Kiến thức y học

Chuyên mục “Bạn hỏi Bác sĩ trả lời” số 21 với chủ đề “Dấu hiệu cần thăm khám tim mạch”

Cập nhật lúc: 3:52:01 CH - 05/07/2024

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo bệnh tim mạch là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên toàn thế giới, số người tử vong vì bệnh tim mạch hàng năm nhiều hơn tất cả các bệnh lý khác, kể cả ung thư. Bệnh tim mạch là bệnh lý nguy hiểm vì có thể gây tử vong nhanh chóng hoặc để lại di chứng nặng nề không thể hồi phục nếu không được cấp cứu và điều trị kịp thời.

 



 

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo bệnh tim mạch là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên toàn thế giới, số người tử vong vì bệnh tim mạch hàng năm nhiều hơn tất cả các bệnh lý khác, kể cả ung thư.

 

Các bác sĩ, chuyên gia tim mạch cho rằng người trẻ mắc bệnh tim mạch ngày càng phổ biến, chủ yếu do lối sống công nghệ và công nghiệp hóa, vận động thể lực hạn chế, tiêu thụ nhiều rượu bia, hút nhiều thuốc lá, ưa dùng loại nước uống tăng lực, nước ngọt, nước có gas, thức ăn nhanh và thực phẩm chế biến sẵn, thói quen dùng đạm động vật nhiều hơn đạm thực vật.

 

Bệnh tim mạch là bệnh lý nguy hiểm vì có thể gây tử vong nhanh chóng hoặc để lại di chứng nặng nề không thể hồi phục nếu không được cấp cứu và điều trị kịp thời. Thực tế cho thấy người trẻ tử vong do biến chứng tim mạch dẫn đến đột quỵ, nhồi máu cơ tim.

 

Sự nguy hiểm của bệnh tim mạch còn do đặc điểm diễn biến thầm lặng, dấu hiệu cảnh báo mờ nhạt, thoáng qua, khó nhận biết và dễ gây nhầm lẫn với bệnh lý khác. Hầu hết thường được bác sĩ phát hiện tình cờ khi đi khám sức khỏe hoặc đi khám khi bệnh đã tiến triển nghiêm trọng. Cũng có người bệnh đã được bác sĩ cảnh báo các yếu tố nguy cơ nhưng do người bệnh chủ quan, bỏ qua việc thăm khám để được bác sĩ theo dõi tình trạng bệnh dẫn đến hậu quả đáng tiếc.

 

Khám tầm soát bệnh tim mạch là cách phòng ngừa bệnh tim mạch thực sự quan trọng và cần thiết. Phòng bệnh tim mạch không chỉ phòng bệnh tim mạch mà còn ngừa nguy cơ biến chứng bệnh tim mạch lâu dài. Nếu phải điều trị nội khoa hoặc can thiệp giúp tăng khả năng hồi phục và điều trị thành công, không ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống.

 

Trong chuyên mục “Bạn hỏi Bác sĩ trả lời” tuần này với chủ đề “Dấu hiệu cần thăm khám tim mạch” như một lời nhắc. Bạn hãy luôn lắng nghe tiếng nói của trái tim, dành nhiều thời gian cho việc tìm hiểu kiến thức về chăm sóc sức khỏe tim mạch của bạn và gia đình bạn.

 

Dấu hiệu bạn cần khám tim mạch ngay?

  • Khó thở đột ngột, khó thở khi nằm nghỉ, phải ngồi dậy để thở, khó thở về đêm hoặc sau gắng sức. Dấu hiệu mờ nhạt nhưng nguy hiểm đến tính mạng.
  • Đau thắt ngực, đau vùng tim do giảm hoặc tắc nghẽn dòng máu mang oxy tới cơ tim, thường gặp là hẹp mạch vành. Cơn đau nhẹ, thoáng qua rất dễ bị bỏ qua.
  • Đánh trống ngực, hồi hộp gây cảm giác tim đập thình thịch hoặc đập dồn dập trong lồng ngực, có thể là dấu hiệu nhồi máu cơ tim hay rối loạn nhịp tim.
  • Phù chân, vị trí mắt cá chân do ứ nước, dịch trong cơ thể, phù do bệnh tim mạch thường là phù tím.
  • Chóng mặt vào sáng sớm ngủ dậy hoặc có ngất do hạ huyết áp tư thế đứng, phản ứng phụ của thuốc điều trị, rối loạn tiền đình ốc tai, dẫn đến mất cân bằng tư thế.
  • Da và niêm mạc tím tái tình trạng thiếu máu, dẫn đến thiếu oxy, da trở nên xanh tím, tái đi, lúc đầu xanh tím ở môi, móng tay, móng chân, sau đó toàn thân.
  • Bệnh tim mạch còn có thể có những biểu hiện không liên quan gì đến tim mạch.

 

Yếu tố nguy cơ dẫn đến bệnh tim mạch?

Bệnh tim mạch là các bệnh lý liên quan đến tim và mạch máu:

  • Bệnh lý liên quan đến mạch máu: hẹp và tắc mạch máu gây bệnh động mạch vành, xơ vữa động mạch vành, bệnh động mạch ngoại biên, bệnh mạch máu não… dẫn đến nhồi máu cơ tim, nhồi máu não, đột quỵ tim, đột quỵ não.
  • Bệnh lý liên quan đến tim: ảnh hưởng trực tiếp đến cơ, van tim, rối loạn nhịp tim gây bệnh hở van tim, bệnh thấp tim, bệnh cơ tim…

Yếu tố gây hại và làm tăng nguy cơ tiến triển bệnh tim mạch:

  • Thói quen lối sống và ăn uống thiếu lành mạnh: thức khuya, mất ngủ, căng thẳng, hút thuốc lá, uống bia rượu, ít vận động, thường xuyên sử dụng thức ăn nhanh và thực phẩm chế biến sẵn.
  • Bệnh sử bản thân mắc bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu, thừa cân béo phì, tiền sản giật thai kỳ.
  • Bệnh sử gia đình có người thân mắc bệnh tim mạch.

 

Khám tầm soát bệnh tim mạch thực hiện thế nào?

Tại bệnh viện An Sinh, bác sĩ chuyên khoa tim mạch thăm khám và chỉ định tầm soát bệnh tim mạch dựa vào tình trạng sức khỏe hiện có, mức độ và tần xuất triệu chứng xuất hiện, bệnh sử bản thân và gia đình đã có… Khám tầm soát bệnh tim mạch thường gồm:

- Khám lâm sàng, đo huyết áp, chiều cao và cân nặng, tư vấn bệnh tim mạch.

- Cận lâm sàng

·   Đo điện tim cơ bản (ECG), điện tim gắng sức, holter điện tim 24 giờ.

·   Xét nghiệm máu, kiểm tra các chức năng tim, mỡ máu, gan, thận.

·   Chẩn đoán hình ảnh, siêu âm tổng quát, siêu âm tim, siêu âm động mạch cảnh, chụp x-quang tim phổi.

Sau khi có kết quả, bạn trở lại phòng khám để được bác sĩ giải thích kết quả khám và hướng điều trị nếu có. 

* Bạn có thể tham khảo các gói khám tầm soát sức khỏe đang được triển khai tại Khoa Khám bệnh Bệnh viện An Sinh 

 

Những điều cần chuẩn bị trước khi khám tầm soát bệnh tim mạch?

Trước ngày khám:

·         Bữa tối nên ăn trước 7 giờ, sau đó nhịn ăn và các loại thức uống có màu cho đến khi khám xong, có thể uống nước tinh khiết.

·         Ngủ đủ và ngon giấc đêm trước ngày khám, ít nhất là 6 tiếng.

·         Mặc quần áo phù hợp, thuận tiện cho việc thăm khám và thực hiện cận lâm sàng.

·         Mang theo tất cả kết quả khám và đơn thuốc nếu có. Nếu từng khám bệnh tại Bệnh viện An Sinh có thể truy cập vào hồ sơ bệnh án điện tử ngoại trú (EMR) ngay trên điện thoại di động có kết nối internet (wifi, 3G, 4G…)

Trong ngày khám:

·         Giữ tinh thần thoải mái, tránh lo lắng, hồi hộp có thể ảnh hưởng đến huyết áp, nhịp tim.

·         Nên nói với bác sĩ tình trạng sức khỏe, triệu chứng gần đây, bệnh sử bản thân và gia đình đã có.

·         Cần thông báo cho nhân viên y tế thực hiện chụp X-quang, CT scan, MRI nếu nghi ngờ hoặc đang mang thai.

 

Bí quyết để luôn duy trì trái tim khỏe mạnh?

Trái tim có kích thước tuy nhỏ bé nhưng nắm giữ vai trò quan trọng đối với sự sống. Cơ quan làm việc chăm chỉ nhất, hoạt động cả ngày lẫn đêm không ngừng nghỉ để duy trì những nhịp đập đều đặn, bơm đủ lượng máu giàu oxy và dưỡng chất đi nuôi mọi tế bào, mô, cơ trong cơ thể. Sức khỏe tim mạch suy giảm tự nhiên theo tuổi tác như một điều tất yếu, tuy nhiên, cách đơn giản để bảo vệ hệ tim mạch luôn khỏe mạnh và hạnh phúc là tăng yếu tố có lợi và giảm yếu tố gây hại.

 

Yếu tố có lợi cho sức khỏe tim mạch:

·         Dinh dưỡng cân bằng các nhóm chất thiết yếu, tốt cho sức khỏe tim mạch

·         Dành thời gian cho sở thích cá nhân, hoạt động yêu thích

·         Vận động thể chất vừa sức 30 phút mỗi ngày, 150 phút mỗi tuần

·         Chăm sóc chất lượng giấc ngủ, ngủ ngon và đủ giấc từ 7 - 8 tiếng mỗi đêm

·         Tuân thủ điều trị của bác sĩ để kiểm soát tốt các bệnh mạn tính phổ biến

·         Khám sức khỏe tổng quát định kỳ mỗi 6 tháng hoặc 12 tháng

 

Khi có một trái tim khỏe mạnh bạn sẽ có một cơ thể khỏe mạnh toàn diện cả thể chất và tinh thần.

 

Nếu bạn có câu hỏi, thắc mắc về các vấn đề sức khỏe hãy gửi về cho chúng tôi qua:

Chuyên mục “Bạn hỏi Bác sĩ trả lời” được chúng tôi chọn lọc từ các câu hỏi, thắc mắc của bạn. Mong muốn mang đến cho bạn những kiến thức y học cơ bản, dễ dàng ghi nhớ và có thể ứng dụng ngay vào thực tế cuộc sống hàng ngày.

 

Chúc gia đình bạn sức khỏe và hạnh phúc. 

 

Bệnh viện An Sinh

Sức khỏe và hạnh phúc của gia đình bạn

 

 

Bệnh viện An Sinh đã triển khai Bệnh án điện tử ngoại trú (EMR) là một trong những nỗ lực nâng tầm chất lượng dịch vụ và phục vụ, mang đến trải nghiệm tiện ích công nghệ khi đi khám bệnh với ưu điểm giúp bạn chủ động quản lý hồ sơ thông tin sức khỏe, tiết kiệm thời gian và chi phí khám chữa bệnh.

 

 

 

  

Các tin tức khác:
[Trở về]