoang

Cập nhật lúc: 8:29:30 SA - 16/07/2024

Viêm xoang là tình trạng viêm hoặc sưng mô niêm mạc lót trong xoang. Xoang là cấu trúc bên trong khuôn mặt của bạn, thường chứa đầy không khí. Viêm nhiễm do vi trùng, vi rút và dị ứng có thể gây kích ứng xoang, khiến xoang bị tắc nghẽn và chứa đầy chất nhầy. Điều này có thể gây tăng áp lực và đau ở mặt, nghẹt mũi và các triệu chứng khác.

 



 

Viêm xoang là tình trạng viêm hoặc sưng mô niêm mạc lót trong xoang. Xoang là cấu trúc bên trong khuôn mặt của bạn, thường chứa đầy không khí. Viêm nhiễm do vi trùng, vi rút và dị ứng có thể gây kích ứng xoang, khiến xoang bị tắc nghẽn và chứa đầy chất nhầy. Điều này có thể gây tăng áp lực và đau ở mặt, nghẹt mũi và các triệu chứng khác. 

Viêm xoang đôi khi còn được gọi là viêm mũi xoang.

 

Xoang là gì? 

Xoang là bốn khoang đôi (khoảng trống) trong đầu bạn. Chúng có các đường dẫn hẹp và lổ thông kết nối chúng lại với nhau. Xoang tạo ra chất nhầy chảy ra khỏi các đường dẫn trong mũi của bạn. Hệ thống dẫn lưu này giúp mũi của bạn sạch sẽ và không có vi khuẩn, chất gây dị ứng và các mầm bệnh khác.

 

Các loại viêm xoang. 

Phân loại viêm xoang dựa trên thời gian mắc bệnh (cấp tính, bán cấp, mãn tính hoặc tái phát) và nguyên nhân gây bệnh do: vi khuẩn, vi-rút hay nấm. 

Viêm xoang cấp tính, bán cấp, mãn tính và tái phát. 

  • Các triệu chứng viêm xoang cấp tính: nghẹt mũi, chảy dịch mũi, đau căng nặng ở mặt và giảm khứu giác kéo dài dưới bốn tuần. Bệnh thường do vi-rút gây ra như cảm lạnh thông thường.
  • Các triệu chứng của viêm xoang bán cấp kéo dài từ 4 đến 12 tuần.
  • Các triệu chứng viêm xoang mạn tính kéo dài ít nhất 12 tuần. Nguyên nhân thường là do vi khuẩn.
  • Các triệu chứng viêm xoang cấp tính tái phát bốn lần trở lên trong một năm và mỗi lần kéo dài dưới hai tuần. 

Viêm xoang do vi khuẩn và vi-rút. 

Virus, giống như nguyên nhân cảm lạnh thông thường, gây ra hầu hết các trường hợp viêm xoang. Vi khuẩn có thể gây viêm xoang hoặc chúng có thể bội nhiễm sau khi viêm xoang do virus. Nếu bạn bị sổ mũi, nghẹt mũi và đau mặt không khỏi sau mười ngày, bạn có thể bị viêm xoang do vi khuẩn. Các triệu chứng của bạn có vẻ cải thiện nhưng sau đó lại quay trở lại và tệ hơn các triệu chứng ban đầu. Thuốc kháng sinh và thuốc chống nghẹt mũi có hiệu quả tốt đối với viêm xoang do vi khuẩn. 

Viêm xoang do nấm. 

Thường nghiêm trọng hơn các dạng viêm xoang khác. Chúng có nhiều khả năng xảy ra nếu bạn có hệ miễn dịch suy yếu. 

 

Làm sao để biết tôi bị viêm xoang, cảm lạnh hay dị ứng? 

Cảm lạnh, dị ứng và nhiễm trùng xoang đều có các triệu chứng tương tự nhau. Có thể khó để phân biệt chúng. Cảm lạnh thường xuất hiện triệu chứng bệnh, đạt đỉnh và từ từ hết triệu chứng bệnh. Nó kéo dài từ vài ngày đến một tuần. Dị ứng mũi gây ra hắt hơi, ngứa mũi và mắt, nghẹt mũi, chảy nước mũi. Chúng thường không gây đau mặt như nhiễm trùng xoang. Cảm lạnh, hoặc dị ứng đều có thể gây nhiễm trùng xoang.

 

Các triệu chứng của viêm xoang là gì? 

Các triệu chứng phổ biến của nhiễm trùng xoang bao gồm: 

  • Chảy dịch mũi sau xuống họng
  • Chảy nước mũi kèm theo chất nhầy đặc màu vàng hoặc xanh lá cây
  • Nghẹt mũi
  • Đau hay căng nặng vùng mặt (đặc biệt là xung quanh mũi, mắt và trán). Tình trạng này có thể trở nên tệ hơn khi bạn xoay đầu hoặc cúi xuống
  • Cảm giác đau ở răng
  • Đau, ù ở tai
  • Sốt
  • Hôi miệng hoặc có vị khó chịu trong miệng
  • Ho
  • Đau đầu
  • Mệt mỏi

 

Những yếu tố nguy cơ gây viêm xoang là gì? 

Một số người có khả năng bị viêm xoang cao hơn những người khác. Các yếu tố nguy cơ bao gồm:

  • Dị ứng mũi.
  • Bệnh hen suyễn.
  • Polype mũi (giống khối u).
  • Vẹo vách ngăn mũi. Vách ngăn là vách xương và sụn phân chia mũi của bạn ra 2 bên. Vách ngăn vẹo, làm hẹp hốc mũi một bên đó. Điều này có thể gây tắc nghẽn.
  • Hệ thống miễn dịch suy yếu.
  • Hút thuốc.

 

Viêm xoang có lây không? 

Viêm xoang tự nó không lây nhiễm. Nhưng nếu nguyên nhân do vi-rút và vi khuẩn có thể lây nhiễm. Hãy nhớ thực hiện các biện pháp rửa tay đúng cách, giữ khoảng cách với người khác, nếu bạn bị bệnh, hắt hơi hoặc ho vào khuỷu tay.

 

Điều gì xảy ra nếu viêm xoang không được điều trị? 

Viêm xoang do vi-rút hay cảm lạnh bệnh thường tự khỏi. Rất hiếm khi, nhiễm trùng xoang không được điều trị có thể dẫn đến nhiễm trùng nguy hiểm đến tính mạng. Điều này xảy ra nếu vi khuẩn hoặc nấm lan đến não, mắt hoặc xương gần đó.

 

Viêm xoang được chẩn đoán như thế nào? 

Các bác sỹ chẩn đoán viêm xoang dựa trên các triệu chứng và tiền sử bệnh của bạn. Bác sỹ sẽ kiểm tra tai, mũi và họng của bạn xem có bị sưng, chảy dịch hay tắc nghẽn không. Bác sỹ có thể sử dụng ống nội soi (một dụng cụ nhỏ, có đèn) để nhìn vào bên trong mũi của bạn.

 

Các xét nghiệm cụ thể để chẩn đoán viêm xoang. 

Các xét nghiệm cụ thể mà bác sĩ có thể yêu cầu để chẩn đoán nhiễm trùng xoang bao gồm: 

Nội soi tai mũi họng.

Phết dịch mũi: lấy mẫu dịch từ mũi của bạn để xét nghiệm xem có vi-rút hoặc vi khuẩn khác có thể gây ra các triệu chứng của bạn không.

Chụp CT Scan xoang: Trong một số trường hợp nặng, bác sĩ có thể yêu cầu CT Scan xoang để hiểu rõ hơn tình trạng bên trong xoang của bạn.

Xét nghiệm dị ứng: Nếu bạn bị viêm xoang mãn tính, bác sĩ có thể xét nghiệm các dị ứng có thể gây ra bệnh.

Sinh thiết: Trong một số trường hợp polyp mũi xoang, bác sĩ có thể lấy mẫu mô từ polyp mũi của bạn để làm xét nghiệm giải phẫu bệnh.

 

Viêm xoang được điều trị như thế nào? 

Có nhiều phương pháp điều trị viêm xoang, tùy thuộc vào các triệu chứng của bạn và thời gian bạn bị. Bạn có thể điều trị nhiễm trùng xoang tại nhà như:

  • Thuốc chống nghẹt mũi.
  • Thuốc cảm lạnh và dị ứng không kê đơn.
  • Rửa mũi bằng nước muối sinh lý.
  • Uống nhiều nước. 

Nếu các triệu chứng viêm xoang không cải thiện sau 7 đến 10 ngày, nên đi khám và bác sĩ có thể kê đơn:

  • Thuốc kháng sinh.
  • Thuốc chống nghẹt mũi.
  • Thuốc kháng histamin, kháng leukotrience.
  • Thuốc steroid, kháng histamin dạng xịt tại chổ.
  • Thuốc kháng histamin dạng tại chỗ.

Phẫu thuật để điều trị các vấn đề về cấu trúc giải phẫu: bít tắc lổ thông xoang, vẹo vách ngăn, bóng khí trong cuốn mũi, polyp hoặc nhiễm nấm ...

 

Viêm xoang có thể phòng ngừa được không? 

Tùy thuộc vào nguyên nhân, có một số cách giúp giảm nguy cơ mắc bệnh nhiễm trùng xoang, bao gồm: 

  • Rửa mũi bằng nước muối theo chỉ dẫn của bác sĩ.
  • Thực hiện các biện pháp phòng ngừa dị ứng. Bao gồm dùng thuốc, tiêm thuốc dị ứng và tránh các tác nhân gây dị ứng đã biết (như bụi, phấn hoa hoặc khói).
  • Sử dụng thuốc xịt mũi có chứa steroid nếu bác sĩ khuyên dùng.
  • Hình thành thói quen rửa tay đúng cách và các thói quen khác giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm.
  • Tránh khói thuốc.

 

Thái độ và quyết định của bạn như thế nào khi bị viêm xoang. 

Viêm xoang thường chỉ kéo dài từ 7 đến 10 ngày. Bạn thường có thể điều trị bằng thuốc không kê đơn và các phương pháp điều trị tại nhà. Nếu bạn bị viêm xoang mãn tính hoặc nếu nó cứ tái phát, có thể có những nguyên nhân tiềm ẩn mà bạn cần phải đi khám Bác sỹ để điều trị. 

 

Khi nào bạn nên đi khám bác sĩ vì viêm xoang? 

Bạn thường có thể tự chăm sóc tình trạng bệnh viêm xoang. Nhưng nếu bạn vẫn có các triệu chứng khiến bạn lo lắng hoặc nếu bạn bị nhiễm trùng nhiều lần, hãy đến bệnh viện để được thăm khám và trao đổi với bác sĩ. Bác sỹ có thể giúp bạn hiểu các bước tiếp theo của mình.

 

Một lưu ý: 

Nhiễm trùng xoang là phổ biến và thường không nghiêm trọng. Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng này, bao gồm vi-rút và vi khuẩn, polyp mũi hoặc dị ứng. Bạn thường có thể tự chăm sóc tại nhà bằng cách nghỉ ngơi, dùng các thuốc cảm không kê đơn và uống nhiều nước. Hãy liên hệ với bác sĩ nếu các triệu chứng của bạn không cải thiện, nếu viêm xoang xảy ra thường xuyên hoặc nếu bạn có bất kỳ triệu chứng nào khiến bạn lo lắng.

 

Bài viết của BS CKII Võ Thanh Tâm, Trưởng khoa Tai mũi họng

 

Bệnh viện An Sinh

Sức khỏe và hạnh phúc của gia đình bạn 

 

Bệnh viện An Sinh đã triển khai Bệnh án điện tử ngoại trú (EMR) là một trong những nỗ lực nâng tầm chất lượng dịch vụ và phục vụ, mang đến trải nghiệm tiện ích công nghệ khi đi khám bệnh với ưu điểm giúp bạn chủ động quản lý hồ sơ thông tin sức khỏe, tiết kiệm thời gian và chi phí khám chữa bệnh.

 

  

Các tin tức khác:
[Trở về]