Kiến thức y học

Sống khỏe mạnh và hạnh phúc cùng bệnh đái tháo đường (tiểu đường)

Cập nhật lúc: 3:16:44 CH - 14/11/2023

Ngày 14/11 hàng năm được chọn là ngày Thế giới phòng, chống bệnh đái tháo đường (tiểu đường), mục đích nâng cao nhận thức toàn cầu về bệnh tiểu đường. Năm 2023 với chủ đề “Tiếp cận chăm sóc bệnh đái tháo đường”, mang tới thông điệp “Hiểu nguy cơ, Biết hành động”, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hiểu nguy cơ tiềm ẩn, từ đó biết cách phòng ngừa hiệu quả sự tiến triển của bệnh tiểu đường 

 



 

Lối sống lành mạnh không chỉ giúp bạn kiểm soát bệnh đái tháo đường (tiểu đường) tốt hơn mà còn ngăn ngừa nguy cơ tiến triển bệnh lý khác do bệnh tiểu đường.

 

Bạn có biết bệnh tiểu đường típ 2 phổ biến ở những người trên 45 tuổi? Mặc dù bệnh tiểu đường có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi nhưng có xu hướng xuất hiện vào thời điểm cơ thể có sự thay đổi liên quan đến tuổi tác, chẳng hạn như thời kỳ mãn kinh, khiến việc kiểm soát đường huyết trở nên phức tạp hơn.

 

Khi chúng ta già đi, cơ thể sẽ tự mất đi một khối lượng cơ bắp và khả năng trao đổi chất chậm lại. Sự thay đổi này không chỉ góp phần vào sự phát triển bệnh tiểu đường do chúng ảnh hưởng đến hoạt động của insulin trong cơ thể mà còn khiến việc kiểm soát đường huyết trở nên khó khăn hơn nếu mắc phải tiểu đường típ 2.

 

Đường huyết tăng cao có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng, bao gồm bệnh tim mạch, suy giảm thị lực, tổn thương thần kinh, mạch máu, suy thận mãn tính và các vấn đề sức khỏe khác. Mặc dù bệnh tiểu đường là bệnh mạn tính, không thể chữa khỏi nhưng chúng ta có thể kiểm soát tốt bằng thói quen sinh hoạt phù hợp.

 

Bệnh tiểu đường ảnh hưởng đến cả sức khỏe thể chất lẫn tinh thần, kiểm soát lượng đường thông qua chế độ ăn uống, tập thể dục, ngủ ngon giấc và tránh căng thẳng có ý nghĩa quan trọng.

 

Một số gợi ý sau đây giúp bạn kiểm soát nguy cơ để có biện pháp hành động hiệu quả, đồng thời ngăn ngừa sự tiến triển các bệnh lý khác đi kèm.

 

Sự lão hóa làm tăng nguy cơ bệnh tiểu đường típ 2

Quá trình lão hóa của cơ thể góp phần làm tăng đáng kể các nguy cơ về sức khỏe, từ bệnh tim mạch đến bệnh viêm xương khớp đến hội chứng suy giảm trí nhớ. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) lưu ý rằng khi bạn già đi, bạn có nhiều nguy cơ mắc phải một số sức khỏe cùng một lúc cho dù bạn có đang mắc bệnh tiểu đường típ 2 hay không.

 

Tình trạng viêm nhiễm là nguyên nhân gốc rễ dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe khác nhau, bệnh tiểu đường khiến tình trạng viêm nhiễm trong cơ thể trở nên trầm trọng hơn. Có thể giải thích một cách đơn giản, bệnh tiểu đường là tăng nguy cơ tiến triển các vấn đề sức khỏe khác, bao gồm bệnh tim mạch, ung thư và Alzheimer. Điều đó cũng có nghĩa khi bạn già đi, quản lý bệnh tiểu đường không chỉ kiểm soát chỉ số đường huyết mà còn giảm nguy cơ phát triển các bệnh lý khác.

 

Chủ động tích cực thay đổi lối sống lành mạnh để quản lý bệnh tiểu đường típ 2 hiệu quả hơn. Bạn có đang thực hiện điều đó không?

 

Đối với người mắc bệnh tiểu đường, tùy theo mức độ và tình trạng sức khỏe, bác sĩ có thể chỉ định kê đơn thuốc điều trị để kiểm soát đường huyết tốt hơn. Tuy nhiên, lối sống, thói quen sinh hoạt và chế độ dinh dưỡng góp phần thúc đẩy và hỗ trợ thuốc điều trị hoạt động hiệu quả hơn, tăng khả năng cải thiện và nâng cao sức khỏe tổng thể. Đây là điều bạn cần lưu ý để chung sống khỏe mạnh cùng với bệnh tiểu đường típ 2.

 

Tập thể dục

Vận động thể chất đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát tốt bệnh tiểu đường típ 2. Khi cơ thể vận động sẽ tác động tích cực tới độ nhạy của insulin trong cơ thể. Hoạt động thể chất giúp điều tiết nồng độ đường trong máu, giảm lượng cholesterol dư thừa, mang lại giấc ngủ ngon và duy trì cân nặng hợp lý. Điều cần lưu ý khi thực hiện bất kỳ chế độ luyện tập nào là tiếp tục kiểm soát đường huyết vì chúng có xu hướng giảm xuống thấp khi cơ thể vận động. Đó là lý do bác sĩ thường khuyến cáo kiểm tra đường huyết trước khi tập thể dục và nên ăn bữa nhẹ giàu protein hoặc carbs nếu mức đường huyết dưới 100 mg/dL.

 

Dinh dưỡng

Khi được bác sĩ chẩn đoán tiểu đường típ 2, một trong những điều cần lưu ý để kiểm soát đường huyết hiệu quả hơn là thay đổi chế độ ăn uống hàng ngày. Khi già đi, cơ thể sẽ phản ứng với thực phẩm theo những cách khác nhau tùy thuộc vào cơ địa mỗi người. Có thể bạn đã biết, một chế độ ăn kiêng không phù hợp với tất cả mọi người. Đó là lý do tại sao việc nhận lời khuyên từ bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng rất hữu ích trong việc cải thiện và nâng cao sức khỏe tổng thể khi mắc bệnh tiểu đường. Điều cần thiết và quan trọng là sử dụng phong phú và đa dạng các loại thực phẩm khác nhau, ưu tiên các loại thực phẩm ít đường, nhiều chất xơ như rau xanh, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt và protein nạc từ đậu nành, thịt gia cầm, sữa không béo hoặc ít béo, tăng lượng chất béo tốt là axít béo Omega-3 từ các loại cá béo, dầu thực vật.

 

Tương tác xã hội

Bất kỳ bệnh mãn tính nào, bao gồm bệnh tiểu đường típ 2, đều có thể tác động mạnh mẽ tới sức khỏe tinh thần, cảm thấy trở nên bị cô lập. Các bằng chứng khoa học cho thấy sự tương tác xã hội, đặc biệt khi sự tương tác xã hội có tính chất hỗ trợ tích cực, mang lại nhiều lợi ích lớn cho việc kiểm soát bệnh tiểu đường tốt hơn. Một phần thúc đẩy duy trì động lực trong quá trình thay đổi chế độ ăn uống và tập luyện để mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Hoạt động này còn giúp giảm nguy cơ trầm cảm và các triệu chứng liên quan đến sức khỏe tinh thần và bệnh tiểu đường.

 

Kiểm soát căng thẳng

Khi cơ thể căng thẳng sẽ kích hoạt sự tăng giảm của một số loại hormone, dẫn đến sự thay đổi nồng độ đường trong máu. Căng thẳng có thể phá vỡ một giấc ngủ ngon, tăng nguy cơ tiến triển các bệnh lý khác, ảnh hưởng đến khả năng kiểm soát và quản lý bệnh tiểu đường típ 2. Một số liệu pháp giúp xua tan căng thẳng hiệu quả có thể thực hiện bất kỳ khoảng thời gian nào trong này gồm vận động nhẹ nhàng, ngồi yên tĩnh trong vòng vài phút, thể hiện lòng biết ơn… các hoạt động tinh thần này mang lại cảm giác dễ chịu, thoải mái và có tác động tích cực đến bệnh tiểu đường típ 2.

Quản lý bệnh tiểu đường típ 2 là một nỗ lực suốt đời. Càng chú trọng đến những thói quen sinh hoạt hàng ngày thì càng có nhiều khả năng kiểm soát tốt các tác động tiêu cực tới thể chất và tinh thần do bệnh tiểu đường gây ra.

 

Những điều cần cân nhắc khi lựa chọn phương pháp điều trị bệnh tiểu đường típ 2

Một yếu tố quan trọng, đó có thể xem là yếu tố quyết định then chốt trong việc kiểm soát bệnh tiểu đường típ 2 chính là bạn và bác sĩ điều trị của bạn. Tốt nhất, bạn cần trao đổi với bác sĩ của bạn bất kỳ dấu hiệu mắc phải, thói quen lối sống, các loại thực phẩm bạn thường xuyên sử dụng qua những lần thăm khám, khám sức khỏe tổng quát định kỳ để có chiến lược quản lý sức khỏe tổng thể tốt hơn.

 

Sự kết hợp giữa kiểm soát đường huyết ngắn hạn và dài hạn bao gồm chủ động thay đổi lối sống có tác động mạnh mẽ đến khả năng cải thiện sức khỏe tổng thể và liều lượng thuốc điều trị bác sĩ kê đơn.

 

Mục tiêu cần duy trì là ổn định mức đường huyết trong giới hạn bình thường hàng ngày. Bên cạnh đó, các mục tiêu hỗ trợ cải thiện và nâng cao cho sức khỏe khi mắc bệnh tiểu đường cần cụ thể và rõ ràng, chẳng hạn như mục tiêu chạy bộ 5 km mỗi ngày hoặc thiết lập chu kỳ ngủ thức vào một giờ cố định mỗi ngày.

 

Mục tiêu càng chi tiết cụ thể rõ ràng bạn càng dễ dàng kiểm soát mức độ đường huyết hàng ngày, hiểu một cách đầy đủ về sự thay đổi các chỉ số đường huyết, kiểm soát chặt chẽ nguy cơ và ngăn ngừa sự tiến triển bệnh tiểu đường hiệu quả.

 

Một số loại thuốc điều trị cũng có thể gây ra những tác dụng phụ trong quá trình điều trị. Bạn nên trao đổi với bác sĩ để có giải pháp điều trị phù hợp, mang lại hiệu quả điều trị và không ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống hàng ngày.

 

Hầu hết mọi người có khuynh hướng cố che giấu hay kìm nén cảm xúc về tinh thần và cảm giác về thể chất mà bản thân đang trải qua. Nếu tình trạng căng thẳng xuất hiện thường xuyên, tình trạng sức khỏe không được cải thiện sau một khoảng thời gian điều trị, cách duy nhất là bạn nên nói ra suy nghĩ và cảm giác của bản thân. Có thể khó khăn lúc ban đầu nhưng đó là cách tốt nhất để mang lại kết quả điều trị tốt hơn cho sức khỏe của bạn.

 

Phòng ngừa nguy cơ tiến triển của bệnh tiểu đường típ 2

Đôi khi điều khó chịu nhất khi sống chung với bệnh tiểu đường típ 2 là các dấu hiệu và tình trạng sức khỏe dễ mắc phải. Bằng cách duy trì lối sống năng động, suy nghĩ tích cực và tuân thủ điều trị của bác sĩ, bạn có thể giảm nguy cơ tiến triển mắc các bệnh lý khác đi kèm, chẳng hạn như:

Bệnh tim mạch gồm tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, đau tim, nhồi máu cơ tim

Suy giảm trí nhớ

Một số bệnh ung thư

Bệnh về mắt như bệnh võng mạc tiểu đường, phù hoàng điểm, đục thủy tinh thể và tăng nhãn áp

Nhiễm trùng da

Bệnh thận

Trầm cảm, căng thẳng, rối loạn lo âu

Tổn thương thần kinh

Rối loạn giấc ngủ

 

Bệnh tiểu đường típ 2 không thể ngăn ngừa một số yếu tố nhất định, chẳng hạn có yếu tố di truyền. Tuy nhiên, một số bước đơn giản có thể giảm đáng kể nguy cơ biến chứng khi cơ thể già đi. Ngăn ngừa sự tiến triển bệnh tiểu đường để không xuất hiện bệnh lý đi kèm cần được thực hiện nhất quán cho một mục tiêu dài hạn, phù hợp với tình trạng sức khỏe và mức độ nguy cơ.

 

Khám sức khỏe tổng quát định kỳ và sàng lọc sớm bệnh tiểu đường

Khám sức khỏe tổng quát định kỳ cần thực hiện đều đặn mỗi 6 tháng hoặc ít nhất một năm một lần. Điều này có ý nghĩa rất quan trọng trong việc phát hiện sớm mọi vấn đề sức khỏe, trong đó có bệnh tiểu đường. Thực tế cho thấy, khám sức khỏe tổng quát định kỳ thúc đẩy bạn duy trì thói quen kiểm soát tốt bệnh tiểu đường típ 2. Bạn có thể được giới thiệu khám tư vấn với bác sĩ chuyên khoa tùy vào tình trạng sức khỏe và yếu tố nguy cơ như khám chuyên khoa tim mạch, nội tiết, thần kinh, mắt…

 

Bệnh tiểu đường típ 2 có thể làm tăng nguy cơ tiến triển các vấn đề sức khỏe khác, đi kèm với các biến chứng nghiêm trọng. Kiểm soát đường huyết hiệu quả sẽ bảo vệ sức khỏe một cách toàn diện, mang lại nhiều lợi ích tích cực cho sức khỏe tổng thể, cũng góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống tốt hơn.

 

Chung sống khỏe mạnh và hạnh phúc với bệnh tiểu đường típ 2, ngăn ngừa hiệu quả nguy cơ tiến triển các vấn đề sức khỏe khác và triệu chứng do đường huyết tăng cao, bất kể tuổi tác của bạn là điều đơn giản, bất kỳ ai cũng có thể thực hiện được. Theo thời gian, sự kết hợp giữa tuân thủ đúng phác đồ điều trị của bác sĩ với sự nỗ lực của bản thân sẽ tạo ra sự khác biệt lớn cho sức khỏe tổng thể của bạn.

 

Ngày 14/11 hàng năm được chọn là ngày Thế giới phòng, chống bệnh đái tháo đường (tiểu đường). Mục  đích nâng cao nhận thức toàn cầu về bệnh tiểu đường do Liên đoàn Đái tháo đường Quốc tế tổ chức. Mỗi năm sẽ tập trung vào một chủ đề liên quan đến bệnh tiểu đường. Chủ đề năm 2023 là “Tiếp cận chăm sóc bệnh đái tháo đường”, mang tới thông điệp “Hiểu nguy cơ, Biết hành động”, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hiểu nguy cơ tiềm ẩn, từ đó biết cách phòng ngừa và trì hoãn sự tiến triển của bệnh tiểu đường hiệu quả.

 

 

Bệnh viện An Sinh

Thông tin tham khảo không thay thế việc thăm khám và tư vấn bác sĩ

 

 

 

Bệnh viện An Sinh đã triển khai Bệnh án điện tử ngoại trú (EMR) một trong những nỗ lực nâng tầm chất lượng dịch vụ và phục vụ, mang đến trải nghiệm tiện ích công nghệ khi đi khám bệnh với ưu điểm tiết kiệm thời gian và chi phí khám chữa bệnh. Tất cả dữ liệu kết quả khám sức khỏe, các xét nghiệm và hình ảnh chẩn đoán lưu trữ lâu dài trên hệ thống PACS được kết nối với bệnh án điện tử. Bạn chủ động quản lý thông tin sức khỏe, thuận tiện cho việc theo dõi, so sánh kết quả với lần thăm khám tiếp theo để có hướng cải thiện và nâng cao sức khỏe tổng thể tốt hơn.