Kiến thức y học

ABCDE hướng dẫn bạn cách nhận biết nguy cơ tim mạch

Cập nhật lúc: 9:18:49 SA - 15/06/2024

Bác sĩ xem xét nhiều yếu tố nguy cơ đã biết để dự đoán khả năng xảy ra biến cố tim trong tương lai với độ chính xác khá cao. Một người có càng nhiều yếu tố nguy cơ với mức độ nghiêm trọng thì nguy cơ mắc bệnh tim mạch càng cao.



 

Bạn có biết bạn có yếu tố nguy cơ tim mạch, đột quỵ, nhồi máu cơ tim?

 

Bác sĩ xem xét nhiều yếu tố nguy cơ đã biết để dự đoán khả năng xảy ra biến cố tim trong tương lai với độ chính xác khá cao. Một người có càng nhiều yếu tố nguy cơ với mức độ nghiêm trọng thì nguy cơ mắc bệnh tim mạch càng cao.

 

Tin tốt là khi bạn hiểu rõ những yếu tố nguy cơ tim mạch của mình, bạn sẽ biết cách chủ động kiểm soát để giảm thiểu các biến chứng tim mạch cũng như các biện pháp ngăn ngừa xuất hiện cơn đau tim ngay từ đầu. Để làm được điều đó, bạn cần thăm khám sức khỏe định kỳ thường xuyên, mỗi 6 tháng hoặc 12 tháng một lần, tầm soát sàng lọc các yếu nguy cơ và quản lý rủi ro càng sớm càng tốt.

 

Đó là lý do tại sao hiểu rõ những yếu tố nguy cơ tim mạch rất quan trọng trong việc giúp bạn bảo vệ trái tim luôn khỏe mạnh và đập đều nhịp:

 

A (Age and other factors cannot change): Tuổi tác và các yếu tố khác mà bạn không thể thay đổi

 

Tuổi tác không gây ra các bệnh lý tim mạch mà hệ tim mạch phải chịu các tác động rủi ro đến từ tăng huyết áp và lối sống không lành mạnh khi lớn tuổi. Nói cách khác, nguy cơ tim mạch tăng cùng với tuổi tác. Đàn ông trên 45 tuổi và phụ nữ giai đoạn mãn kinh có nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao nhất.

 

Bệnh sử gia đình có người thân mắc bệnh tim mạch là yếu tố nguy cơ mà bạn không thể kiểm soát vì vậy bạn nên lưu ý. Điều quan trọng bạn nên làm là thăm khám sức khỏe tổng quát định kỳ để được bác sĩ đánh giá dự đoán nguy cơ, tư vấn các biện pháp phòng bệnh và điều trị dự phòng kịp thời nếu bạn có ba hoặc anh trai được chẩn đoán mắc bệnh tim mạch trước 55 tuổi và mẹ hoặc chị gái được chẩn đoán mắc bệnh tim mạch trước 65 tuổi.

 

B (Blood pressure): Huyết áp

 

Huyết áp là áp lực của máu tác động lên thành động mạch. Khi chỉ số huyết áp của bạn đo được luôn trên mức 140/90 mmHg, bạn đang có nguy cơ mắc bệnh tăng huyết áp (huyết áp cao). Sự căng thẳng do tăng huyết áp tác động lên thành động mạch sẽ gây áp lực cho hệ tim mạch khiến một người dễ xuất hiện cơn đau tim, đột quỵ và nhồi máu cơ tim.

 

C (Cholesterol): Nồng độ cholesterol

 

Mức cholesterol trong máu tăng cao được định nghĩa khi có quá nhiều cholesterol - một loại chất béo, dạng sáp trong máu. Khi nồng độ cholesterol LDL (cholesterol “xấu”) cao hoặc cholesterol HDL (cholesterol “tốt”) thấp hoặc cả hai là một trong những yếu tố dự báo tốt nhất về nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Lipid là một loại chất béo khác trong máu cũng là chỉ số quan trọng để dự báo nguy cơ tim mạch. Lượng lipid trong máu đo được ở cả nồng độ cholesterol và chất béo trung tính triglyceride. Hiện nay, bác sĩ cho rằng nồng độ cholesterol HDL không phải là dấu hiệu cảnh báo đối với một số người có yếu tố nguy cơ cao mà chính là nồng độ lipid trong máu.

 

D (Diabetes): Bệnh đái tháo đường (tiểu đường)

 

Lượng đường trong máu cao làm tăng sự tích tụ mảng bám, gây tổn thương động mạch dẫn đến các vấn đề tim mạch. Bệnh nhân tiểu đường có nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao gấp đôi so với người không mắc bệnh. Thực tế, hầu hết bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường típ 2 cuối cùng đều phát triển bệnh tim mạch. Nếu bạn bị tiền tiểu đường hoặc mắc bệnh tiểu đường, bạn nên đến bệnh viện gặp bác sĩ thăm khám và điều trị kết hợp với thay đổi lối sống, chế độ ăn uống vận động và dùng thuốc (nếu cần) theo chỉ định để giúp đưa lượng đường trong máu về mức khỏe mạnh hơn.

 

E (Excess weight, smoking and other lifestyle factors can change): Thừa cân, hút thuốc và các yếu tố lối sống khác mà bạn có thể thay đổi

 

Ngồi nhiều và không tập thể dục có thể làm tăng nguy cơ gấp đôi mắc bệnh tim mạch. Chế độ ăn uống đóng vai trò rất quan trọng với sức khỏe tim mạch và tổng thể. Bạn nên thực hiện chế độ ăn ít tinh bột (carbs), tăng lượng rau xanh, chất béo lành mạnh, protein nạc, có thể tham khảo chế độ ăn Địa Trung Hải, giúp bạn cải thiện sức khỏe tim mạch và duy trì cân nặng khỏe mạnh. Từ lâu, thừa cân béo phì đã được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công nhận là một bệnh mạn tính, cần kiểm soát và điều trị vì có liên quan đến các yếu tố nguy cơ đối với bệnh tim mạch.

 

Hút thuốc lá là một trong những yếu tố nguy cơ hàng đầu gây ra các bệnh lý tim mạch, đột quỵ và nhồi máu cơ tim nhưng yếu tố nguy cơ này nằm trong tầm kiểm soát của bạn. Ngay cả việc hút thuốc nhẹ hoặc thỉnh thoảng mới hút một điếu cũng có thể làm tăng sự hình thành mảng bám trong thành động mạch. Khói thuốc lá cũng làm giảm lượng oxy sẵn có trong tim và phổi, gây ra cơn đau tức ngực ở người mắc bệnh tim mạch. Phụ nữ trên 35 tuổi hút thuốc lá và dùng thuốc tránh thai cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch.

 

 

Bệnh viện An Sinh (Nguồn tham khảo John Hopskins)

Sức khỏe và hạnh phúc của gia đình bạn

 

 

Bệnh viện An Sinh trong nỗ lực nâng tầm chất lượng dịch vụ và phục vụ ngày càng tốt hơn, chúng tôi triển khai Bệnh án điện tử ngoại trú (EMR) giúp bạn chủ động quản lý thông tin sức khỏe, tiết kiệm thời gian và chi phí thăm khám.

 

 

  

Các tin tức khác:
[Trở về]