Kiến thức y học

Chuyên mục “Bạn hỏi bác sĩ trả lời” số 8 với chủ đề “Tầm soát và phòng ngừa đột quỵ”

Cập nhật lúc: 4:21:30 CH - 05/04/2024

Chúng ta tiếp tục gặp nhau trong chuyên mục “Bạn hỏi Bác sĩ trả lời” số 8 với chủ đề “Tầm soát và phòng ngừa đột quỵ”. Tỷ lệ tử vong do đột quỵ tại Việt Nam đang đứng hàng đầu thế giới. Đột quỵ vẫn tiếp tục là mối đe dọa sức khỏe với nhiều người. Đáng báo động, tình trạng đột quỵ ở người trẻ và người trung niên dưới 55 tuổi đang có xu hướng tăng nhanh trên toàn cầu.

 



 

Chúng ta tiếp tục gặp nhau trong chuyên mục “Bạn hỏi Bác sĩ trả lời” số 8 với chủ đề “Tầm soát và phòng ngừa đột quỵ”

 

Tỷ lệ tử vong do đột quỵ tại Việt Nam đang đứng hàng đầu thế giới. Đột quỵ vẫn tiếp tục là mối đe dọa sức khỏe với nhiều người. Đáng báo động, tình trạng đột quỵ ở người trẻ và người trung niên dưới 55 tuổi đang có xu hướng tăng nhanh với tốc độ chóng mặt trên toàn cầu.

 

Trong số 4 nhóm bệnh phổ biến không lây nhiễm gồm nhóm các bệnh về tim mạch (tăng huyết áp, nhồi máu cơ tim, đột quỵ), nhóm các bệnh về ung thư, nhóm bệnh hô hấp mạn tính và nhóm bệnh đái tháo đường. Các nhóm bệnh lý này đều gây hậu quả nặng nề, có thể dẫn đến tử vong hoặc thương tật vĩnh viễn cho hệ thần kinh và vận động, tăng nguy cơ trầm cảm và mất trí nhớ.

 

Theo tổ chức Đột quỵ Thế giới dự báo, tỷ lệ tử vong do đột quỵ dự đoán sẽ tăng lên 9,7 triệu ca vào năm 2050. Tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 200.000 người bị đột quỵ, tỷ lệ đột quỵ ở nam giới gấp 1,5 lần so với nữ giới.

 

Thời gian có ý nghĩa rất quan trọng trong việc cấp cứu và điều trị đột quỵ. Cấp cứu kịp thời trong khung giờ vàng từ 3 - 6 giờ đầu tính từ lúc bắt đầu xuất hiện đột quỵ, giúp tăng cơ hội điều trị và phục hồi sau đột quỵ, hạn chế di chứng và cải thiện đáng kể chất lượng cuộc sống.

Mời bạn đọc tiếp nội dung dưới đây để có thêm kiến thức y học thường thức về Đột quỵ, chủ động tầm soát để luôn duy trì một cơ thể khỏe mạnh toàn diện.

 

Đột quỵ là gì?

Đột quỵ còn được gọi là tai biến mạch máu não. Tình trạng não bộ bị ngừng cung cấp máu đột ngột dẫn đến tổn thương nghiêm trọng do các tế bào não không nhận được nguồn máu giàu oxy và dưỡng chất nuôi sống. Đột quỵ có thể dẫn đến tử vong hoặc để lại hậu quả nặng nề, gây thương tật vĩnh viễn cho hệ thần kinh và vận động nếu không được phát hiện và cấp cứu kịp thời.

 

Yếu tố nguy cơ thúc đẩy đột quỵ là gì?

Yếu tố không thay đổi được: Tuổi tác và di truyền. Càng lớn tuổi nguy cơ đột quỵ càng cao.

Yếu tố có thể thay đổi được: Lối sống, thói quen sinh hoạt, chế độ ăn uống, vận động thể chất, quản lý căng thẳng. Nếu có bệnh lý nền như tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu cần tuân thủ điều trị của bác sĩ và thăm khám sức khỏe thường xuyên. Yếu tố này là nguyên nhân thúc đẩy gia tăng đột quỵ ở người trẻ.

 

Thời gian xuất hiện đột quỵ là khi nào?

Đột quỵ có thể gặp ở bất kỳ độ tuổi nào, xảy ra bất cứ lúc nào trong ngày, khi đang ngủ, đang làm việc, đang chơi thể thao... Tuy nhiên, đột quỵ thường xảy ra nhất vào thời điểm lúc nửa đêm về sáng, khoảng 4 - 8 giờ sáng. Đây là thời điểm máu đậm đặc nhất, huyết áp tăng cao, nhiệt độ bên ngoài giảm mạnh nên rất dễ xảy ra đột quỵ.

 

Dấu hiệu nhận biết đột quỵ là gì?

Các bác sĩ khuyến cáo áp dụng quy tắc FAST, phản ứng nhanh để phát hiện kịp thời người bị đột quỵ:

F (Face) : Khuôn mặt mất cân đối, yếu liệt mặt, một bên mặt bị chảy xệ, nhân trung lệch khi cười.

A (Arms): Tay chân khó cử động hoặc không thể cử động, yếu liệt một bên cơ thể.

S (Speech): Giọng nói bị thay đổi, nói ngọng, không rõ lời, dính chữ.

T (Time): Thời gian đột quỵ được tính từng giây từng phút, khi phát hiện người bị đột quỵ cần hành động ngay, đưa đến bệnh viện gần nhất để được cấp cứu trong giờ vàng từ 3 – 6 tiếng.

 

Đột quỵ có thể tầm soát phát hiện sớm và phòng ngừa được không?

Theo khuyến cáo, mọi người ở mọi độ tuổi nên khám sức khỏe đều đặn mỗi 6 tháng hoặc ít nhất một năm một lần, kết hợp tầm soát đột quỵ nêu có yếu tố nguy cơ cao theo chỉ định của bác . Mục đích quan trọng là xác định các yếu tố nguy cơ tiềm ẩn và kiểm soát tốt các chỉ số sức khỏe có thể gây ra đột quỵ để có biện pháp phòng ngừa và điều trị phòng ngừa kịp thời.

 

Nếu bạn có thắc mắc gì về vấn đề sức khỏe hãy gửi câu hỏi của bạn về cho chúng tôi qua:

 

Email: info@ansinh.com.vn

Fanpage: Bệnh Viện An Sinh

 

Chuyên mục “Bạn hỏi Bác sĩ trả lời” được chúng tôi chọn lọc từ các câu hỏi, thắc mắc của bạn. Mong muốn cung cấp cho bạn những kiến thức y học cơ bản, dễ dàng ghi nhớ và có thể ứng dụng ngay vào thực tế cuộc sống hàng ngày.

 

Chúc gia đình bạn sức khỏe và hạnh phúc. 

 

 

Bệnh viện An Sinh

Sức khỏe và hạnh phúc của gia đình bạn

 

 

Bệnh viện An Sinh trong nỗ lực nâng tầm chất lượng dịch vụ và phục vụ ngày càng tốt hơn, chúng tôi triển khai Bệnh án điện tử ngoại trú (EMR) giúp bạn chủ động quản lý thông tin sức khỏe, tiết kiệm thời gian và chi phí thăm khám. 

 

 

 

 

Các tin tức khác:
[Trở về]