Kiến thức y học

“Góc chia sẻ của chuyên gia” về tình trạng nhồi máu cơ tim, đột quỵ dẫn đến đột tử đáng báo động

Cập nhật lúc: 9:00:45 SA - 28/05/2024

Trước tình trạng đột quỵ, nhồi máu cơ tim dẫn đến đột tử gia tăng mạnh mẽ ở những người trẻ hiện nay, Bệnh viện An Sinh đã có cuộc trò chuyện với Bác sĩ CKII Huỳnh Thị Yến Vi, Trưởng khoa Nội tổng hợp Bệnh viện An Sinh, câu chuyện xoay quanh về bệnh lý nhồi máu cơ tim và đột quỵ đang là tâm điểm chú ý và nỗi lo sợ của nhiều người trong thời gian qua.

 



 

Trước tình trạng đột quỵ, nhồi máu cơ tim dẫn đến đột tử gia tăng mạnh mẽ ở những người trẻ hiện nay, Bệnh viện An Sinh đã có cuộc trò chuyện với Bác sĩ CKII Huỳnh Thị Yến Vi, Trưởng khoa Nội tổng hợp Bệnh viện An Sinh, câu chuyện xoay quanh về bệnh lý nhồi máu cơ tim và đột quỵ đang là tâm điểm chú ý và nỗi lo sợ của nhiều người trong thời gian qua.

 

Chúng tôi xin phép chia sẻ lại nội dung cuộc trò chuyện với một bác sĩ chuyên khoa tim mạch, có nhiều năm kinh nghiệm trong việc thăm khám và điều trị lâm sàng qua “Góc chia sẻ của chuyên gia”, giúp bạn đọc có thêm thông tin, kiến thức và biện pháp chủ động phòng ngừa bệnh lý nguy hiểm có thể dẫn đến tử vong nhanh chóng như nhồi máu cơ tim, đột quỵ nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời.

 

Bác sĩ có suy nghĩ gì về tình trạng đột quỵ, nhồi máu cơ tim gia tăng chóng mặt như hiện nay?

Nhồi máu cơ tim là tình trạng thiếu máu cục bộ cơ tim cấp gây những cơn đau thắt ngực và sau đó là hoại tử cơ tim dẫn đến suy tim hoặc đột tử. Theo các bác sĩ cho biết, nhồi máu cơ tim chủ yếu do nguyên nhân xơ vữa động mạch vành. Các mảng xơ vữa làm giảm khẩu kính lòng mạch (giảm kích cỡ lòng mạch máu) và dần dần gây tắc. Các mảng xơ vữa này có thể nứt vỡ bất cứ lúc nào, đột ngột, sau đó khởi động quá trình tạo thành các cục huyết khối. Chính quá trình này gây tắc động mạch vành, tạo ra các cơn đau thắt ngực, triệu chứng chính của nhồi máu cơ tim.

Tuy nhiên, nhồi máu cơ tim không đơn giản chỉ do nguyên nhân tắc động mạch vành. Có nhiều nguyên nhân xoay quanh gây ra nhồi máu cơ tim ở người trẻ tuổi. Trong đó chính chế độ sinh hoạt không khoa học, thiếu lành mạnh là nguyên nhân chủ yếu gây hình thành các mảng xơ vữa nhanh chóng và dẫn đến nhồi máu cơ tim ở người trẻ. Có thể kể ra các nguyên nhân chính ở người trẻ thường gặp như:

Stress: Tình trạng này kéo dài khiến thần kinh căng thẳng, kéo theo nguy hại đến rất nhiều cơ quan trong cơ thể, trong đó có hệ tim mạch. Bệnh nhồi máu cơ tim ở người trẻ hoàn toàn có thể xuất phát từ nguyên nhân người bệnh thường xuyên stress, áp lực, căng thẳng...

Thừa cân, béo phì: Thói quen ăn uống không lành mạnh, không đúng chế độ, dẫn đến béo phì cũng là một trong những nguyên nhân gây nên nhồi máu cơ tim ở người trẻ tuổi.

Hút thuốc lá: Đây là thói quen xấu mà phần lớn người trẻ đều mắc phải, đặc biệt là nam giới. Hút thuốc lá không đơn thuần là gây hại cho phổi mà còn ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến các cơ quan khác, trong đó có hệ tim mạch.

 

Theo bác sĩ tư thế ngồi xổm, cúi đầu về trước (như buộc dây giày, bổ trái cây) có phải là yếu tố thúc đẩy dẫn đến đột tử?

Tư thế quỳ gối và gập người để làm việc gì đó gắng sức trong vài phút làm gia tăng áp lực cao của ổ bụng và lồng ngực. Sau đó lại đứng dậy ngay có nghĩa là chuyển gấp sang tư thế khác khiến áp lực thay đổi quá đột ngột dẫn đến đột quỵ, xuất huyết não, nhồi máu cơ tim, vỡ tim, vỡ động mạch chủ.

 

Đột quỵ, nhồi máu cơ tim có dấu hiệu cảnh báo từ trước không, thưa bác sĩ?

Một số dấu hiệu cảnh báo sớm phổ biến nhất của cơn nhồi máu cơ tim thường gặp như:

- Người bệnh khó chịu, đau mỏi

Người bệnh có thể cảm thấy đau hoặc khó chịu ở một hoặc cả hai bên cánh tay, lưng, vai, cổ hàm hoặc phần trên của dạ dày (trên rốn).

- Xuất hiện khó thở

Đây có thể là triệu chứng xảy ra trước hoặc cùng với những cơn đau ngực, xuất hiện khi bạn đang nghỉ ngơi hoặc hoạt động thể chất nhẹ.

- Xuất hiện cơn đau thắt ngực, ợ nóng

Người bệnh xuất hiện cơn đau thắt ngực khi đó có thể cảm thấy như có vật gì đó đè nặng, ép chặt ngực và đau dữ dội, đôi khi cảm giác như ợ nóng, bỏng rát... Hầu hết các cơn đau tim đều xuất phát tại vùng chính giữa tim hoặc ở bên trái ngực. Tình trạng này thường diễn ra trong một vài phút hoặc có thể kéo dài từ 10 đến hơn 30 phút.

- Ngoài ra, một số triệu chứng khác có thể đi kèm như

  • Cảm thấy mệt mỏi bất thường không rõ lý do, đôi khi xuất hiện từ trước đó một vài ngày.
  • Buồn nôn và nôn, cảm giác khó chịu trong dạ dày.
  • Choáng váng hay chóng mặt đột ngột.
  • Xuất hiện toát mồ hôi lạnh.
  • Thay đổi tâm trạng: cảm giác lo âu không có lý do, khó ngủ, lo lắng thường xảy ra cùng với khó thở và tăng dần theo từng ngày trước khi cơn nhồi máu cơ tim xảy ra.

Ở một số trường hợp đặc biệt khi lên cơn nhồi máu cơ tim sẽ không có cảm giác đau thì cần phải đặc biệt lưu tâm chú ý hơn nữa. Khi gặp những triệu chứng được miêu tả như trên người bệnh cần phải dừng ngay hoạt động và công việc đang làm, nghỉ ngơi tại nơi thông thoáng, sử dụng thuốc trợ tim.

Nếu như sau khoảng từ 10 đến  20 phút vẫn không đỡ thì phải nhanh chóng liên hệ bác sĩ để cấp cứu kịp thời, đưa bệnh nhân đến các cơ sở y tế có năng lực giải quyết sớm nhất xử lý khi các triệu chứng chỉ mới thực sự có dấu hiệu bắt đầu.

 

Khi phát hiện người có dấu hiệu nghi ngờ hoặc bị đột quỵ, nhồi máu cơ tim thì chúng ta nên làm gì?

“Thời gian vàng” là cụm từ truyền miệng và quan trọng nhất của các bệnh lý tắc nghẽn mạch máu. Do đó, việc vận chuyển bệnh nhân khẩn cấp đến các cơ sở y tế được ưu tiên hàng đầu. Tuy nhiên do đây là các trường hợp nguy cơ cao, việc di chuyển không đúng cách có thể gây ra hậu quả trầm trọng hơn. Lời khuyên là nên để việc di chuyển cho các nhân viên, dịch vụ chuyên nghiệp. Nếu không phải nhân viên y tế, lời khuyên là nên thực hiện đủ 3 bước sau:

Bước 1: Gọi dịch vụ cấp cứu khẩn cấp

Nếu bạn đang có các triệu chứng đột quỵ, hãy nhờ người khác gọi giúp và giữ bình tĩnh nhất có thể trong khi chờ đợi sự trợ giúp khẩn cấp.

Nếu bạn đang chăm sóc người bị đột quỵ, hãy đảm bảo rằng người bệnh đang ở một vị trí an toàn, mặc quần áo thoáng mát, không gian thoải mái. Nếu là trẻ nhỏ, nên đặt trẻ ở tư thế nằm nghiêng một bên, đầu hơi nâng lên và đề phòng trường hợp trẻ bị nôn.

Bước 2: Sơ cứu đột quỵ trong lúc chờ cấp cứu

Kiểm tra xem người bệnh còn đang thở. Nếu không thấy nhịp thở, hãy thực hiện hô hấp nhân tạo.

Nếu người bệnh cảm thấy khó thở, hãy nới lỏng quần áo, phụ kiện bó sát như cà vạt, khăn cổ, thắt lưng… để người bệnh dễ thở hơn.

Nếu bệnh nhân ngừng tim, thực hiện xoa bóp tim ngoài lồng ngực. Dùng khăn tay quấn vào ngón tay trỏ để lấy sạch đờm, dãi trong miệng người bệnh.

Tháo răng giả cho bệnh nhân (nếu có) tránh bị hóc, sặc. Tuyệt đối không đưa bất cứ gì vật gì vào miệng người bệnh.

Bình tĩnh khuyên nhủ và trấn an người bệnh.

Đắp chăn giữ ấm cơ thể người bệnh.

Nếu người bệnh có biểu hiện yếu ở tay chân, cần nhờ nhiều người hỗ trợ di chuyển người bệnh.

Quan sát để nhận ra bất kỳ sự thay đổi nào ở người bệnh.

Bước 3: Cung cấp thông tin về tình trạng của người bệnh

Ghi nhớ nguyên nhân, biểu hiện, có hay không bị té ngã, đập đầu… của người bệnh để cung cấp cho nhân viên y tế.

 

Bác sĩ có lời khuyên/ khuyên cáo gì cho độc giả, đặc biệt là những người trẻ trong việc giữ gìn bảo vệ sức khỏe, phòng tránh đột quỵ, nhồi máu cơ tim?

Để dự phòng bệnh tim mạch nói chung, nguy cơ nhồi máu cơ tim nói riêng, chúng ta cần phải có một lối sống lành mạnh, cân nặng lý tưởng, một chế độ dinh dưỡng hợp lý, một thời khóa biểu tập thể dục loại động (thể thao) lẫn loại tĩnh (thiền định) phù hợp.

 

Trân trọng cảm ơn những chia sẻ của Bác sĩ.

 

Bệnh viện An Sinh

Sức khỏe và hạnh phúc của gia đình bạn

 

 

 

Bệnh viện An Sinh đã triển khai Bệnh án điện tử ngoại trú (EMR) là một trong những nỗ lực nâng tầm chất lượng dịch vụ và phục vụ, mang đến trải nghiệm tiện ích công nghệ khi đi khám bệnh với ưu điểm giúp bạn chủ động quản lý hồ sơ thông tin sức khỏe, tiết kiệm thời gian và chi phí khám chữa bệnh.

 

  

 

Các tin tức khác:
[Trở về]