Các nhà khoa học đã xác định cơ thể người có hơn 50 loại hormone. Hệ nội tiết bao gồm các tuyến nội tiết khác nhau, có chức năng sản sinh ra các hormone để kiểm soát phần lớn các hoạt động quan trọng khắp cơ thể. Hệ nội tiết tố tham gia vào quá trình trao đổi chất, cân bằng nội môi, tăng trưởng, phát triển, tâm sinh lý, sinh sản, chu kỳ giấc ngủ.
Hormone (Nội tiết) là một chất hóa học được tiết ra bởi một hoặc nhiều tế bào, đi vào máu và tác động lên các tế bào của các cơ quan khác nhau bên trong cơ thể. Chỉ một lượng nhỏ nội tiết tố được dùng trong quá trình trao đổi chất của tế bào. Nội tiết là những “sứ giả” hóa học truyền các tín hiệu từ tế bào này đến tế bào khác
Trong cơ thể phụ nữ, estrogen là nội tiết tố nữ được sản xuất bởi buồng trứng. Có vai trò quan trọng với sự phát triển và sinh sản gồm tuổi dậy thì, chu kỳ kinh nguyệt, mang thai, mãn kinh. Estrogen cũng ảnh hưởng tới chức năng não bộ, tim mạch, cơ xương, tóc, da, tiết niệu. Cùng với estrogen, progesterone cũng là nội tiết nữ được xuất chủ yếu ở buồng trứng sau khi rụng trứng xảy ra. Đây là nội tiết quan trọng trong việc duy trì chu kỳ kinh nguyệt và chuẩn bị cho quá trình mang thai ở phụ nữ.
Sự thay đổi nội tiết có thể diễn ra liên tục trong cuộc đời phụ nữ. Thời điểm cơ thể thay đổi nội tiết rõ ràng nhất là trước và trong chu kỳ kinh, thời kỳ mang thai và sau sinh, thời kỳ tiền mãn kinh và mãn kinh.
Khi các tuyến nội tiết tăng tiết gây ra thừa hoặc giảm tiết gây ra thiếu sẽ dẫn đến tình trạng mất cân bằng nội tiết. Tình trạng này xảy ra chủ yếu do nồng độ estrogen và progesterol thay đổi bất thường. Nếu tình trạng này kéo dài sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe phụ nữ, tác động xấu từ chức năng sinh lý đến quá trình trao đổi chất.
Trong chuyên mục “Bạn hỏi Bác sĩ trả lời” với chủ đề “Duy trì và cân bằng nội tiết tố nữ”, Thạc sĩ Bác sĩ Đinh Văn Phương, Trưởng khoa Phụ Sản Bệnh viện An Sinh sẽ mang đến cho bạn đọc những kiến thức y học thường thức để giúp phụ nữ biết các yêu thương và chăm sóc sức khỏe cho bản thân đúng cách và khoa học.
Mời bạn bấm vào các hình dưới đây để đọc tiếp nội dung nhé!
Nội tiết tố nữ là gì?
Nội tiết tố nữ (hormone sinh dục nữ) là một nhóm nội tiết, trong đó có 2 nội tiết nữ chính là estrogen và progesterone được sản xuất từ buồng trứng, nhau thai và một ít từ các cơ quan khác. Nội tiết nữ giúp phụ nữ sở hữu những đặc điểm khác biệt so với nam giới như sự nữ tính, duyên dáng, nhẹ nhàng. Estrogen đóng vai trò quan trọng với sức khỏe phụ nữ, giúp kiểm soát chu kỳ kinh ở tuổi dậy thì, hỗ trợ phát triển thai nhi trong thai kỳ, giúp ổn định đường huyết và ngăn ngừa bệnh tim mạch ở giai đoạn mãn kinh. Progesterone ảnh hưởng chủ yếu đến thai kỳ, góp phần làm dày niêm mạc tử cung để bảo vệ và tạo điều kiện thuận lợi cho bào thai và thai nhi phát triển.
Nguyên nhân dẫn đến mất cân bằng nội tiết?
Khởi nguồn của tình trạng mất cân bằng nội tiết nữ chủ yếu do sự thay đổi nồng độ estrogen và progesterone, có thể do các yếu tố sau đây:
- Tuổi tác, thường gặp ở tuổi dậy thì, phụ nữ tuổi trung niên hoặc có gia đình.
- Dùng thuốc tránh thai nội tiết trong thời gian dài làm tăng progesterone.
- Môi trường sống ô nhiễm, độc hại, khói bụi… cũng gây suy giảm nội tiết.
- Căng thẳng, lo lắng mạn tính, nghiêm trọng hơn có thể gây rối loạn tuyến yên, buồng trứng và trục não bộ.
- Chế độ ăn uống không lành mạnh, thường xuyên dùng thức ăn nhanh, đồ cay nóng, nhiều dầu mỡ hoặc ăn kiêng quá mức không cung cấp đủ dinh dưỡng cho cơ thể.
- Ảnh hưởng sức khỏe thai kỳ, giai đoạn cơ thể phụ nữ trải qua nhiều sự biến độn nội tiết.
- Sự mất cân bằng nội tiết còn do các bệnh lý khác. Bạn nên thăm khám bác sĩ.
Làm sao thế nào để nhận biết mất cân bằng nội tiết tố nữ?
Các triệu chứng mất cân bằng nội tiết tố có thể khác nhau tùy thuộc vào tuyến nội tiết nào bị ảnh hưởng. Dấu hiệu thường gặp là:
- Chu kỳ kinh không đều
- Cảm xúc thay đổi thất thường
- Giảm dịch tiết âm đạo, gây khô, đau rát
- Giảm ham muốn vợ chồng, khó thụ thai, hiếm muộn
- Đau bụng, đau lưng trước hoặc trong chu kỳ kinh
- Rối loạn tiêu hóa, táo bón, tiêu chảy
- Rối loạn giấc ngủ, mất ngủ, khó ngủ
- Tăng cân, giảm cân không rõ nguyên do
Giảm mật độ xương, loãng xương
Tóc dễ gãy rụng, da khô, nổi mụn, sạm nám
Mất cân bằng nội tiết có nguy hiểm không?
Mất cân bằng nội tiết tác động tiêu cực đến sức khỏe tổng thể của nữ giới, cả thể chất lẫn tinh thần.
- Rối loạn chu kỳ kinh: chu kỳ kinh không đều với các triệu chứng như hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS), vô kinh.
- Bệnh tiểu đường: khi tuyến tụy không tạo hoặc cơ thể không sản xuất đủ insulin hoặc không sử dụng insulin đúng cách. Bệnh tiểu đường lâu sẽ năm dẫn đến bệnh tim mạch.
- Bệnh tuyến giáp: suy giáp do nồng độ hormone tuyến giáp thấp, cường giáp do nồng độ hormone tuyến giáp cao.
- Béo phì: các tuyến nội tiết làm thay đổi cách cơ thể tiêu thụ thức ăn và sử dụng năng lượng dẫn đến tăng cân dưới dạng tích trữ chất béo.
- Cơn đau đầu, sương mù trí não khiến não bộ cảm thấy “mơ hồ”, giảm khả năng tập trung và ghi nhớ.
- Rối loạn nội tiết còn liên quan đến một số bệnh ung thư gồm ung thư vú, buồng trứng, tử cung, nội mạc tử cung.
Làm thế nào để duy trì và cân bằng nội tiết nữ?
Lối sống và thói quen lành mạnh sẽ giúp phụ nữ duy trì sức khỏe tốt và tươi trẻ dài lâu. Tuy nhiên cần lưu ý một số điều sau đây:
- Tiêu thụ đủ lượng protein khoảng 15 - 30 gam trong mỗi khẩu phần
- Tránh béo phì, vận động thể chất 30 phút mỗi ngày
- Giữ hệ tiêu hóa, đường ruột khỏe mạnh
- Quản lý căng thẳng, dành thời gian tham gia các hoạt động yêu thích
- Đảm bảo chất lượng giấc ngủ, ngủ đủ 7 tiếng mỗi đêm
- Kiểm soát tốt các bệnh lý mạn tính tăng huyết áp, tim mạch, tiểu đường, rối loạn mỡ máu, tuyến giáp…
Khám tầm soát bệnh lý nội tiết được thực hiện thế nào?
Quá trình chẩn đoán và điều trị bệnh lý nội tiết rất phức tạp. Một số bệnh lý nội tiết có thể phòng ngừa và cải thiện sức khỏe bằng cách thay đổi lối sống, thói quen ăn uống và vận động. Tuy nhiên, một số bệnh lý nội tiết cần điều trị nội khoa sau khi được bác được bác sĩ thăm khám và xác định rõ nguyên nhân. Vì vậy, khám sức khỏe tổng quát định kỳ mỗi 6 tháng hoặc 12 tháng, giúp phát hiện sớm các vấn đề sức khỏe liên quan đến nội tiết để được bác sĩ tư vấn cụ thể và có hướng điều trị kịp thời. Bạn không nên tự ý sử dụng thuốc điều trị nội tiết khi chưa thăm khám và có chỉ định bác sĩ.
Nếu bạn có câu hỏi, thắc mắc về các vấn đề sức khỏe hãy gửi về cho chúng tôi qua:
Email: info@ansinh.com.vn
Fanpage: Bệnh Viện An Sinh
Chuyên mục “Bạn hỏi Bác sĩ trả lời” được chúng tôi chọn lọc từ các câu hỏi, thắc mắc của bạn. Mong muốn mang đến cho bạn những kiến thức y học cơ bản, dễ dàng ghi nhớ và có thể ứng dụng ngay vào thực tế cuộc sống hàng ngày.
Chúc gia đình bạn sức khỏe và hạnh phúc.
Bệnh viện An Sinh
Sức khỏe và hạnh phúc của gia đình bạn
Bệnh viện An Sinh đã triển khai Bệnh án điện tử ngoại trú (EMR) là một trong những nỗ lực nâng tầm chất lượng dịch vụ và phục vụ, mang đến trải nghiệm tiện ích công nghệ khi đi khám bệnh với ưu điểm giúp bạn chủ động quản lý hồ sơ thông tin sức khỏe, tiết kiệm thời gian và chi phí khám chữa bệnh.