Kiến thức y học

Chuyên mục “Bạn hỏi Bác sĩ trả lời” số 17 với chủ đề “Phòng ngừa bệnh tật cho trẻ”

Cập nhật lúc: 2:23:55 CH - 03/07/2024

Ba mẹ nào cũng mong con trẻ ăn ngoan ngủ ngoan, khôn lớn, khỏe mạnh từng ngày. Sức khỏe tổng thể, mức độ tăng trưởng của trẻ phụ thuộc hoàn toàn vào chế độ chăm sóc và nuôi dưỡng của ba mẹ. Những phản xạ đầu đời của trẻ, những cái nắm tay, những cái lẫy, bò trườn, những bước đi chập chững đầu đời… mang đến cho trẻ những trải nghiệm cảm xúc khám phá thế giới.

 



 

Ba mẹ nào cũng mong con trẻ ăn ngoan ngủ ngoan, khôn lớn, khỏe mạnh từng ngày. Sức khỏe tổng thể, mức độ tăng trưởng của trẻ phụ thuộc hoàn toàn vào chế độ chăm sóc và nuôi dưỡng của ba mẹ.

 

Những phản xạ đầu đời của trẻ, những cái nắm tay, những cái lẫy, ngóc đầu ngửa cổ ngắm nhìn mọi thứ xung quanh, những bước đi chập chững đầu đời… đều mang đến cho trẻ những trải nghiệm cảm xúc khám phá thế giới.

 

Giai đoạn từ 0 đến 15 tuổi, trẻ bước qua những cột mốc quan trọng của tuổi thơ, các chức năng bên trong cơ thể dần hoàn thiện, trẻ làm quen dần với thế giới bên ngoài. Giai đoạn này não bộ và chức năng vận động được kích thích phát triển mạnh mẽ.

 

Chăm sóc sức khỏe ở trẻ chưa bao giờ là điều dễ dàng. Cũng như người lớn, trẻ gặp các vấn đề về sức khỏe do cơ thể non yếu của trẻ chưa đủ sức chống lại tác nhân gây bệnh. Bệnh lý thường lý gặp ở trẻ gồm nhiễm trùng cấp tính, nhiễm trùng hô hấp, nhiễm trùng tai mũi họng, nhiễm trùng đường ruột, các loại chấn thương cần được sơ cấp cứu ngay, thậm chí là bệnh mạn tính.

 

Tiêm ngừa vắc xin là cách ba mẹ bảo vệ trẻ khỏi 14 bệnh lý nguy hiểm trước khi trẻ được 2 tuổi. Theo khuyến cáo, trẻ sơ sinh đến 5 tuổi cần thiết tiêm đầy đủ và đúng lịch các loại vắc-xin phòng bệnh lao, bạch hầu, uốn ván, ho gà, bại liệt, viêm gan siêu vi B, sởi, quai bị, Rubella, viêm não Nhật Bản, bệnh do vi khuẩn Hib.

 

Khi trẻ được sống trong vòng tay yêu thương của ba mẹ, được ba mẹ chăm sóc đúng cách, dành nhiều thời gian chất lượng ở bên trẻ, có chế độ dinh dưỡng tốt, đầy đủ các dưỡng chất thiết yếu giúp trẻ duy trì tốt sức khỏe tổng thể, phát triển cả thể chất và tinh thần.

 

Trong chuyên mục “Bạn hỏi Bác sĩ trả lời” với chủ đề “Phòng ngừa bệnh tật cho trẻ”, Bác sĩ CKI Nguyễn Hoàng Thạch, bác sĩ chuyên khoa Nhi sẽ cung cấp những thông tin cần thiết để ba mẹ biết cách chăm sóc sức khỏe toàn diện cho trẻ, bảo vệ trẻ trước nguy cơ bệnh tật. Mời ba mẹ bấm vào hình dưới đây để đọc nội dung tiếp theo nhé! 

 

Dinh dưỡng quan trọng thế nào với sức khỏe tổng thể của trẻ?

Suy dinh dưỡng là tình trạng thiếu hụt chất dinh dưỡng bao gồm thiếu năng lượng, chất béo, protein và các chất vi sinh khác. Có 3 nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng suy dinh dưỡng thường gặp ở trẻ:

  • Mẹ không bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng khi mang thai
  • Trẻ thiếu dinh dưỡng trong giai đoạn bú mẹ và ăn dặm bổ sung
  • Ba mẹ chưa biết cách bổ sung dinh dưỡng đầy đủ cho con qua các bữa ăn hàng ngày

Dấu hiệu trẻ đang bị suy dinh dưỡng là thấp còi, nhẹ cân hơn tuổi, người gầy còm, khô khan, thiếu sức sống. Suy dinh dưỡng nghiêm trọng có thể gây ra hàng loạt vấn đề sức khỏe ở trẻ, bao gồm chậm tăng trưởng chiều cao và cân nặng, chậm phát triển trí não, ngôn ngữ, giao tiếp kém, dễ mắc bệnh mạn tính, khó tiếp thu trong việc học tập.

Vì vậy, ba mẹ cần bổ sung đầy đủ dinh dưỡng cho trẻ ngay từ khi còn là bào thai. Các nhóm dinh dưỡng chính cần có trong mỗi khẩu phần ăn của trẻ là đường, protein, chất béo, vitamin và khoáng chất gồm sắt, canxi, kẽm, i-ốt, vitamin nhóm A, B… là những thành phần quan trọng cho sự phát triển toàn diện của trẻ.

 

Vận động hợp lý có vai trò gì trong việc phát triển thể chất và tinh thần của trẻ?

Vận động thể chất không chỉ tăng trưởng thể trạng mà còn giúp trẻ phát triển não bộ, hệ thần kinh. Một trong những hoạt động thể chất có thể thực hiện hàng ngày là tập thể dục. Chơi thể thao cũng là hoạt động có ích, giúp trẻ điều chỉnh và kiểm soát cảm xúc. Ngoài ra, tập thể dục còn có lợi cho quá trình trao đổi chất, giúp cơ thể trẻ hấp thụ dưỡng chất tốt hơn. Lợi ích khác của tập thể dục là tăng mật độ xương, tối ưu hóa sức khỏe tim mạch, tăng sức mạnh cơ bắp, tăng chức năng nhận thức và trí thông minh của trẻ. Ba mẹ hãy tạo thói quen cho trẻ tập thể dục mỗi ngày để trẻ tiếp tục duy trì vận động thể chất khi lớn lên.

 

Vai trò của giấc ngủ với sự phát triển và tăng trưởng của trẻ?

Ba mẹ có thể ngạc nhiên về những lợi ích tích cực của giấc ngủ với sự phát triển thể chất và tinh thần ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Trẻ sơ sinh thường ngủ nhiều giờ hơn so với trẻ lớn. Trung bình thời lượng giấc ngủ của trẻ thay đổi theo độ tuổi:

  • Trẻ sinh sơ sinh ngủ từ 16 - 18 tiếng mỗi ngày
  • Trẻ 4 tháng đến 12 tháng tuổi ngủ khoảng 12 - 16 tiếng mỗi ngày
  • Trẻ 1 đến 2 tuổi ngủ khoảng 11 - 14 tiếng mỗi ngày
  • Trẻ 3 đến 5 tuổi ngủ khoảng 10 - 13 tiếng mỗi ngày
  • Trẻ 6 đến 12 tuổi ngủ khoảng 9 – 12 tiếng mỗi ngày
  • Thanh thiếu niên từ 13 đến 18 tuổi ngủ khoảng 8 – 10 tiếng mỗi ngày 

Ngủ đủ và ngon giấc giúp trẻ tăng khả năng tập trung, luôn tỉnh táo và thông minh. Khi trẻ ngủ không đủ giấc, trẻ sẽ quấy khóc, thường có các biểu hiện mệt mỏi, phản ứng chậm, giảm khả năng tương tác với các hoạt động hàng ngày.

 

Thói quen vệ sinh tay giúp trẻ phòng tránh bệnh tật thế nào?

Rửa tay là biện pháp đơn giản nhưng hiệu quả phòng ngừa bệnh tật lên đến 90%. Ba mẹ nên hướng dẫn và nhắc nhở trẻ rửa tay thường xuyên trước và sau mỗi bữa ăn, sau khi chơi, cầm nắm đồ chơi, tiếp xúc các vật dụng ở nơi công cộng, rửa tay sau khi vệ sinh… Tránh đưa tay lên mặt khi tay không sạch. Thân thể cần tắm rửa mỗi ngày, trẻ vận động ra nhiều mồ hôi cần phải lau người thay quần áo cho trẻ. Môi trường sống cần sạch sẽ, thông thoáng, các bề mặt được lau chùi và quét dọn thường xuyên để ngăn chặn sự tồn tại của các loại virút, vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể trẻ qua tiếp xúc, hô hấp, ăn uống.

 

Trẻ em có nguy cơ mắc bệnh mạn tính không?

Tương tự người lớn, trẻ cũng có nguy cơ mắc bệnh mạn tính gồm tăng huyết áp, đái tháo đường, thừa cân béo phì, rối loạn mỡ máu, thậm chí là ung thư. Nguyên nhân gây bệnh mạn tính ở trẻ cũng đa dạng. Quản lý bệnh mạn tính ở trẻ có 3 nhóm bệnh cần được phát hiện sớm, chăm sóc và theo dõi liên tục gồm:

  • Bệnh lý mạn tính ít gặp như béo phì, tăng huyết áp, hạ đường huyết…
  • Bệnh mạn tính phổ biến ở trẻ như hô hấp, hen suyễn, chàm da…
  • Bệnh mạn tính phức tạp hoặc mắc nhiều loại bệnh khác nhau cùng lúc. 

Vì vậy, trẻ cần thăm khám sức khỏe định kỳ mỗi 6 tháng hoặc 12 tháng tùy theo độ tuổi. Đây là cơ hội để ba mẹ hiểu rõ tình trạng sức khỏe, quá trình tăng trưởng của trẻ và được các bác sĩ nhi khoa hướng dẫn chăm sóc trẻ đúng cách.

 

 

Nếu bạn có câu hỏi, thắc mắc về các vấn đề sức khỏe hãy gửi về cho chúng tôi qua:

Email: info@ansinh.com.vn

Fanpage: Bệnh Viện An Sinh

Chuyên mục “Bạn hỏi Bác sĩ trả lời” được chúng tôi chọn lọc từ các câu hỏi, thắc mắc của bạn. Mong muốn mang đến cho bạn những kiến thức y học cơ bản, dễ dàng ghi nhớ và có thể ứng dụng ngay vào thực tế cuộc sống hàng ngày.

 

Chúc gia đình bạn sức khỏe và hạnh phúc. 

 

 

Bệnh viện An Sinh

Sức khỏe và hạnh phúc của gia đình bạn

 

 

Bệnh viện An Sinh đã triển khai Bệnh án điện tử ngoại trú (EMR) là một trong những nỗ lực nâng tầm chất lượng dịch vụ và phục vụ, mang đến trải nghiệm tiện ích công nghệ khi đi khám bệnh với ưu điểm giúp bạn chủ động quản lý hồ sơ thông tin sức khỏe, tiết kiệm thời gian và chi phí khám chữa bệnh.

 

 

   

Các tin tức khác:
[Trở về]