Kiến thức y học

Bệnh đái tháo đường những điều cần lưu ý (phần 2)

Cập nhật lúc: 10:32:25 SA - 23/10/2023

Theo Hiệp hội Đái tháo đường Thế giới (IDF), năm 2019 toàn thế giới có 463 triệu người (trong độ tuổi 20 - 79) mắc bệnh đái tháo đường, ước tính có khoảng 578 triệu người vào năm 2030 và 700 triệu người vào năm 2045, cứ 10 người lớn sẽ có 1 người mắc đái tháo đường. Tuy nhiên, gần một nửa số người đang sống với bệnh đái tháo đường không được chẩn đoán, cứ 2 người sẽ có 1 người không biết mình mắc bệnh

 



 

Trong những năm gần đây, số bệnh nhân đái tháo đường đang có xu hướng gia tăng nhanh với nhiều biến chứng nặng nề như biến chứng tim mạch, thận, mắt, thần kinh… trở thành nỗi lo ngại hàng đầu của toàn xã hội. Việc trang bị những hiểu biết về triệu chứng bệnh đái tháo đường sẽ giúp phát hiện sớm, điều trị hiệu quả bệnh ngay từ giai đoạn đầu.

 

Theo thống kê của Hiệp hội Đái tháo đường Thế giới (IDF), năm 2019 toàn thế giới có 463 triệu người (trong độ tuổi 20 - 79) mắc bệnh đái tháo đường, dự kiến sẽ ở mức 578 triệu người vào năm 2030 và 700 triệu người vào năm 2045, hay nói cách khác 1 người trong 10 người lớn sẽ có bệnh đái tháo đường.

 

Tuy nhiên, gần một nửa số người đang sống với bệnh đái tháo đường (độ tuổi 20 - 79) không được chẩn đoán (46,5%), nghĩa là cứ 2 người mắc bệnh sẽ có 1 người không biết mình bị bệnh. Ước tính hơn 4 triệu người trong độ tuổi từ 20 - 79 đã tử vong vì các nguyên nhân liên quan đến bệnh đái tháo đường trong năm 2019. Việc điều trị bệnh ở giai đoạn muộn sẽ có nguy cơ gặp nhiều biến chứng nguy hiểm, ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống của bệnh nhân.

 

Biến chứng nguy hiểm của đái tháo đường

Mạch máu: Việc tăng glucose máu kéo dài có thể làm tổn thương mạch máu. Nếu tổn thương ở mạch máu lớn có thể gây ra bệnh tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, hẹp các động mạch tứ chi, đặc biệt là 2 chi dưới gây tắc mạch gây hoại tử chi. Tổn thương ở mạch máu nhỏ sẽ gây rối loạn hoạt động chức năng của các cơ quan như thận, mắt, thần kinh ngoại biên. Nếu không được điều trị hiệu quả có thể gây suy thận mãn dẫn đến nguy cơ phải chạy thận nhân tạo hay phải ghép thận, giảm thị lực dẫn đến mù lòa, mất cảm giác 2 chi dưới, loét chân và biến dạng chân…

Ngoại ra, đái tháo đường còn gây ra các biến chứng cấp tính.

Tăng áp lực thẩm thấu máu, hay nhiễm ceton acid: đây là những tình huống tăng đường huyết rất cao, có thể tử vong.

Ngược lại, trong quá trình điều trị đái tháo đường, bệnh nhân có thể bị hạ đường huyết. Tình trạng hạ đường huyết có thể gây những triệu chứng nặng như co giật, hôn mê, thậm chí tử vong.

Ngoài ra, ở người mắc đái tháo đường, tình trạng tăng đường huyết có thể ức chế hoạt động miễn dịch cơ thể, nên sẽ dễ bị nhiễm trùng hơn, cũng như có thể nhiễm trùng nặng hơn. Một số nhiễm trùng thường gặp như nhiễm trùng bàn chân, nhiễm trùng tiểu, viêm phổi…

 

Cách chẩn đoán bệnh đái tháo đường

Theo Hiệp hội Đái tháo đường Mỹ (ADA), tiêu chuẩn dùng trong chẩn đoán bệnh đái tháo đường được dựa vào 1 trong 4 tiêu chuẩn sau:

Glucose huyết tương lúc đói (fasting plasma glucose - FPG) ≥ 126 mg/dL hoặc 7 mmol/L. Bệnh nhân cần nhịn ăn ít nhất 8 giờ, không được uống nước ngọt, có thể uống nước lọc.

Glucose huyết tương ở thời điểm sau 2 giờ làm nghiệm pháp dung nạp glucose đường uống 75g (oral glucose tolerance test - OGTT) ≥ 200 mg/dl hoặc 11.1 mmol/L. Bệnh nhân cần nhịn đói từ nửa đêm trước làm nghiệm pháp, sử dụng lượng glucose tương đương 75g glucose hòa tan trong khoảng 250 - 300ml nước, uống trong 5 phút; 3 ngày trước đó cần ăn khẩu phần ăn có khoảng 150 - 200g carbohydrate/ngày.

HbA1c ≥ 6.5%. Khuyến cáo xét nghiệm này cần được tiến hành ở phòng thí nghiệm đã được chuẩn hóa theo tiêu chuẩn quốc tế.

Trường hợp có triệu chứng kinh điển của tăng glucose huyết (tiểu nhiều, ăn uống nhiều mà sụt cân không rõ nguyên nhân…) hoặc mức glucose huyết tương ở bất cứ thời điểm nào ≥ 200 mg/dL hoặc 11.1 mmol/L.

Trường hợp không có các triệu chứng của tăng glucose huyết kể trên, các xét nghiệm có thể cần được thực hiện lặp lại lần thứ 2, cách lần đầu khoảng 1 - 7 ngày để có kết quả chẩn đoán chính xác.

 

Phương pháp điều trị bệnh đái tháo đường

Hiện nay có rất nhiều phương pháp điều trị bệnh đái tháo đường. Trong đó, việc điều chỉnh chế độ ăn uống hàng ngày cùng với thiết lập chế độ tập luyện hợp lý kết hợp theo dõi đường huyết thường xuyên là những việc làm quan trọng nhất mặc dù ở thể bệnh nào.

Ở thể đái tháo đường típ 1, bệnh nhân được chỉ định dùng insulin trong suốt quãng đời còn lại vì cơ thể đã không còn khả năng tự sản xuất insulin.

Ở thể đái tháo đường típ 2, nếu bệnh nhân không cải thiện được tình trạng tăng lượng đường trong máu bằng chế độ dinh dưỡng và tập luyện thể dục hàng ngày, bệnh nhân có thể sử dụng thuốc điều trị đái tháo đường dạng uống hoặc tiêm để ổn định lượng đường trong máu.

Để bệnh không tiến triển nặng, đường huyết ổn định, bệnh nhân đái tháo đường cần có kế hoạch theo cân đối lượng carbohydrate hay tinh bột, cũng như hạn chế sử dụng các loại thực phẩm chế biến sẵn, ít chất xơ, hạn chế  thực phẩm có chỉ số đường huyết cao.

Cần lưu ý rằng, đường huyết có thể thay đổi và tiến triển khác nhau theo thời gian, do đó bệnh cần được thăm khám, đánh giá chính xác tình trạng hiện tại để có kế hoạch điều trị thích hợp và hiệu quả. Do đó, bệnh nhân cần thăm khám định kỳ và tuân thủ đúng chỉ định điều trị của bác sĩ.

 

Phòng ngừa bệnh đái tháo đường

Không thể phòng ngừa được bệnh đái tháo đường típ 1, nhưng bệnh nhân hoàn toàn có thể giảm bớt nguy cơ bệnh tiến triển thành đái tháo đường típ 2 bằng cách điều chỉnh chế độ ăn uống hàng ngày, có kế hoạch tập luyện thể chất đều đặn, hợp lý.

 

Chế độ ăn uống

Chế độ ăn uống đóng vai trò cực kỳ quan trọng, giúp bệnh nhân đái tháo đường kiểm soát bệnh.

Nguyên tắc cơ bản trong chế độ ăn bệnh đái tháo đường là đảm bảo cung cấp đủ dinh dưỡng, không làm tăng đường huyết nhiều sau ăn, không làm hạ đường huyết xa bữa ăn nhằm duy trì hoạt động thể lực bình thường và duy trì cân nặng hợp lý.

Thiết kế bữa ăn đơn giản, không quá đắt tiền và phù hợp với tập quán địa phương.

Cân bằng tỷ lệ carbohydrate, protein và chất béo; bổ sung những loại thực phẩm giàu dinh dưỡng, ít chất béo và calo như rau củ, trái cây, các loại ngũ cốc nguyên hạt; … Bệnh nhân có thể tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc các chuyên gia dinh dưỡng để được hướng dẫn chế độ ăn uống thích hợp.

 

Vận động

Việc vận động không chỉ giúp giảm chỉ số đường huyết, duy trì cân nặng ở mức ổn định mà còn giúp giảm nguy cơ bệnh tim mạch… Khuyến cáo bệnh nhân đái tháo đường tập thể dục thể thao ít nhất 5 ngày mỗi tuần với thời gian tập 30 phút mỗi ngày. Đối với người lớn tuổi, không thể tập kéo dài 30 phút có thể tập ngắn 10 - 15 phút 2 - 3 lần/ngày. Một số trường hợp có lớn tuổi, có bệnh tim mạch,  bệnh nhân có thể tham khảo ý kiến bác sĩ để được hướng dẫn bài tập phù hợp.

 

Một số câu hỏi thường gặp về bệnh đái tháo đường

Bệnh đái tháo đường có lây không thưa bác sĩ?

Đái tháo đường không phải một bệnh lý có tác nhân truyền nhiễm như virus, vi khuẩn hay ký sinh trùng. Vì vậy, đái tháo đường sẽ không lây khi tiếp xúc hay sử dụng chung vật dụng với nhau.

Như đã trình bày, đái tháo đường có yếu tố di truyền và cả môi trường. Nếu trong gia đình có người mắc đái tháo đường như bố mẹ, anh chị em bị đái tháo đường sẽ có nguy cơ cao bị mắc đái tháo đường.

Ngoài ra cần lưu ý là những người có thể không có mối quan hệ huyết thống, hay không cùng di truyền, nhưng sống trong cùng gia đình, hay ở chung nhà, có cách ăn uống như nhau, chẳng hạn như sử dụng nhiều tinh bột, nhiều thức ăn ngọt, ít tập luyện thì cũng có nguy cơ tăng cân như nhau và cũng sẽ có những nguy cơ tương tự nhau.

 

Vì sao trẻ em lại mắc bệnh đái tháo đường? Ba mẹ cần làm gì khi con em bị đái tháo đường từ nhỏ?

Ngoài đái tháo đường típ 2 thường gặp ở người trưởng thành, chúng ta còn có những thể đái tháo đường khác có thể gặp ở trẻ em. Một số bệnh lý di truyền hiếm gặp, có thể gây đái tháo đường từ khi vừa sinh ra, cơ chế bệnh thì rất phức tạp, nhưng cũng may là thể loại bệnh này rất hiếm. Phần lớn, trẻ em mắc đái tháo đường típ 1, thường gặp ở trẻ lứa tuổi thiếu nhi và thanh thiếu niên. Bệnh là bệnh tự miễn, cơ thể sản sinh ra các kháng thể phá hủy tế bào tiết insulin của tụy, do giảm insulin trong máu nên đường huyết tăng lên cao.

Một điều cần lưu ý là đối với một số trường hợp trẻ béo phì nặng có nguy cơ cao, vẫn có thể bị đái tháo đường típ 2.

Đối với trường hợp bố mẹ có con bị đái tháo đường, thì việc đầu tiên cần làm là đến khám các bác sĩ chuyên khoa về Nội tiết hay Nhi khoa chuyên về lĩnh vực Nội tiết để khám, chẩn đoán chính xác, đưa ra các phác đồ điều trị và theo dõi đường huyết phù hợp.

Ngoài ra, bố mẹ có thể cho trẻ khám thêm bác sĩ chuyên về dinh dưỡng để hướng dẫn chế độ ăn phù hợp với trẻ em.

 

Bệnh đái tháo đường có điều trị hết, dứt điểm được không?

HIện tại, đái tháo đường típ 1 và đái tháo đường típ 2 chưa thể điều trị khỏi hoàn toàn. Một số nhà khoa học cũng đang tìm kiếm các phương pháp như ghép tụy, ghép tiểu đảo tụy hay liệu pháp tế bào gốc. Tuy nhiên hiệu quả của các phương pháp này vẫn còn đang tranh cãi và chưa thống nhất. Chính vì vậy, những người mắc đái tháo đường nên tập trung vào việc theo đuổi chế độ ăn lành mạnh, có lượng carbohydrate vừa phải, giàu xơ, ít cholesterol, tăng cường tập luyện. Tuân thủ điều trị và tái khám thường xuyên để có được kết quả đường huyết tốt nhất.

 

Bệnh đái tháo đường có bị di truyền không thưa bác sĩ?

Đái tháo đường là một bệnh lý có tính di truyền. Tuy nhiên yếu tố di truyền chỉ đóng phần một phần, khả năng mắc bệnh còn phụ thuộc vào môi trường, tức là cách sinh hoạt và ăn uống. Bố mẹ mắc đái tháo đường thì con có nguy cơ cao, dễ bị đái tháo đường. Tuy nhiên xác xuất này không phải là 100%. Có nghĩa là bố mẹ bị đái tháo đường, nếu bạn duy trì chế độ ăn tập luyện tốt, vẫn có thể sẽ không bị đái tháo đường hoặc nếu bị thì mức độ cũng nhẹ và đường huyết có thể kiểm soát tốt trong mục tiêu. 

Dù vậy, những người có nguy cơ cao nhưng bố mẹ không bị đái tháo đường không đồng nghĩa với việc bạn sẽ không bao giờ bị đái tháo đường. Nếu ăn uống thiếu kiểm soát, không tập luyện, dẫn đến thừa cân béo phì thì vẫn có khả năng bị đái tháo đường.

Chính vì vậy, cho dù chúng ta có hay không có nguy cơ di truyền từ gia đình thì cũng đều nên duy trì lối sống lành mạnh, ăn uống và nghỉ ngơi khoa học và hợp lý để có sức khỏe tốt nhất.

 

Nội dung được thực hiện trong Chương trình Radio FM Sức khỏe Tần số 98.9 Mhz, phát sóng vào lúc 15 giờ, ngày 11/10/2023, chủ đề “Đái tháo đường những điều cần lưu ý”. Tiến sĩ Bác sĩ Nguyễn Thế Thành, Phòng khám Nội tiết, Khoa Khám bệnh Bệnh viện An Sinh chia sẻ kiến thức và giải đáp thắc mắc cho quý khán thính giả. 

 

Bệnh viện An Sinh

Thông tin tham khảo không thay thế việc thăm khám và tư vấn bác sĩ

 

   

Bệnh viện An Sinh đã triển khai Bệnh án điện tử ngoại trú (EMR) một trong những nỗ lực nâng tầm chất lượng dịch vụ và phục vụ, mang đến trải nghiệm tiện ích công nghệ khi đi khám bệnh với ưu điểm tiết kiệm thời gian và chi phí khám chữa bệnh. Tất cả dữ liệu kết quả khám sức khỏe, các xét nghiệm và hình ảnh chẩn đoán lưu trữ lâu dài trên hệ thống PACS được kết nối với bệnh án điện tử. Bạn chủ động quản lý thông tin sức khỏe, thuận tiện cho việc theo dõi, so sánh kết quả với lần thăm khám tiếp theo để có hướng cải thiện và nâng cao sức khỏe tổng thể tốt hơn.