Công việc quan trọng nhất bạn nên làm mỗi ngày là giữ trái tim luôn tươi trẻ và khỏe mạnh. Một chế độ ăn uống lành mạnh, cân bằng góp phần quan trọng trong việc duy trì sức khỏe tim mạch. Chia sẻ với bạn một số gợi ý về dinh dưỡng trong việc chăm sóc trái tim khỏe mạnh và đúng cách.
Vận động thể chất thường xuyên không chỉ góp phần nâng cao thể trạng, giải tỏa căng thẳng mà còn giúp cơ tim khỏe mạnh và bơm máu đều đặn hơn. Ngăn ngừa nguy cơ đau tim và sự tiến triển các vấn đề sức khỏe liên quan đến tim mạch.
Hút thuốc lá không có lợi cho sức khỏe tổng thể, nguyên nhân gây ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng khác nhau. Bỏ hút thuốc lá có thể giảm nguy cơ đau tim, nhồi máu cơ tim ngay lập tức.
Hiểu và kiểm soát tốt nồng độ cholesterol và huyết áp là bí quyết giúp bạn duy trì hoạt động của chức năng tim mạch hiệu quả.
Có thể bạn chưa biết những loại thực phẩm bạn tiêu thụ hàng ngày, thời lượng vận động thể chất mỗi ngày, bạn có hút thuốc lá hay uống nhiều bia rượu, bạn có theo dõi mức cholesterol và huyết áp, đó là 5 thói quen đơn giản nhưng có tác động rất lớn đến trái tim của bạn.
Tại sao phong cách sống và thói quen lại đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ hệ tim mạch khỏe mạnh? Một số gợi ý sau đây sẽ giúp bạn thiết lập và điều chỉnh các thói quen, lựa chọn thực phẩm lành mạnh, có chế độ ăn uống hợp lý để duy trì hệ tim mạch luôn hoạt động tốt nhất.
Thế nào là một chế độ ăn uống lành mạnh tốt cho sức khỏe tim mạch?
Chế độ ăn uống lành mạnh tốt cho sức khỏe tim mạch không cần thiết phải là một chế độ ăn kiêng tuyệt đối. Thay vào đó, các loại thực phẩm được kết hợp và thường xuyên thay đổi, vừa đảm bảo đầy đủ chất dinh dưỡng vừa tạo sự ngon miệng.
Mỗi loại thực phẩm đều chứa nguồn dưỡng chất khác nhau, mang đến lợi ích khác nhau cho sức khỏe. Sự kết hợp phong phú và đa dạng các loại thực phẩm được khuyến khích trong mô hình dinh dưỡng theo tổ chức tim mạch quốc tế bao gồm rau xanh, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt, protein và chất béo lành mạnh, sử dụng các loại thảo mộc làm gia vị thay vì muối ăn.
Phong cách ăn uống thuận tự nhiên, hạn chế chất béo không lành mạnh, muối và đường, tăng lượng chất béo, protein và rau lành mạnh cùng với ngũ cốc nguyên hạt, chất xơ và chất chống oxy hóa.
Theo khuyến cáo của các tổ chức tim mạch những người đang mắc bệnh tim mạch hoặc liên quan đến bệnh tim mạch, bao gồm người đang hồi phục sau cơn đau tim, người có yếu tố nguy cơ cao như tăng huyết áp, tăng cholesterol, rối loạn mỡ máu... thường xuyên duy trì chế độ ăn uống lành mạnh giúp cải thiện và nâng cao thể trạng, kiểm soát sự tiến triển nguy cơ biến chứng liên quan đến tim mạch.
Làm sao để cơ thể luôn khỏe mạnh và năng động?
Vận động thể chất thường xuyên giúp cơ tim co bóp và đàn hồi khỏe mạnh, nhịp tim ổn định, giảm nguy cơn đau tim và phát triển các bệnh lý liên quan đến tim mạch. Cụ thể, kiểm soát các yếu tố nguy cơ tim mạch bao gồm:
Tăng huyết áp
Tăng cholesterol
Rối loạn mỡ máu
Thừa cân, béo phì
Ngoài ra, vận động thể chất thường xuyên còn giúp cơ bắp chắc khỏe, xương khớp mềm dẻo. Trong thời gian vận động, cơ thể được kích thích tăng tiết hormone endophine mang đến sự sảng khoái, giải tỏa căng thẳng, năng lượng tràn đầy và hạnh phúc hơn. Hãy di chuyển di nhiều hơn khi có thể, bất kể hoạt động thể chất nào cũng mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe hơn là không vận động.
Thiết lập mục tiêu phù hợp với khả năng mà bạn có thể thực hiện
Bắt đầu với những hoạt động mục tiêu nhỏ, vừa vặn với khả năng và cố gắng thực hiện đều đặn mỗi ngày. Thời lượng khuyến cáo khoảng 30 - 60 phút mỗi ngày, đi bộ là một cách rèn luyện thể chất vừa sức, phù hợp với mọi người mọi độ tuổi, có thể tập luyện vào tất cả các ngày trong tuần.
Nếu bạn là người không thích tập thể dục nên chọn các hoạt động yêu thích, bạn sẽ có xu hướng thực hiện thường xuyên hơn. Một ý tưởng hay để bạn có thêm động lực để thúc đẩy cơ thể vận động thường xuyên hơn là kết nối với những người cùng chung sở thích, kết nối với một nhóm bạn bè hoặc người thân trong gia đình, dạo bộ cùng cún cưng của bạn cũng là một hoạt động mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe tim mạch.
Ngồi ít đi lại nhiều: Ngồi lâu một chỗ tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho sức khỏe tổng thể. Theo thời gian, cơ thể sẽ xuất hiện những cơn đau nhức mỏi ở vùng cổ vai gáy, tay chân, suy giảm thị lực, tăng kích thước vùng bụng, giảm khả năng tiêu hóa... Người trưởng thành vận động thể chất thường xuyên hơn thì nguy cơ tim mạch và các vấn đề liên quan đến sức khỏe tim mạch thấp hơn.
Hút thuốc lá có hại cho sức khỏe của bạn và gia đình bạn
Bước đầu tiên để bỏ hút thuốc lá, bạn cần hiểu những rủi ro sức khỏe liên quan đến hút thuốc lá. Yếu tố tăng nguy cơ rủi ro cho sức khỏe do hút thuốc lá hay hít phải khói thuốc lá là như nhau. Các loại hóa chất khác nhau có trong thuốc lá có thể gây tổn thương mạch máu dẫn đến tổn thương tim mạch, chức năng phổi, não bộ và các cơ quan chức năng khác trong cơ thể. Điều này dẫn đến làm tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim và đột quỵ.
Nhiều người không thể bỏ hút thuốc, cũng có người đã bỏ hút thuốc lá nhưng sau đó hút thuốc lá trở lại. Bỏ hút thuốc lá không phải lúc nào cũng dễ dàng. Điều này cần sự kiên trì và nỗ lực tự thân, đừng ngại tìm kiếm sự hỗ trợ của người thân trong gia đình và bạn bè xung quanh. Hãy bỏ hút thuốc lá vì những người thương yêu của bạn, để bảo vệ sức khỏe cho bạn, cho gia đình bạn và cho cả cộng đồng. Khi bỏ hút thuốc lá, bạn sẽ nhận được ngay những lợi ích cho sức khỏe tim mạch và tổng thể.
Hiểu và kiểm soát nồng độ cholesterol
Một trong những yếu tố quan trọng để bảo vệ trái tim luôn khỏe mạnh là hiểu và kiểm soát mức cholesterol trong cơ thể.
Một chế độ ăn uống lành mạnh tốt cho sức khỏe tim mạch cần bao gồm chất béo và chất xơ lành mạnh. Các loại thực phẩm có thể giúp bạn cân bằng mức cholesterol khi thường xuyên sử dụng các loại thực phẩm giàu chất xơ, có nguồn gốc thực vật như rau xanh, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt và đậu; chất béo không bão hòa có nguồn gốc từ các loại hạt, dầu ô liu, các loại cá béo, axít omega-3.
Thói quen chủ động lựa chọn thực phẩm lành mạnh sẽ giúp bạn loại bỏ thực phẩm không lành mạnh một cách tự nhiên. Tiêu thụ quá nhiều chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa sẽ làm tăng mức cholesterol lên đáng kể. Các loại chất béo này thường có rất nhiều trong các loại thực phẩm chế biến sẵn, đóng hộp, thức ăn nhanh... Ngược lại, tiêu thụ nhiều thực phẩm giàu chất xơ, thay thế chất béo không lành mạnh bằng chất béo lành mạnh, giúp giảm đáng kể mức cholesterol LDL “xấu” và tăng mức cholesterol HDL “tốt”.
Một bước quan trọng trong việc kiểm soát mức cholesterol là hiểu được ý nghĩa của các chỉ số cholesterol qua các lần thăm khám kiểm tra sức khỏe định kỳ. Cách tốt nhất để đạt được mục tiêu và tận hưởng những lợi ích cho sức khỏe tim mạch, bạn nên thực hiện theo hướng dẫn và tuân thủ điều trị của bác sĩ.
Hiểu và kiểm soát chỉ số huyết áp
Huyết áp có mối liên hệ mật thiết với sức khỏe tim mạch. Huyết áp là áp lực của dòng máu lên thành động mạch khi trái tim co bóp bơm máu đi khắp cơ thể. Huyết áp đóng vai trò quan trọng đối với hoạt động của trái tim và hệ thống tuần hoàn. Tăng huyết áp không được kiểm soát và điều trị có thể gây ra các vấn đề tim mạch khác nhau, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe trái tim và sức khỏe tổng thể. Khi cơ thể già đi, nguy cơ tăng huyết áp tiếp tục tăng lên. Vận động thể chất vừa sức thường xuyên giúp ổn định huyết áp, ngăn ngừa nguy cơ tiến triển bệnh tim mạch.
Giảm muối và duy trì chế độ ăn uống tốt cho tim mạch
Chế độ ăn nhiều muối và ít chất xơ có thể dẫn tới tăng huyết áp. Mỗi ngày, tiêu thụ hơn 5 gam muối làm tăng nguy cơ phát triển bệnh tim mạch, nhồi máu cơ tim và đột quỵ. Thói quen ăn uống lành mạnh để bảo vệ trái tim luôn khỏe mạnh, đều nhịp cần thiết bao gồm các loại thực phẩm tốt cho huyết áp, bao gồm rau xanh, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt, các loại hạt và đậu, sữa tách béo ít đường, các loại cá béo giàu axít béo omega-3.
Hiểu ý nghĩa chỉ số huyết áp
Bạn cảm thấy khỏe mạnh bình thường, không cảm thấy huyết áp cao. Đó là lý do tại sao nhiều người không biết mình bị tăng huyết áp để kiểm soát và theo dõi huyết áp thường xuyên. Phần lớn được bác sĩ phát hiện và chẩn đoán khi khám sức khỏe tổng quát định kỳ hàng năm.
Theo Hiệp hội tim mạch quốc tế, chỉ số huyết áp được phân loại theo các mức sau:
Huyết áp tối ưu: Huyết áp tâm thu < 120 mmHg và huyết áp tâm trương < 80 mmHg.
Huyết áp bình thường: Huyết áp tâm thu 120-129 mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương 80-84 mmHg.
Huyết áp bình thường cao: Huyết áp tâm thu 130-139 mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương 85-89 mmHg.
Tăng huyết áp độ 1: Huyết áp tâm thu 140-159 mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương 90-99 mmHg.
Tăng huyết áp độ 2: Huyết áp tâm thu 160-179 mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương 100-109 mmHg.
Tăng huyết áp độ 3: Huyết áp tâm thu ≥ 180 mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương ≥ 110 mmHg.
Tăng huyết áp tâm thu đơn độc: Huyết áp tâm thu ≥ 140 mmHg và huyết áp tâm trương < 90 mmHg.
Khi nào cần thăm khám bác sĩ chuyên khoa tim mạch?
Theo khuyến cáo, bạn nên chủ động thăm khám sàng lọc bệnh lý tim mạch từ 40 tuổi trở lên. Nguy cơ tim mạch tăng cùng với tuổi tác, lối sống thiếu lành mạnh, thói quen sử dụng bia rượu, hút thuốc lá, thức khuya mất ngủ, căng thẳng thường xuyên.
Trong quá trình thăm khám, bác sĩ sẽ đánh giá các yếu tố nguy cơ mắc bệnh tim mạch, bao gồm:
Huyết áp
Cholesterol
Chế độ ăn uống
Thói quen hoạt động thể chất
Bệnh sử bản thân và gia đình
Dựa vào kết quả thăm khám, bác sĩ có thể đưa ra chẩn đoán bạn có các yếu tố nguy cơ tim mạch nào, nên làm gì để ngăn ngừa tiến triển tổn thương tim mạch trong 5 năm tới. Phần quan trọng nhất của việc thăm khám này giúp bạn hiểu rõ tình trạng sức khỏe của bản thân nhằm cải thiện sức khỏe tim mạch tốt hơn.
Thăm khám kiểm tra sức khỏe tim mạch gồm các bước:
Gặp bác sĩ thăm khám
Bác sĩ bắt đầu việc thăm khám bằng cách trao đổi với bạn về các yếu tố nguy cơ mắc phải bệnh tim mạch.
Tìm hiểu các yếu tố nguy cơ tim mạch
Khi đã biết về các yếu tố nguy cơ của bạn, bác sĩ sẽ chỉ định cho bạn thực hiện một số xét nghiệm cần thiết, giúp cho việc đánh giá sức khỏe toàn diện và chẩn đoán xác định chính xác bệnh lý tim mạch.
Quản lý rủi ro liên quan tới tim mạch
Tùy thuộc vào kết quả thăm khám, bác sĩ có thể khuyến khích bạn tiếp tục duy trì các thói quen hoặc cho bạn lời khuyên, thông tin hỗ trợ, chủ động thay đổi lối sống và thói quen lành mạnh góp phần cải thiện và nâng cao sức khỏe tim mạch.
Tại sao cần kiểm tra sức khỏe tim mạch?
Bệnh lý tim mạch là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới. Nhiều cơn đau tim, nhồi máu cơ tim và đột quỵ có thể phòng ngừa hiệu quả thông qua các thói quen hàng ngày như có chế độ ăn uống lành mạnh, vận động thể thường xuyên, giữ cân nặng hợp lý và không rượu bia, thuốc lá.
Nhiều người có thể không biết nguy cơ phát triển bệnh tim mạch vì không thể cảm nhận được các yếu tố nguy cơ như tăng huyết áp và tăng cholesterol.
Ai cần kiểm tra sức khỏe tim mạch?
Tất cả mọi người trong độ tuổi từ 45 tuổi đến 79 tuổi
Người mắc bệnh tiểu đường từ 35 tuổi
Người có yếu tố nguy cơ cao từ 30 tuổi
Bạn có thể chủ động nói chuyện với bác sĩ về các yếu tố nguy cơ tim mạch bạn.
Trò chuyện với bác sĩ thăm khám
Có nhiều yếu tố khác nhau góp phần gây ra các vấn đề tim mạch khác nhau. Một số câu hỏi bác sĩ thường hỏi khi thăm khám:
Bạn có hút thuốc lá, uống bia rượu không?
Bạn có mắc bệnh tiểu đường không?
Bạn có đang dùng thuốc kê đơn không?
Bạn có đang mắc các vấn đề sức khỏe khác?
Bệnh sử bản thân và gia đình
Khi khám sức khỏe tim mạch, bạn sẽ được đo huyết áp, chỉ số khối cơ thể (BMI), nồng độ cholesterol và nồng độ đường trong máu. Dựa vào các kết quả kiểm tra, bác sĩ có thể đánh giá tình trạng và dự đoán nguy cơ tim mạch trong khoảng 5 năm tới.
Khám sức khỏe tim mạch: rất quan trọng và cần thiết, giúp phát hiện sớm tình trạng tim mạch để đưa ra hướng điều trị phù hợp.
Tức ngực, tăng huyết áp: tình trạng tăng áp lực bơm máu khiến tim phải làm việc nhiều hơn, dễ dẫn đến cơn đau tức ngực và gây tổn thương tim.
Khó thở, chóng mặt, tim đập nhanh: dấu hiệu phổ biến của bệnh tim mạch
Đại tháo đường (tiểu dường): bệnh lý có mối liên hệ mật thiết với sức khỏe tim mạch, khi đường huyết được kiểm soát tốt sẽ tránh tổn thương cho các mạch máu lớn nhỏ.
Hút thuốc lá: ảnh hưởng xấu tới huyết áp, làm tăng nguy cơ và tiến triển bệnh tim mạch.
Nồng độ cholesterol tăng cao: là nguyên nhân xuất hiện các mảng bám trong lòng động mạch, gây cản trở và tắc nghẽn quá trình lưu thông máu trong cơ thể, dẫn đến tăng huyết áp và các vấn đề tim mạch.
Bệnh mạn tính: một số bệnh mạn tính có ảnh hưởng trực tiếp tới huyết áp, gây tổn thương mạch máu và chức năng tim mạch.
Di truyền: yếu tố không loại trừ vì nguy cơ tim mạch tăng nếu bệnh sử gia đình mắc bệnh tim mạch. Bạn nên duy trì thăm khám sức khỏe tổng quát định mỗi 6 tháng hoặc ít nhất 1 năm 1 lần, theo dõi tình trạng huyết áp và tim mạch thường xuyên.
Bạn hoàn toàn có thể ngăn ngừa bệnh tim mạch và nguy cơ tiến triển các vấn đề tim mạch, nhồi máu cơ tim và đột quỵ bằng cách:
Chủ động thay đổi lối sống và thói quen lành mạnh, mục tiêu cải thiện và nâng cao sức khỏe tim mạch khỏe và sức khỏe tổng thể.
Tham khảo thêm các hướng dẫn về chế độ dinh dưỡng, thời lượng và mức độ vận động thể chất, đảm bảo chất lượng giấc ngủ mỗi đêm, các liệu pháp thư giãn giúp giải tỏa căng thẳng.
Tuân thủ điều trị theo chỉ định kê đơn thuốc hạ huyết áp hoặc giảm cholesterol của bác sĩ.
Bệnh viện An Sinh
Thông tin tham khảo không thay thế việc thăm khám và tư vấn bác sĩ
Bệnh viện An Sinh đã triển khai Bệnh án điện tử ngoại trú (EMR) một trong những nỗ lực nâng tầm chất lượng dịch vụ và phục vụ, mang đến trải nghiệm tiện ích công nghệ khi đi khám bệnh với ưu điểm tiết kiệm thời gian và chi phí khám chữa bệnh. Tất cả dữ liệu kết quả khám sức khỏe, các xét nghiệm và hình ảnh chẩn đoán lưu trữ lâu dài trên hệ thống PACS được kết nối với bệnh án điện tử. Bạn chủ động quản lý thông tin sức khỏe, thuận tiện cho việc theo dõi, so sánh kết quả với lần thăm khám tiếp theo để có hướng cải thiện và nâng cao sức khỏe tổng thể tốt hơn.