Tháng 10 hàng năm được chọn là tháng hành động nhằm mục đích nâng cao nhận thức về ung thư vú, tầm quan trọng của việc khám sức khỏe định kỳ và sàng lọc ung thư vú trước 40 theo khuyến cáo mới nhất. Các bác sĩ cho rằng sự kết hợp giữa 2 yếu tố lối sống và đột biến gen là nguyên nhân dẫn đến ung thư vú.
Ung thư vú là một trong những loại ung thư phổ biến ở nữ giới, sau ung thư cổ tử cung và buồng trứng. Mỗi năm ước tính khoảng hơn 200.000 phụ nữ Mỹ được chẩn đoán ung thư vú.
Ung thư vú xảy ra khi các tế bào ở bầu ngực vú phát triển bất thường, phân chia không kiểm soát và hình thành một khối bất thường dạng khối u cứng hoặc có dấu hiệu biểu hiện khác.
Điều gì khiến một người mắc bệnh ung thư vú? Các bác sĩ vẫn chưa khẳng định đột biến gen là nguyên nhân gây ra ung thư vú nhưng họ biết chắc chắn rằng có một số yếu tố nguy cơ góp phần làm tăng nguy cơ mắc ung thư vú ở một người.
Một người có thể có một hoặc nhiều hơn một yếu tố nguy cơ ung thư vú, điều đó không có nghĩa ung thư vú không tiến triển theo thời gian. Có 2 yếu tố nguy cơ thúc đẩy ung thư vú tiến triển nhanh hơn ở một người là lối sống và di truyền. Chủ động phòng ngừa và sàng lọc sớm ung thư vú là việc quan trọng bạn nên làm.
Bạn đã biết nguyên nhân dẫn đến ung thư vú? 18 yếu tố sau đây có thể khiến một người thuộc đối tượng nguy cơ cao mắc ung thư vú:
Uống bia rượu
Dù chỉ uống vài ly rượu mỗi tuần cũng làm tăng nguy cơ ung thư vú ở phụ nữ. Theo Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ, những phụ nữ uống hai hoặc ba ly rượu mỗi ngày nguy cơ ung thư vú cao hơn 20% so với những phụ nữ không uống rượu. Rượu có thể làm tăng nồng độ estrogen trong cơ thể, đó có thể là lý do rượu làm tăng nguy cơ ung thư vú.
Thừa cân béo phì
Béo phì là một yếu tố nguy cơ, đặc biệt ở phụ nữ sau mãn kinh. Trước khi mãn kinh, buồng trứng có nhiệm vụ sản xuất estrogen. Sau mãn kinh, buồng trứng ngừng sản xuất estrogen, hormone chủ yếu từ mô mỡ. Quá nhiều chất béo tích tụ trong cơ thể làm tăng nồng độ estrogen và tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư vú. Ngoài ra, phụ nữ béo phì thường có lượng insulin trong máu cao hơn, có liên quan đến ung thư vú. Phụ nữ có cân nặng lý tưởng ít có nguy cơ ung thư vú hơn.
Không tập thể dục
Hoạt động thể chất thường xuyên làm giảm nguy cơ ung thư vú, đặc biệt ở phụ nữ đã mãn kinh. Mặc dù chưa rõ một người cần vận động trong thời gian bao lâu, tuy nhiên chỉ cần tập thể dục vài giờ mỗi tuần cũng có thể hữu ích trong việc ngăn ngừa ung thư vú hơn là không vận động thể chất. Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí JAMA đã xác định nguy cơ ung thư vú giảm tới 14% ở những phụ nữ có lối sống năng động, thường xuyên vận động thể chất ở tuổi 35 so với phụ nữ ít hoặc không vận động thể chất.
Mang thai và có con muộn
Các bác sĩ nhận thấy nguy cơ mắc bệnh ung thư vú tăng nhẹ ở những phụ nữ chưa từng sinh con hoặc sinh con sau 30 tuổi. Điều đó nói lên rằng, ảnh hưởng của việc mang thai dường như phụ thuộc vào loại ung thư vú mà một người mắc phải. Chẳng hạn như, tăng nguy cơ mắc một loại ung thư vú gọi là bộ ba âm tính.
Không nuôi con bằng sữa mẹ
Khoa học đã chứng minh nuôi con bằng sữa mẹ trong khoảng một năm rưỡi đến hai năm giúp phòng ngừa ung thư vú ở nữ giới. Có thể giải thích do việc nuôi con bằng sữa mẹ giảm tổng số chu kỳ kinh trong cuộc đời của người phụ nữ và hạn chế khả năng hoạt động bất thường của các tế bào tuyến vú. Viện Ung thư vú thế giới đã kiểm tra mô vú của những phụ nữ bị ung thư vú và phát hiện ra rằng những phụ nữ cho con bú sữa mẹ có nguy cơ tái phát thấp hơn 30% và nguy cơ tử vong vì ung thư vú thấp hơn 28%.
Sử dụng thuốc ngừa thai
Các hormone trong một số phương pháp ngừa thai bao gồm thuốc tránh thai, tiêm thuốc ngừa thai và vòng tránh thai có thể làm tăng nguy cơ ung thư vú. Một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Y học New England đã nghiên cứu 1,8 triệu phụ nữ trong độ tuổi từ 15 đến 49 và nhận thấy nguy cơ phát triển ung thư vú tăng 20% ở những phụ nữ sử dụng biện pháp tránh thai nội tiết tố.
Sử dụng liệu pháp hormone sau mãn kinh
Liệu pháp hormone bằng estrogen và progesterone có thể giúp giảm các triệu chứng mãn kinh và ngăn ngừa loãng xương nhưng có thể làm tăng nguy cơ phát triển và tử vong do ung thư vú lên khoảng 75%, tăng nguy cơ ung thư vú được phát hiện ở giai đoạn tiến triển, tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, cục máu đông, nhồi máu cơ tim và đột quỵ. Theo Hiệp hội Ung thư Mỹ, rủi ro có thể lớn hơn lợi ích của liệu pháp hormone, vì vậy bạn cần thăm khám bác sĩ trước khi sử dụng.
Là phụ nữ
Ung thư vú là một loại ung thư do nội tiết tố điều khiển, sự tăng tiết estrogen khiến tế bào ung thư phát triển. Đơn giản, phụ nữ là yếu tố nguy cơ lớn nhất dẫn đến phát triển ung thư vú.
Lớn tuổi
Nguy cơ ung thư vú tăng theo tuổi tác. Hầu hết bệnh ung thư vú được phát hiện ở phụ nữ từ 55 tuổi trở lên.
Có một số gen di truyền nhất định
Khoảng 5% đến 10% ung thư vú được chẩn đoán do di truyền, nguyên nhân do đột biến gen di truyền từ cha mẹ. Cụ thể, đột biến di truyền gen BRCA1 hoặc BRCA2 là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra ung thư vú di truyền.
Bệnh sử gia đình mắc ung thư vú
Hầu hết phụ nữ mắc bệnh ung thư vú không có tiền sử gia đình mắc bệnh. Tuy nhiên, người thân trực hệ gồm mẹ, chị em gái hoặc con gái mắc bệnh ung thư vú dường như làm tăng gấp đôi hoặc gấp ba nguy cơ ung thư vú. Tỷ lệ ít hơn 15% phụ nữ mắc bệnh ung thư vú có thành viên trong gia đình mắc bệnh.
Đã từng bị ung thư vú
Nếu bạn bị ung thư vú ở một bên vú, bạn có nguy cơ cao phát triển ung thư mới ở bên vú còn lại hoặc ở phần khác của cùng một bên vú. Mặc dù nguy cơ thấp nhưng có xu hướng cao hơn đối với phụ nữ trẻ mắc bệnh ung thư vú.
Phụ nữ da đen
Phụ nữ da trắng có nguy cơ mắc ung thư vú cao hơn một chút so với phụ nữ da đen. Tuy nhiên, ung thư vú phổ biến hơn ở phụ nữ da đen dưới 45 tuổi và phụ nữ da đen có nhiều khả năng tử vong vì ung thư vú ở mọi lứa tuổi. Phụ nữ châu Á, gốc Tây Ban Nha và người Mỹ bản địa đều có nguy cơ phát triển và tử vong do ung thư vú thấp hơn.
Mô vú dày đặc
Vú được tạo thành từ mô mỡ, mô sợi và mô tuyến.Theo Hiệp hội Ung thư Mỹ, những phụ nữ có mật độ vú dày có nguy cơ mắc ung thư vú cao gấp 1,5 đến 2 lần so với những phụ nữ có mật độ vú trung bình.
Có kinh sớm
Nếu bạn có kinh trước 12 tuổi, điều đó có nghĩa là bạn trải qua nhiều chu kỳ kinh nguyệt hơn trong cuộc đời. Cơ thể tiếp xúc nhiều hơn với estrogen và progesterone, những chất làm tăng nguy cơ ung thư vú.
Mãn kinh sau 55 tuổi
Ngược lại, trải qua thời kỳ mãn kinh sau 55 tuổi có nghĩa là bạn có nhiều chu kỳ kinh nguyệt hơn, điều này lại kéo dài thời gian tiếp xúc với estrogen và progesterone, làm tăng nguy cơ ung thư vú.
Tiếp xúc với tia bức xạ khi còn bé
Ở trẻ em, việc điều trị ung thư bằng xạ trị vùng ngực làm tăng đáng kể nguy cơ phát triển ung thư vú sau này. Nguy cơ cao nhất nếu bị nhiễm xạ khi còn là thiếu niên hoặc thanh niên khi ngực vẫn đang phát triển.
Tiếp xúc với DES
Những phụ nữ dùng diethylstilbestrol (DES), một loại thuốc giống estrogen được sử dụng từ những năm 1940 đến đầu những năm 1970 để giảm nguy cơ sảy thai làm tăng nhẹ nguy cơ mắc ung thư vú sau này. Theo Hiệp hội Ung thư Mỹ, những phụ nữ có mẹ dùng DES khi mang thai cũng có thể có nguy cơ mắc ung thư vú cao hơn một chút.
Bệnh viện An Sinh (Nguồn tham khảo Prevention)
Thông tin tham khảo không thay thế việc thăm khám và tư vấn bác sĩ
Bệnh viện An Sinh đã triển khai Bệnh án điện tử ngoại trú (EMR) một trong những nỗ lực nâng tầm chất lượng dịch vụ và phục vụ, mang đến trải nghiệm tiện ích công nghệ khi đi khám bệnh với ưu điểm tiết kiệm thời gian và chi phí khám chữa bệnh. Tất cả dữ liệu kết quả khám sức khỏe, các xét nghiệm và hình ảnh chẩn đoán lưu trữ lâu dài trên hệ thống PACS được kết nối với bệnh án điện tử. Bạn chủ động quản lý thông tin sức khỏe, thuận tiện cho việc theo dõi, so sánh kết quả với lần thăm khám tiếp theo để có hướng cải thiện và nâng cao sức khỏe tổng thể tốt hơn.