Kiến thức y học

Chuyên mục “Bạn hỏi Bác sĩ trả lời” số 20 với chủ đề “Bệnh thần kinh”

Cập nhật lúc: 3:48:57 CH - 03/07/2024

Bệnh thần kinh là bệnh lý nguy hiểm cùng với đột quỵ, nhồi máu cơ tim. Bệnh thần kinh không chỉ tác động tiêu cực đến sức khỏe tinh thần mà còn lấy đi hàng triệu sinh mạng mỗi năm. Các rối loạn thần kinh ảnh hưởng đến não, tủy sống và dây thần kinh. Triệu chứng rối loạn thần kinh có thể ảnh hưởng một phần hoặc toàn bộ hệ thần kinh. Triệu chứng rất đa dạng từ đau đầu, đau lưng, đau cơ đến rối loạn thị giác, vị giác, khứu giác và thính giác.

 



 

Bệnh thần kinh là bệnh lý nguy hiểm cùng với đột quỵ, nhồi máu cơ tim. Bệnh thần kinh không chỉ tác động tiêu cực đến sức khỏe tinh thần mà còn lấy đi hàng triệu sinh mạng mỗi năm.

Hệ thần kinh trong cơ thể người gồm có:

  • Hệ thần kinh trung ương gồm não, tủy sống
  • Hệ thần kinh ngoại vi gồm hạch thần kinh, dây thần kinh 

Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm trên thế giới có khoảng 6,2 triệu người tử vong liên quan đến đột quỵ; hơn 50 triệu người mắc bệnh động kinh; khoảng 35,5 triệu người mắc phải hội chứng sa sút trí tuệ, phổ biến là bệnh Alzheimer; khoảng 6,3 triệu người mắc bệnh Parkinson; khoảng 10% mắc hội chứng đau nửa đầu migraine.

 

Có hàng trăm bệnh lý thần kinh khác nhau, chủ yếu được điều khiển và kiểm soát bởi 3 dây thần kinh gồm:

Thần kinh tự chủ, có chức năng kiểm soát các hoạt động của cơ thể bao gồm nhịp tim, huyết áp, tiêu hóa và nhiệt độ cơ thể. Truyền thông tin về cơ thể và môi trường đến mạch máu, dạ dày, ruột, gan, thận và bàng quang. Chúng hoạt động không cần nỗ lực ý thức của con người.

Thần kinh vận động, có tác dụng kiểm soát các chuyển động và hành động bằng cách truyền thông tin từ não và tủy sống đến các cơ. Nếu dây thần kinh vận động bị tổn thương, các cơ có thể bị yếu đi hoặc bị liệt.

Thần kinh cảm giác, có vai trò chuyển thông tin từ da và cơ trở lại tủy sống và não. Nếu dây thần kinh cảm giác bị tổn thương, cơ thể không cảm nhận được, thị giác hoặc các giác quan khác suy giảm, thậm chí mất cảm giác.  

Các rối loạn thần kinh ảnh hưởng đến não, tủy sống và dây thần kinh. Triệu chứng rối loạn thần kinh có thể ảnh hưởng một phần hoặc toàn bộ hệ thần kinh. Triệu chứng rất đa dạng từ đau đầu, đau lưng, đau cơ đến rối loạn thị giác, vị giác, khứu giác và thính giác. Mức độ ảnh hưởng khác nhau vì hệ thần kinh kiểm soát nhiều chức năng khác nhau trong cơ thể. Mức độ nhẹ gây ra mệt mỏi, mức độ nặng có thể đe dọa tính mạng dẫn đến đột quỵ, nhồi máu não, nhồi máu cơ tim, đột quỵ tim. 

Trong chuyên mục “Bạn hỏi Bác sĩ trả lời” tuần này với chủ đề “Bệnh thần kinh”, Tiến sĩ Bác sĩ Bạch Thanh Thủy, Khoa Khám bệnh Bệnh viện An Sinh sẽ cung cấp cho bạn đọc những kiến thức nền tảng về hệ thần kinh và các vấn đề sức khỏe liên quan. 

 

Bệnh thần kinh là gì? 

Bệnh thần kinh, còn gọi là rối loạn thần kinh, là tình trạng sức khỏe ảnh hưởng đến hệ thống thần kinh bao gồm các dây thần kinh, não và các rễ, đám rối, dây thần kinh. Hệ thần kinh điều khiển và kiểm soát tất cả các chức năng của cơ thể, bất kỳ sự tổn thương hay bất thường nào ở hệ thần kinh cũng dẫn đến triệu chứng ở các bộ phận khác nhau của cơ thể. Yếu tố tâm lý cũng dẫn đến các bệnh thần kinh vì tâm lý thần kinh tác động đến suy nghĩ, hành động, cảm nhận, cách chúng ta cư xử với bản thân, mọi người xung quanh và các sự việc trong cuộc sống hàng ngày.

 

Triệu chứng bệnh thần kinh thường gặp?

Cơ thể có thể xuất hiện nhiều triệu chứng khác nhau khi hệ thần kinh có diễn biến bất ổn, dấu hiệu thường gặp có thể kể đến là:

  • Đau đầu, đau lưng, đau cổ hoặc dọc theo dây thần kinh
  • Tê bì tay chân, yếu cơ, khó vận động
  • Có vấn đề về thăng bằng hoặc phối hợp cử động
  • Thay đổi bất kỳ giác quan nào (thính giác, thị giác, vị giác, khứu giác và xúc giác)
  • Thị lực giảm, nhìn mờ
  • Suy giảm trí nhớ, nhận thức, nhầm lẫn, lúc nhớ lúc quên
  • Thay đổi cảm xúc, tính tình, tích cách

 

Nguyên nhân gây ra bệnh thần kinh?

Tổn thương hệ thần kinh do hậu quả của quá trình lão hóa tự nhiên theo tuổi tác, cũng có thể do bệnh lý, chấn thương, tác dụng phụ của thuốc hoặc các phương pháp điều trị khác. Nguyên nhân bệnh thần kinh thường gặp:

  • Tuổi tác, dễ mắc từ 55 tuổi trở lên
  • Bệnh tự miễn gồm đa xơ cứng, suy nhược cơ, lupus, viêm ruột
  • Bệnh ung thư cũng như điều trị bệnh ung thư, hóa trị và xạ trị
  • Bệnh tiểu đường, biến chứng bệnh tiểu đường
  • Tác dụng phụ của một số loại thuốc điều trị
  • Cơ thể hấp thụ độc tố qua thực phẩm có hóa chất hoặc lượng thủy ngân cao
  • Thiếu hụt chất dinh dưỡng gồm vitamin B6, vitamin B12
  • Bệnh lý xương khớp, chấn thương do chơi thể thao
  • Bệnh truyền nhiễm như vi-rút herpes (HPV), viêm gan siêu vi B, C

 

Làm thế nào để có một hệ thần kinh khỏe mạnh?

Có kiến thức cơ bản về bệnh thần kinh giúp chủ động phòng tránh các yếu tố nguy cơ tác động đến hệ thần kinh trước khi gây ra những triệu chứng nguy hiểm.

- Duy trì chế độ ăn uống lành mạnh, tăng các dưỡng chất tốt cho sức khỏe não gồm chất béo (axít omega-3), chất bột đường (glucose), chất đạm (protein nạc), chất xơ các loại rau lá xanh đậm, sắt, kẽm, vitamin và khoáng chất…

- Tập thể dục cho não, luyện tập thói quen ghi nhớ hàng ngày vừa ngăn ngừa nguy cơ lão hóa vừa tăng khả năng tập trung và tư duy nhạy bén.

- Giấc ngủ rất quan trọng với hệ thần kinh, thiếu ngủ mạn tính gây ra các rối loạn tâm thần phổ biến như căng thẳng, trầm cảm.

- Vận động thể chất luôn cần thiết cho hệ thần kinh, tim mạch mà còn tăng sức bền, sức đề kháng cho cơ thể chống lại bệnh tật.

- Bia rượu, thuốc lá là thủ phạm tàn phá não bộ và cơ thể một cách âm thầm. Nên bỏ hút thuốc lá, có thể thay thế rượu vang dùng từ 1 – 2 ly mỗi ngày.

- Phân bổ thời gian làm việc và nghỉ ngơi hợp lý vì áp lực không kiểm soát sẽ gây ra hàng loạt các vấn đề cho hệ thần kinh.

- Nếu môi trường làm việc ô nhiễm, thường xuyên tiếp xúc với các loại hóa chất độc hại cần có bảo hộ lao động phù hợp.

- Chăm sóc tốt sức khỏe tim mạch vì tim mạch và não bộ là đôi bạn thân thiết với nhau, một trái tim khỏe mạnh khi còn trẻ là nền tảng cho một trí não khỏe mạnh khi về già.

 

Khám sức khỏe tổng quát định kỳ có phát hiện được bệnh thần kinh?

Khám sức khỏe tổng quát định kỳ cần duy trì đều đặn mỗi 6 tháng hoặc 12 tháng giúp tầm soát phát hiện sớm các bệnh lý tim mạch, tăng huyết áp, đái tháo đường, đột quỵ, nhồi máu cơ tim, ung thư… Đây là yếu tố bệnh lý có tác động trực tiếp đến hệ thần kinh. Bác sĩ nội tổng quát có thể đánh giá sơ bộ tình trạng sức khỏe tâm thần dựa vào kết quả khám sức khỏe, mức độ triệu chứng và bệnh sử được cung cấp. Bạn được bác sĩ cho chỉ định thực hiện thêm các xét nghiệm chẩn đoán chuyên sâu phục vụ chẩn đoán chính xác và có biện pháp điều trị đúng, hiệu quả hoặc bạn được giới thiệu khám với bác sĩ chuyên khoa nội thần kinh. Bệnh thần kinh diễn biến âm thầm có thể gây tổn thương cho các chức năng quan trọng theo thời gian. Chủ động thăm khám phát hiện sớm và điều trị kịp thời giúp giảm tối đa nguy cơ biến chứng nghiêm trọng để duy trì hệ thần kinh khỏe mạnh.

 

 

Nếu bạn có câu hỏi, thắc mắc về các vấn đề sức khỏe hãy gửi về cho chúng tôi qua:

Chuyên mục “Bạn hỏi Bác sĩ trả lời” được chúng tôi chọn lọc từ các câu hỏi, thắc mắc của bạn. Mong muốn mang đến cho bạn những kiến thức y học cơ bản, dễ dàng ghi nhớ và có thể ứng dụng ngay vào thực tế cuộc sống hàng ngày.

 

Chúc gia đình bạn sức khỏe và hạnh phúc.

 

 

Bệnh viện An Sinh

Sức khỏe và hạnh phúc của gia đình bạn

 

 

Bệnh viện An Sinh đã triển khai Bệnh án điện tử ngoại trú (EMR) là một trong những nỗ lực nâng tầm chất lượng dịch vụ và phục vụ, mang đến trải nghiệm tiện ích công nghệ khi đi khám bệnh với ưu điểm giúp bạn chủ động quản lý hồ sơ thông tin sức khỏe, tiết kiệm thời gian và chi phí khám chữa bệnh.

 

 

  

Các tin tức khác:
[Trở về]